Bước phát triển trong công tác quy hoạch và xây dựng các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Toàn cảnh KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Xin ông giới thiệu đôi nét về những kết quả, mà Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã đạt được trong công tác quản lý quy hoạch các KCN tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2022?

Phó Trưởng ban Vũ Kim Thành: Trong năm 2022, Ban Quản lý đã trình UBND Tỉnh ban hành Quyết định thành lập KCN Nam Bình Xuyên; hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các KCN: Phúc Yên, Bình Xuyên II (Giai đoạn 2) và KCN Đồng Sóc (trong đó Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Phúc Yên và KCN Đồng Sóc); trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh vị trí quy hoạch phát triển KCN Lập Thạch I và KCN Lập Thạch II; rà soát triển khai các thủ tục bổ sung KCN Bình Xuyên - Yên Lạc vào quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn Tỉnh.

Ban đã phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn để hoàn thiện quy hoạch lại mạng lưới các KCN trên địa bàn Tỉnh (Phương án phát triển KCN để tích hợp vào Quy hoạch Tỉnh). Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại mạng lưới các KCN trên địa bàn Tỉnh cơ bản đã hoàn chỉnh.

Tính đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã có 16 KCN được cấp quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 15.548 tỷ đồng và 212,53 triệu USD (riêng KCN Phúc Yên chưa có chủ đầu tư dự án nên chưa đưa vốn đầu tư dự án vào theo dõi). Tổng diện tích đất quy hoạch là 3.093,85 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch 2.262,12 ha; diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng và có thể cho thuê là 1.883,79 ha; tổng diện tích đất đã cho thuê/đăng ký thuê là 1.293,13 ha.

Cùng với đó, trình UBND Tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KCN Nam Bình Xuyên; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KCN Bá Thiện - Phân khu I (lần 2), phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KCN Sông Lô II; đề nghị UBND Tỉnh chấp thuận Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư về thời gian thực hiện dự án KCN Bá Thiện II; báo cáo UBND Tỉnh về việc triển khai thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Sóc.

Triển khai cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng tại các KCN: Khai Quang, Bình Xuyên, Sơn Lôi, Nam Bình Xuyên, Bá Thiện II, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - khu vực 2, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực 2 - giai đoạn 1), Bình Xuyên II và Tam Dương II – khu A, thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án của các KCN: Khai Quang, Nam Bình Xuyên, Tam Dương I- Khu vực 2, Sông Lô I, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực 2 - giai đoạn 1).

Hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc có 09 KCN đã đi vào hoạt động với cơ sở hạ tầng các KCN đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Một số KCN đã cho thuê hết 100% đất công nghiệp, các KCN còn lại đang tiếp tục triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

PV: Được biết năm 2022, Ban Quản lý đã tích cực đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN để tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này, cũng như công tác quản lý, vận hành KCN Bá Thiện II?

Phó Trưởng ban Vũ Kim Thành: Để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư vào các KCN, việc phát triển các KCN đồng bộ và hoàn chỉnh là một trong các nhiệm vụ hết sức quan trọng được Ban Quản lý quan tâm và coi trọng.

Năm 2022, Ban thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN trên địa bàn Tỉnh; kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển KCN theo quy hoạch và kế hoạch, giám sát chủ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các công trình quan trọng, thiết yếu như: nhà máy xử lý nước thải; đường giao thông; hệ thống chiếu sáng; cây xanh…; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các KCN hiện có, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN.

Về tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN

Hiện có 08 KCN đã đi vào hoạt động với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp, gồm: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bình Xuyên II – giai đoạn 1, Bá Thiện, Bá Thiện II, Tam Dương II – khu A, Thăng Long Vĩnh Phúc; trong đó có KCN Thăng Long Vĩnh Phúc và KCN Bá Thiện II được đầu tư hạ tầng đồng bộ, tiên tiến, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

06 KCN đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật gồm: Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I – khu vực 2, Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1), Nam Bình Xuyên; trong đó 03 KCN: Sơn Lôi, Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1) và Nam Bình Xuyên đã tổ chức khởi công trong năm 2022.

KCN Đồng Sóc: Ban Quản lý các KCN đang tham mưu UBND Tỉnh, xin ý kiến các ngành về phương án triển khai dự án.

KCN Phúc Yên: UBND Tỉnh đã phê duyệt tổng vốn đầu tư dự án. Ban Quản lý các KCN tiếp tục tham mưu UBND Tỉnh lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Năm 2022, Ban đã thực hiện cấp Giấy phép xây dựng (cấp mới/cấp cải tạo) cho 40 dự án; thẩm định/thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi cho 18 dự án.

Về công tác quản lý, vận hành KCN Bá Thiện, trong năm 2022 Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư – đơn vị trực thuộc Ban thực hiện ký kết biên bản thỏa thuận các điểm đấu nối hạ tầng kỹ thuật KCN với các doanh nghiệp thứ cấp; đề nghị các nhà mạng cung cấp dịch vụ hạ ngầm đường viễn thông trong KCN đảm bảo đúng quy hoạch, an toàn phòng cháy chữa cháy và mỹ quan KCN; làm việc với Công ty Cổ phần cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc nâng cấp đường ống cấp nước cho KCN, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước khi tăng công suất của các doanh nghiệp thứ cấp; phối hợp với Công ty Cổ phần phát triển và kinh doanh nhà (HDTC) triển khai việc xử lý nước thải cho các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN; tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ vòng ngoài, đảm bảo an ninh trật tự tại KCN; thực hiện tốt công tác vệ sinh các tuyến đường, vỉa hè, cống rãnh thoát nước; chăm sóc cây xanh, cây viền và thảm cỏ; kịp thời sửa chữa, thay thế, đảm bảo hệ thống chiếu sáng trong các KCN; chủ động công tác phòng chống cháy và lấy mẫu quan trắc môi trường định kỳ.

Bước phát triển trong công tác quy hoạch và xây dựng các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Toàn cảnh KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Trong quá trình triển khai công tác quy hoạch, phát triển các KCN, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang phải giải quyết những khó khăn, vướng mắc gì và nguyên do đâu, thưa ông?

Phó Trưởng ban Vũ Kim Thành: Trong quá trình triển khai công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, do các nguyên nhân cả chủ quan và khách quan tác động, dưới đây là một số ví dụ điển hình:

Một số KCN đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chưa đồng bộ, chưa đảm bảo môi trường KCN như: KCN Tam Dương II - khu A (chưa đầu tư xây dựng hệ thống trạm xử lý nước thải, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ); KCN Sơn Lôi (đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy xử lý nước thải). Nguyên nhân là do chủ đầu tư hạ tầng KCN chưa tích cực, nghiêm túc thực hiện, mặc dù Ban Quản lý đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở.

Việc đầu tư hạ tầng các khu tái định cư, khu nghĩa trang... chưa kịp thời, khiến cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số KCN kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hạ tầng của các KCN, đặc biệt là các KCN mới thành lập năm 2021 (Sông Lô I và Sông Lô II; Nam Bình Xuyên; Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa; Tam Dương I- khu vực 2). Nguyên nhân là do một số hộ dân yêu cầu được bồi thường với đơn giá thỏa thuận, chưa thực sự hợp tác trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; do khác biệt về giá đền bù (cụ thể: cùng một khu vực khó khăn nhưng phân chia các vùng khác nhau nên giá đất và các khoản hỗ trợ khác nhau); bên cạnh đó, một số chủ đầu tư hạ tầng KCN chưa tích cực phối hợp với đơn vị tổ chức bồi thường.

Quỹ đất sạch hiện sẵn sàng cho thu hút đầu tư trong các KCN còn ít. Đến nay, diện tích đất cần bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số KCN đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định thành lập KCN và đi vào hoạt động còn nhiều. Nguyên nhân: (1) Do thời gian dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, dẫn đến kế hoạch, chiến lược đầu tư, năng lực triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng KCN của một số chủ đầu tư bị giảm sút; (2) Một số hộ dân không kê khai bồi thường, không nhận tiền bồi thường, không phối hợp với tổ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng không chấp nhận mức giá nhà nước công bố, đề nghị được thỏa thuận hoặc tăng giá... mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, giải thích, vận động nhưng vẫn chưa giải quyết được.

PV: Ban Quản lý sẽ triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nào để thực hiện hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, vận hành và phát triển các KCN trong năm 2023, thưa ông?

Phó Trưởng ban Vũ Kim Thành: Sang năm 2023, Ban Quản lý tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN đã đi vào hoạt động và các KCN mới có quyết định thành lập, tạo quỹ đất sạch để đầu tư hạ tầng, thu hút dự án đầu tư mới.

Phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề có liên quan đối với các KCN Lập Thạch I và Lập Thạch II, Chấn Hưng trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Rà soát những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN trên địa bàn Tỉnh để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích KCN.

Kiểm tra toàn bộ hệ thống hạ tầng trong các KCN. Yêu cầu, đôn đốc, giám sát chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trong KCN theo đúng quy hoạch được duyệt.

Tiếp tục đề xuất cải tạo, nâng cấp, làm mới công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, các khu vệ tinh như: Khu dân cư, khu đô thị, khu thiết chế văn hóa, khu nhà ở công nhân… để đảm bảo cho sự phát triển ngày càng bền vững, góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư, gắn kết các KCN trên địa bàn Tỉnh./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bước phát triển trong công tác quy hoạch và xây dựng các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Một góc KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc