Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định nghỉ học của sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam
Vũ Ngọc Thắng
Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam
Hoàng Ngọc Huyền, Vũ Thị Kim Thủy, Đặng Minh Quang
Sinh viên khóa 17, ngành Marketing, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam
Tóm tắt
Thông qua kết quả khảo sát được thu thập từ 327 sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam, nghiên cứu nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định nghỉ học của sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 4 nhân tố chính ảnh hưởng đến Quyết định nghỉ học gồm: Bản thân sinh viên, Gia đình, Cơ sở đào tạo và Các nhân tố xã hội. Trong đó, Bản thân sinh viên là nhân tố quan trọng nhất. Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở để Nhà trường xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tỷ lệ nghỉ học của sinh viên.
Từ khóa: quyết định nghỉ học, sinh viên, đại học, nhân tố xã hội, hồi quy đa biến
Summary
Through the survey results collected from 327 students of the Faculty of Business Administration, Dai Nam University, the study aims to analyze the factors affecting the decision to drop out of school of students of the Faculty of Business Administration, Dai Nam University. The research results show 4 main factors impacting the decision to drop out of school, including the Students themselves, Family, Training Institutions and Social factors. Students themselves are the most crucial factor. The research results provide the basis for the University to develop support policies to reduce the rate of student dropout.
Keywords: decision to drop out of school, students, university, social factors, multivariate regression
ĐẶT VẤN ĐỀ
Giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (Hoàng Văn Mạnh, 2024). Tuy nhiên, tại nhiều trường đại học ở Việt Nam, tình trạng sinh viên nghỉ học trước khi hoàn thành chương trình đào tạo vẫn diễn ra phổ biến. Hiện tượng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên giáo dục, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội nghề nghiệp của sinh viên cũng như uy tín và chất lượng đào tạo của nhà trường. Quyết định nghỉ học có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau (Nguyễn Văn Định và Cao Thị Sen, 2020). Việc sinh viên nghỉ học tại các trường đại học đặt ra một câu hỏi lớn cho các cơ sở giáo dục về nguyên nhân dẫn tới các quyết định này của sinh viên (Nguyễn Thiều Tuấn Long, 2022). Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng quyết định nghỉ học không chỉ do một nhân tố đơn lẻ mà là kết quả của sự tác động đồng thời từ nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố có thể thay đổi tùy vào đặc điểm của từng nhóm sinh viên và môi trường học tập cụ thể. Trong bối cảnh Trường Đại học Đại Nam đang hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo, hiểu rõ nguyên nhân sinh viên bỏ học sẽ giúp Nhà trường có những chính sách hỗ trợ hiệu quả, tạo điều kiện cho sinh viên duy trì động lực học tập và hoàn thành chương trình đào tạo.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Quyết định nghỉ học của sinh viên đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau. Một số nghiên cứu tập trung vào nhân tố cá nhân, cho rằng động lực học tập, khả năng thích ứng và vấn đề tài chính đóng vai trò quan trọng trong quyết định nghỉ học. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác lại nhấn mạnh tác động của gia đình, môi trường học tập và ảnh hưởng từ xã hội.
Tinto (1993) đã phát triển mô hình rời bỏ sinh viên, trong đó nhấn mạnh rằng, quyết định nghỉ học là kết quả của quá trình tương tác giữa cá nhân sinh viên và môi trường đại học. Sinh viên có thể rời bỏ chương trình học nếu họ không cảm thấy được gắn kết về mặt học thuật hoặc xã hội. Bean và Metzner (1985) cũng cho rằng, sinh viên không chỉ bị ảnh hưởng bởi nhân tố nội tại (động lực học tập, khả năng tự học), mà còn bởi các nhân tố bên ngoài như hoàn cảnh gia đình, áp lực tài chính và môi trường xã hội.
Bên cạnh đó, Pascarella và Terenzini (2005) đã nhấn mạnh vai trò của chất lượng đào tạo và phương pháp giảng dạy trong việc giữ chân sinh viên. Nếu sinh viên cảm thấy nội dung chương trình học không phù hợp, quá khó hoặc ít tính thực tiễn, họ sẽ có xu hướng mất động lực học tập và quyết định rời bỏ trường học. Bourdieu (1986) với lý thuyết vốn xã hội, cũng chỉ ra rằng, những sinh viên đến từ gia đình có nền tảng giáo dục tốt thường có khả năng hoàn thành chương trình học cao hơn, do họ nhận được sự hỗ trợ và định hướng rõ ràng từ cha mẹ.
Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cũng đã xem xét vấn đề này trong bối cảnh giáo dục đại học. Nguyễn Thiều Tuấn Long (2022) đã tiến hành tổng hợp các cách tiếp cận trong nghiên cứu về hiện tượng nghỉ học của sinh viên hiện nay, từ đó đề xuất một mô hình nghiên cứu thực nghiệm trong tương lai. Đinh Bá Hùng Anh và cộng sự chỉ ra rằng có 5 nhân tố: nhân khẩu học, động lực học tập, môi trường xã hội, kết quả học tập và thể chế giáo dục là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ học của sinh viên (Đinh Bá Hùng anh và cộng sự, 2021). Nguyễn Văn Định, Cao Thị Sen (2020) đã chỉ ra, có 5 nhân tố ảnh hưởng đến quyết định học đại học của sinh viên tại Trường Đại học Nam Cần Thơ gồm: Nhân sự của trường, Hoạt động hỗ trợ sinh viên, Nỗ lực giao tiếp của Trường Đại học, Hỗ trợ tài chính và thủ tục, Cơ sở vật chất.
Mô hình nghiên cứu đề xuất
Dựa trên các lý thuyết và nghiên cứu trước, mô hình nghiên cứu đề xuất được xây dựng với biến phụ thuộc là Quyết định nghỉ học (NH) và 4 biến độc lập là: Bản thân sinh viên (BT), Gia đình (GD), Cơ sở đào tạo (CS) và Xã hội (XH). Mô hình hồi quy đa biến được biểu diễn như sau:
![]() |
Dựa trên mô hình nghiên cứu này, các giả thuyết được đề xuất như sau:
H1: Bản thân sinh viên có ảnh hưởng tiêu cực đến Quyết định nghỉ học của sinh viên.
H2: Gia đình có ảnh hưởng tiêu cực đến Quyết định nghỉ học của sinh viên.
H3: Cơ sở đào tạo có ảnh hưởng tiêu cực đến Quyết định nghỉ học của sinh viên.
H4: Xã hội có ảnh hưởng tiêu cực đến Quyết định nghỉ học của sinh viên.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành dựa trên phương pháp định lượng, sử dụng dữ liệu khảo sát từ 327 sinh viên của Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam. Thời gian khảo sát được tiến hành trong tháng 01/2025. Dữ liệu thu thập được phân tích bằng các kỹ thuật thống kê, bao gồm thống kê mô tả để đánh giá đặc điểm nhân khẩu học, kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha để xác định mức độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA) để xác định các nhóm nhân tố chính và phân tích hồi quy đa biến để đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến quyết định nghỉ học của sinh viên (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kiểm định độ tin cậy thang đo
Để đánh giá độ tin cậy của thang đo, nghiên cứu sử dụng kiểm định Cronbach’s Alpha cho từng nhóm biến. Kết quả được trình bày trong Bảng 1.
Bảng 1: Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha
Nhóm nhân tố | Số biến quan sát | Cronbach’s Alpha |
---|---|---|
Bản thân sinh viên (BT) | 5 | 0.890 |
Gia đình (GD) | 5 | 0.894 |
Cơ sở đào tạo (CS) | 5 | 0.880 |
Xã hội (XH) | 5 | 0.907 |
Quyết định nghỉ học (NH) | 3 | 0.817 |
Kết quả ở Bảng 1 cho thấy, tất cả các nhóm nhân tố đều có Cronbach’s Alpha > 0.8, chứng tỏ thang đo có độ tin cậy tốt, có thể sử dụng trong các phân tích tiếp theo.
Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Để kiểm tra mức độ phù hợp của dữ liệu với phân tích nhân tố, nghiên cứu tiến hành kiểm định KMO và Bartlett. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số KMO = 0.856, đạt yêu cầu (> 0.5), cho thấy dữ liệu phù hợp để thực hiện phân tích nhân tố. Kiểm định Bartlett có Sig. = 0.000, chứng tỏ các biến có mối tương quan đủ mạnh để thực hiện phân tích nhân tố.
Phân tích EFA đã xác định 4 nhân tố chính, giải thích 71.179% tổng phương sai của dữ liệu. Điều này khẳng định mô hình nghiên cứu có độ phù hợp cao và đủ cơ sở để thực hiện phân tích hồi quy.
Khi tiến hành đánh giá mức độ phù hợp của mô hình cho thấy, hệ số R² = 0.512, cho thấy mô hình giải thích 51.2% sự biến động của Quyết định nghỉ học. Durbin-Watson = 1.967, nằm trong khoảng 1.5 - 2.5, chứng tỏ không có hiện tượng tự tương quan giữa các biến. Kiểm định ANOVA: F = 84.407, Sig. < 0.001, cho thấy mô hình có ý nghĩa thống kê.
Phân tích hồi quy đa biến
Bảng 2: Kết quả phân tích hồi quy
Biến độc lập | Hệ số hồi quy (β) | Tỷ số t | Sig. |
---|---|---|---|
Bản thân sinh viên (BT) | 0.264 | 7.858 | 0.000 |
Gia đình (GD) | 0.212 | 7.277 | 0.000 |
Cơ sở đào tạo (CS) | 0.210 | 4.749 | 0.000 |
Xã hội (XH) | 0.216 | 6.691 | 0.000 |
Hằng số | 0.175 | 0.953 | 0.341 |
Bảng 2 cho thấy, tất cả các biến độc lập đều có p-value < 0.05, chứng tỏ 4 biến này đều có ảnh hưởng đáng kể đến Quyết định nghỉ học của sinh viên. Dựa trên kết quả phân tích nhân tố, mô hình hồi quy được xây dựng với biến phụ thuộc là Quyết định nghỉ học (NH) và 4 biến độc lập gồm: Bản thân sinh viên (BT), Gia đình (GD), Cơ sở đào tạo (CS) và Xã hội (XH). Mô hình hồi quy có dạng:
NH= 0.175 +0.264BT + 0.212GD + 0.210CS + 0.216XH + e
Trong số các nhân tố, Bản thân sinh viên (BT) có tác động mạnh nhất, nghĩa là những sinh viên thiếu động lực học tập, có sức khỏe tâm lý kém hoặc gặp khó khăn tài chính có nguy cơ bỏ học cao nhất. Tiếp theo là nhân tố Xã hội (β = 0.216), gia đình (β = 0.212) và cuối cùng là Cơ sở đào tạo (β = 0.210).
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý
Kết luận
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Quyết định nghỉ học của sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam chịu ảnh hưởng đáng kể từ 4 nhân tố: Bản thân sinh viên, Gia đình, Cơ sở đào tạo và Xã hội.
Hàm ý quản trị
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, quyết định nghỉ học của sinh viên không phải do một nguyên nhân duy nhất, mà là sự tác động đồng thời của nhiều nhân tố. Trong đó, nhân tố bản thân có ảnh hưởng mạnh nhất, cho thấy rằng, việc nâng cao động lực học tập, hỗ trợ tâm lý và cải thiện kỹ năng tự học là rất quan trọng để giúp sinh viên gắn bó với trường học. Đồng thời, các nhân tố gia đình, cơ sở đào tạo và xã hội cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để tạo ra môi trường học tập thuận lợi và bền vững cho sinh viên. Để giảm thiểu tình trạng nghỉ học, Nhà trường có thể áp dụng một số giải pháp, như: tăng cường tư vấn tâm lý, hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cải thiện chất lượng giảng dạy và mở rộng các chương trình hướng nghiệp để giúp sinh viên nhìn thấy triển vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Nhà trường, gia đình và xã hội cũng là nhân tố then chốt để giữ chân sinh viên, giúp họ vượt qua khó khăn và hoàn thành chương trình đào tạo. Theo đó, gia đình cần quan tâm hơn đến quá trình học tập của con em mình, định hướng nghề nghiệp rõ ràng và hỗ trợ tinh thần kịp thời. Ngoài ra, các chính sách của xã hội cũng cần được điều chỉnh để tạo ra một môi trường học tập và làm việc bền vững, giúp sinh viên yên tâm theo đuổi con đường học vấn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bean, J., Metzner, B. (1985), A conceptual model of nontraditional undergraduate student attrition, Review of Educational Research, 55, 485-540, http://dx.doi.org/10.3102/00346543055004485.
2. Bourdieu, P. (1986), The Forms of Capital. In J. Richardson (Ed.), Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education (pp. 241-258). New York: Greenwood.
3. Đinh Bá Hùng Anh và cs (2021), Phân tích nguyên nhân sinh viên nghỉ học tại trường Đại học Phan Thiết, Tạp chí Công Thương, 16, 170-174.
4. Hoàng Văn Mạnh (2024), Tăng cường vai trò của trường đại học trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam, truy cập từ https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/09/van-de-xay-dung-va-phat-huy-vai-tro-cua-doi-ngu-tri-thuc.
5. Nguyễn Thiều Tuấn Long (2022), Các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định nghỉ học của sinh viên - Từ tổng quan lý thuyết tới mô hình thực nghiệm, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Đại học Huế, 21(3), 105-115.
6. Nguyễn Văn Định, Cao Thị Sen (2020), Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định học Đại học của sinh viên tại Trường Đại học Nam Cần Thơ, Tạp chí Khoa học và Kinh tế phát triển, số 9, 37-49.
7. Pascarella, E. T., Terenzini, P.T. (2005), How College Affects Students, Volume 2, A. Third Decade of Research, San Francisco.
7. Tinto, V. (1993), Leaving College: Rethinking the Causes and Cures of Student Attrition (2nd ed.), Chicago, IL: University of Chicago Press.
Ngày nhận bài: 3/2/2025; Ngày phản biện: 07/02/2025; Ngày duyệt đăng: 24/2/2025 |
Bình luận