Mô hình nghiên cứu đánh giá tác động của chuyển đổi số và đổi mới bền vững đến hiệu quả kinh doanh của các công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh
Lê Ngọc Hải
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Tóm tắt
Nghiên cứu này nhằm phân tích tác động của chuyển đổi số và đổi mới bền vững đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời làm rõ vai trò trung gian của văn hóa tổ chức và lãnh đạo chiến lược. Dựa trên các lý thuyết về năng lực động, đổi mới mở, lãnh đạo chiến lược và văn hóa tổ chức, nghiên cứu xây dựng mô hình nghiên cứu để đánh giá cách các yếu tố này tương tác và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Nghiên cứu này không chỉ đóng góp vào nền tảng học thuật, mà còn mang lại giá trị thực tiễn, giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và giới nghiên cứu có góc nhìn sâu sắc hơn về việc xây dựng một ngành du lịch bền vững và ứng dụng công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh.
Từ khóa: chuyển đổi số, đổi mới bền vững, hiệu quả kinh doanh
Summary
This study aims to analyze the impact of digital transformation and sustainable innovation on the business performance of tourism enterprises in Ho Chi Minh City and clarify the mediating role of organizational culture and strategic leadership. Based on the theories of dynamic capabilities, open innovation, strategic leadership, and organizational culture, the study builds a research model to assess how these factors interact and influence business results. This study contributes to the academic foundation and brings practical value, helping business leaders, policymakers, and researchers to have a deeper insight into building a sustainable tourism industry and applying technology in Ho Chi Minh City.
Keywords: digital transformation, sustainable innovation, business performance
ĐẶT VẤN ĐỀ
Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của TP. Hồ Chí Minh đóng góp đáng kể vào GDP và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, thị trường du lịch đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong nước và quốc tế, đặc biệt là những thách thức hậu Covid-19, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách duy trì và gia tăng hiệu quả kinh doanh. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu giúp tối ưu hóa quy trình, nâng cao trải nghiệm khách hàng và gia tăng khả năng cạnh tranh. Theo báo cáo của McKinsey (2021), các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số có thể tăng hiệu suất hoạt động lên 20%-30%. Tuy nhiên, theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2023), dù 90% doanh nghiệp du lịch tại TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng chuyển đổi số, nhưng chỉ 35% đạt hiệu quả như mong đợi do thiếu sự đồng bộ giữa văn hóa tổ chức và lãnh đạo chiến lược.
Bên cạnh chuyển đổi số, phát triển bền vững cũng là một xu hướng quan trọng. Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) năm 2022 cho thấy, hơn 60% du khách ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có cam kết phát triển bền vững. Tuy nhiên, chỉ 45% doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam thực hiện đổi mới bền vững một cách toàn diện, trong khi 30% chưa có lộ trình rõ ràng (Trung tâm Thông tin du lịch, 2022). Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp trong việc tích hợp đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường vào hoạt động kinh doanh. Theo UNWTO, các sáng kiến bền vững có thể giúp tăng lòng trung thành của khách hàng lên 60% và giảm chi phí vận hành 15% trong dài hạn. Ngoài ra, nghiên cứu của Abbas và Hussien (2021) cũng khẳng định rằng, quản lý xanh và đổi mới bền vững không chỉ giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn nâng cao hiệu suất tài chính và vận hành, từ đó cho thấy sự kết hợp giữa đổi mới bền vững và chuyển đổi số có thể mang lại lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp du lịch.
Dù chuyển đổi số và đổi mới bền vững đã được nhắc đến trong nhiều nghiên cứu, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu kết hợp đồng thời 2 yếu tố này trong ngành du lịch tại TP. Hồ Chí Minh. Vai trò trung gian của văn hóa tổ chức và lãnh đạo chiến lược trong mối quan hệ này chưa được khai thác đáng kể, đồng thời chưa có mô hình nghiên cứu chi tiết về sự kết hợp giữa chuyển đổi số, đổi mới bền vững và hiệu quả kinh doanh. Theo báo cáo của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2024), chỉ 40% doanh nghiệp du lịch áp dụng chiến lược phát triển bền vững có liên kết với chuyển đổi số. Abbas và Hussien (2021) cho thấy, dù quản lý xanh đã được triển khai trong nhiều doanh nghiệp, nhưng việc tích hợp nó với văn hóa tổ chức và công nghệ số vẫn còn hạn chế. Vì vậy, việc xác định mối quan hệ giữa chuyển đổi số, đổi mới bền vững và hiệu quả kinh doanh, đồng thời khám phá vai trò trung gian của văn hóa tổ chức và lãnh đạo chiến lược ở các doanh nghiệp du lịch tại TP. Hồ Chí Minh là cần thiết.
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
Trong bối cảnh phát triển ngành du lịch, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá tác động của các yếu tố quản lý, công nghệ, lãnh đạo và đổi mới đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các nghiên cứu này có thể được phân loại thành hai nhóm chính: nghiên cứu quốc tế và nghiên cứu trong nước.
Nghiên cứu quốc tế
Nghiên cứu của Abbas và Hussien (2021) đã phân tích ảnh hưởng của quản lý chuỗi cung ứng xanh đến hiệu quả hoạt động của các nhà hàng phục vụ nhanh tại Ai Cập. Dữ liệu thu thập từ 478 quản lý và giám sát nhà hàng bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện và phân tích bằng mô hình SEM. Kết quả chỉ ra rằng, quản lý xanh có tác động tích cực đến lợi thế cạnh tranh, trong khi môi trường và thiết bị xanh có ảnh hưởng mạnh đến hiệu suất hoạt động. Tuy nhiên, tác động trực tiếp của thực phẩm xanh đến hiệu quả hoạt động không được xác nhận.
Nghiên cứu của Alawamleh và Murthy (2020) tập trung vào vai trò của truyền thông xã hội đối với hiệu suất doanh nghiệp du lịch, phân tích các yếu tố như sự kết nối, sự tham gia và khả năng tiếp cận. Kết quả cho thấy, sự kết nối và khả năng tiếp cận không có tác động đáng kể đến sự hài lòng của khách hàng, và sự tham gia không ảnh hưởng trực tiếp đến sự thích ứng nhanh. Tuy nhiên, phương pháp hồi quy được sử dụng chưa được kiểm định bằng mô hình SEM, làm giảm độ tin cậy của kết quả.
Nghiên cứu của Sa và Chai (2020) đã phân tích tác động của định hướng quản trị và thương hiệu đến kết quả kinh doanh, thông qua dữ liệu được thu thập từ 322 doanh nghiệp theo phương pháp ngẫu nhiên phân tầng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, định hướng kinh doanh của chủ doanh nghiệp có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh, trong khi định hướng thương hiệu có tác động yếu hơn. Quá trình sáng tạo tri thức đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa định hướng kinh doanh và kết quả kinh doanh.
Tại Sri Lanka, nghiên cứu của Gunawardana và Aravinda (2021) đã xác định tác động của định hướng thị trường gồm định hướng khách hàng, định hướng đối thủ cạnh tranh và định hướng lợi ích xã hội đến hiệu quả tổ chức. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, định hướng khách hàng và đối thủ cạnh tranh có ảnh hưởng tích cực, trong khi sự phối hợp liên chức năng không có ý nghĩa thống kê.
Nghiên cứu của Samad (2022) tại Ả Rập Saudi đã phân tích ảnh hưởng của nguồn lực nội bộ và yếu tố môi trường bên ngoài đến hiệu suất doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ. Kết quả cho thấy, yếu tố môi trường bên ngoài có tác động mạnh hơn so với nguồn lực nội bộ.
Tại Mexico, nghiên cứu của Gómez và cộng sự (2023) đánh giá tác động của đổi mới công nghệ, số hóa, công nghệ thông tin và thực hành bền vững môi trường đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành du lịch. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thực hành bền vững môi trường cải thiện kết quả kinh doanh, trong khi đổi mới công nghệ và công nghệ thông tin đóng vai trò trung gian trong tác động này.
Nghiên cứu của Fatoki (2021) tại Nam Phi đã kiểm định vai trò trung gian của đổi mới trong mối quan hệ giữa năng lực động và hiệu suất doanh nghiệp khách sạn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực động có tác động mạnh đến hiệu quả kinh doanh thông qua đổi mới.
Nghiên cứu trong nước
Thông qua dữ liệu thu thập từ 638 nhà lãnh đạo ngành du lịch và phân tích bằng phương pháp PLS-SEM, nghiên cứu của Mai và Do (2023) đã xem xét vai trò của lãnh đạo và học tập tổ chức đối với hiệu suất doanh nghiệp du lịch. Kết quả cho thấy, lãnh đạo có tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh thông qua năng lực tổ chức, trong đó lãnh đạo phức tạp ảnh hưởng đến khả năng học hỏi của tổ chức, còn lãnh đạo hành chính đóng vai trò trung gian quan trọng.
Bên cạnh đó, Nguyễn Văn Khánh và Trần Thị Mỹ Linh (2024) đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của quản lý chuỗi cung ứng đến hiệu quả hoạt động trong ngành du lịch. Kết quả cho thấy, quản lý nhà cung cấp tác động tích cực đến hiệu quả tài chính, và ứng dụng công nghệ giúp tối ưu hóa chi phí vận hành.
Tóm lại, các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã cung cấp nhiều bằng chứng về tác động của các yếu tố như quản lý, công nghệ, lãnh đạo và đổi mới đến hiệu quả kinh doanh trong ngành du lịch. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu vẫn còn hạn chế về phương pháp kiểm định, quy mô mẫu và chưa đánh giá toàn diện các yếu tố tác động trung gian. Việc mở rộng các nghiên cứu theo hướng phân tích sâu hơn về tác động của từng yếu tố trong những điều kiện kinh doanh khác nhau sẽ góp phần cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp du lịch.
MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT
Kế thừa từ các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này được xây dựng dựa trên 4 lý thuyết nền tảng, đó là: (i) Lý thuyết năng lực động (Dynamic Capabilities Theory - DCT) (Wang và Ahmed (2007; Jusoh và Parnell (2008); Lindblom và các cộng sự (2008), Morgan và các cộng sự (2009) giúp giải thích cách doanh nghiệp thích nghi với sự thay đổi và khai thác công nghệ số; (ii) Lý thuyết đổi mới mở (Open Innovation Theory) hỗ trợ phân tích tác động của đổi mới bền vững đến doanh nghiệp (Chesbrough H (2003); (iii) Lý thuyết lãnh đạo chiến lược (Strategic Leadership Theory) làm rõ vai trò của lãnh đạo trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới bền vững (Cannella và Monroe, 1997); (iv) Lý thuyết văn hóa tổ chức (Organizational Culture Theory) giúp lý giải cách văn hóa tổ chức ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh (Charles Handy, 1993).
Từ đó, nghiên cứu đề xuất 4 giả thuyết nghiên cứu sau:
H1: Chuyển đổi số có tác động tích cực đến Văn hóa tổ chức.
H2: Đổi mới bền vững cũng có ảnh hưởng tích cực đến Văn hóa tổ chức.
H3: Văn hóa tổ chức đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa: (a) Chuyển đổi số và (b) Đổi mới bền vững với hiệu quả kinh doanh.
H4: Lãnh đạo chiến lược là yếu tố trung gian quan trọng trong mối quan hệ giữa: (a) Chuyển đổi số và (b) Đổi mới bền vững với hiệu quả kinh doanh.
Từ các giả thuyết nghiên cứu nói trên, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu như Hình với các biến bao gồm 3 nhóm chính. Trước hết, nhóm biến độc lập gồm 2 biến là: Chuyển đổi số đề cập đến việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và các nền tảng số; Đổi mới bền vững tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch xanh và tối ưu hóa chuỗi cung ứng theo hướng bền vững.
Tiếp theo, nhóm biến trung gian bao gồm 2 biến: Văn hóa tổ chức thể hiện qua khả năng thích ứng, tinh thần đổi mới và văn hóa số hóa; Lãnh đạo chiến lược liên quan đến năng lực định hướng, ra quyết định và thúc đẩy sự đổi mới trong doanh nghiệp.
Cuối cùng, biến phụ thuộc trong nghiên cứu là Hiệu quả kinh doanh được đánh giá qua hiệu suất tài chính, mức độ hài lòng của khách hàng và năng lực cạnh tranh.
![]() |
Nguồn: Tác giả đề xuất |
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý
Nghiên cứu đã xây dựng được mô hình nghiên cứu đề xuất tác động của chuyển đổi số và đổi mới bền vững đến hiệu quả kinh doanh của các công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, nhóm biến độc lập gồm 2 biến là: Chuyển đổi số; Đổi mới bền vững; Nhóm biến trung gian gồm 2 biến: Văn hóa tổ chức; Lãnh đạo chiến lược. Biến phụ thuộc là Hiệu quả kinh doanh.
Nghiên cứu về tác động của chuyển đổi số và đổi mới bền vững đến hiệu quả kinh doanh của các công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh mang lại nhiều hàm ý quan trọng cho các nhà quản lý doanh nghiệp, chính phủ, khách hàng và giới nghiên cứu học thuật. Trước hết, đối với các doanh nghiệp du lịch, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ mà còn là sự thay đổi toàn diện về tư duy và chiến lược. Doanh nghiệp cần coi đây là một chiến lược dài hạn, đầu tư vào các công nghệ số, như: CRM, AI, dữ liệu lớn và blockchain, đồng thời chú trọng đào tạo nhân viên và tối ưu hóa quy trình nội bộ. Bên cạnh đó, đổi mới bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lợi thế cạnh tranh khi khách hàng ngày càng quan tâm đến các mô hình du lịch thân thiện với môi trường. Do đó, các công ty cần áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, đầu tư vào công nghệ xanh và hợp tác với các tổ chức môi trường để xây dựng thương hiệu dựa trên trách nhiệm xã hội.
Một yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số là văn hóa tổ chức. Nếu nhân viên không có tư duy sẵn sàng đổi mới, quá trình chuyển đổi sẽ gặp nhiều trở ngại. Các nhà lãnh đạo cần xây dựng một môi trường khuyến khích tinh thần học hỏi liên tục, chấp nhận rủi ro và ra quyết định dựa trên dữ liệu, giúp nhân viên dễ dàng thích nghi hơn với công nghệ mới. Đặc biệt, vai trò của lãnh đạo chiến lược là vô cùng quan trọng trong quá trình này. Một nhà lãnh đạo hiệu quả không chỉ hiểu rõ công nghệ mà còn cần có tầm nhìn chiến lược, khả năng tạo động lực, gắn kết nhân viên vào quá trình đổi mới và đưa ra quyết định nhanh chóng dựa trên dữ liệu.
Bên cạnh doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức hỗ trợ cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số và phát triển du lịch bền vững. Chính phủ có thể hỗ trợ tài chính hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ số, tạo các trung tâm đổi mới du lịch và tổ chức các chương trình đào tạo số hóa. Đồng thời, cần thúc đẩy hợp tác công – tư để phát triển du lịch xanh, thiết lập các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng các tiêu chuẩn xanh cho ngành du lịch và đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch thông minh.
Đối với khách hàng, xu hướng quan tâm đến trải nghiệm du lịch số và bền vững ngày càng gia tăng. Doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ để cá nhân hóa dịch vụ, như AI đề xuất các tour du lịch theo sở thích cá nhân hoặc sử dụng blockchain để tăng tính minh bạch trong đặt phòng. Ngoài ra, việc khuyến khích khách hàng tham gia vào các sáng kiến du lịch bền vững, chẳng hạn như giảm thiểu sử dụng nhựa hoặc đóng góp vào bảo tồn môi trường địa phương, cũng giúp nâng cao nhận thức và tạo ra giá trị cộng đồng.
Cuối cùng, nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với giới học thuật, cung cấp nền tảng để nghiên cứu sâu hơn về vai trò của lãnh đạo và văn hóa tổ chức trong chuyển đổi số. Các nghiên cứu trước đây chưa phân tích sâu mối quan hệ giữa chuyển đổi số, đổi mới bền vững, văn hóa tổ chức và lãnh đạo chiến lược. Kết quả của nghiên cứu này có thể mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, chẳng hạn như chuyển đổi số trong ngành khách sạn, tác động của AI đến hiệu suất doanh nghiệp du lịch và vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong môi trường số hóa./.
Tài liệu tham khảo
1. Abbas M., Hussien, M. (2021), The effects of green supply chain management practices on firm performance: Empirical evidence from restaurants in Egypt, Tourism and Hospitality Research, 21(1).
2. Alawamleh Hamzeh Ahmad Mustafa, D. Narasimha Murthy (2020), The effect of social media on business performance of tourism sector in jordan: an empirical study, International Journal of Economics, Commerce and Management, 9.
3. Chesbrough H. (2003), The logic of Open Innovation: managing intellectual property, California Management Review, 3(4), 33-58.
4. Cannella, A., Monroe, M. (1997), Contrasting perspectives on strategic leaders: Toward a more realistic view of top managers, Journal of Management, 23(3), 213–237.
5. Charles Handy (1993), Understanding Organizations, Penguin, ISBN 0140156038, 9780140156034.
6. Gómez, J., López, C., Molina, R. (2023), Unlocking sustainable competitive advantage: Exploring the impact of technological innovations on performance in Mexican SMEs within the tourism sector, Environment Development and Sustainability, DOI: 10.1016/j.techfore.2023.122081.
7. Gunawardana T.S.L.W., Aravinda U.K.B. (2021), The Impact of Market Orientation on Organisational Performance: A Study of Small and Medium Scale Hotels in Tourism Industry in Southern Province, Sri Lanka, Asian Journal of Management Studies, 1(1).
8. Jusoh R, Parnell JA (2008), Competitive strategy and performance measurement in the Malaysian context, Manage. Decis., 46(1), 5-31.
9. Lindblom A, Olkkonen R, Kajalo S, Mitronen L (2008), Market-sensing Capability and Business Performance of Retail Entrepreneurs, Contemp. Manage. Res., 4(3), 219-236.
10. Morgan NA, Slotegraaf RJ, Vorhies DW (2009), Linking marketing capabilities with profit growth, Int. J. Res. Mark., 26(4), 284-293.
11. Mai, T., Do, T. (2023), The role of leadership and organizational learning in fostering high performance of tourism firms in Vietnam, Cogent Business & Management, 10(1).
12. Nguyễn Văn Khánh, Trần Thị Mỹ Linh (2024), Mối quan hệ giữa quản lý chuỗi cung ứng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 12.
13. Olawale Fatoki (2021), firms in south africa: the mediating effect of innovation, GeoJournal of Tourism and Geosites, 36(2).
14. Sa Melissa Liow Li, and Chai Yeow Kim (2018), Managerial orientations and business performance in small and medium tourism accommodation businesses (SMTABs): A resource advantage-knowledge creation approach, The International Journal of Entrepreneurship and Innovation, 21(1).
15. Sarminah Samad (2022), Unravelling Factors Influencing Firm Performance: Evidence from the SMEs in Tourism Industry, Int. J. Financial Stu, 10(3).
16. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2024), Sở Du lịch TP.HCM đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thực thi công vụ, truy cập từ https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/so-du-lich-tphcm-day-manh-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-thuc-thi-cong-vu-c2a76666.html.
17. Wang CL, Ahmed PK (2007), Dynamic capabilities: A review and research agenda, Int. J. Manage. Rev., 9(1), 31- 51.
Ngày nhận bài: 10/01/2025; Ngày phản biện: 20/01/2025; Ngày duyệt đăng: 14/2/2025 |
Bình luận