Xây dựng mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh
ThS. Trần Hải Nam
ThS. Nguyễn Hoàng Lân
ThS. Huỳnh Tú Anh
ThS. Vương Văn Khởi
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh
CN. Đoàn Vũ Hồng Ân
*Tác giả liên hệ: lannh@uef.edu.vn
TÓM TẮT
Bài viết đề xuất mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF). Với phương pháp nghiên cứu định tính, nghiên cứu đề xuất mô hình gồm các nhân tố: Hoạt động truyền thông; Hoạt động hướng nghiệp; Chương trình đào tạo; Đội ngũ giảng viên; Cơ hội thực tập – Việc làm; Học phí; Định hướng quốc tế. Những nhân tố này tác động đến Kết quả hoạt động tư vấn tuyển sinh của nhà trường thông qua nhân tố trung gian là Đội ngũ tư vấn tuyển sinh.
Keywords: hoạt động tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh
Summary
The article proposes a model of factors affecting the enrollment activities of Ho Chi Minh City University of Economics and Finance (UEF). The study uses qualitative research methods to propose a model including the following factors: Communication activities; Career guidance activities; Training programs; Teaching staff; Internship - Employment opportunities; Tuition fees; and International orientation. These factors affect the results of the school's enrollment consulting activities through the intermediary factor, the enrollment consulting team.
Keywords: enrollment activities, Ho Chi Minh City University of Economics and Finance
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong giáo dục đại học, việc thu hút và tuyển sinh là nhân tố quyết định thành công của các trường, đặc biệt là UEF. Việc hiểu rõ các nhân tốảnh hưởng đến tuyển sinh giúp Nhà trường xây dựng chiến lược truyền thông và marketing hiệu quả, đồng thời phát triển chính sách thu hút sinh viên phù hợp với nhu cầu thí sinh. Đội ngũ tư vấn tuyển sinh có vai trò quan trọng trong việc truyền tải giá trị của nhà trường đến thí sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tuyển sinh. Các nhân tốnhư sự hỗ trợ từ giảng viên, cơ hội nghề nghiệp sau tốt nghiệp và mức học phí là những tiêu chí quan trọng mà thí sinh cân nhắc. Bên cạnh đó, xu hướng quốc tế hóa giáo dục và đổi mới hoạt động tư vấn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sinh viên. Đào tạo chuyên nghiệp cho đội ngũ tư vấn không chỉ nâng cao hiệu quả truyền thông mà còn cải thiện chất lượng dịch vụ, góp phần thu hút và giữ chân sinh viên. Nghiên cứu này sẽ đề xuất các nhân tố ảnh hưởng đến tuyển sinh của UEF. Đây là cơ sở để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo, qua đó giúp Nhà trường đưa ra các quyết định chiến lược phù hợp trong bối cảnh tình hình tuyển sinh của các trường đại học tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức và biến động
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
Hung Quang (2020) đã nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa trường đại học tư ở Việt Nam của sinh viên năm nhất ngành Quản trị kinh doanh Kết quả cho thấy, các nhân tố: Uy tín; Vị trí địa lý; Cơ sở vật chất; Sự hấp dẫn của lĩnh vực và Phương tiện truyền thông càng cao, thì Thương hiệu trường đại học càng cao. Kết quả cũng chỉ ra rằng, Vị trí địa lý là nhân tố có ảnh hưởng nhất đến việc nâng cao thương hiệu của trường đại học tư thục. Thương hiệu đóng vai trò quyết định trong niềm tin của sinh viên khi lựa chọn một trường đại học. Phương tiện truyền thông vẫn là nhân tố quan trọng mà sinh viên mới cần cân nhắc khi lựa chọn trường đại học.
Trần Đăng Khôi và Lê Sỹ Điền (2020) đã nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh trình độ đại học của Học viện Dân tộc trong giai đoạn 2021-2022 cho rằng, trong quá trình đào tạo, tuyển sinh sẽ là khâu đầu tiên và then chốt có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Do đó, đổi mới cơ chế tuyển sinh, xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đưa ra những giải pháp để triển khai trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp Học viện Dân tộc tuyển sinh đủ chỉ tiêu hệ đại học chính quy. Nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh trình độ đại học của Học viện Dân tộc năm học 2021-2022 làm cơ sở để các đơn vị liên quan tham khảo, phối hợp triển khai trong năm 2021.
Đỗ Thị Thu Trang (2021) đã xác định và đo lường các nhân tố chính ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của các thí sinh trung học phổ thông. Mô hình nghiên cứu bao gồm các biến độc lập thuộc 3 nhóm nhân tố chính: (1) Sinh viên, bao gồm quan điểm về giáo dục đại học, lựa chọn trường và lựa chọn nghề nghiệp; (2) Môi trường, như: lời khuyên của người khác; (3) Trường học, bao gồm: học phí, chương trình học, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, uy tín trường, hoạt động ngoại khóa, cơ sở vật chất và mạng lưới cựu sinh viên.
Emon và cộng sự (2023) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học của sinh viên tại Dhaka, từ bảy trường đại học tư thục. Kết quả cho thấy, các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến Quyết định chọn trường, bao gồm: Thu nhập gia đình; Chi phí học phí; Cơ hội việc làm ngoài trường; Thu nhập của cha mẹ/người giám hộ; Chi phí đi lại; Sự sẵn có của chương trình học; Danh tiếng và xếp hạng trường; Hỗ trợ tài chính và Sự công nhận quốc tế của trường. Bên cạnh đó, sở thích cá nhân, ý kiến cha mẹ, vị trí trường, tiện ích, cơ sở vật chất và an ninh trong và ngoài khuôn viên cũng ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học.
Nguyễn Văn Cảnh và cộng sự (2023) nghiên cứu “Hoạt động tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy tại Trường Đại học Đồng Tháp: thực trạng và giải pháp” cho rằng, việc thu hút người học đang là một vấn đề quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học. Dựa trên số liệu tuyển sinh từ năm 2018 đến năm 2022, nghiên cứu đánh giá thực trạng tuyển sinh của Trường Đại học Đồng Tháp. Kết quả cho thấy, các ngành đào tạo chia thành 3 nhóm: (1) Các ngành luôn tuyển đủ chỉ tiêu trong 5 năm qua; (2) Các ngành chỉ tuyển đủ chỉ tiêu trong 2-3 năm gần đây; (3) Các ngành ít hoặc không tuyển đủ sinh viên trong 5 năm qua.
Le và cộng sự (2024) đã nghiên cứu về tác động của chiến lược marketing 4C đến việc chọn trường đại học tư thục của sinh viên mới ngành Kinh tế tại Việt Nam cho rằng; đại học được xem là cánh cửa mở ra tương lai cho các bạn trẻ. Việc lựa chọn trường đại học vẫn là vấn đề quan trọng trong các gia đình Việt Nam. Thông qua nghiên cứu, tìm ra tổng quan tài liệu về chủ đề trên để xây dựng mô hình nghiên cứu nhằm xác định tác động của các hoạt động Marketing Mix 4Cs đến việc lựa chọn trường đại học tư thục trong số sinh viên kinh tế mới tại Việt Nam, làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo. Kết quả nghiên cứu cho thấy; mô hình đề xuất bao gồm 5 nhân tố, gồm: Nhu cầu của sinh viên; Học phí hợp lý; Sự tiện lợi; Giao tiếp và Đặc điểm cá nhân ảnh hưởng đến việc lựa chọn trường đại học tư thục của sinh viên thông qua nhân tốNhận thức của sinh viên.
GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu của Gusdiandika và Sinduwiatmo (2016) cho thấy, các hoạt động truyền thông bao gồm: Quảng cáo và Tiếp thị trực tiếp có ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của học sinh SMK 10 November Sidoarjo. Rika và cộng sự (2016) cho rằng, nhân tố Truyền thông ngày càng trở nên quan trọng và đóng vai trò thiết yếu trong Chiến lược của các cơ sở giáo dục đại học, giúp các trường nâng cao vị thế và thu hút sinh viên tiềm năng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Truyền thông có thể ảnh hưởng đến quyết định chọn trường đại học, hình ảnh của trường và chất lượng giáo dục (Sufirmansyah và cộng sự, 2021). Như vậy, hoạt động truyền thông mạnh mẽ có thể tạo tiền đề cho đội ngũ tư vấn tuyển sinh hoạt động hiệu quả hơn. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết:
H1: Hoạt động truyền thông có ảnh hưởng tích cực đến Đội ngũ tư vấn tuyển sinh.
Joseph và Joseph (2000) nhấn mạnh rằng, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ nên chú trọng vào các chương trình đào tạo, mà còn cần phải đặc biệt quan tâm đến những hoạt động hướng nghiệp. Những thông tin về nghề nghiệp, triển vọng phát triển sau tốt nghiệp và các cơ hội thực tập sẽ giúp sinh viên hình thành nhận thức rõ ràng về con đường tương lai của họ.
Ilgan và các đồng nghiệp (2018) cho rằng, những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của sinh viên bao gồm: Triển vọng nghề nghiệp tương lai; Chất lượng đào tạo; cũng như Mức độ uy tín và phổ biến của chương trình giáo dục mà trường cung cấp. Theo Đặng Trọng Hợp (2019), trước đây, thí sinh chủ yếu quan tâm đến danh sách ngành học, khối thi hoặc xét tuyển cùng với điểm chuẩn, trong khi hiện nay họ tìm hiểu nhiều hơn về chất lượng đào tạo, điều kiện học tập, cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp và mức học phí. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các giả thuyết:
H2: Hoạt động hướng nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến Đội ngũ tư vấn tuyển sinh.
H3: Chương trình đào tạo có ảnh hưởng tích cực đến Đội ngũ tư vấn tuyển sinh.
H4: Cơ hội thực tập – Việc làm có ảnh hưởng tích cực đến Đội ngũ tư vấn tuyển sinh.
H5: Học phí có ảnh hưởng tích cực đến Đội ngũ tư vấn tuyển sinh.
Theo Kim và cộng sự (2013), sự đa dạng của giảng viên giúp tăng cường đáng kể việc tuyển dụng sinh viên bằng cách cải thiện sự hấp dẫn của tổ chức và nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc. Đội ngũ tư vấn tuyển sinh đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận và thuyết phục thí sinh. Tuy nhiên, sự hiệu quả của họ phụ thuộc phần lớn vào thông tin và hỗ trợ từ đội ngũ giảng viên. Khi giảng viên có kiến thức vững chắc về các chương trình học và quy trình tuyển sinh, họ có thể cung cấp cho tư vấn viên những thông tin chính xác và cập nhật nhất (Phương Vi, 2019). Sự phối hợp chặt chẽ giữa giảng viên và tư vấn tuyển sinh sẽ tạo ra một môi trường tuyển sinh chuyên nghiệp, qua đó nâng cao khả năng thu hút sinh viên tiềm năng cho nhà trường. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết:
H6: Đội ngũ giảng viên có ảnh hưởng tích cực đến Đội ngũ tư vấn tuyển sinh.
Các chương trình hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học mang lại lợi ích cho sinh viên, giảng viên và hỗ trợ những mục tiêu quan trọng của trường, chẳng hạn như việc đẩy mạnh quốc tế hóa (Hurkett và cộng sự, 2018). Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học có thể tạo ra các mối quan hệ hiệu quả, cải thiện sự gắn kết, hội nhập, và phối hợp giữa các bên, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác giáo dục cho sinh viên du học (Hudayberganov và cộng sự, 2023). Định hướng quốc tế còn giúp đội ngũ tư vấn tuyển sinh có thêm cơ sở để giới thiệu về các chương trình học quốc tế, từ đó thu hút nhiều thí sinh hơn và nâng cao sức hấp dẫn của trường. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết:
H7: Định hướng quốc tế có ảnh hưởng tích cực đến Đội ngũ tư vấn tuyển sinh.
Gardner (2008) cho rằng, quá trình ra quyết định trong tuyển sinh bị ảnh hưởng bởi đội ngũ tư vấn tuyển sinh, nhờ vào thông tin và phản hồi họ cung cấp. Sự lãnh đạo từ nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng đội ngũ này. Theo Đặng Trọng Hợp (2019), tư vấn tuyển sinh là cầu nối thiết yếu giữa các cơ sở giáo dục và thí sinh. Trong những năm gần đây, nội dung và phương thức tư vấn tuyển sinh đã có sự biến đổi rõ rệt, phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu của thị trường giáo dục và xu hướng toàn cầu hóa. Các hình thức tư vấn như trực tuyến và tư vấn qua mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, giúp thí sinh dễ dàng tiếp cận thông tin và đưa ra quyết định học tập phù hợp. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết:
H8: Đội ngũ tư vấn tuyển sinh có ảnh hưởng tích cực đến Kết quả hoạt động tư vấn tuyển sinh.
MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT
Kế thừa các nghiên cứu của các tác giả Hung Quang (2020), Trần Đăng Khôi và Lê Sỹ Điền (2020), Đỗ Thị Thu Trang (2021), Emon và cộng sự (2023), Nguyễn Văn Cảnh và cộng sự (2023), Le và cộng sự (2024) và một số nghiên cứu khác, nhóm tác giả xây dựng mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động tuyển sinh của UEF bao gồm: Hoạt động truyền thông; Hoạt động hướng nghiệp; Chương trình đào tạo; Cơ hội thự tập – việc làm; Học phí; Đội ngũ giảng viên; Định hướng Quốc tế tác động đến Kết quả hoạt động tư vấn tuyển sinh, nhóm tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu như Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu
![]() |
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất
KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu đề xuất mô hình gồm các nhân tố: Hoạt động truyền thông; Hoạt động hướng nghiệp; Chương trình đào tạo; Đội ngũ giảng viên; Cơ hội thực tập – Việc làm; Học phí; Định hướng quốc tế. Thông qua mô hình này, các nhà quản trị UEF hiểu rõ hơn về các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh và từ đó xây dựng các chiến lược thu hút sinh viên hiệu quả hơn. Từ mô hình nói trên sẽ định hướng cho hướng nghiên cứu định lượng tiếp theo để tìm ra các hàm ý quản trị góp phần cải thiện tỷ lệ tuyển sinh, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh và uy tín của nhà trường. Đặc biệt, sự cải thiện các hoạt động tuyển sinh đóng góp trực tiếp vào sự phát triển bền vững của trường, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các trường đại học./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Trọng Hợp (2019), Một số yếu tố tạo nên thành công trong tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, truy cập từ từ https://www.haui.edu.vn/vn/goc-nhin-haui/mot-so-yeu-to-tao-nen-thanh-cong-trong-tuyen-sinh-cua-truong-dai-hoc-cong-nghiep-ha-noi/62430.
2. Đỗ Thị Thu Trang 2021), Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trường đại học của học sinh trung học phổ thông, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 234(11), 58-69.
3. Emon, M. M. H., Abtahi, A. T., and Jhuma, S. A. (2023), Factors influencing college students' choice of a university in Bangladesh, Social Values and Society, 5(1), 1-3.
4. Gardner, S. (2008), Influencing admissions decisions, American Journal of Pharmaceutical Education, 72(4), 81
5. Gusdiandika, R., and Sinduwiatmo, K. (2016), Pengaruh promosi sekolah terhadap keputusan siswa dalam pemilihan SMK Sepuluh Nopember Sidoarjo, Kanal: Jurnal Ilmu Komunikasi, 1(1), 27–38.
6. Hudayberganov, D., Rakhimov, T., Rakhimbaev, A., Yusupova, I., and Sapaeva, N. (2023), Some areas of development of foreign cooperation in the higher education system, E3S Web of Conferences.
7. Hung Quang, L. (2020), Factors affecting students’ decision to select private universities in Vietnam, Journal of Asian Finance, Economics and Business, 7(4), 235–245.
8. Hurkett, C. P., Symons, S. L., Gretton, S. N., Harvey, C. T., Lock, P. E., Williams, D. P., and Raine, D. J. (2018), The benefits of sustained undergraduate inter-programme collaborations between international partners, Journal of Learning and Teaching in Higher Education, 1(1), 31-42.
9. Ilgan, A., Ataman, O., Uğurlu, F., and Yurdunkulu, A. (2018), Factors affecting university choice: A study on university freshman students, The Journal of Buca Faculty of Education, 46, 199-216.
10. Joseph, M., and Joseph, B. (2000), Indonesian students’ perceptions of choice criteria in the selection of a tertiary institution: Strategic implications, International Journal of Educational Management, 14(1), 40-44.
11. Kim, D., Wolf-Wendel, L., and Twombly, S. B. (2013), The role of citizenship status in intent to leave for pre-tenure faculty, Journal of Diversity in Higher Education, 6(4), 245–260.
12. Le, Q. H., Nguyen, P. T., Le, T. M. N., Pham, N. T. A., Vo, T. T. T., Nguyen, T. N. A., Nguyen, N. Q. D., Huynh, D. N., Nguyen, T. Y., and Truong, T. N. H. (2024), The influence of the 4Cs marketing on private universities selection among new economics students in Vietnam – Part 1: Literature review, Migration Letters, 21(S5), 784–792.
13. Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Quốc Tuấn & Lê Thị Bích Vân (2023). Hoạt động tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy tại trường đại học Đồng Tháp: Thực trạng và giải pháp. TNU Journal of Science and Technology, 228, 108-117. https://doi.org/10.34238/tnu-jst.8281.
14. Phương Vi (2019), Giảng viên đại học trước và sau mùa tuyển sinh, truy cập từ https://giaoduc.net.vn/giang-vien-dai-hoc-truoc-va-sau-mua-tuyen-sinh-post197509.gd.
15. Rika, N., Roze, J., and Sennikova, I. (2016), Factors affecting the choice of higher education institutions by prospective students in Latvia, CBU International Conference on Innovation in Science and Education, 4, 422–430.
16. Sufirmansyah, S., Prameswati, L. N., Wati, D. T., and Sulistyowati, E. (2021), Student's preferences in using video-based learning applications and its efficiency in higher education, Nazhruna: Jurnal Pendidikan Islam, 4(2), 272-283.
17. Trần Đăng Khôi và Lê Sỹ Điền (2020), Giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh trình độ đại học của Học viện Dân tộc trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu các dân tộc, 9(4), 70-78.
Ngày nhận bài: 10/02/2025; Ngày phản biện: 19/02/2025; Ngày duyệt đăng: 26/02/2025 |
Bình luận