Các KCN- Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Vĩnh Phúc
PV: Thưa ông, được biết song hành cùng chặng đường 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, các KCN của Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế của Tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội tỉnh Vĩnh Phúc phát triển một cách nhanh chóng, toàn diện và bền vững. Xin ông giới thiệu đôi nét thành tựu mà các KCN của Tỉnh đã đạt được trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Xuân Phương - Trưởng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc |
Trưởng Ban Nguyễn Xuân Phương: Năm 1997 khi tái lập Tỉnh, Vĩnh Phúc mới chỉ có 01 khu công nghiệp ( KCN) duy nhất. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc có 19 KCN với tổng diện tích 5.487,31 ha.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 13 KCN được thành lập/14 KCN đã có Quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trong đó có 8 KCN đã đi vào hoạt động. Tổng diện tích đất quy hoạch là 2.485,8 ha, trong đó đất công nghiệp theo quy hoạch 1.827,15 ha; diện tích đất công nghiệp đã bồi thường là 1.080,56 ha; Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê: 941,03 ha (trong đó: đã cho thuê: 797,38 ha; đăng ký thuê: 143,65 ha), tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 52%.
Các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản đồng bộ và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Đặc biệt để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, các KCN đều đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và hệ thống thoát nước đạt tiêu chuẩn về môi trường, hệ thống cây xanh...
Một số KCN đã cho thuê hết 100% diện tích đất công nghiệp như: KCN Kim Hoa, KCN Khai Quang, KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1. Các KCN còn lại đang tiếp tục triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
Phát huy lợi thế gần kề thủ đô Hà Nội, các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, với cơ sở hạ tầng các KCN được đầu tư đồng bộ, hiện đại (luôn chủ động quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng KCN hợp lý), cùng với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở của tỉnh Vĩnh Phúc nên đã tạo được lợi thế cạnh tranh so với các KCN ở các địa phương lân cận Tỉnh và thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.
Đến nay, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 416 dự án đầu tư, trong đó có 335 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 5.410,95 triệu USD và 81 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 22.024,28 tỷ đồng.
Sau quá trình 24 năm xây dựng và phát triển, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia, có thương hiệu lớn trên thế giới đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các nhà đầu tư là các Tập đoàn lớn như: Toyota, Sumitomo, Honda, Piaggio, Foxconn, Young pong, Jawha Hyosung…
Cùng với việc gia tăng các dự án cấp mới, nhiều doanh nghiệp KCN được cấp phép trước đó đã khẳng định được năng lực, hiệu quả, chất lượng của sản phẩm và không ngừng tăng quy mô, tăng vốn, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Hiện nay các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho trên 110.000 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Với các kết quả được được minh chứng bằng hiện thực thông qua các con số ấn tượng trên đã và đang khẳng định phát triển các KCN tại tỉnh Vĩnh Phúc là một chủ trương đúng đắn của chính quyền Tỉnh. Vĩnh Phúc đã và đang phát triển các KCN theo hướng nhanh, mạnh và bền vững.
PV: Xin ông cho biết cụ thể hơn một số kết quả mà các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được trong thời gian gần đây?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Năm 2021 chúng ta chứng kiến đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Vĩnh Phúc cũng không nằm ngoài những tác động tiêu cực của dịch bệnh và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Tỉnh. Song để biến khó khăn thành động lực phấn đấu, toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã nỗ lực không ngừng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, tăng tốc thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh trong các KCN.
Theo đó, năm 2021, Ban đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cấp điều chỉnh tăng vốn cho 46 dự án đầu tư ở trong và ngoài nước (FDI: 30 dự án; DDI: 16 dự án) với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 7.775,9 tỷ đồng (bằng 576% về số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020, đạt 111% kế hoạch năm) và 959,51 triệu USD (bằng 227% về vốn đầu tư so với năm 2020 và đạt 320% so với kế hoạch đề ra.
Năm 2021, các KCN có thêm 33 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (29 dự án FDI và 05 dự án DDI). Hiện trong các KCN có 348 dự án đang hoạt động hoạt động sản xuất kinh doanh (297 dự án FDI và 51 dự án DDI), chiếm 84% tổng số dự án đầu tư.
Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát, kéo dài và phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN. Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa nhiều nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh linh hoạt, hiệu quả; cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Quản lý các KCN đã theo sát, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng chủ động ứng phó phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe và cuộc sống ổn định cho người lao động. Qua đó giúp hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn Tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và tăng nguồn thu ngân sách lớn của Tỉnh.
Năm 2021 cũng đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp KCN đưa dự án đi vào hoạt theo đúng tiến độ và tuyển dụng thêm lao động nên các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Năm 2021 các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đạt được các kết quả quan trọng sau:
Các doanh nghiệp DDI: Doanh thu đạt 14.221,8 tỷ đồng, bằng 136% so với năm 2020, đạt 134% kế hoạch; Giá trị kim ngạch xuất khẩu dạt 448,21 tỷ đồng, bằng 1.008% so với năm 2020, đạt 484% kế hoạch; Nộp ngân sách Nhà nước đạt 476,7 tỷ đồng, bằng 196% so với năm 2020, đạt 140 % kế hoạch năm 2021.
Năm 2021, các doanh nghiệp DDI thu hút thêm 4.402 lao động mới. Luỹ kế đến ngày 15/12/2021, tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp DDI là 8.304 người, trong đó, lao động người Vĩnh Phúc có 5.835 người (chiếm 70%).
Các doanh nghiệp FDI: Doanh thu đạt 7.217,46 triệu USD, bằng 106% so với năm 2020; đạt 115% kế hoạch; Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5.556,05 triệu USD, bằng 108% so với năm 2020, đạt 111% kế hoạch; Nộp ngân sách Nhà nước đạt 4.337,96 tỷ đồng, bằng 105% so với năm 2020, đạt 148 % kế hoạch năm 2021.
Năm 2021, các doanh nghiệp FDI thu hút thêm 13.433 lao động mới. Lũy kế đến ngày 15/12/2021, tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI là 103.147 người, trong đó, lao động người Vĩnh Phúc có 74.200 người (chiếm 72%).
Một góc KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc |
PV: Thưa ông, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về KCN, ông có thể chia sẻ vai trò của Ban Quản lý trong việc thực thi các nhiệm vụ chính trị?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc được thành lập ngày 29/9/1998. Với chức năng, nhiệm vụ được Tỉnh giao quản lý và phát triển các KCN trên địa bàn; ngay từ những ngày đầu được thành lập, Ban đã thực hiện tốt vai trò tham mưu công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển các KCN, góp phần quan trọng hình thành hệ thống các KCN đồng bộ và hiện đại sau này theo đúng định hướng phát triển của Tỉnh.
Để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, công tác quản lý nhà nước sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư luôn được Ban quan tâm và coi trọng, Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các dự án sau cấp phép, tiến độ triển khai dự án, việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường và lao động... Trong quá trình cấp và theo dõi hoạt động của các dự án, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; duy trì chế độ cung cấp các thông tin liên quan giữa các ngành bằng nhiều hình thức (qua văn bản, trao đổi trực tiếp, điện thoại, email,...). Do đó các dự án đầu tư vào các KCN được triển khai theo đúng tiến độ đăng ký; nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả đã tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất...
Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư với nhiều hình thức xúc tiến đa dạng, phong phú được Ban Quản lý xác định là một trong các nhiệm vụ then chốt; trong đó Ban Quan tâm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua sự kết nối, giới thiệu của các nhà đầu tư đã và đang đầu tư thành công tại Vĩnh Phúc (vừa hiệu quả, vừa không mất nhiều thời gian và kinh phí). Cùng với đó, Ban Quản lý luôn quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp KCN, tạo nên sức lan tỏa lớn trong thu hút đầu tư.
Mặt khác, công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được Ban triển khai tích cực và hiệu quả, góp phần tạo lập môi trường đầu tư năng động, minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ngay từ những ngày đầu thành lập Ban, các nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Ban Quản lý đều được rút ngắn 2/3 thời gian theo quy định và được các nhà đầu tư đánh giá cao. Kết quả cải cách hành chính của Ban đã góp phần vào cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đưa tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm tục vào Top 10 của cả nước.
Cùng với đó, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, lao động, môi trường, thanh tra, an ninh trật tự…, luôn được Ban quan tâm chú trọng và triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần tạo lập một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả trong các KCN.
KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc |
PV: Xin ông cho biết nguyên nhân chủ yếu nào tạo nên những bứt phá thành công trong phát triển các KCN cuả Tỉnh?
Trưởng Ban Nguyễn Xuân Phương: Từ kinh nghiệm thực tiễn phát triển các KCN cuả Tỉnh, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc khẳng định nguyên nhân có được thành công trên trước hết là sức mạnh tổng hợp của cả một hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã luôn quan tâm ủng hộ và chủ động, quyết liệt trong điều hành sự nghiệp phát triển các KCN của Tỉnh, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư vào chính sách, sự quyết tâm cao, luôn đồng hành cùng nhà đầu tư của cả hệ thống chính trị Tỉnh. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án có KCN.
Mặt khác, vì mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển bền vững các KCN, thời gian qua Vĩnh Phúc đã xây dựng được quy hoạch KCN ổn định, hiện đại và bền vững mang tầm nhìn quốc tế, quốc gia; gắn với quy hoạch định hướng không gian kiến trúc cảnh quan và không gian kinh tế, đáp ứng cho sự phát triển hài hòa, năng động, bền vững trên cả ba mặt: kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời có khả năng kết nối, giao lưu và hội nhập với môi trường kinh tế quốc tế và khu vực; quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng KCN đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư; phát huy và đổi mới phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng phân loại rõ ràng các dòng FDI có lợi thế để thu hút đầu tư vào Tỉnh; thu hút đầu tư có chọn lọc, ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhằm phát triển bền vững...; thường xuyên tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã đầu tư và coi đó là một kênh vận động thu hút đầu tư hiệu quả nhất...
Đồng thời tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để nhà đầu tư tiếp cận một cách thuận lợi.
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp FDI trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc |
PV: Để tiếp tục thúc đẩy các KCN của Tỉnh phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong thời gian tới, theo ông Tỉnh Vĩnh Phúc cần triển khai những giải pháp hữu hiệu nào?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới Tỉnh cần chỉ đạo các ban, ngành trong Tỉnh đẩy mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Một là, phát triển các KCN: Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các KCN; đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở công nhân tại địa bàn có các KCN; Đề xuất điều chỉnh các quy định phân cấp quản lý chất lượng công trình, cấp phép xây dựng, quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn Tỉnh cho Ban Quản lý các KCN để quản lý toàn diện các hoạt động xây dựng trong KCN.
Hai là, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp. Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại Tỉnh để giới thiệu đến các nhà đầu tư khác. Chủ động xây dựng tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư riêng trong các KCN (Slide hình ảnh, phóng sự, tờ rơi…) dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Nhật, Hàn, Trung Quốc…
Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện môi trường, công nghệ năng lượng mới, dự án dịch vụ KCN; không tiếp nhận, cấp phép cho những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái; ưu tiên thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy tại các KCN.
Ba là, hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã cấp phép đầu tư trong KCN, tạo môi trường đầu tư hiệu quả thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư mới; đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp (tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, công nhân, chủ động tổ chức các đoàn khảo sát trực tiếp tại doanh nghiệp, duy trì gặp gỡ hằng tuần giữa lãnh đạo UBND Tỉnh và doanh nghiệp....
Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về KCN: Quản lý chặt chẽ công tác quản lý các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, lao động làm việc tại các doanh nghiệp KCN (đặc biệt là lao động nước ngoài); huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu nhà ở và các thiết chế văn hóa cho công nhân tại các KCN để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người lao động.
Năm là, Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc.
Sáu là: Tiếp tục xác định phòng chống dịch Covid-19 là một “trận chiến” lâu dài nên luôn cần chủ động đề ra các giải pháp phòng chống dịch bệnh linh hoạt, hiệu quả để thích ứng với từng hoàn cảnh, góp phần quan trọng giữ vững ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh và an toàn sức khỏe cho người lao động trong các KCN nói riêng và người dân trên địa bàn Tỉnh nói chung.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận