Các KCN, KKT Việt Nam: Phát triển vững mạnh năm 2019
Các KCN, KKT - “Lực kéo” quan trọng của nền kinh tế
Năm 2019, song hành cùng thành công của nền kinh tế đất nước, các KCN, KKT Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về tình hình thành lập các KCN, KKT của cả nước năm 2019, tính đến tháng 11/2019 trên địa bàn cả nước có 09 KCN được thành lập mới và quyết định chủ trương đầu tư, mở rộng 01 KCN, nâng tổng số KCN được thành lập trên cả nước đến thời điểm hiện nay là 335 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 96,5 nghìn ha, trong đó 256 KCN đã đi vào hoạt động và 79 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53% (tương đương với cùng kỳ năm 2018); riêng các KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 75%, tăng 2% so với với cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2019, không có KKT ven biển mới được thành lập.
Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô của Thaco tại KKT mở Chu Lai.
Về tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, KKT năm 2019, tính đến tháng 11/2019, các KCN, KKT cả nước thu hút được khoảng 820 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 14,7 tỷ USD. Lũy kế đến hết tháng 11/2019, các KCN, KKT cả nước thu hút được 9.381 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong KKT Dung Quất.
Các KCN, KKT thu hút được 650 dự án đầu tư trong nước (DDI) đăng ký mới, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 92.000 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối tháng 11/2019, các KCN, KKT thu hút được 9.331 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đạt 2.061 nghìn tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 42%.
Trong năm 2019, có 05 dự án quy mô vốn đầu tư lớn (từ 250 triệu USD trở lên) được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt 2,89 tỷ USD cụ thể:
Dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD lên 2,5 tỷ USD tại KCN Tràng Duệ, Hải Phòng; Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD) tại KCN Phước Đông, Tây Ninh; Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD) tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh; Dự án Nhà máy sản xuất màn hình LCD-Qisda Việt Nam (tổng vốn đầu tư 260 triệu USD) tại KCN Đồng Văn IV, tỉnh Hà Nam.
Năm 2019 của các doanh nghiệp trong các KCN, KKT tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển, với những kết quả hết sức khả quan, một số chỉ tiêu quan trọng dạt được: Tổng doanh thu đạt khoảng 235 tỷ USD (tăng hơn 8% so với năm 2018); kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng142 tỷ USD, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng khoảng 11% so với năm 2018); nộp ngân sách nhà nước (NSNN) gần 130 nghìn tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018); tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp.
Công tác quản lý môi trường trong các KCN, KKT cả nước được các cơ quan quả lý nhà nước về KCN, KKT tại địa phương và các chủ đầu tư hạ tầng quan tâm và có nhiều cải thiện đáng kể. Hiện nay trong số 256 KCN đã đi vào hoạt động, 89% KCN đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Tạo thế và lực cho phát triển các KCN, KKT
Năm 2019 Việt Nam được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá là quốc gia có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng nhanh trong khu vực và trên thế giới, với những “điểm sáng” thật sự nổi bật (điển hình là tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên 6,8%, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại). Cùng với đó, việc thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT tại Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước, đặc biệt dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đã và đang ngày một rõ nét hơn trong năm 2019.
Song thực tế khách quan tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT vẫn chưa thực sự tạo được nhiều đột phá do nhiều “rào cản” tác động, trong đó vướng mắc về cơ chế, chính sách đã ảnh hưởng lớn đến quyết định chủ trương đầu tư cũng như hướng dẫn, giải quyết kiến nghị của địa phương còn chậm chễ và không được giải quyết triệt để (do qui định của pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng chưa rõ ràng, thiếu quy định, dẫn đến chưa có cơ sở thực hiện hoặc cách hiểu khác nhau).
Về tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT ở địa phương, cho đến nay khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của các KCN, KKT chưa được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KKT trong tình hình mới. Thực tế mô hình, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KCN, KKT hiện nay chưa thực sự đủ mạnh; chưa có hệ thống thông tin về tình hình hoạt động, phát triển của các KCN, KKT, gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện các định hướng mới về phát triển các KCN, KKT...
Trong năm 2019, Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng, nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao trong công tác quản lý nhà nước về KKT (bao gồm KCN, KCX và các loại hình KKT tương tự khác, trừ KKT cửa khẩu và khu công nghệ cao) đã tích cực xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển các KCN, KKT và làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển các KCN, KKT.
Đồng thời, chủ động đề xuất, kiến nghị lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện cơ chế, chính sách về KCN, KKT cũng như giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KKT, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Vụ Quản lý các Khu kinh tế đã hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý KCN, KCX và KKT để trình Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc ban hành; chủ động tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương tổng kết quá trình xây dựng và phát triển KCN, KKT tại Việt Nam trong 30 năm qua và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (việc đánh giá toàn diện tình hình phát triển KCN, KKT trong 30 năm qua nhằm rút ra những luận cứ cho việc điều chỉnh và hoạch định chính sách phát triển KCN, KKT trong giai đoạn tới được đánh giá là hết sức cần thiết)./.
Bình luận