Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đang trên đà khởi sắc
Một góc nhà máy trong KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc |
PV: Thưa ông, được biết 6 tháng đầu năm 2024 các KCN của Tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả phấn khởi trong hoạt động đầu tư kinh doanh; trong đó hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục là một điểm sáng đáng ghi nhận. Ông nghĩ sao về nhận định trên và xin ông cho biết kết quả cụ thể của công tác này?
Trưởng ban Hà Đình Nhã: Với những cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN của Tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý đã làm thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 29 dự án đầu tư trong nước (DDI) và ngoài nước (FDI); đồng thời điều chỉnh tăng vốn cho 23 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 339,79 triệu USD và 1.700,03 tỷ đồng. Cụ thể:
Dự án FDI: Cấp mới 21 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 153,93 triệu USD; cấp điều chỉnh tăng vốn cho 19 dự án với số vốn tăng thêm 185,87 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2024 là 339,79 triệu USD, đạt 104% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 97% kế hoạch năm 2024.
Dự án DDI: Cấp mới 8 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 772,94 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tăng vốn cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm 927,09 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2024 là 1.700,03 tỷ đồng, bằng 37% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 113% kế hoạch năm 2024.
Đến hết ngày 5/6/2024, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 493 dự án, gồm 117 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 36.603,06 tỷ đồng và 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.687,06 triệu USD.
PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về cơ cấu đầu tư phân theo lĩnh vực và đối tác của các dự án trong các KCN của Tỉnh?
Trưởng ban Hà Đình Nhã: Đến nay, cơ cấu của các dự án phân theo lĩnh vực trong các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc tập trung vào 3 nhóm sau:
Lĩnh vực xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN: Có 17 dự án, chiếm 3% tổng dự án đầu tư, gồm 4 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư 246,82 triệu USD, chiếm 3,7% tổng vốn đầu tư FDI và 13 dự án DDI với số vốn đầu tư 17.662 tỷ đồng, chiếm 48,25% tổng vốn đầu tư DDI.
Lĩnh vực công nghiệp: có 471 dự án, chiếm 96% tổng số dự án đầu tư, gồm 367 dự án FDI với số vốn đầu tư 6.310,04 triệu USD, chiếm 94,4% tổng vốn đầu tư FDI và 104 dự án DDI với số vốn đầu tư 18.941,08 tỷ đồng, chiếm 51,75% tổng vốn đầu tư trong nước.
Các dự án sản xuất công nghiệp tập trung vào các nhóm ngành chính: Sản xuất ô tô, xe máy, phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất, lắp ráp điện tử, máy tính; sản xuất hàng may mặc; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất chế biến các sản phẩm công nghiệp khác.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Có 5 dự án FDI, chiếm 1% tổng số dự án đầu tư, với số vốn đầu tư 130,2 triệu USD, chiếm 1,9% tổng vốn đầu tư FDI.
Về cơ cấu các dự án FDI phân theo đối tác đầu tư, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN. Đứng đầu là Hàn Quốc với 185 dự án, vốn đăng ký đầu tư 2.521,7 triệu USD, chiếm 37,7% tổng vốn đầu tư (VĐT), đứng thứ hai là Đài Loan với 46 dự án, vốn đầu tư 1.187,8 triệu USD, chiếm 17,8% tổng VĐT; đứng thứ ba là Nhật Bản với 49 dự án, vốn đầu tư 1.166,4 triệu USD, chiếm 17,4% tổng VĐT; Thái Lan đứng thứ 4 với 10 dự án, vốn đầu tư 734,4 triệu USD, chiếm 11% tổng VĐT; Trung Quốc đứng thứ 5 với 42 dự án, vốn đầu tư 382,6 triệu USD, chiếm 5,7% tổng VĐT. Còn lại theo thứ tự lần lượt là các dự án đến từ Italia, Singapore, British Virgin Islands, Samoa, CH Seychelles, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Belize, Indonesia, Tây Ban Nha, CH Mauritius và Pháp (<3% tổng VĐT).
PV: Ông đánh giá như thế nào tình hình triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh tại các KCN trong 6 tháng đầu năm 2024?
Trưởng ban Hà Đình Nhã: Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có 9 KCN đã đi vào hoạt động (trong đó diện tích đất công nghiệp và dịch vụ nhà đầu tư thứ cấp đang thuê để xây dựng nhà máy là 1.037,4 ha).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư trong các KCN của Tỉnh mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do biến động kinh tế và nhiều nguyên nhân khách quan nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và chi phí đầu tư, Song các nhà đầu tư cũng đã hết sức cố gắng quyết liệt đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có thêm 13 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD); trong đó có 7 dự án đầu tư FDI và 6 dự án DDI. Tính đến nay, các KCN trên địa bàn Tỉnh có 406 dự án đang hoạt động SXKD (327 dự án FDI và 79 dự án DDI), chiếm 82,35% tổng số dự án đầu tư.
Trong số 86 dự án chưa đi vào hoạt động SXKD có: 14 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng, chiếm 2,84% tổng số dự án; 4 dự án đang bồi thường, giải phóng mặt bằng, chiếm 0,81% tổng số dự án; 66 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án, chiếm 13,39% tổng số dự án và 3 dự án FDI đang giãn tiến độ, làm thủ tục chấm dứt hoạt động, chiếm 0,61% tổng số dự án.
Cùng với đó, các dự án triển khai nguồn vốn đầu tư tương đối hiệu quả, cụ thể:
Dự án FDI: 6 tháng đầu năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đạt 230,11 triệu USD, đạt 106% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 66% kế hoạch năm 2024.
Đến ngày 5/6/2024 vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 4.072,89 triệu USD, đạt 61% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI.
Dự án DDI: 6 tháng đầu năm 2024, vốn thực hiện của các dự án DDI đạt 1.270 tỷ đồng, đạt 165% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 85% kế hoạch năm 2024. Đến ngày 5/6/2024, vốn thực hiện của các dự án DDI đạt 14.838,06 tỷ đồng, đạt 41% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án DDI.
Dự án đang xây dựng trong KCN Bá Thiện 1, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc |
Song song với đó, trong 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN nhìn chung tương đối ổn định và tăng trưởng (các dự án FDI), cụ thể:
Doanh nghiệp FDI: Doanh thu ước đạt 5.871 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2023; giá trị xuất khẩu ước đạt 4.965 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.663 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh nghiệp DDI: Doanh thu ước đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất khẩu ước đạt 430 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 142 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trong các KCN thu hút thêm 2.448 lao động mới, tăng tổng số lao động lũy kế đến ngày 5/6/2024 là 136.160 người, trong đó lao động là người Vĩnh Phúc 74.298 người (chiếm 54,6%).
Công nhân làm việc trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc |
PV: Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển các KCN trong năm 2024, xin ông cho biết các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cần phải thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nào trong 6 tháng cuối năm 2024, thưa ông?
Trưởng ban Hà Đình Nhã: 6 tháng cuối năm 2024, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đặt chỉ tiêu phấn đấu cho các KCN và các doanh nghiệp trong các KCN cụ thể như sau:
Thu hút 3-5 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 50-70 triệu USD và 2-3 dự án DDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 1.000-1.200 tỷ đồng.
Có thêm khoảng 7 dự án đi vào hoạt động SXKD (3 dự án FDI và 4 dự án DDI); vốn thực hiện các dự án FDI đạt khoảng 250-300 triệu USD, của các dự án DDI đạt 500-700 tỷ đồng.
Phấn đấu đưa SXKD trong các KCN tiếp tục đi vào ổn định và tăng trưởng khá, cụ thể:
Các doanh nghiệp FDI: Doanh thu ước đạt 6.164 triệu USD, tăng 5% so với 6 tháng đầu năm 2024; giá trị xuất khẩu đạt 5.263 triệu USD, tăng 6% so với 6 tháng đầu năm 2024; nộp ngân sách đạt 3.527 tỷ đồng, tăng 3% so 6 tháng đầu năm 2024
Các doanh nghiệp DDI: Doanh thu ước đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 100% so với 6 tháng đầu năm 2024; giá trị xuất khẩu 670 tỷ đồng, tăng 56% so với 6 tháng đầu năm 2024; nộp ngân sách 208 tỷ đồng, tăng 46% so với 6 tháng đầu năm 2024.
6 tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp trong KCN giải quyết việc làm mới cho khoảng 1.500 lao động mới trong và ngoài Tỉnh.
Với vai trò, chức trách, nhiệm vụ được UBND Tỉnh giao trong công tác quản lý nhà nước về KCN, 6 tháng cuối năm 2024, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc tiếp tục cố gắng nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động công tác để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành, hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp KCN..., góp phần tạo động lực quan trọng để đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư, triển khai dự án và SXKD hiệu quả../.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Một góc nhà máy trong KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc |
Bình luận