Từ khóa: tuân thủ thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long

Summary

This study analyzes factors affecting corporate income tax compliance of small and medium-sized enterprises in Vinh Long province. Analysis results with survey data of 300 small and medium-sized enterprises sampled using the stratified random method have identified 6 factors that have the same influence on corporate income tax compliance of small and medium-sized businesses, and have been arranged in descending order of influence including (1) Tax administration capacity of tax authorities; (2) Sanctions for tax non-compliance; (3) Tax inspection and examination; (4) Awareness of tax obligations of small and medium-sized enterprises; (5) Organizational structure of the tax authority; (6) Tax policy.

Keywords: corporate income tax compliance, small and medium-sized enterprises, Vinh Long Provincial Tax Department

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tại mỗi quốc gia, nguồn thu từ thuế không những là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, mà còn ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó như: duy trì hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội... Do đó, làm thế nào để có thể quản lý thuế hiệu quả luôn được Chính phủ các nước quan tâm. Vì thế, để đạt được mục tiêu vừa hạn chế thấp nhất tình trạng trốn thuế, tránh thuế vừa thúc đẩy người nộp thuế (NNT) tự giác tuân thủ các quy định pháp luật về thuế là vấn đề luôn được coi trọng của các quốc gia.

Trong nghiên cứu này, tác giả sẽ tiến hành xác định, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến việc TTT TNDN của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Trên cơ sở đó, đưa ra hàm ý quản trị nhằm nâng cao việc TTT của các DNNVV. Đây là cơ sở góp phần giúp CQT kiến nghị để hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính về thuế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NNT trong việc thực hiện tuân thủ pháp luật thuế, đáp ứng yêu cầu về nguồn thu ngân sách, yêu cầu quản lý kinh tế của Nhà nước.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Theo Lê Thị Mỹ Linh (2009), các nước trên thế giới sử dụng hai nhóm tiêu thức phổ biến là tiêu chí định tính và tiêu chí định lượng để xác định DNNVV. Trong đó, tiêu chí định tính bao gồm: chuyên môn hóa thấp, số đầu mối quản lý ít, mức độ phức tạp của quản lý thấp… Tiêu chí định lượng bao gồm các nhóm chỉ tiêu, như: số lao động, tổng nguồn vốn, doanh thu hoặc lợi nhuận. Tuy nhiên, vốn và số lao động được áp dụng nhiều nhất làm tiêu chí xác định DNNVV.

Singh (2003) cho rằng, TTT là hành động của người nộp tờ khai thuế, công khai chính xác tất cả các khoản thu nhập và thanh toán tất cả các khoản thuế phải nộp trong thời hạn quy định, mà không phải chờ đợi hành động của CQT. Theo OECD (2004), TTT là phạm vi mà đối tượng nộp thuế phải hoàn thành các nghĩa vụ thuế của mình. Đối tượng nộp thuế có 3 nghĩa vụ cơ bản là nộp tờ khai thuế đúng hạn; kê khai chính xác trên tờ khai những thông tin cần thiết để xác định số tiền thuế; và nộp nghĩa vụ thuế kịp thời. Còn theo Kirchler (2007) đã đưa ra một định nghĩa đơn giản hơn, TTT đề cập đến sự sẵn lòng của NNT tuân theo pháp luật thuế bằng cách thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Văn Hiệu (2005); Lê Quang Cường và Nguyễn Kim Quyến (2012), thuế TNDN là loại thuế trực thu, đối tượng của thuế TNDN là thu nhập của tổ chức kinh doanh, được xác định trên cơ sở doanh thu trừ đi các chi phí có liên quan đến việc hình thành doanh thu đó.

Như vậy, TTT của DNNVV là việc chấp hành đầy đủ, kịp thời và đúng đắn nghĩa vụ về thuế TNDN theo đúng quy định của pháp luật thuế của các doanh nghiệp có quy mô được xác định chủ yếu dựa vào các tiêu chuẩn về định lượng như về số lao động, tổng nguồn vốn, doanh thu bán hàng… Cụ thể là việc chấp hành các tiêu chí thời gian, mức độ chính xác, trung thực và đầy đủ của các hoạt động đăng ký thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và các nghĩa vụ khác về thuế của các DNNVV.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Xuất phát từ cơ sở lý thuyết, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các nhân tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Vĩnh Long
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Trên cơ sở lược khảo các nghiên cứu trước có liên quan, tác giả đưa ra các giả thuyết nghiên cứu như sau:

H1: Nhân tố Kinh tế và xã hội ảnh hưởng cùng chiều đến việc TTT TNDN của DNNVV.

H2: Chính sách thuế ảnh hưởng cùng chiều đến việc TTT của doanh nghiệp.

H3: Sự hiểu biết về thuế của DNNVV ảnh hưởng cùng chiều đến việc TTT của DNNVV.

H4: Ý thức về nghĩa vụ thuế của DNNVV ảnh hưởng cùng chiều đến việc TTT của DNNVV.

H5: Đặc điểm của DNNVV ảnh hưởng cùng chiều đến việc TTT của DNNVV.

H6: Ngành nghề kinh doanh của DNNVV ảnh hưởng cùng chiều đến việc TTT TNDN của DNNVV.

H7: Cơ cấu tổ chức của CQT ảnh hưởng cùng chiều đến việc TTT TNDN của DNNVV.

H8: Năng lực quản lý thuế của CQT ảnh hưởng cùng chiều đến việc TTT TNDN của DNNVV.

H9: Công tác thanh tra, kiểm tra thuế ảnh hưởng cùng chiều đến việc TTT TNDN của DNNVV.

H10: Chế tài khi không TTT ảnh hưởng cùng chiều đến việc TTT TNDN của DNNVV.

Phương pháp nghiên cứu

Để có số liệu sơ cấp sử dụng trong nghiên cứu, nhóm tác giả khảo sát 300 DNNVV tại tỉnh Vĩnh Long trong những tháng đầu năm 2024. Thống kê mô tả, Cronbach's Alpha, nhân tố khám phá (EFA), hồi quy và tương quan là những phương pháp được sử dụng để phân tích mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến TTT TNDN của DNNVV trên địa bàn nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đánh giá thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các thang đo đều đạt độ tin cậy do có hệ số Cronbach's Alpha > 0,6 và hệ số tương quan biến tổng của 45 biến quan sát đều > 0,3. Tuy nhiên, biến quan sát KTXH4 thuộc nhân tố Kinh tế và xã hội có hệ số tương quan biến tổng < 0,3, nên nhân tố này chỉ còn lại 3 biến quan sát (KTXH1, KTXH2, KTXH3). Như vậy, kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo của 10 biến độc lập và 01 biến phụ thuộc với 45 biến quan sát được đưa vào phân tích EFA.

Phân tích giá trị hội tụ và giá trị phân biệt

Phân tích EFA các biến thuộc các nhân tố độc lập

Kết quả kiểm định KMO và Bartlett cho thấy, hệ số KMO có giá trị = 0,848 và hệ số Sig. = 0,000 đều đáp ứng được yêu cầu.

Kết quả phân tích thông số Eigenvalues cho thấy, tổng phương sai trích là 67,825% > 50%, do đó mô hình EFA là phù hợp. Kết quả này cho biết 10 nhân tố này giải thích được 67,825% độ biến thiên của dữ liệu. Kết quả cũng cho thấy có 10 nhân tố đều cho thông số Eigenvalues > 1. Do đó, cả 10 nhân tố được giữ lại trong mô hình nghiên cứu.

Kết quả nghiên EFA của 10 nhóm nhân tố độc lập liên quan đến việc TTT TNDN của DNNVV vẫn được giữ nguyên 10 nhân tố ban đầu. Tuy nhiên, biến quan sát CT2 bị loại khỏi mô hình, vì có hệ số tải < 0,5.

Phân tích EFA các biến thuộc nhân tố phụ thuộc

Kết quả thực hiện bước phân tích EFA cho biến phụ thuộc, tổng số nhân tố phụ thuộc là 1 thang đo với 4 biến quan sát, đưa tất cả 4 biến này vào phân tích EFA, kết quả cụ thể như sau:

Kết quả kiểm định KMO và Bartlett cho thấy, hệ số KMO có giá trị bằng 0,763 nằm trong ngưỡng (0,5 < KMO < 1) và hệ số Sig. của kiểm định Bartlett = 0,000 < 0,05 đều đáp ứng được yêu cầu, do đó dữ liệu phù hợp.

Kết quả phân tích thông số Eigenvalues cho thấy, tổng phương sai trích là 63,564% > 50% và hệ số Eigenvalues bằng 2,543 > 1 đạt yêu cầu. Do đó, nhân tố phụ thuộc với 4 biến quan sát được giữ lại trong mô hình nghiên cứu.

Phân tích tương quan

Kết quả phân tích tương quan cho thấy, giữa biến phụ thuộc việc TTT TNDN của các DNNVV và 6 biến độc lập (CST, YT, TC, QLT, TTKT, CT) có mối tương quan thuận với nhau. Tuy nhiên, kết quả phân tích tương quan của 4 biến độc lập còn lại (gồm: KTXH, HB, ĐĐ, NN) với biến phụ thuộc (TTT) có mức độ tương quan thấp, chưa chặt chẽ. Do đó, tác giả loại 4 nhân tố này (KTXH, HB, ĐĐ, NN) khỏi mô hình nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cường độ tương quan giữa TTT TNDN của các DNNVV và 6 nhân tố trong mô hình cũng khá chặt chẽ. Trong đó, nhân tố TTT TNDN của các DNNVV và Ý thức nghĩa vụ thuế của DNNVV có cường độ tương quan cao nhất (64,4%) và thấp nhất là cường độ tương quan giữa việc TTT TNDN của các DNNVV (TTT) với nhân tố CST (51%).

Ngoài ra, giữa các biến độc lập có hệ số tương quan < 80%, từ đó phản ánh chưa có dấu hiệu đa cộng tuyến. Do đó, dữ liệu có thể tiếp tục chạy mô hình hồi quy giữa biến phụ thuộc (TTT) với 6 biến độc lập gồm: CST, YT, TC, QLT, TTKT, CT.

Phân tích hồi quy

Kiểm định mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Kết quả phân tích cho thấy, giá trị R2 hiệu chỉnh = 0,658. Điều này có nghĩa là 6 biến độc lập đưa vào mô hình hồi quy giải thích được 65,8% sự thay đổi của biến phụ thuộc (TTT TNDN của các DNNVV); còn lại 34,2% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy, hệ số Durbin Watson bằng 1,874 nằm trong khoảng 1,5 - 2,5 nên không có hiện tượng tự tương quan xảy ra.

Kết quả phân tích phương sai (ANOVA) cho thấy, giá trị thống kê F = 96,785 tại mức ý nghĩa (Sig.) = 0,000 < 0,05, nên có thể kết luận rằng mô hình đưa ra phù hợp với dữ liệu thực tế.

Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến việc TTT

Kết quả đánh giá mức độ tác động của từng nhân tố đối với việc TTT TNDN của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được thể hiện trong Bảng.

Bảng: Kết quả phân tích hồi quy

Biến

Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa

Hệ số hồi quy đã chuẩn hóa

t

Sig.

Thống kê đa cộng tuyến

B

Std. Error

Beta

Tolerance

VIF

1

(Constant)

-.240

.150

-1.600

.111

CST

.122

.048

.109

2.547

.011

.620

1.614

YT

.198

.051

.186

3.915

.000

.509

1.965

TC

,136

,041

,150

3,349

,001

,568

1,761

QLT

,189

,035

,236

5,404

,000

,599

1,669

TTKT

,170

,042

,187

4,089

,000

,545

1,836

CT

,250

,047

,226

5,261

,000

,619

1,616

Nguồn: Kết quả phân tích từ số liệu khảo sát

Kết quả phân tích ở Bảng cho thấy, 6 biến độc lập gồm: Chính sách thuế (CST), Ý thức nghĩa vụ thuế của DNNVV (YT), Cơ cấu tổ chức của CQT (TC), Năng lực quản lý thuế của CQT (QLT), Công tác thanh tra, kiểm tra thuế (TTKT), Chế tài khi không TTT (CT) đều có Sig. < 0,05; chứng tỏ các biến độc lập này đều tương quan có ý nghĩa thống kê với biến phụ thuộc TTT TNDN ở mức ý nghĩa 95%. Các hệ số hồi quy đều > 0, như vậy 6 biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy đều tác động cùng chiều dương tới biến phụ thuộc. Tất cả các hệ số VIF của 6 biến độc lập đều nằm trong khoảng 1-2; do đó, trong mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến.

Như vậy, phương trình hồi quy chuẩn hóa như sau:

TTT = 0,236QLT + 0,226CT + 0,187TTKT + 0,186YT + 0,150TC + 0,109CST.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Kết luận

Với mục tiêu xác định, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến việc TTT TNDN của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp với nghiên cứu định tính để làm sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu và đạt được mục tiêu đề ra. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 nhân tố được sắp xếp theo thứ tự giảm dần gồm: Năng lực quản lý thuế của CQT; Chế tài khi không TTT; Công tác thanh tra, kiểm tra thuế; Ý thức nghĩa vụ thuế của DNNVV; Cơ cấu tổ chức của CQT và Chính sách thuế có ảnh hưởng cùng chiều đến việc TTT TNDN của các DNNVV. Kết quả kiểm định không có sự khác biệt đối với việc TTT về loại hình doanh nghiệp, thời gian hoạt động độ tuổi, trình độ và giới tính của người đại diện doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để góp phần giúp các CQT hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính về thuế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NNT trong việc thực hiện tuân thủ pháp luật thuế, đáp ứng yêu cầu về nguồn thu ngân sách.

Các hàm ý chính sách

Về năng lực quản lý thuế của CQT

Hiện nay, sự quan tâm hàng đầu của CQT là làm thế nào để nâng cao sự tự giác của NNT trong việc TTT. Do đó, để nâng cao hơn nữa sự tự nguyện TTT TNDN của các DNNVV, CQT cần quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ, đối thoại với DNNVV, giúp DNNVV nâng cao sự TTT một cách tự nguyện (Vuong và Nguyen, 2024); Cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, tập trung, thống nhất, đảm bảo thông tin phục vụ cho công tác quản lý thuế; Công tác giám sát được thực hiện thường xuyên, định kỳ; Cần chuyển đổi hình thức kiểm tra tại cơ sở doanh nghiệp sang hình thức giám sát tại CQT để tiết kiệm chi phí, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp; Nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức thuế cũng như bồi dưỡng hơn nữa đối với các kỹ năng cho công chức thuế như kỹ năng thuyết trình, ngoại ngữ, tin học, ứng xử, giao tiếp với NNT.

Về các chế tài khi không TTT

Các chế tài cần bổ sung thêm trong xử lý vi phạm hành chính về thuế bao gồm nâng cao mức phạt sau mỗi hành vi không TTT bị phát hiện thông qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra thuế; doanh nghiệp sẽ bị công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc không tuân thủ các quy định về thuế nhằm răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Về công tác thanh tra, kiểm tra thuế

Để góp phần chấn chỉnh, hạn chế tình trạng không TTT TNDN của các DNNVV, trong thời gian tới cần nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra. Theo đó, cần tập trung bổ sung nguồn nhân lực cho công tác thanh kiểm tra cả về số lượng lẫn chất lượng; Thường xuyên tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm; Xử lý nghiêm minh các trường hợp không tuân thủ pháp luật về thuế một cách minh bạch, nghiêm túc.

Về ý thức nghĩa vụ thuế của DNNVV

Mục đích cuối cùng trong QLT đều hướng đến thúc đẩy sự TTT tự nguyện của NNT. Việc thực hiện xử phạt trốn thuế hay truy thu thuế không phải là mục đích chính của QLT. Để đạt được mục đích này, CQT cần nâng cao nhận thức của NNT bằng cách khen thưởng, tuyên dương các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế; hạn chế tối đa cơ hội tránh né thuế của doanh nghiệp; đối xử công bằng, không thiên vị giữa các doanh nghiệp để họ nhận thức được sự công bằng khi làm việc với CQT; nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với CQT.

Về cơ cấu tổ chức của CQT

Xây dựng bộ máy CQT hiện đại, tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, lấy NNT làm trung tâm phục vụ. Trong đó, chú trọng tinh gọn và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, có năng lực đáp ứng yêu cầu QLT trong bối cảnh Cách mạng số hiện nay, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng hệ thống các quy trình QLT đồng bộ, thống nhất với CST được ban hành và quan trọng hơn hết là phân định nhiệm vụ rõ ràng giữa các bộ phận chức năng, để tránh hiện tượng chồng chéo giữa các quy trình, giữa các bộ phận chức năng trong CQT với nhau, xử lý công việc được suôn sẻ, tránh ùn tắt công việc, không làm chậm trễ thời hạn giải quyết cho NNT. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại là điều kiện tiền đề phục vụ cho hoạt động kê khai, nộp thuế của NNT và hoạt động quản lý thuế của CQT.

Về chính sách thuế

Hệ thống chính sách thuế nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, không ổn định, chưa quy định rõ ràng từ đó gây ra không ít khó khăn cho DN trong việc thực thi pháp luật về thuế. Vì thế, cần nhanh chóng nghiên cứu, không ngừng hoàn thiện các quy định, điều chỉnh liên quan đến lĩnh vực thuế theo hướng chặt chẽ, rõ ràng, phù hợp, tránh sự phức tạp. Đồng thời, hoàn thiện chính sách thuế theo hướng đồng bộ, công bằng ổn định, nâng cao sự đồng thuận của xã hội về chính sách thuế. Xã hội càng đồng thuận với chính sách thuế, thì NNT càng TTT./.

Đỗ Bé Thảo - Chuyên viên Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long

PGS, TS. Bùi Văn Trịnh - Trường Đại học Cửu Long

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14, tháng 7/2024)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hattim, A.A.Z. (2015), Small and medium enterprises (SMES) and their role in economic and social development, Економічна стратегія і перспективи розвитку сфери торгівлі та послуг, (1), 106-119.

2. Kirchler E. (2007), The economic psychology of tax behaviour, Cambridge University Press.

3. Lê Quang Cường và Nguyễn Kim Quyến (2012), Giáo trình Thuế 1, Nxb Lao Động.

4. Lê Thị Mỹ Linh (2009), Phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở việt nam trong quá trình hội nhập kinh t”, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

5. Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Văn Hiệu (2015), Giáo trình thuế, Nxb Tài chính.

6. OECD (2004), Managing and Improving Compliance: Recent Developments in Compliance Risk Treatment.

7. Singh V. (2003), Malaysian Tax Adminitration, 6th edition, Kuala Lumpur: Longman.

8. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.