Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã bằng vốn xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
TS. Nguyễn Trung Đông, Hồ Huy Quốc Cường;
Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn
Email: quoccuong@prd.edu.vn
Tóm tắt
Vốn xã hội là một nguồn lực rất quan trọng, là nền tảng cơ bản để hợp tác xã (HTX) tồn tại và phát triển. Vận dụng hiệu quả vốn xã hội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Trên cơ sở tổng quan các khái niệm về HTX, vốn xã hội cũng như vai trò của vốn xã hội đối với HTX, bài viết tổng kết kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về vận dụng vốn xã hội trong HTX, từ đó đề xuất một số bài học kinh nghiệm quan trọng nhằm giúp cho các HTX tại Việt Nam quản trị tốt hơn và nâng cao được hiệu quả hoạt động của HTX.
Từ khóa: hợp tác xã, vốn xã hội, Việt Nam
Summary
Social capital is a crucial resource, the primary foundation for cooperatives to exist and develop. Effectively applying social capital will contribute to improving the operational efficiency of cooperatives. Based on an overview of the concepts of cooperatives, social capital as well as the role of social capital for cooperatives, this article summarizes the experiences of some countries in the world in applying social capital in cooperatives, thereby proposing some significant lessons to help cooperatives in Vietnam manage better and improve the operational efficiency of cooperatives.
Keywords: cooperatives, social capital, Vietnam
ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã chỉ rõ, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, khu vực kinh tế tập thể ở nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết đề ra. Theo đó, tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm. Cụ thể, liên tục trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp của kinh tế tập thể trong GDP giảm từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020 (Phùng Quốc Chí và Quách Thái Sơn, 2022). Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), tới cuối năm 2022, cả nước có 29.378 HTX với 5,9 triệu thành viên. Tuy nhiên, chỉ có 16.454 HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh với 43,3% HTX kinh doanh có lãi; 36,3% HTX kinh doanh lỗ và 20,4% HTX kinh doanh hòa vốn. Đồng thời, có tới 11.612 HTX có quy mô dưới 10 lao động, chiếm 70,6% tổng số HTX. Những số liệu thống kê này đã cho thấy, mức độ phát triển của mô hình HTX ở nước ta chưa đạt được kỳ vọng đề ra, quy mô còn nhỏ lẻ, năng lực của HTX còn yếu và hiệu quả hoạt động chưa cao. Do đó, việc nghiên cứu lý luận để giúp HTX quản trị, tổ chức hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn là rất cần thiết. Trong đó, nghiên cứu về vận dụng vốn xã hội để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX là một hướng nghiên cứu quan trọng, mang tính thực tiễn cao, bởi HTX là mô hình kinh tế có tính xã hội cao, nhấn mạnh đến sự hợp tác, tương trợ giữa các thành viên trong việc ra quyết định và tổ chức hoạt động một cách tập thể. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm làm sáng tỏ các lý luận và kinh nghiệm quốc tế về vận dụng vốn xã hội trong HTX. Từ đó, tổng kết ra các bài học kinh nghiệm quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển HTX ngày càng lớn mạnh hơn, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Khái niệm và nguyên tắc của HTX
Liên minh HTX quốc tế (ICA) (1995) đã đưa ra khái niệm “HTX là một hiệp hội độc lập gồm các cá nhân tự nguyện tập hợp lại để đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hóa, thông qua doanh nghiệp được sở hữu tập thể và quản lý dân chủ”. Cũng theo ICA (1995), HTX được xây dựng dựa trên các giá trị “Tự lực - Tự chịu trách nhiệm - Dân chủ - Bình đẳng - Công bằng - Đoàn kết”.
Trên cơ sở kế thừa lý luận và tinh thần của ICA về HTX, Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Luật HTX năm 2023 (Luật số 17/2023/QH15) thay cho Luật HTX năm 2012 (Luật số 23/2012/QH13) nhằm quản lý các mô hình kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng trong giai đoạn mới.
Theo Luật HTX năm 2012, HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX. Còn theo Luật HTX năm 2023, HTX là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 5 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.
Có thể thấy, so với Luật HTX năm 2012, Luật HTX năm 2023 đã điều chỉnh khái niệm HTX theo sát khái niệm của ICA, thể hiện rõ hơn vai trò đóng góp và phát triển xã hội của HTX. Một thay đổi quan trọng trong Luật HTX năm 2023 là yêu cầu số lượng thành viên thành lập tối thiểu đã giảm từ 7 người xuống 5 người, giúp cho việc thành lập HTX trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy phát triển các HTX mới. Ngoài ra, Luật HTX năm 2023 cũng đã đề ra các nguyên tắc hoạt động của HTX trên cơ sở các nguyên tắc của ICA và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với bối cảnh ở Việt Nam.
Theo đó, nguyên tắc hoạt động của HTX bao gồm: Tự nguyện tham gia và mở rộng kết nạp thành viên; Dân chủ, bình đẳng trong tổ chức, quản lý; Trách nhiệm tham gia hoạt động kinh tế của thành viên HTX, liên hiệp HTX; Tự chủ và tự chịu trách nhiệm; Chú trọng giáo dục, đào tạo và thông tin; Tăng cường hợp tác, liên kết; Quan tâm phát triển cộng đồng.
Khái niệm vốn xã hội
Thuật ngữ “vốn xã hội” lần đầu tiên được giới thiệu trong nghiên cứu của Hanifan (1916). Tác giả dùng vốn xã hội để chỉ sự thiện chí, tình thân hữu, sự cảm thông và tương tác xã hội trong các nhóm người và gia đình. Sau này, Bourdieu (1986) đã mở rộng và đưa ra khái niệm về vốn xã hội như sau: “Vốn xã hội là tổng thể các nguồn lực hiện hữu hoặc tiềm tàng gắn với việc sở hữu một mạng lưới bền vững các mối quan hệ quen biết hoặc thừa nhận lẫn nhau ít nhiều đuợc thể chế hóa”. Coleman (1988) định nghĩa vốn xã hội theo quan điểm chức năng. Theo đó, vốn xã hội không phải là một thực thể, mà là sự kết hợp của các thực thể khác nhau có 2 đặc điểm chung: là 1 khía cạnh của cấu trúc xã hội và tạo điều kiện cho những hành động nhất định của các cá nhân trong cấu trúc đó. Các thực thể bao gồm: các nghĩa vụ, kỳ vọng, sự tin cậy và dòng thông tin.
Nhìn chung, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về vốn xã hội, nhưng có một số điểm chung như sau: (1) Vốn xã hội gắn liền với mạng lưới xã hội, quan hệ xã hội; (2) Vốn xã hội là nguồn lực cần thiết cho các loại hoạt động; (3) Vốn xã hội được tạo ra thông qua việc đầu tư vào thiết lập, duy trì, củng cố, phát triển các quan hệ xã hội, hoặc mạng lưới xã hội và các cá nhân có thể sử dụng vốn xã hội để tìm kiếm hoặc tăng cường những lợi ích nhất định; (4) Vốn xã hội bao gồm sự tin cậy và quan hệ qua lại/sự có đi có lại (Nguyễn Thị Ánh Tuyết và Bùi Thị Phương, 2014).
Tóm lại, vốn xã hội là một khái niệm phức tạp và đa chiều, do đó, đối với các nghiên cứu về vốn xã hội, cần phải làm rõ nội hàm, khía cạnh của vốn xã hội mà nghiên cứu hướng tới phân tích.
Vai trò của vốn xã hội đối với HTX
Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu lý thuyết về vai trò của vốn xã hội đối với HTX. Trong đó, nghiên cứu của Deng và cộng sự (2021) về tích hợp lý thuyết vốn xã hội với lý thuyết vòng đời của HTX là nổi bật. Theo đó, vốn xã hội bên trong của HTX bao gồm 3 chiều kích sau: chiều cấu trúc, chiều nhận thức và chiều liên hệ. Các chiều kích này đều có liên hệ chặt chẽ và củng cố lẫn nhau. Chiều cấu trúc đề cập tới mạng lưới các mối quan hệ xã hội giữa các cá nhân trong HTX và nó đem lại những lợi thế cho HTX như tạo ra nền tảng để các thành viên chia sẻ, trao đổi kiến thức; gia tăng hiệu suất và năng suất của các thành viên thông qua học hỏi lẫn nhau; giúp các thành viên hợp tác tốt hơn trong thực hiện các công việc quan trọng. Chiều nhận thức bao gồm: sự chia sẻ về tầm nhìn, mục tiêu và giá trị giữa các thành viên. Nó giúp thúc đẩy sự hội nhập, tạo ra tinh thần trách nhiệm cho thành viên và thúc đẩy sự phối hợp thông qua sự giao tiếp hiệu quả và nhận thức chung giữa thành viên. Chiều liên hệ bao gồm: niềm tin, chuẩn mực, nghĩa vụ và sự gắn bó của thành viên. Khi mọi người đều tin tưởng lẫn nhau, có những chuẩn mực, nghĩa vụ rõ ràng và có sự gắn bó chặt chẽ với HTX, họ sẽ sẵn lòng hợp tác với nhau hơn, có sự cam kết, trung thành với HTX và tích cực tham gia hoạt động quản trị của HTX. Nhìn chung, chiều liên hệ của vốn xã hội là tài nguyên quan trọng để giúp HTX tạo ra lợi thế so với doanh nghiệp. HTX khó mà tồn tại khi không có niềm tin, sự cam kết và trung thành để hỗ trợ cho các hành động tập thể.
Có thể thấy, vốn xã hội có vai trò rất quan trọng và là lợi thế cạnh tranh của HTX. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, sự ra đời của các công nghệ sản xuất và phương thức quản trị mới đã buộc các HTX thực hiện các chiến lược hội nhập dọc và hội nhập ngang cạnh tranh tốt hơn trên thị trường (tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô và lợi thế kinh tế theo phạm vi). Song, sự mở rộng này có thể khiến cho vốn xã hội của HTX suy giảm do các vấn đề phát sinh như sau:
- Vấn đề người ăn theo: Trong HTX đông thành viên và các thành viên không biết tới nhau, khi có chuyện xảy ra, mọi người sẽ nghĩ rằng cần có người lo liệu, nhưng không phải bản thân họ.
- Vấn đề tầm nhìn: Thành viên quan tâm đến lợi ích ngắn hạn của bản thân hơn là lợi ích dài hạn của HTX.
- Vấn đề danh mục đầu tư: HTX thực hiện các đầu tư không mang lại lợi ích tốt nhất cho các thành viên do số lượng lớn thành viên không đồng nhất và các hoạt động kinh doanh rất đa dạng, phức tạp. Điều này tạo nên mâu thuẫn giữa các thành viên và khiến cho thành viên không hài lòng với HTX.
- Vấn đề giám sát: Các thành viên không biết tới nhau, nên họ trở nên thụ động khi đối mặt với vấn đề của HTX. Các thành viên không biết rõ chuyện gì đang xảy ra và thiếu động lực để hành động, không muốn đóng góp nguồn lực bản thân để giải quyết.
Việc thực hiện các chiến lược hội nhập mà bỏ qua chi phí vô hình là sự suy giảm của vốn xã hội trong phân tích lợi ích - chi phí là một thiếu sót của những người quản trị HTX. Do đó, những người quản trị HTX cần quan tâm tới việc theo dõi, sử dụng vốn xã hội của HTX trong hoạt động kinh doanh để đạt hiệu quả hơn.
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ VẬN DỤNG VỐN XÃ HỘI TRONG HOẠT ĐỘNG HTX
Liang và cộng sự (2015) đã thực hiện nghiên cứu về mối liên hệ giữa vốn xã hội với sự tham gia của nông dân vào các hoạt động tập thể của HTX và tính hiệu quả kinh tế của 147 HTX nông nghiệp tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Theo đó, vốn xã hội được tiếp cận theo 3 chiều kích gồm: chiều bên ngoài, chiều liên hệ và chiều nhận thức. Chiều bên ngoài đề cập tới mạng lưới các mối quan hệ bên ngoài của HTX. Chiều liên hệ là niềm tin giữa các thành viên với nhau và giữa thành viên với lãnh đạo. Chiều nhận thức thể hiện định hướng chung của thành viên trong HTX.
Vốn xã hội tại HTX Trung Quốc có 2 đặc trưng quan trọng sau: Thứ nhất, văn hóa “Guanxi” (nghĩa là quan hệ) có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội Trung Quốc, vì thế, đối với HTX tại đây, các mối quan hệ xã hội có vai trò quan trọng. Thông thường, các mối quan hệ này được nắm giữ bởi những nông dân ưu tú (là thành viên sáng lập, thành viên chủ chốt, nắm giữ hầu hết quyền quyết định trong HTX). Những người này có mối quan hệ gần gũi với các cơ quan nhà nước, nhà bán buôn, các chủ thể trong chuỗi cung ứng và dùng mối quan hệ này để tạo ra lợi ích cho bản thân cũng như cho các thành viên khác trong HTX. Thứ hai, HTX nông nghiệp ở Trung Quốc có quy mô nhỏ và tính địa phương cao, tức là các thành viên thường đến từ cùng hương trấn và biết rõ nhau. Điều này đã giúp hình thành nên nền tảng hợp tác dựa vào cộng đồng với các chuẩn mực được thiết lập dựa trên các mối quan hệ của thành viên trong cộng đồng đó.
Phân tích vai trò của vốn xã hội đối với HTX cho thấy một số kết quả quan trọng sau: (i) Thành viên HTX sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể (hội họp, buổi đào tạo kỹ thuật) khi có niềm tin cao (chiều liên hệ) và hiểu biết rõ về sứ mệnh, mục đích của HTX (chiều nhận thức). Những hoạt động này sau đó cũng sẽ tác động ngược trở lại, giúp củng cố vốn xã hội của HTX. (ii) Các mối quan hệ bên ngoài của HTX với các chủ thể (nhà cung cấp, HTX, khách hàng, quan chức…) có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh tế của HTX. Những mối quan hệ này có thể đem lại các thông tin cần thiết (về thị trường, công nghệ…), giảm chi phí giao dịch (chi phí tìm kiếm thông tin, đàm phán…) và đem lại các cơ hội làm ăn mới, từ đó giúp HTX hoạt động hiệu quả hơn. (iii) Mức độ tin tưởng cao giữa các thành viên và giữa thành viên với lãnh đạo HTX có tác động tích cực đến hiệu quả kinh tế. Sự tin tưởng cao sẽ giúp giảm chi phí thực thi (chi phí dành cho giám sát, đảm bảo đối phương hoạt động đúng như cam kết) và làm tăng sự cam kết tham gia vào hoạt động chung. (iv) Sự hiểu biết rõ ràng của thành viên về định hướng, sứ mệnh của HTX có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh tế. Nó giúp các thành viên có sự gắn kết với nhau, tạo dựng niềm tin và giảm thiểu các hành vi cơ hội. Việc các thành viên chia sẻ chung mục đích sẽ giúp giảm hiểu nhầm trong giao tiếp, giảm chi phí ra quyết định và thúc đẩy sự chia sẻ tri thức.
Nhìn chung, vốn xã hội có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh tế của HTX. Tuy nhiên, khi HTX mở rộng, vai trò của vốn xã hội bên trong (chiều liên hệ và chiều nhận thức) có thể bị suy giảm do HTX ngày càng hoạt động giống với doanh nghiệp, có bộ máy quản trị chuyên nghiệp, độc lập hơn và thành viên bị thúc đẩy bởi động cơ kinh tế hơn là động cơ xã hội. Bên cạnh đó, vốn xã hội cũng có thể gây ra một số hạn chế, như: hạn chế sự gia nhập của người ngoài, giới hạn động lực kinh doanh, đổi mới của thành viên và trì hoãn sự thăng tiến của các cá nhân tài năng.
Nghiên cứu tình huống của Yu và Nilsson (2019) về vốn xã hội và vốn tài chính tại 4 HTX điển hình ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã cho thấy cách thức HTX khai thác vốn xã hội để giải quyết vấn đề tài chính. HTX có mức độ vốn xã hội cao sẽ có lợi thế trong việc có được vốn tài chính, bởi lúc này các thành viên có sự tin tưởng cao vào HTX, nên họ sẵn sàng đầu tư, cho HTX vay, tự nguyện không nhận lợi tức để đóng góp quỹ chung... Từ đó, giúp cho HTX có được nguồn lực tài chính để hoạt động. Tuy nhiên, sự chuyển đổi giữa vốn xã hội và vốn tài chính đi kèm với các chi phí giao dịch. Do đó, để tránh chi phí giao dịch, các chủ thể có thế mạnh về loại vốn nào sẽ sử dụng công nghệ, phương thức sản xuất thâm dụng loại vốn đó. Chính vì vậy, các HTX thường thực hiện sản xuất thâm dụng lao động hơn là thực hiện sản xuất thâm dụng vốn, do HTX tương đối dồi dào vốn xã hội (thành viên HTX sẵn sàng tham gia lao động và thích làm việc cùng nhau). Mặt khác, việc chuyển đổi vốn xã hội thành vốn tài chính không có nghĩa là chủ thể sẽ có ít vốn xã hội hơn. Nếu sự chuyển đổi diễn ra thành công (HTX có được vốn tài chính và sử dụng hiệu quả), vốn xã hội thậm chí sẽ tăng lên.
Tại nghiên cứu tình huống của tác giả về sự chuyển đổi vốn xã hội và vốn tài chính, 4 HTX được chọn để nghiên cứu gồm 2 HTX tại TP. Hạ Môn và 2 HTX tại huyện Cổ Điền. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những HTX tại Hạ Môn theo đuổi chiến lược tài chính bên trong, tức huy động vốn từ thành viên, trong khi đó, HTX tại huyện Cổ Điền theo đuổi chiến lược tài chính bên ngoài, tức vay từ các tổ chức tài chính. Mô hình huy động tài chính của các HTX ở Hạ Môn và Cổ Điền khác nhau do hoạt động sản xuất của các bên khác nhau. Các HTX ở Hạ Môn không thực hiện chế biến sản phẩm, nên có nhu cầu vốn nhỏ và ngắn hạn. Sự tin tưởng cao giữa thành viên và giữa thành viên với lãnh đạo HTX đã giúp huy động vốn từ thành viên một cách thuận tiện hơn, giảm thiểu các chi phí so với vay từ bên ngoài. Trong khi đó, HTX tại Cổ Điền thực hiện chế biến sản phẩm, nên cần nhiều vốn dài hạn để đầu tư vào tài sản cố định, như: trang thiết bị, nhà xưởng, do đó huy động tài chính từ thành viên là không đủ, cần phải huy động tài chính từ bên ngoài. Những HTX này đã xây dựng được lòng tin, mối quan hệ tốt với các thành viên trong HTX và với các tổ chức tài chính tại địa phương. Nhờ đó mà các tổ chức tài chính chấp nhận những HTX này làm người bảo lãnh cho các khoản vay cho thành viên.
Ruben và Heras (2012) đã thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của vốn xã hội đến hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp dựa trên dữ liệu khảo sát 500 nông dân tại 5 HTX ở Ethiopia. Theo đó, vốn xã hội được tác giả tiếp cận gồm 2 chiều kích là chiều cấu trúc (mạng lưới quan hệ bên trong và bên ngoài) và chiều nhận thức (niềm tin và sự có đi có lại). Kết quả nghiên cứu cho thấy, các HTX nằm ở vị trí thuận tiện, gần với đường chính và khu thương mại (nhóm I) lại có các chỉ số vốn xã hội thấp hơn so với các HTX nằm ở vị trí xa đường chính (nhóm II). Điều này là do các thành viên của HTX nhóm I có nhiều cơ hội tham gia các công việc phi nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập khác, nên họ sẽ ít tập trung vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp của HTX, dẫn đến mức độ gắn kết xã hội trong HTX thấp hơn. Những HTX nhóm I có vốn xã hội bắc cầu mạnh hơn vốn xã hội gắn kết, trong khi HTX nhóm II thì ngược lại. Ngoài ra, những HTX nhóm I cũng có hiệu quả hoạt động thấp hơn nhóm II khi họ chỉ có thể đưa cho thành viên biên lai giao cà phê có thể đổi thành tiền mặt sau khi cà phê được bán (HTX không có khả năng thanh toán liền cho thành viên do nguồn vốn nội bộ khan hiếm) và số lượng cà phê thu mua được từ thành viên ngày càng giảm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, HTX có vốn xã hội cao sẽ có khả năng phản ứng cộng đồng tốt hơn trước những ràng buộc từ bên ngoài, chống chọi mạnh mẽ hơn trước những nghịch cảnh và có khả năng phục hồi tốt hơn. Tuy nhiên, phản ứng này phụ thuộc vào loại vốn xã hội sẵn có: Nếu vốn xã hội gắn kết mạnh hơn vốn xã hội bắc cầu, thì hành động tập thể trở nên khả thi hơn, nhưng khi vốn xã hội bắc cầu chiếm ưu thế, mọi người có xu hướng dựa nhiều hơn vào các giải pháp cá nhân dựa vào mạng lưới quan hệ bên ngoài và các giải pháp thay thế khác.
Tenzin và Natsuda (2016) đã thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của vốn xã hội đến thu nhập hộ gia đình và sự phát triển của cộng đồng tại HTX sữa ở Bhutan. Tác giả đã làm sáng tỏ cách HTX hình thành vốn xã hội gắn kết, vốn xã hội bắc cầu, vốn xã hội liên kết và vai trò của các loại vốn xã hội này. Theo đó, nghiên cứu tình huống tại HTX sản xuất bơ sữa Pam cho thấy, HTX có mức độ vốn xã hội gắn kết cao khi các thành viên đồng nhất về niềm tin tôn giáo, dân tộc, ngôn ngữ và tích cực tham gia các hoạt động chung, kết nối với nhau. HTX cũng có vốn xã hội bắc cầu cao khi có sự hợp tác thường xuyên giữa thành viên với các nhóm, HTX khác trong và ngoài cộng đồng. Cuối cùng, HTX cũng ghi nhận mức độ vốn xã hội liên kết cao với các thành viên tích cực hợp tác với các cơ quan nhà nước, người quyên tặng để nhận hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và khu vực tư nhân để cung ứng sản phẩm. Lãnh đạo HTX đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập hoạt động kinh doanh và marketing của HTX do có mối quan hệ rộng rãi với các hiệp hội, tổ chức chính trị. Đồng thời, mạng lưới các mối quan hệ của lãnh đạo HTX cũng là cơ sở để hợp tác xây dựng vốn xã hội bắc cầu và vốn xã hội liên kết; do đó, một trong những nguyên nhân dẫn tới thành công của HTX đến từ vai trò của người lãnh đạo. Nhìn chung, vốn xã hội gắn kết là thứ cần thiết để cho HTX tồn tại, trong khi vốn xã hội bắc cầu và vốn xã hội liên kết sẽ giúp cho HTX phát triển. Phân tích về ảnh hưởng của vốn xã hội cho thấy, vốn xã hội đem lại 3 lợi ích lớn gồm:
(i) Xây dựng sự tự tin, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng xã hội: Theo đó, HTX nuôi dưỡng sự tự tin của thành viên thông qua những buổi họp hàng tháng thảo luận về kế hoạch hoạt động và các vấn đề khác. Các thành viên cũng chia sẻ những kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản lý với nhau và có tiếng nói chung khi nêu lên vấn đề của HTX với cơ quan chức năng. HTX cũng cung cấp nền tảng và cơ hội cho các thành viên học hỏi và chia sẻ các kỹ năng xã hội.
(ii) Giảm chi phí giao dịch và tăng thu thập: Việc tham gia HTX đã giúp họ cùng nhau sản xuất và đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô. Các thành viên cũng giảm được chi phí giao dịch như chi phí marketing do được HTX đảm bảo đầu ra. Ngoài ra, họ cũng nâng cao được năng lực sản xuất khi kỹ năng quản lý, kiến thức vận hành máy móc được cải thiện. Những thành viên của HTX cũng hưởng lợi từ HTX Pam khi mà HTX cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.
(iii) Hiệu ứng lan tỏa: Những khoản hỗ trợ mà HTX nhận được từ chính phủ, người quyên góp đem lại lợi ích cho cả cộng đồng. Theo đó, HTX cũng cung cấp cho những người không phải thành viên các khoản vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường (tuy nhiên, lãi suất vẫn cao hơn so với lãi suất cho thành viên HTX). Đồng thời, HTX cũng giúp lan tỏa các công nghệ, kỹ thuật sản xuất khi những người không phải thành viên quan sát, học hỏi và áp dụng các công nghệ sản xuất và kỹ năng quản lý của những thành viên HTX.
BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
Từ những nghiên cứu quốc tế về vận dụng vốn xã hội trong HTX, có một số bài học kinh nghiệm thành công mà các HTX tại Việt Nam có thể tham khảo như sau:
- Tạo giá trị chung và mục tiêu dài hạn: HTX xây dựng vốn xã hội bằng cách phát triển và duy trì một bộ giá trị chung và mục tiêu dài hạn mà tất cả các thành viên đều tôn trọng và theo đuổi. Điều này không chỉ giúp hướng dẫn hoạt động của HTX, mà còn củng cố sự gắn kết và cam kết giữa các thành viên.
- Xây dựng niềm tin và mối quan hệ chất lượng cao: HTX thường bắt đầu từ một nhóm nhỏ các cá nhân có chung lợi ích hoặc mục tiêu. Sự tin tưởng và tương hỗ là nền tảng, giúp xây dựng một môi trường làm việc nơi thành viên cảm thấy an toàn để chia sẻ ý kiến và tài nguyên. Hay nói cách khác, niềm tin là nền tảng của vốn xã hội và niềm tin này được xây dựng, củng cố qua sự minh bạch, trách nhiệm, công bằng và giao tiếp hiệu quả, tạo điều kiện cho sự hợp tác và chia sẻ kiến thức. Vì vậy, việc xây dựng niềm tin giữa các thành viên sẽ củng cố sự hợp tác, giảm thiểu xung đột và tăng cường tính bền vững của HTX.
- Thúc đẩy sự tham gia của thành viên: Sự tham gia tích cực của các thành viên không chỉ tăng cường cam kết và đồng thuận, mà còn giúp tận dụng kiến thức và kỹ năng của mỗi cá nhân. Do đó, HTX cần tạo điều kiện và khuyến khích họ tham gia vào các quyết định và hoạt động, phát triển các giải pháp, ý tưởng sáng tạo phục vụ cho HTX. Việc khuyến khích sự tham gia có thể thông qua các cuộc họp định kỳ, tổ chức các buổi đào tạo, hội thảo và hoạt động xã hội. Điều này giúp tăng cảm giác sở hữu và cam kết đối với HTX của các thành viên HTX, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động chung.
- Phát triển các chuẩn mực xã hội và văn hóa tổ chức: Văn hóa tổ chức tích cực và chuẩn mực xã hội lành mạnh giúp hỗ trợ việc hình thành và duy trì vốn xã hội. Điều này bao gồm việc tôn trọng lẫn nhau, sẵn sàng giúp đỡ người khác, cũng như sẵn sàng chung tay giải quyết các khó khăn của HTX và tạo điều kiện cho các thành viên cảm thấy được trân trọng và quan trọng. Bên cạnh việc xây dựng, phát triển các chuẩn mực, HTX cũng cần chú trọng đảm bảo tuân thủ thực hiện các chuẩn mực chung trong HTX. Việc này không chỉ giúp củng cố vốn xã hội, mà còn tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp và thân thiện.
- Hợp tác với các tổ chức và đóng góp cho cộng đồng: Việc tăng cường hợp tác và liên kết với các HTX khác, cũng như với các tổ chức phi chính chủ, doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, cộng đồng địa phương sẽ giúp cho HTX mở rộng nguồn lực, kiến thức và thị trường cho các HTX. Mạng lưới quan hệ rộng lớn hơn này sẽ tăng cường sức mạnh, mở ra nhiều cơ hội mới và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh doanh và cải thiện hiệu quả hoạt động của HTX. Đồng thời, qua sự hợp tác, tham gia vào hoạt động công cộng, HTX còn tạo ra nhiều lợi ích công cộng, như: cải thiện đời sống, môi trường kinh doanh địa phương…, từ đó đạt được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng hơn.
- Xây dựng bộ máy và phương thức quản trị phù hợp với sự phát triển của HTX: Tại các giai đoạn phát triển khác nhau của HTX sẽ có những vấn đề nảy sinh đòi hỏi phải có bộ máy và phương thức quản trị tương ứng sao cho phù hợp. Khi HTX ngày càng phát triển lớn mạnh, số lượng thành viên ngày càng đông và công việc càng trở nên phức tạp, thì cần phải có bộ máy và phương thức quản trị bài bản, chuyên nghiệp hơn. Việc chuyển đổi bộ máy và phương thức quản trị cần được diễn ra với nhịp độ phù hợp, tránh sự thay đổi đột ngột khiến cho thành viên không thể thích ứng kịp. Bộ máy và phương thức quản trị mới này cũng cần phải đảm bảo và phát huy vai trò của vốn xã hội trong HTX, giúp cân bằng đặc tính xã hội và đặc tính kinh tế của HTX.
Bên cạnh những bài học kinh nghiệm thành công, HTX Việt Nam cũng cần lưu ý một số bài học thất bại cần tránh như sau:
- Không nhận thức tầm rõ tầm quan trọng của vốn xã hội với HTX: Những phân tích về kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, vốn xã hội có ý nghĩa quan trọng và là lợi thế cạnh tranh của HTX. Việc không có nhận thức rõ ràng về vốn xã hội sẽ khiến cho HTX để mất đi lợi thế quan trọng này do không tính đến nó trong việc hoạch định chiến lược. Điều này sẽ khiến cho HTX hoạt động kém bền vững và đánh mất ý nghĩa tồn tại. Do đó, các thành viên của HTX, đặc biệt là những người thực hiện công tác lãnh đạo, quản lý, cần phải có nhận thức rõ về nguồn vốn xã hội hiện hữu của HTX thông qua quá trình tự kiểm tra, đánh giá thường xuyên về vốn xã hội của bản thân, như :số lượng và chất lượng các mối quan hệ, mức độ tin tưởng với những thành viên khác... Trên cơ sở kết quả của những đánh giá này, HTX có thể đưa ra, điều chỉnh các chiến lược hoạt động sao cho phù hợp, tránh làm suy yếu vốn xã hội của HTX, tạo tiền đề để HTX phát triển bền vững, dài lâu.
- Kết nạp thành viên chỉ vì mối quan hệ thân thuộc, thiếu sự chọn lọc, đánh giá khách quan: Việc HTX mở rộng thành viên một cách bừa bãi, kết nạp chỉ vì mối quan hệ thân thuộc có thể khiến cho HTX hoạt động kém hiệu quả vì thiếu đi những người tài năng, có tinh thần trách nhiệm để giúp xây dựng và phát triển HTX. Ngoài ra, việc hợp tác xã mở rộng thành viên quá nhanh do sự dễ dãi trong việc kết nạp cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến vốn xã hội hiện hữu của HTX, khiến cho các thành viên HTX trở nên xa cách với nhau, thiếu sự tin tưởng, cam kết giữa các thành viên để cùng chung tay phát triển HTX. Do đó, việc kết nạp thành viên cần dựa trên sự chọn lọc, đánh giá kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh, như: mong muốn tham gia HTX, nhu cầu của HTX... để có thể kết nạp những thành viên phù hợp.
- Không chú trọng đến bồi dưỡng thế hệ kế cận: Kinh nghiệm thực tế tại một số HTX trong và ngoài nước cho thấy, HTX thường bị phụ thuộc nhiều vào người thành lập và lãnh đạo HTX bởi đây là người có năng lực lãnh đạo, có nhiều mối quan hệ với bên ngoài, hiểu rõ về các thành viên HTX và được tín nhiệm nhất. Tuy nhiên, điều này đặt ra rủi ro rất lớn cho HTX khi chẳng may người lãnh đạo này không thể tiếp tục công việc, khiến cho HTX rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu người đủ năng lực và uy tín để chèo lái HTX. Do đó, công tác bồi dưỡng thế hệ kế cận cần phải được HTX đặc biệt quan tâm và thực hiện từ sớm.
KẾT LUẬN
Từ những kinh nghiệm tại các quốc gia trên thế giới, có thể thấy, vốn xã hội là một nguồn lực rất quan trọng mà HTX tại Việt Nam cần chú ý khai thác, vận dụng trong hoạt động kinh doanh. Bằng cách sử dụng vốn xã hội hiệu quả, HTX có thể đạt được nhiều lợi thế trong kinh doanh. Đồng thời, vốn xã hội còn là nền tảng cơ bản để HTX tồn tại và phát triển, bởi nếu các thành viên trong HTX thiếu đi sự tin cậy lẫn nhau, thiếu đi sự tương tác, liên hệ với nhau, thì việc hợp tác, tương trợ lẫn nhau để thực hiện các hoạt động tập thể sẽ rất khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của HTX. Do đó, cùng với việc phát triển hoạt động kinh doanh và mở rộng tích luỹ các loại vốn tài chính, vốn vật chất, HTX cần phải chú trọng bồi dưỡng, phát triển vốn xã hội thông qua các biện pháp phù hợp. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX cũng như tạo tiền đề để HTX phát triển bền vững hơn, phát huy được bản chất xã hội của HTX./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Sách trắng HTX Việt Nam, Nxb Thống kê, Hà Nội.
2. Bourdieu, P. (1986), The Forms of Capital, In J. Richardson (Ed.), Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education, Greenwood, New York, 241-258.
3. Coleman, J. S. (1988), Social capital in the creation of human capital, American Journal of Sociology, 94, 95-120, DOI: 10.1086/228943.
4. Deng, W., Hendrikse, G., and Liang, Q. (2021), Internal social capital and the life cycle of agricultural cooperatives, Journal of Evolutionary Economics, 31(1), 301-323, DOI: 10.1007/s00191-020-00690-8.
5. Hanifan, L. J. (1916), The Rural School Community Center, Annals of the American Academy of Political and Social Science, 67, 130-138.
6. International Cooperative Alliance (1995), Statement on Co-operative Identity, retrieved from https://jicr.roukyou.gr.jp/oldsite/link/img/backgoundpaper%20_on_the_ica%20_statement.pdf on June 06, 2024.
7. Liang, Q., Huang, Z., Lu, H., and Wang, X. (2015), Social Capital, Member Participation, and Cooperative Performance: Evidence from China’s Zhejiang, International Food and Agribusiness Management Review, 18(1), 49-78, DOI: 10.22004/ag.econ.197768.
8. Nguyễn Thị Ánh Tuyết và Bùi Thị Phương (2014). Vốn xã hội từ một số cách tiếp cận nghiên cứu trên thế giới, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 4(77), 63-73.
10. Phùng Quốc Chí và Quách Thái Sơn (2022), Kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và những vấn đề đặt ra, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/ket-qua-20-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-13-nqtw-ve-doi-moi-phat-trien-va-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-tap-the-va-nhung-van-de-dat-ra-21287.html ngày 06/06/2024.
11. Quốc hội (2012), Luật HTX, Luật số 23/2012/QH13, ngày 20/11/2012.
12. Quốc hội (2023), Luật HTX, Luật số 17/2023/QH15, ngày 20/6/2023.
13. Ruben, R., and Heras, J. (2012), Social capital, governance and performance of Ethiopian coffee cooperatives, Annals of Public and Cooperative Economics, 83(4), 463-484, DOI: 10.1111/j.1467-8292.2012.00473.x.
14. Tenzin, G., and Natsuda, K. (2016), Social capital, household income, and community development in Bhutan: A case study of a dairy cooperative, Development in Practice, 26(4), 467-480, DOI: 10.1080/09614524.2016.1161731.
15. Yu, L., and Nilsson, J. (2019), Social capital and financial capital in Chinese cooperatives, Sustainability, 11(8), 2415, DOI: 10.3390/su11082415.
Ngày nhận bài: 15/7/2024; Ngày phản biện: 30/7/2024; Ngày duyệt đăng: 14/8/2024 |
Bình luận