ThS. Mạc Xuân Dũng - Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Văn Dĩnh - Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại

Nguyễn Thị Thu Tuyền - Khoa Kinh tế - Trường Đại học Thủ Dầu Một

Đặng Ngọc Tú - Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại

NCS. Đặng Trường Thịnh –Trường Đại học Ngoại thương

Tóm tắt

Thông qua kết quả khảo sát đối với 148 người đang hoạt động tại các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT), chi nhánh DNKT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, bài viết nhằm kiểm định và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định đạo đức của kiểm toán viên (KTV) tại các DNKT. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 3 nhân tố có ảnh hưởng đến việc ra quyết định đạo đức của KTV tại các DNKT với thứ tự tầm quan trọng là: (i) Nhận thức của KTV; (ii) Luật và quy định nghề nghiệp kiểm toán; (iii) Môi trường làm việc tại DNKT.

Từ khóa: kiểm toán viên, ra quyết định đạo đức, doanh nghiệp kiểm toán

Summary

Through the survey results of 148 people working at auditing firms and branches of auditing firms in Ho Chi Minh City, the article examines and evaluates the factors affecting the ethical decision-making of auditors at auditing firms. The research results show that there are 3 factors affecting the ethical decision-making of auditors at auditing firms in the following order of importance: (i) Auditors’ awareness; (ii) Laws and regulations of the auditing profession; (iii) Working environment at auditing firms.

Keywords: auditors, ethical decision-making, auditing firms

GIỚI THIỆU

Sau các cuộc khủng hoảng tài chính và nhiều vụ gian lận trong những năm gần đây, KTV được chú ý nhiều hơn. Ví dụ, vụ bê bối liên quan đến công ty Enron và công ty kiểm toán Arthur Andersen; hoặc tại châu Á cũng đã xảy ra trường hợp hệ thống kiểm toán nội bộ của công ty Toshiba đã để lọt báo cáo bất thường phóng đại lợi nhuận từ năm 2008 đến năm 2014. Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Dược phẩm Viễn Đông (DVD) đã tạo doanh thu ảo và thao túng giá cổ phiếu, đơn vị kiểm toán cho DVD là Ernst & Young (E&Y), đã xác nhận những con số kinh doanh ấn tượng ở DVD, nên nhà đầu tư đã mắc bẫy. Hơn nữa, những năm 2016 đến 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải ban hành những quyết định đình chỉ đối với các KTV, hoặc không chấp thuận cho các KTV thực hiện kiểm toán kỳ năm sau, hoặc nhắc nhở thiếu sót trong kiểm toán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 2016; 2017; 2018; 2019).

Những trường hợp nêu trên đã phản ánh phần nào như phát biểu của Okezie (2016) rằng: “Có ý kiến cho rằng, KTV là những người góp phần chính làm suy giảm các tiêu chuẩn đạo đức của một doanh nghiệp do họ không thực hiện đúng mức và siêng năng trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình”. Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Trong bối cảnh kiểm toán độc lập tại Việt Nam, khi ra quyết định kiểm toán của KTV, về mặt đạo đức ảnh hưởng bởi những nhân tố nào? Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đó như thế nào? Đây cũng chính là lý do nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng việc ra quyết định đạo đức của KTV tại các DNKT Việt Nam”.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Tổng quan nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Nghiên cứu và đánh giá về các yếu tố quyết định và quan trọng trong việc ra quyết định về đạo đức, Loe và cộng sự (2000) đã nhận định những yếu tố liên quan đến cá nhân người ra quyết định, như: giới tính, tuổi tác, kinh nghiệm, quốc tịch... và những yếu tố khác, như: tổ chức, môi trường làm việc, nghề nghiệp...

Nghiên cứu về ảnh hưởng đến hành vi đạo đức hoặc việc ra quyết định về đạo đức của KTV, Francis và cộng sự (2004) cho rằng, liên quan đến các yếu tố bên ngoài như: thông tin nhận được, các chuẩn mực xã hội, đạo đức, luân lý và các yếu tố bên trong, như: đặc điểm cá nhân, tính cách, giá trị, tình cảm và trí tuệ.

Nghiên cứu về tính độc lập của quá trình ra quyết định về đạo đức kiểm toán, Negina và cộng sự (2017) cho rằng, tính độc lập của các KTV tham gia nghiên cứu không bị ảnh hưởng, mặc dù phải đối diện với các tình huống đe dọa tính liên tục của họ trong việc nhận các nhiệm vụ trong tương lai từ khách hàng, các KTV vẫn có thể duy trì sự độc lập của họ, với thái độ bảo toàn và cần thiết để duy trì sự tín nhiệm. Ngoài ra, không có sự khác biệt đáng kể nào liên quan đến tính độc lập của đạo đức và phẩm chất đạo đức KTV, bất kể khi áp lực công việc của họ ở mức độ như thế nào.

Nghiên cứu về cam kết đạo đức và chất lượng kiểm toán của KTV nhà nước, ZhuKun và cộng sự (2017) phát hiện ra rằng, sức mạnh của cam kết đạo đức của KTV có liên hệ nghịch đảo với hành vi giảm chất lượng kiểm toán. Ngoài ra, khi nhiệm kỳ của KTV tăng lên, cam kết đạo đức trở nên hiệu quả hơn trong việc giảm sự xuất hiện giảm chất lượng kiểm toán.

Nghiên cứu về việc KTV đối diện với các tình huống khó xử về đạo đức, Chaplais và cộng sự (2016) cho rằng, đào tạo làm tăng khả năng xác định một tình huống khó xử về đạo đức.

Nghiên cứu về ảnh hưởng của giá trị cá nhân, triết lý đạo đức và văn hóa đạo đức tổ chức đối với hành động và sự chấp nhận của KTV đối với rối loạn chức năng hành vi, Sanda và cộng sự (2018) cho rằng, KTV có triết lý đạo đức tương đối sẽ có xu hướng chấp nhận rối loạn chức năng hành vi, trong khi KTV theo thuyết duy tâm sẽ có xu hướng từ chối hành vi đó. Văn hóa đạo đức tổ chức và giá trị cá nhân của việc tự nâng cao được phát hiện có ảnh hưởng đến sự chấp nhận của KTV đối với rối loạn chức năng hành vi. Tuy không nghiên cứu trực tiếp về đạo đức nghề nghiệp kiểm toán, nhưng nghiên cứu về đạo đức nghề nghiệp và ảnh hưởng từ các yếu tố giá trị cá nhân và giá trị tổ chức, Lê Thị Thanh Xuân và cộng sự (2015) nhận xét rằng, các yếu tố giá trị cá nhân và giá trị tổ chức có ảnh hưởng tích cực đến đạo đức nghề nghiệp, trong đó chính sách của tổ chức đối với các hành vi đạo đức có ảnh hưởng quan trọng nhất.

Từ các lập luận trên, nhóm tác giả đề xuất các giả thuyết sau:

H1: Luật và quy định nghề nghiệp ảnh hưởng đáng kể đến việc Ra quyết định đạo đức của KTV tại các DNKT Việt Nam.

H2: Môi trường làm việc tại DNKT ảnh hưởng đáng kể đến việc Ra quyết định đạo đức của KTV tại các DNKT Việt Nam.

H3: Nhận thức của KTV ảnh hưởng đáng kể đến việc Ra quyết định đạo đức của KTV tại các DNKT Việt Nam.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Từ các giả thuyết nghiên cứu nói trên, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các nhân tố ảnh hưởng việc ra quyết định đạo đức của kiểm toán viên tại các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Đối tượng khảo sát của nghiên cứu là 148 người đang làm việc tại các DNKT, chi nhánh DNKT từ 3 năm trở lên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Thời gian thu thập dữ liệu được tiến hành đến cuối tháng 5/2020. Trong nghiên cứu này, thang đo được sử dụng là Likert 1-5, trong đó điểm 1 và 2 đại diện cho bên đánh giá Thấp, điểm 4 và 5 đại diện cho bên đánh giá Cao, điểm 3 là trung gian giữa 2 bên.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả kiểm định chất lượng thang đo

Bảng 1: Kiểm định sơ bộ độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha

Các nhân tố ảnh hưởng việc ra quyết định đạo đức của kiểm toán viên tại các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam
Nguồn: Kết quả phân tích trên SPSS 20

Bảng 1 cho thấy, hệ số Cronbach's Alpha của các nhân tố đều > 0,6 và hệ số tương quan biến tổng đều > 0,3 vì thế các biến quan sát trong nhân tố đều đạt sự tin cậy, không có biến quan sát nào phải loại khỏi bảng khảo sát. Nhóm tác giả tiếp tục giữ lại 38 kết quả phản hồi cho các phân tích chính thức tiếp theo.

Kết quả phân tích khám phá nhân tố (EFA)

Phân tích EFA biến độc lập

Kết quả EFA cho thấy, chỉ số KMO là 0,784 (> 0,5), điều này chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp. Kết quả kiểm định Bartlett với mức ý nghĩa Sig. = 0,000 (< 0,05), cho thấy các biến có tương quan với nhau và thỏa điều kiện EFA.

Kết quả kiểm định mức độ giải thích của các biến đo lường đối với nhân tố, giá trị tổng phương sai trích (Eigenvalues Cumulative) là 74,05% (> 50%), cho thấy 3 nhân tố này giải thích 74,05% biến thiên của dữ liệu. Giá trị Eigenvalues Total của nhân tố thứ ba có Eigenvalues thấp nhất là 1,95 (>1).

Thực hiện EFA theo phương pháp quay nguyên gốc (Varimax) các nhân tố, kết quả cho thấy 11 biến đo lường ban đầu được nhóm thành ba nhóm, trong đó:

Nhân tố 1 (Component 1), các biến được sắp xếp như sau: Khi ra quyết định trong kiểm toán, mọi người luôn ý thức trong việc đánh mất niềm tin nghề nghiệp (NT4), Khi ra quyết định trong kiểm toán, cân nhắc quan trọng nhất là danh tiếng của doanh nghiệp (NT1), Khi ra quyết định trong kiểm toán, mối quan tâm chính là những gì tốt nhất cho khách hàng (NT3), Khi ra quyết định trong kiểm toán, cách hiệu quả nhất là tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp (NT2).

Nhân tố 2 (Component 2), các biến được sắp xếp như sau: Khi ra quyết định trong kiểm toán, quan tâm chính là sự chế tài của cơ quan quản lý (LQ4), Khi ra quyết định trong kiểm toán, quan trọng hơn cả là sự giám sát của cơ quan quản lý (LQ3), Khi ra quyết định trong kiểm toán, tuân theo luật pháp và các chuẩn mực nghề nghiệp trên tất cả các cân nhắc khác (LQ1), Khi ra quyết định trong kiểm toán, hiệu quả nhất là xem có vi phạm bất kỳ các quy trình kiểm soát nào hay không (LQ2).

Nhân tố 3 (Component 3), các biến được sắp xếp như sau: Khi ra quyết định trong kiểm toán, mọi người quan tâm các chính sách của doanh nghiệp kiểm toán (MT1), Khi ra quyết định trong kiểm toán, mọi người quan tâm về bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp kiểm toán (MT3), Khi ra quyết định trong kiểm toán, mọi người tập trung các thủ tục của doanh nghiệp kiểm toán (MT2).

Các hệ số tải nhân tố đều > 0,5 và không có trường hợp biến nào cùng lúc tải lên nhiều nhân tố với hệ số gần nhau, nghĩa là biến đo lường của nhân tố này không bị xen lẫn với biến đo lường của nhân tố khác. Vì thế, các nhân tố đảm bảo được giá trị hội tụ và phân biệt, không thêm hoặc bị giảm đi nhân tố.

Phân tích EFA biến phụ thuộc

Kết quả EFA đối với biến phụ thuộc cho thấy, chỉ số KMO là 0,744 (> 0,5), điều này chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp. Kết quả kiểm định Bartlett với mức ý nghĩa Sig. = 0,000 (< 0,05), cho thấy các biến có tương quan với nhau và thỏa mãn điều kiện EFA.

Kết quả kiểm định mức độ giải thích của các biến đo lường đối với nhân tố, trị số Eigenvalues Total cho biết nhân tố được chọn trong thực hiện EFA và trị số Eigenvalues Cumulative là 70% (> 50%) cho biết 70% thay đổi của nhân tố được giải thích bởi các biến đo lường.

Kết quả thực hiện EFA sử dụng phương pháp quay nguyên gốc nhân tố, cho thấy các hệ số tải nhân tố đều > 0,5 các biến của nhân tố được bảo toàn, bao gồm: Thảo luận tình hình với Giám đốc điều hành hoặc cán bộ cấp trên cho đến khi hoãn lại tài sản thuế không được ghi nhận (QD2), Không thực hiện hành động nào và giữ bí mật vấn đề (QD1), Thông báo cho cơ quan thuế vụ về vấn đề này (QD3), Từ bỏ cuộc hẹn với khách hàng (QD4).

Tóm lại, sau khi kiểm định Cronbach’s Alpha và thực hiện EFA, 15 biến đo lường ban đầu được giữ nguyên trong 3 nhân tố độc lập và 1 nhân tố phụ thuộc. Các biến đo lường được rút trích vào các nhân tố như dự đoán ban đầu, cho nên mô hình nghiên cứu và các giả thuyết mà tác giả đề xuất không phải điều chỉnh lại.

Kết quả phân tích tương quan

Kết quả phân tích tương quan Pearson thể hiện ma trận cho thấy, các biến độc lập trong ma trận có hệ số tương quan trung bình với biến phụ thuộc và có các giá trị Sig đều < 0,05, chứng tỏ các biến độc lập đạt giá trị phân biệt và nhiều khả năng giải thích cho biến phụ thuộc. Ma trận hệ số tương quan chỉ ra biến phụ thuộc “Ra quyết định đạo đức của KTV tại các DNKT Việt Nam (QD)” có tương quan với các biến độc lập.

Tóm lại, các biến độc lập đều được đưa vào phân tích hồi quy nhằm xem xét mối quan hệ giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc.

Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính bội

Xem xét hiện tượng tự tương quan, kết quả phân tích, trị số DW = 1,808 (>1,5) cho thấy, các phần sai số không có tự tương quan chuỗi bậc nhất với nhau.

Xem xét hiện tượng đa cộng tuyến, kết quả phân tích cho thấy các hệ số VIF đều < 2, nên không tồn tại đa cộng tuyến trong mô hình hồi quy.

Xem xét mức độ giải thích của mô hình hồi quy tuyến tính bội ở Bảng 2 cho thấy, kết quả R2 hiệu chỉnh = 0,44 cho thấy, mô hình hồi quy tuyến tính này phù hợp với tập dữ liệu của mẫu ở mức 44% và chỉ ra rằng các biến độc lập giải thích được 44% thay đổi của biến phụ thuộc “Ra quyết định đạo đức của KTV tại các DNKT Việt Nam (QD)”. Còn lại 56% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên.

Bảng 2: Phân tích hồi quy tuyến tính đa biến

Các nhân tố ảnh hưởng việc ra quyết định đạo đức của kiểm toán viên tại các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu

Bảng 3: Phân tích hồi quy

Các nhân tố ảnh hưởng việc ra quyết định đạo đức của kiểm toán viên tại các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu

Xem xét ý nghĩa hệ số hồi quy ở Bảng 3, kết quả kiểm định t của các biến độc lập cho thấy, các trị số Sig. đều < 0,05, nên có thể kết luận các biến độc lập có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc, không có biến nào bị loại khỏi mô hình. Mô hình hồi quy được chuẩn hóa như sau:

Quyết định đạo đức của KTV tại các DNKT Việt Nam = 0,417 * Nhận thức của KTV + 0,397 * Luật và quy định nghề nghiệp kiểm toán + 0,275 * Môi trường làm việc tại DNKT

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 3 nhân tố đã ảnh hưởng việc Ra quyết định có đạo đức của KTV tại các DNKT Việt Nam với thứ tự tầm quan trọng là: (i) Nhận thức của KTV; (ii) Luật và quy định nghề nghiệp kiểm toán; (iii) Môi trường làm việc tại DNKT.

Khuyến nghị

Thứ nhất, các cơ quan quản lý cần quan tâm hơn đến quy trình kiểm soát; thực trạng việc tuân thủ quy định pháp luật liên quan cho thấy, sai phạm phát hiện trong quá trình kiểm tra cần được xử lý và công khai rộng rãi, đảm bảo tính răn đe; thực trạng kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán cho thấy, các cơ quan quản lý cần triển khai công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ của các DNKT với số lượng nhiều hơn hiện nay (Vuong và Nguyen, 2024).

Thứ hai, DNKT cần chú trọng đến quy trình và thủ tục phù hợp. Hơn nữa, thực trạng hoạt động kiểm toán độc lập cho thấy DNKT cần xây dựng và thực thi nghiêm túc quy chế quản lý, kiểm soát chất lượng, xác định rõ trách nhiệm thực thi; hoàn thiện hồ sơ kiểm tra, giám sát của ban lãnh đạo DNKT.

Thứ ba, thực trạng kỹ thuật kiểm tra hồ sơ kiểm toán cho thấy, KTV cần thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất; cẩn thận, siêng năng, có tinh thần trách nhiệm; đúc kết kinh nghiệm thực tế kiểm toán để hình thành cho mình kỹ năng kiểm toán, cũng như tố chất một KTV chuyên nghiệp./.

Tài liệu tham khảo

1. Chaplais, C. et al (2016), The auditor facing ethical dilemmas: The impact of ethical training on compliance with a deontological code, retrieved from: https://www.researchgate.net/publication/303132696.

2. Francis, J.J. et al (2004), Constructing Qustionnaires Based on The Theory of Planned Behaviour. A Manual for Health Services Researches, United Kingdom: Quality of Life and Management of Living Resources.

3. Loe, T.W. et al (2000), A Review of Empirical Studies Assessing Ethical Decision Making in Business, Journal of Business Ethics, 25, 185-204.

4. Negina, K.P. et al (2017), Independence of Audit Ethical Decision Making Process: A Case of Indonesia, Business & Economics Review, 26(2), 115–124.

5. Lê Thị Thanh Xuân và cộng sự (2015), Đạo đức nghề nghiệp và ảnh hưởng từ các yếu tố giá trị cá nhân và giá trị tổ chức – một nghiên cứu trong lực lượng lao động trẻ tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, 18(4), 7-15.

6. Okezie, S.O. (2016), Auditing and Ethical Sensitivity: Resolving the Dilemma, European Journal of Accounting. Auditing and Finance Research, 4(4), 25-36.

7. Sanda, P. K. et al (2018), The Influence of Personal Value, Moral Philosophy, and Organizational Ethical Culture on Auditor Action and Acceptance for Dysfunctional Behavior, International Journals of Sciences and High Technologies, 10(2), 262-273.

8. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2016-2019), Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán các năm, từ năm 2016 đến năm 2019.

9. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://books.google.com/books/about?id=vy4ZEQAAQBAJ

10. ZhuKun, L. et al (2018), Government Auditors' Ethics Commitment and Audit Quality, retrieved from: https://calhoun.nps.edu/handle/10945/65363.

Ngày nhận bài: 06/8/2024; Ngày phản biện: 12/8/2024; Ngày duyệt đăng: 28/8/2024