Cải tiến sản phẩm: Khi nào nên bắt đầu?
Cải tiến sản phẩm là bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp
Khi sản phẩm bước vào giai đoạn bão hòa
Trong thực tế, không có sản phẩm nào thoát khỏi quy luật đào thải của thị trường. Sẽ luôn luôn có những sản phẩm mới tốt hơn, nhiều tính năng ưu việt hơn được khách hàng lựa chọn và những sản phẩm cũ sẽ bị bỏ lại. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ đối với các mặt hàng tiêu biểu như thời trang, điện thoại thông minh, .... Một mẫu mới có thể là mốt trong vài tuần, được người tiêu dùng đua nhau mua về nhưng có thể chính mẫu đó, vài tuần sau đã không còn hợp thị hiếu. Hay đơn cử, một chiếc điện thoại trước kia có vòng đời trung bình là hai ba năm nay rút ngắn chỉ còn từ 6 tháng đến một năm.
Quan trọng là doanh nghiệp cần dự đoán được điểm bão hòa của sản phẩm. Điều này thường được dựa trên các yếu tố như nhu cầu của khách hàng, thị trường và bản chất của sản phẩm.
Doanh nghiệp cần dự đoán điểm bão hòa để ra quyết định cải tiến sản phẩm
Thứ nhất, nhu cầu khách hàng, đây là thứ luôn thay đổi. Vì vậy, việc xem xét thay đổi sản phẩm thường được dựa trên các chiến dịch marketing cụ thể, nhằm tìm ra insight của các “thượng đế” từ đó thay đổi sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu của họ một cách tốt nhất.
Thứ hai, về thị trường, phải hiểu rằng vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn. Tuy vậy, việc kết thúc vòng đời sản phẩm ở một thị trường này có thể là khởi đầu của chính sản phẩm đó tại một thị trường khác. Hàng hóa dù đã không còn được ưa chuộng tại các quốc gia phát triển có thể vẫn sẽ được chào đón nồng nhiệt tại các nước có điều kiện kinh tế kém phát triển hơn. Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu khách hàng, cũng cần tìm và đa dạng hóa các thị trường cho sản phẩm của mình, tạo sự đa dạng về đầu ra cho sản phẩm.
Thứ ba, phải xem xét bản chất của một sản phẩm. Có những sản phẩm rất khó để thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu với đời sống như gạo, thực phẩm, xăng dầu, … Đối với những mặt hàng này, có thể đưa thêm giá trị gia tăng vào sản phẩm, hoặc thay đổi các dịch vụ đi kèm nhằm tăng giá trị trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm của khách hàng mục tiêu.
Nhờ ba yếu tố này, các nhà quản lí có thể dự đoán và đưa ra các hướng đi phù hợp trong việc thay đổi và nâng cấp cho sản phẩm, thậm chí đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Khi đối thủ cạnh tranh đưa ra các sản phẩm tân tiến hơn
Cuộc chiến ra mắt sản phẩm mới giữa Apple và Samsung
Cuộc chiến giữa các đối thủ cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi trên thương trường. Do vậy, dò xét và tiến hành các cải tiến để không bị thất thể trước các đối thủ cạnh tranh là điều nên làm. Một ví dụ điển hình chính là Coca Cola và Pepsi, các sản phẩm của họ dường như luôn đối đầu nhau trong mọi phân khúc, Coca Cola vừa cho ra mắt Diet Coke (dành cho người ăn kiêng) thì Pepsi cũng tạo ra sản phẩm Diet Pepsi cho riêng mình. Hoặc, đơn cử như Samsung và Apple, hai dòng điện thoại Note và Iphone của họ luôn sánh vai nhau, so kè nhau trong các hoạt động ra mắt, thậm chí các phiên bản điện thoại nắp gập của họ đang rục rịch ra mắt cũng có sự cải tiến tương đồng.
Có thể thấy, việc đổi mới sản phẩm là điều hiển nhiên mà mỗi doanh nghiệp đều cần và phải làm nếu không muốn bị nhấn chìm bởi thương trường khốc liệt. Việc này, đồng thời cũng tạo ra hiệu ứng tích cực, khi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn cho mình.
Bình luận