Nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường khí, đảm bảo hiệu quả của các dự án đầu tư và góp phần vào công tác an ninh năng lượng, sáng ngày hôm nay (14/11), Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo thách thức và triển vọng thị trường gas.

Nguồn cung đã đáp ứng yêu cầu

Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay ngành công nghiệp khí Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành dầu khí nói riêng. Theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình ngành công nghiệp khai khoáng trong nửa đầu năm 2018, khai thác khí đốt thiên nhiên (LNG) ước đạt 5,3 tỷ m3, tăng 1%; khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 437,6 nghìn tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Điều đó cho thấy, bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp khai khoáng nói chung, ngành công nghiệp khí nói riêng đang ngày càng được phát triển cơ bản đáp ứng yêu cầu, không xảy ra thiếu hụt nguồn cung.

Đối với LPG – một trong những nhiên liệu quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng, ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, tốc độ tăng trưởng của thị trường LPG khá cao, 5 năm gần đây tăng trên 12%.

Trong cơ cấu tiêu thụ LPG, cơ sở công nghiệp và giao thông vận tải tiêu thụ khoảng 35%; cơ sở thương mại, dịch vụ và hộ tiêu thụ dân dụng tiêu thụ khoảng 65%. Ông Hiếu đánh giá, mức tiêu thụ LPG của Việt Nam còn tiềm năng rất lớn. Dẫn một nghiên cứu của WB và FPTS Research, ông Hiếu cho biết, năm 2016, trung bình một người dân Việt Nam tiêu thụ 15,6 kg LPG, trong khi của Nhật Bản là 124,4 kg, Ấn Độ là 1.324 kg.


Hiện nguồn cung LPG đến từ sản xuất trong nước và nhập khẩu. Trong đó, sản xuất LPG trong nước từ Nhà máy GPP Dinh Cố và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với sản lượng khoảng 750.000 tấn/năm, chiếm khoảng 45% nhu cầu LPG của Việt Nam. Còn nguồn LPG nhập khẩu chiếm khoảng 55% nhu cầu LPG của Việt Nam, chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc, Quata, Arab…

Ông Hiếu cũng chỉ ra ba thuận lợi chính trong kinh doanh LPG tại Việt Nam hiện nay, đó là thị trường LPG đang trong giai đoạn phát triển nhờ tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa cao… Đồng thời, hệ thống kết cấu hạ tầng, gồm kho chứa, vận chuyển, chiết nạp… đang ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, hệ thống văn bản pháp lý với những nỗ lực gỡ bỏ rào cản kinh doanh đã hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường dễ dàng hơn.

Vẫn tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh

“Bên cạnh những thành tựu nổi bật, ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần tháo gỡ để hướng tới tương lai phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả và bền vững hơn. Điển hình như: vấn đề cân đối cung - cầu, hạ tầng thu gom/vận chuyển khí và cước phí; sự cần thiết phải phát triển các nguồn khí mới; xây dựng kết cấu hạ tầng để khai thác, thu gom, phát triển các mỏ khí cận biên và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)...” - PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu tại hội thảo.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Trọng Hiếu cũng chỉ ra những khó khăn trong kinh doanh LPG còn nhiều, đặc biệt là chi phí kinh doanh, bán hàng cao, hệ thống phân phối nhỏ lẻ, thiếu gắn kết, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn tiếp diễn…

Toàn cảnh hội thảo

Chia sẻ thêm về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam nêu rõ, vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua và liên tục kéo dài đến hiện nay là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau. Thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường làm thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhà nước thất thu thuế và đặc biệt đó là những mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ, gây bất bình trong dư luận, xã hội.

Trong khi đó, các đối tượng vi phạm không phải chi phí đầu tư vỏ bình, kiểm định, kiểm định định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa…, họ đã thu lợi bất chính. Trên thị trường có bình gas là giả nhãn hiệu của thương nhân có uy tín, vỏ bình bị hoán cải, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị chiếm dụng trái pháp luật gây tổn thất lớn cho người kinh doanh chân chính và rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.

“Các hành vi trên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lành mạnh thị trường gas, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và nghiêm trọng hơn là gây bất ổn an ninh, trật tự trong xã hội. Các hình thức gian lận thương mại này đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh gas tại thị trường của Việt Nam. Điển hình là các thương hiệu nổi tiếng như Shell gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas phải thu gọn lại hoặc phải rút khỏi Việt Nam do tình trạng gian lận thương mại”, ông Trần Trọng Hữu bày tỏ.

Ông Trần Trọng Hữu chỉ ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường gas hiện nay

Cần sự chung tay của Nhà nước và tư nhân

Bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Dầu khí và Than – Bộ Công Thương cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho quy hoạch ngành công nghiệp khí giai đoạn 2017-2025 là 10,57 tỷ USD, trong khi nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2026-2035 là 8,485 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, đại diện Công ty luật Allen & Overy, ông Adam Moncrieff nhấn mạnh sự tham gia của khu vực đầu tư và tài chính tư nhân. Theo đó, cần đẩy mạnh các nguồn tài trợ và đầu tư tư nhân để hỗ trợ thêm cho các nguồn tài nguyên quốc gia nhằm phát triển các dự án thị trường gas trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời, tiếp tục cải cách để khuyến khích môi trường thị trường minh bạch và dễ đoán, ví dụ như thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh, thị trường bán lẻ cạnh tranh tại Việt Nam.

Mặt khác, giảm khung thời gian phê duyệt dự án và rút ngắn thời gian đàm phán các hợp đồng mua bán điện. Các điều khoản về đặc nhượng và bao tiêu được tiêu chuẩn hóa có thể trợ giúp, nhưng chỉ khi các điều khoản này được ngân hàng bảo lãnh.

Liên quan đến vấn đề quản lý gian lận thương mại, ông Trần Hữu Tuấn, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Công ty Alttek Global JSC gợi ý áp dụng các công cụ truy xuất nguồn gốc, các mã điện tử sản phẩm để quản lý từ khâu xuất nhập hàng đại lý đến các sản phẩm bán lẻ. Qua đó, người tiêu dùng có thể kiểm tra đơn giản, nhanh chóng nguồn gốc sản phẩm.

Về mặt chính sách, theo ông Trần Trọng Hữu, để thị trường gas hoạt động lành mạnh, đẩy lùi nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, cần phải có những quy định kiểm soát chặt chẽ nơi chiết nạp, kênh phân phối, bám sát thị trường, tố cáo với các cơ quan chức năng những doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật.

Quan trọng hơn, ông Hữu đề nghị xây dựng và ban hành thông tư về xử lý trách nhiệm hình sự về một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas; có chế tài xử phạt thật nặng để răn đe, hạn chế tái vi phạm tình trạng san chiết nạp trái phép dù chỉ là một chai gas.

Ngoài ra, cần có sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để các cơ quan chức năng hiểu và áp dụng văn bản xử lý thống nhất bình gas bị tịch thu do bị chiếm đoạt, lưu giữ và sử dụng trái pháp luật, tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ về hoạt động kinh doanh LPG.../.