Cần đẩy mạnh sản xuất và cung ứng tôm giống đạt chất lượng
Tham dự buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Lê Anh Xuân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty N.G Vietnam.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Trần Đình Luân cho biết, trong những năm trở lại đây, thị trường tôm giống tăng trưởng rất nhanh. Hiện nay có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất con giống, tuy nhiên có 2 lĩnh vực chính đó là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Có trên 566 cở sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và trên 1.300 cở sở sản xuất giống tôm sú. Những con số này cho thấy những năm trở lại đây công suất của các cơ sở sản xuất giống đã cơ bản đáp ứng đủ với nhu cầu giống cho người nuôi. Tuy nhiên, tôm bố mẹ của tôm thẻ chân trắng thì trên 90% chúng ta đang phải phụ thuộc giống nhập ngoại, còn giống bố mẹ tôm sú chủ yếu phụ thuộc vào nguồn đánh bắt tự nhiên và có một số đơn vị đã gia hóa có tôm bố mẹ cung cấp ra thị trường.
Cần đẩy mạnh sản xuất và cung ứng tôm giống đạt chất lượng |
Liên quan đến các rào cản, hạn chế năng lực cung ứng nguồn tôm giống của các cơ sở sản xuất tôm giống trong nước, ông Lê Anh Xuân cho rằng, mặc dù số lượng cơ sản xuất tôm giống của nước ta đủ về mặt số lượng nhưng lại hạn chế về mặt chất lượng. Điều này, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành tôm.
Mặc dù, có một số cơ sở đã đưa ra thị trường tôm giống bố, mẹ đã được gia hóa, tuy nhiên nguồn tôm hậu bị lại đều là tôm nhập ngoại. Bên cạnh đó, tất cả các cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay đều có hạ tầng kỹ thuật yếu kém, chưa được trang bị đồng bộ. Hạ tầng kỹ thuật mềm, tức là khả năng tiếp thu ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất tôm giống còn nhiều hạn chế, dẫn đến chúng ta chưa sản xuất ra được tôm giống có chất lượng cao và khả năng an toàn sinh học cao đủ đáp ứng quy mô nuôi trồng lớn.
Ông Luân cho biết, ngành Nông nghiệp cũng đã xác định nước ta có thế mạnh về sản xuất tôm, về khoa học công nghệ đã có nhiều đề tại tập trung nghiên cứu để chủ động chọn tạo gia hóa để chủ động con tôm bố mẹ. Tuy nhiên, đối với các chương trình nghiên cứu chọn giống thì nó mất một thời gian dài để chúng ta thu thập các vật liệu di truyền, lai tạo chọn những tính dạng mong muốn. Đối với tôm thẻ chân trắng qua thời gian nghiên cứu đã được Tổng cục Thủy sản cấp phép một phần để đưa ra thử nghiệm ở cở sở sản xuất giống đánh giá chất lượng. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng đã phối hợp sản xuất được một phần tôm bố mẹ cung cấp cho người nuôi. Tôm sú hiện nay có một số cơ sở phối hợp với công ty nước ngoài đưa con tôm bố mẹ đã gia hóa thuần thục về nuôi và phát triển thành tôm bố mẹ để cung cấp trong nước thì hiện tại mới đảm bảo được một phần.
Để giúp người dân chọn lọc được tôm giống bố, mẹ đúng cách, đạt tiêu chuẩn, ông Xuân cho rằng, ở góc độ quản lý nhà nước, cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thường xuyên và đột suất. Hiện nay chúng ta có nhiều biện pháp kiểm tra để có kết quả nhanh như dùng LAM VCI kiểm tra cho ngay kết quả trong vòng 2 đến 3 tiếng sau. Qua công tác quản lý nhà nước sẽ sớm phân loại được các cơ sở sản xuất giống từ đó có phân loại theo dạng cơ sở sản xuất giống đạt chứng chỉ A hay B hay C. Chứng nhận đó là cơ sở quan trọng để người dân phân biệt được chất lượng của cơ sở sản xuất giống và giá thành có tương ứng với chất lượng giống mình đang sử dụng hay không. Đồng thời, khuyến cáo bà con nên mua tôm ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín trên thị trường.
Theo ông Trần Đình Luân, đối với việc chọn tạo và chủ động tôm bố mẹ thì chúng ta cần một thời gian khép kín vòng đời của nó. Trước mắt phải làm song song cả hai, một mặt kiểm soát tốt tôm nhập về đảm bảo chất lượng, mặt khác tiếp tục đầu tư nhiên cứu, động viên doanh nghiệp cùng với Nhà nước nghiên cứu để chủ động được con tôm bố mẹ ở nước ta.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất giống hiện nay cần phải đảm bảo là truy xuất nguồn gốc giống. Các cơ sở sản xuất giống hiện nay đều phải lưu hồ sơ đàn bố mẹ sản xuất ngày nào, sản xuất đi đâu, bán cho ai. Đây là những yêu cầu để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Yêu cầu thị trường của chúng ta sau này đều phải truy suất được nguồn gốc tới tận con tôm bố mẹ. Các cơ sở sản xuất tôm giống phải lưu ý điều này.
Đồng thời, phải tổ chức lại sản xuất. Bà con gom lại, có một người làm đầu mối tiếp cận cùng với các cơ quan quản lý tiếp cận nguồn giống tốt, nguồn vật tư đầu vào tốt, không phải qua cấp trung gian để giảm giá thành. Các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng bà con trong quá trình nuôi. “Làm như thế là chúng ta đã phối hợp thêm cả một lực lượng là các cán bộ thị trường giúp đỡ bà con về mặt kỹ thuật để đảm bảo bà con giảm được rủi ro, tăng lợi nhuận và hiệu quả kinh tế trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất cần được đẩy nhanh hơn nữa để sản xuất ổn định, bền vững và đảm bảo chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu” ông Luân nhấn mạnh thêm./.
Bình luận