Cần quy định rõ hơn trình tự phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về bắt đại biểu Quốc hội
“Cần quy định rõ hơn về nội dung tại Điều 46 dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) về trình tự phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội, đại biểu…”, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ đề xuất, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) diễn ra sáng nay (ngày 8/9).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Tạ Văn Hạ đề nghị quy định rõ khi đại biểu Quốc hội cần tổ chức họp báo hoặc thông tin cho báo chí, thì đăng ký thế nào (ảnh: Quốc hội) |
Cũng theo ông Hạ, trong các Kỳ họp, đại biểu Quốc hội có quyền tổ chức họp báo, thông tin cho báo chí về những nội dung cử tri quan tâm. Đây là một kênh truyền thông rất tốt, góp phần giải đáp nhiều vấn đề dư luận, cử tri cả nước quan tâm, đáp ứng yêu cầu của nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết chưa có quy định chặt chẽ về vấn đề này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào nội quy quy định về vấn đề này, nêu rõ khi đại biểu Quốc hội cần tổ chức họp báo hoặc thông tin cho báo chí, thì đăng ký thế nào?
Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Anh Trí cho rằng, về thời gian tranh luận, đề nghị không quá 3 phút để nói rõ vấn đề, nói quá ngắn sẽ không nói hết nội dung, bởi những vấn đề tranh luận thường phức tạp, gay cấn. Đề nghị Quốc hội cân nhắc mời Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố dự các phiên chất vấn. Nếu làm được điều này chất lượng phiên chất vấn sẽ tốt hơn… |
Liên quan đến quyền phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại các phiên họp, ông Hạ nhìn nhận, một vấn đề nổi lên là các ý kiến phát biểu trùng lắp nhau, gây nhàm chán, làm giảm chất lượng thảo luận, trong khi còn có nhiều ý kiến quan trọng, đáng quan tâm khác thì không đủ thời gian để phát biểu. Để khắc phục tình trạng này, cần đến tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, cũng như cách thức điều hành linh hoạt, hợp lý của chủ tọa phiên họp…
Cùng góc nhìn trên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho rằng, trong các phiên thảo luận, có những ý kiến trùng lắp giữa các đại biểu, làm lãng phí thời gian, giảm chất lượng thảo luận. Do đó, các đại biểu cần có ý thức cao, có cần tinh thần tự giác, trách nhiệm để lược bỏ các nội dung trùng lắp khi phát biểu. Để khắc phục tình trạng này, còn cần phát huy vai trò quan trọng của người điều hành phiên họp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy đề xuất người được phân công điều hành phiên họp tại kỳ họp yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận, nếu đại biểu không phát biểu tranh luận, chất vấn đúng nội dung (ảnh: Quốc hội) |
Cũng liên quan đến trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, ở một góc nhìn khác, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy, đề xuất trước thực trạng trong các kỳ họp một số đại biểu đăng ký tranh luận, nhưng khi phát biểu lại nêu quan điểm thực chất không phải là tranh luận hoặc lách quy định để được ưu tiên phát biểu trước, người được phân công điều hành phiên họp tại kỳ họp yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận, nếu đại biểu không phát biểu tranh luận, chất vấn đúng nội dung và sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn.
Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu, Khoản 5 Điều 5 của dự thảo Nghị quyết quy định: “Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội.”
Bà Sửu cho rằng quy định trên là cần thiết, thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, đưa Quốc hội đến gần dân, gần cử tri cả nước hơn. Do đó, đề nghị bổ sung quy định giao Tổng Thư ký Quốc hội hướng dẫn quy trình, thủ tục, đồng thời công khai rộng rãi để cử tri, nhân dân nắm bắt, đăng ký tham dự theo quy định./.
Bình luận