Cần tăng cường “để mắt” tới triển khai gói phục hồi kinh tế
Cần đẩy nhanh tiến độ trình các dự án luật
“Trọng tâm từ nay đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, là Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất vừa qua...”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, khi trình bày Báo cáo kế hoạch công tác của Ủy ban trong năm 2022 và dự kiến triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, trong cuộc làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải với Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, Ủy ban sẽ xem xét thẩm tra các nội dung dự kiến báo cáo UBTVQH tại phiên họp thứ 9 (tháng 3/2022). Ảnh: QH |
Liên quan đến lĩnh vực ngân sách nhà nước, ông Toàn cho biết, thời gian tới, Ủy ban sẽ xem xét thẩm tra các nội dung dự kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 9 (tháng 3/2022) gồm: dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án, các khoản vốn chưa phân bổ; việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sang năm 2022; phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xem xét về danh mục dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi kinh tế và phương án điều hòa vốn Chương trình phục hồi kinh tế và vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh vai trò của Ủy ban trong giám sát triển khai thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội để chính sách phát huy hiệu quả thiết thực, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân. |
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng sẽ tổ chức các phiên họp để thẩm tra; làm việc với một số bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế nhà nước và tổ chức Đoàn giám sát tại một số địa phương về các nội dung báo cáo UBTVQH tại Phiên họp thứ 10 và 11 (tháng 4-5/2022) về một số nội dung như việc phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó xem xét kết quả xử lý nợ hàng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước...
“Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ trình các luật như: Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; ngoài ra còn có các luật về điều chỉnh giao dịch điện tử và kinh tế số…”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi đề nghị.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, thời gian tới cần phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban trong giám sát quyết toán vốn xây dựng cơ bản, giám sát chi cho sự nghiệp môi trường, chi cho nghiên cứu khoa học, sự nghiệp giao thông.
“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 và từ nay đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, là việc thực hiện giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đây là nội dung nhận được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của lãnh đạo Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Do đó, đòi hỏi nỗ lực cố gắng của toàn thể Ủy ban trong việc phục vụ giám sát...”, ông Cường cho hay.
Cần chủ động nắm bắt tình hình thực hiện gói chính sách phục hồi kinh tế - xã hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, Ủy ban theo dõi triển khai thực hiện Nghị quyết tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội, bởi thông qua Nghị quyết chỉ là bước đầu, việc tổ chức thực hiện mới là điều quan trọng, trong đó có vai trò giám sát của các cơ quan của Quốc hội để chính sách đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách thể hiện tính phản biện, đánh giá đúng tình hình thu chi ngân sách. Ảnh: QH |
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong phân bổ tiếp kế hoạch vốn đầu tư công, cần chú ý tiếng nói của cử tri; tham mưu đầy đủ, chặt chẽ, công bằng, bảo đảm đúng tiêu chí, nguyên tắc…
“Ủy ban cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai thực hiện gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, nhất là chính sách tài khóa; tổ chức giải trình về giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương rà soát hoàn thiện pháp luật về chính sách thu và giải quyết các vướng mắc từ thực tiễn. Ủy ban cũng cần phát huy hậu giám sát, tình hình thực hiện kết luận giám sát về các quỹ tài chính ngoài ngân sách, lưu ý giám sát ban hành văn bản trong lĩnh vực tài chính ngân sách…”, ông Hải lưu ý./.
Bình luận