Cần tăng cường kiểm soát, quản lý thép nhập khẩu để “cứu” doanh nghiệp nội
Nhiều “chiêu” thép nhập khẩu lẩn tránh thuế tự vệ
Ngày 18/07/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có mặt hàng thép dài (thép thanh và thép cuộn) bao gồm các mã HS 7213.10.00, 7213.91.20, 7213.20.31, 7214.20.41, 7227.90.00, 7228.30.00 và 9811.00.00 với mức thuế tự vệ là 15,4% từ ngày 02/8/2016 đến 21/03/2017.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trước tình trạng bị áp thuế tự vệ, thép nhập khẩu lại lẩn tránh thuế tự vệ bằng cách khai chuyển mã số HS.
Cụ thể, lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS đang bị áp thuế tự vệ thương mại trong năm 2016 giảm rõ rệt, chỉ bằng 29% so với cùng kỳ và bằng 25% so với cả năm 2015.
Nhưng lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS không thuộc đối tượng áp thuế (mã HS 7213.91.90) tăng lên đột biến, nhất là từ tháng 02/08/2016 khi có quyết định áp thuế tự vệ tạm thời.
Cùng với sự gia tăng về lượng nhập khẩu là sự xuất hiện của các doanh nghiệp hoàn toàn mới so với năm 2015. Cụ thể, năm 2015 có khoảng 30 doanh nghiệp nhập khẩu mã HS 7213.91.90, nhưng đến năm 2016, đã có gần 70 doanh nghiệp và các doanh nghiệp mới này đều là công ty thương mại. Đây chính là các doanh nghiệp trước đây đã nhập mã 7227.90.00 và nay lại là những doanh nghiệp đứng hàng đầu nhập mã 7213.91.90.
Theo phân tích của VSA, thép cuộn mã 7213.91.90 có thành phần hóa học và cơ tính có thể đáp ứng để sử dụng như thép cuộn nhập khẩu đang bị áp thuế tự vệ thương mại.
Hơn nữa, doanh nghiệp chuyển sang mã HS này để hưởng thuế suất 3% so với mức thuế suất 15,4% đối với mã HS 7227.90.00 và 30,4% với mã HS 7213.10.00 và 35,4% đối với mã HS 7213.91.20.
Năm 2016, Việt Nam đã chi hơn 10,4 tỷ USD nhập khảu sắt, thép các loại
Như vậy, có thể thấy hành vi lẩn tránh thuế tự vệ thương mại từ các mã HS bị áp thuế sang các mã không bị áp thuế với sự chênh lệch thuế suất nhập khẩu là rất đáng kể.
Trước tình trạng phản ánh của VSA, Tổng cục Hải quan cho biết, mặc dù trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với các lô hàng nhập khẩu, cơ quan hải quan đều thực hiện phân tích, giám định trên cơ sở tiêu chuẩn Việt Nam quy định thép cốt bê tông và thép chất lượng cao để xác định hàng nhập khẩu là thép cốt bê tông hay thép sử dụng trong cơ khí chế tạo.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện phân tích giám định cho thấy, nhiều lô hàng thép có kết quả giám định về thành phần hóa học và cơ tính đáp ứng được cả 2 tiêu chuẩn của thép cốt bê tông và thép chất lượng cao dùng trong cơ khí chế tạo.
Như vậy, vấn đề phản ánh của VSA là có cơ sở, vì rằng, mặc dù thép chất lượng cao nhập khẩu có giá thành cao hơn thép cốt bê tông, nhưng khi nhập khẩu được hưởng thuế suất nhập khẩu thấp và không bị áp thuế tự vệ nên vẫn thu được lợi trong kinh doanh làm thép cốt bê tông. Do vậy, doanh nghiệp sẽ tận dụng “khe hở” về chính sách này để nhập khẩu.
Cần những biện pháp mạnh từ quản lý nhà nước
Theo Bộ Công Thương, với hiện tượng lẩn tránh thuế tự vệ thương mại, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm thép ngoại, nhất là thép có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính lũy kế từ đầu năm 2016 đến ngày 15/12/2016, Việt Nam đã chi hơn 10,4 tỷ USD nhập khẩu sắt, thép các loại, trong khi kim ngạch xuất khẩu sắt, thép đạt khoảng 3,7 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu thép vào Việt Nam với gần 10 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ.
Ngày 05/01/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường kiểm soát, quản lý đối với thép cuộn nhập khẩu.
Phó Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, khẩn trương có giải pháp kịp thời ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại để bảo đảm hiệu quả của biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép cuộn nhập khẩu, trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 01/2017.
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan kiểm tra tình trạng cùng một loại sản phẩm thép cuộn nhập khẩu nhưng được áp mã HS khác nhau trước và sau khi có quyết định áp thuế tự vệ để chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm áp dụng thống nhất và đúng quy định của pháp luật, không để thất thu ngân sách nhà nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 15/01/2017.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, VSA và Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng cần thiết lập hồ sơ để khởi xướng điều tra chống bán phá giá và tự vệ thương mại với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ một số nước trong khu vực. Ngoài ra, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cần xem xét hành vi lẩn tránh thuế tự vệ thương mại theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ đối với các mặt hàng thép cuộn có mã HS 7213.91.90, 7213.99.90, 9839.10.00, 9839.20.00.
Bên cạnh đó, để có cơ sở quản lý chặt chẽ, kiểm soát được tình trạng gian lận, trốn thuế nhập khẩu, thuế tự vệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cần thống nhất tiêu chí xác định mã số chính xác đối với mặt hàng “thép cốt bê tông”.
Hơn nữa, các doanh nghiệp thép trong nước cũng cần bảo vệ mình bằng cách chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để chứng minh sử dụng phôi thép có nguồn gốc xuất xứ không phải từ Trung Quốc./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Tang-cuong-kiem-soat-quan-ly-thep-cuon-nhap-khau/20171/20722.vgp
http://www.baohaiquan.vn/Pages/Co-tinh-trang-NK-thep-cuon-NK-tron-thue-tu-ve.aspx
Bình luận