Cần thêm giải pháp để các sáng chế, công trình khoa học đi vào cuộc sống
Ngày 18/8, tại Thanh Hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học "Sáng tạo khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam".
Hội thảo nhằm tổng kết công tác tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc; đánh giá việc trao giải thưởng và quy mô ứng dụng của các công trình, giải pháp đoạt giải vào sản xuất và đời sống.
Hàng nghìn công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học được triển khai
TSKH. Phan Xuân Dũng cho biết, Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 1995 |
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) cho biết, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Quỹ VIFOTEC với sứ mệnh là cơ quan thường trực đã hỗ trợ và tôn vinh các nhà sáng tạo, các nhà khoa học thông qua việc tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, 16 lần Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc.
Hàng nghìn công trình đoạt giải được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, giải quyết việc làm, góp phần bảo vệ môi trường...
Trong đó, giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 1995. 27 năm qua, có 2.914 công trình tham dự giải và 983 công trình đoạt giải thưởng.
Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc đã trải qua 32 năm (1989 - 2021) với 16 lần tổ chức (2 năm/1 lần) và có 6.819 giải pháp dự thi, 988 giải pháp được trao giải.
Ngoài ra, từ năm 2004 đến năm 2021, Quỹ VIFOTEC đã chú trọng phát triển các tài năng khoa học trẻ tuổi nhằm mục đích đào tạo, nuôi dưỡng các nhà sáng chế tương lai. Qua 17 lần tổ chức, Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc đã có 8.422 đề tài dự thi và 1.531 đề tài đoạt giải.
Cần giải pháp thật cụ thể để ứng dụng các công trình vào cuộc sống
Theo ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, các hội thi, giải thưởng không những động viên, khuyến khích đội ngũ các nhà khoa học công nghệ và quần chúng lao động sáng tạo đi sâu nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật mà còn thúc đẩy việc áp dụng nhanh các sáng kiến sáng chế vào sản xuất và đời sống.
Do đó, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Quỹ VIFOTEC cần đề ra các giải pháp thật cụ thể để áp dụng nhanh các công trình khoa học công nghệ nói chung, nhất là các công trình, giải pháp đã đoạt giải thưởng vào đời sống, sản xuất. Qua đó, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Đó là hướng đi đúng, tích cực để phát huy tốt nhất các yếu tố nội lực đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chế độ, chính sách nhằm phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ; góp phần hình thành và phát triển thị trường công nghệ.
Việc tổ chức Giải thưởng và Hội thi đã đáp ứng được nhu cầu của sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đồng thời những giải thưởng không chỉ dành cho các nhà khoa học mà còn dành cho mọi người dân, mở rộng sân chơi cho các doanh nghiệp.
Để các công trình đoạt giải được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và đời sống, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ triển khai kinh phí thông qua Quỹ VIFOTEC; tiếp tục lắng nghe, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ để trình Chính phủ ban hành những chính sách phù hợp tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành hữu quan đảm bảo thực thi các Luật và các Nghị định của Chính phủ một cách hiệu quả nhất.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá công tác tổ chức các Giải thưởng, Hội thi khá tốt, có nề nếp, chuyên nghiệp; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cũng như nêu các đề xuất, kiến nghị thúc đẩy quá trình ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Ông Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ VIFOTEC cho rằng, để ứng dụng rộng rãi các công trình vào thực tiễn, Chính phủ, các bộ ngành cần nghiên cứu việc cho vay vốn để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải; có chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước tạo ra, thay thế cho sản phẩm nhập ngoại, giá thành lại rẻ hơn, thời gian nhanh hơn và chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại.
Bên cạnh đó, cần có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ; cho vay vốn từ Quỹ phát triển Khoa học công nghệ để áp dụng rộng rãi các công trình nghiên cứu đã thành công, đặc biệt nhiều công trình đoạt giải thưởng, có hiệu quả kinh tế cao, do các doanh nghiệp tự đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng…
Bình luận