Khúc Văn Quý, Đại học Quốc gia Hà Nội

Mùa thu nhớ Bác
Hình 1. Hồ Gươm trong thu Nguồn: Internet

Hôm nay là đúng 2-9, ngày Quốc khánh của dân tộc. Bây giờ thì người dân khắp nơi trên cả nước treo cờ đỏ sao vàng trước cửa nhà mình đón mừng Tết độc lập.

Vài năm trước, khi còn học tại Trường đại học Colorado State (CSU), tôi cùng gia đình đã có những trải nghiệm về ngày Quốc khánh của nước Mỹ. Trường tôi (CSU) tọa lạc ở thành phố nhỏ Fort Collins (FoCo). Những ai đã từng sống và học tập ở FoCo đều ấn tượng về sự an ninh, sinh thái và yên bình của nơi này. FoCo có rất nhiều hồ tự nhiên trong thành phố, một trong những hồ đẹp nhất là hồ City Park. Đây cũng là nơi chính quyền chọn tổ chức bắn pháo hoa cho các sự kiện lớn hàng năm. Tôi thấy người dân Mỹ tổ chức kỷ niệm ngày Tết độc lập rất long trọng. Vào buổi chiều của ngày quốc khánh, mọi người khắp nơi kéo về hồ City Park, nằm dài trên những trảng cỏ xanh mướt, thưởng thức bánh ngọt, nghe nhạc, xem biểu diễn và chờ xem bắn pháo hoa.

Người Việt đón Tết độc lập có phần êm ả và giàu bản sắc hơn. Một số gia đình thì ở nhà làm mâm cơm, mời bạn bè anh em thân thiết đến cùng quây quần. Một số khác thì có xu hướng đi chơi, du lịch. Văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn rất sâu đậm trong đời sống văn hóa của người Việt, vì thế ngày quốc khánh càng trở nên đặc biệt, đây không chỉ là dịp để người dân đoàn tụ, kết nối mà còn để tri ân và nhớ về Bác Hồ. Với người Việt Nam, Bác Hồ là một biểu tượng đẹp đẽ nhất của văn hóa dân tộc. Tư liệu lịch sử ghi lại vào ngày mùng 02 tháng 09 năm 1945, trên quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Kể từ đó, ngày quốc khánh luôn gắn với lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong suốt mấy chục năm qua, cuộc đời thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận được sự nghiên cứu, quan tâm lớn của các học giả toàn cầu. Di sản của Bác để lại rất đồ sộ, trong đó có rất nhiều tư tưởng tiến bộ mang tầm thời đại. Và tư tưởng “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây” là một trong số đó. Trong bối cảnh nhân loại đang đứng trước những thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, thì tư tưởng về bảo vệ môi trường, môi sinh của Bác là tài sản vô giá.

Để trả lời cho câu hỏi ai sẽ là lực lượng tham gia vào giải quyết thách thức nêu trên. Câu trả lời là hãy đặt niềm tin vào tuổi trẻ. Năm 2006, tôi lần đầu tiên đọc bài thơ “Mùa Xuân Nhớ Bác” của tác giả Phạm Thị Xuân Khải, một nữ sinh viên năm 2 Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bài thơ này xuất hiện lần đầu trên báo Tiền Phong số 12 ngày 25/3/1986 và gây chấn động trước thềm Đại hội “Đổi Mới” lịch sử bởi những vần thơ xúc động, chất chứa những suy nghĩ, trăn trở về thực trạng đất nước của tuổi trẻ vào đúng giai đoạn đất nước đang gặp khó khăn. Theo tác giả, tuổi trẻ luôn sẵn sàng dấn thân xông pha để bảo vệ và dựng xây đất nước. Và quả thật, thế hệ các chị đã làm được nhiều điều lớn lao. Sau mấy chục năm phấn đấu cống hiến, các thế hệ thanh niên của chị đã góp công lớn để làm nên một Việt Nam mạnh mẽ và đổi mới của hôm nay.

Mùa thu về nhớ Bác khôn nguôi. Trong không khí đón Tết độc lập của dân tộc tâm hồn ta như thấy được ấm áp và vui hơn, chúng ta càng yêu quý và kính trọng Người. Vào những thời khắc quan trọng và đứng trước thử thách to lớn từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, chúng ta không quên lời dạy của Bác (về bảo vệ môi trường) và hãy đặt trọn niềm tin vào tuổi trẻ. Dưới lăng kính của hệ quản trị tri thức sáng tạo [1–4] và nguyên lý bán dẫn giá trị kinh tế-môi trường [5], điều quan trọng là không ngừng mở rộng hợp tác và kiên trì thực hành trồng cây gây rừng, xây dựng văn hóa môi trường, văn hóa kiến tạo cho lớp người mới của đất nước chúng ta./.

Tài liệu tham khảo

[1] Vuong, Q. H. et al. (2022). Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework. Humanities and Social Sciences Communications, 9(1), 1–12. https://doi.org/10.1057/s41599-022-01034-6

[2] Vuong, Q. H., & Napier, N. K. (2015). Acculturation and global mindsponge: An emerging market perspective. International Journal of Intercultural Relations, 49, 354–367. https://doi.org/10.1016/j.ijintrel.2015.06.003

[3] Vuong, Q.-H. (2022a). A New Theory of Serendipity: Nature, Emergence and Mechanism. Berlin, Germany: De Gruyter.

[4] Vuong, Q.-H. (2022b). Mindsponge theory. https://books.google.com.vn/books?id=OSiGEAAAQBAJ&redir_esc=y

[5] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284–290. https://doi.org/10.17811/ebl.10.3.2021.284-290