Cần xử lý hình sự với hành vi sử dụng chất cấm trong nông nghiệp
Vi phạm còn ở mức cao
Báo cáo về kết quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản giai đoạn 2011-2015 của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản xếp loại C còn cao, tỷ lệ cơ sở loại C nâng hạng lên B, A còn thấp.
Bên cạnh đó, việc cải thiện an toàn thực phẩm còn rất chậm, thiếu bền vững và tỷ lệ vi phạm quy định an toàn thực phẩm còn ở mức cao.
Tính riêng trong 9 tháng qua, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm an toàn thực phẩm còn cao, trong đó, 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, vượt ngưỡng cho phép, 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cũng cho biết thêm, trong 09 tháng đầu năm nay, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 22 đoàn thanh tra chuyên ngành, và 33 đoàn thanh tra đột xuất. Qua kiểm tra xử lý đã ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.
Hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất vật tư nông nghiệp ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng… Đáng lưu ý qua kiểm tra, thanh tra, Bộ đã phát hiện 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tiêu hủy tại chỗ hơn 13kg hóa chất vàng ô (Vat Yellow), tịch thu 20kg bột màu trắng nghi là chất cấm Sabutamol…
Theo bà Đinh Thị Phương Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, mặc dù thời gian qua phía tỉnh đã có rất nhiều biện pháp như tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử phạt nhưng phải thừa nhận công tác quản lý chất lượng, ATTP nói chung, đặc biệt là xử lý tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng, hiện gặp khá nhiều khó khăn.
“Cái lo ngại nhất hiện nay của chúng tôi đó là việc truy xuất nguồn gốc chất cấm từ đâu. Thí dụ khi kiểm tra một sản phẩm và xác định rõ là chất cấm nhưng khi truy xuất lại thì không thể nào xác định được nguồn gốc của chất cấm đó,” bà Khanh nói.
Cần giải pháp mạnh hơn nữa
Việc sử dụng các chất cấm này gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Dẫn chứng về vấn đề này, Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) cho biết, chỉ tính riêng năm 2014, số trường hợp mắc mới bệnh ung thư đã lên đến 150.000-200.000 người, có tới 82.000 người đã tử vong vì ung thư, trong đó 75%-95% số trường hợp mắc là do yếu tố môi trường, an toàn thực phẩm.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, tới đây phải đưa tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vào bộ Luật hình sự, bởi vì nếu dùng những loại chất này, về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
“Không thể chờ được đến lúc chúng ta chết đi mới truy xuất chúng ta ăn cái gì thì làm sao truy xuất được. Chất cấm thì không có ngưỡng cho phép, tại vì thực phẩm mỗi ngày vào một chút một chút. Đừng để sự việc xảy ra chúng ta mới điều chỉnh thì khổ cho nhân dân,” bà Khanh nói.
Nhằm cải thiện tình hình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong thời gian tới, theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, cần chú trọng tới công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo hướng tích cực; đơn giản hóa các văn bản quy định hành chính, thủ tục hành chính và quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và thanh tra chuyên ngành chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản từ Trung ương tới địa phương. Rà soát, hoàn thiện, phân công, phân cấp cơ chế phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp cũng như giữa Trung ương và địa phương.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của chất cấm đến sức khỏe người dân, thiệt hại đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Ngành nông nghiệp ưu tiên nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản an toàn, phát triển thị trường sản phẩm an toàn có xác nhận tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh nông sản có giá trị gia tăng và an toàn…
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn vi phạm gian lận thương mại lừa dối người tiêu dùng. Vì vậy, việc xử lý vi phạm không chỉ coi là hành động vi phạm hành chính mà phải coi đó là hành động phạm pháp cần phải lên án và phải bị xử lý hình sự.
Bộ trưởng yêu cầu để tạo ra sự chuyển biến trong công tác an toàn thực phẩm các sở, ngành, địa phương cần có những kế hoạch hành động quyết liệt, đặc biệt liên quan đến vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mặt khác, công tác tuyên truyền cần rõ về thời điểm, đối tượng; tăng cường công tác hướng dẫn sản xuất cho những người sản xuất chân chính; thiết lập các kênh phân phối an toàn.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đấu tranh, triệt phá những đường dây cung cấp các sản phẩm giả, cấm cho người chăn nuôi./.
Bình luận