Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, NHNN sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng. Theo đó, NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024.

Quyết định trên được NHNN đưa ra trong bối cảnh sau 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC được NHNN tổ chức, đã có 48.500 lượng vàng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng được các thành viên dự thầu mua vào, để cung ứng ra thị trường, nhưng mặt bằng giá vàng trong nước chưa được thu hẹp so với mặt bằng giá thế giới như chỉ đạo của Chính phủ. Điều này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của giải pháp đấu thầu vàng trong việc giúp mặt bằng giá trong nước “hạ nhiệt”, nếu không muốn nói là vẫn trực chờ tăng, đe dọa tác động không tích cực đến nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ.

Chấn chỉnh thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ dừng đấu thầu vàng miếng
Bất chấp lượng lớn vàng miếng SJC đã được cung ứng ra thị trường, mặt bằng giá vàng trong nước vẫn ở mức cao (giá mua vào - bán ra lần lượt là 88,4 triệu đồng/lượng - 90,4 triệu đồng lượng), tiếp tục chênh lệch lớn so với mặt bằng giá thế giới

Thực ra, để bình ổn thị trường vàng, hiện nay, ngoài “mũi tiến công” đấu thầu vàng, còn 2 “mũi tiến công” khác đang được NHNN và Bộ Tài chính chủ trì triển khai gồm: (i) Thanh tra hoạt động kinh doanh vàng đối với các ngân hàng và các công ty; (ii) Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép vàng.

Về “mũi tiến công” thanh tra, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phiên họp thứ 25; các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, NHNN chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ triển khai cuộc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng tại một số tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Cụ thể, NHNN đã công bố Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, với thời gian thanh tra 45 ngày. Đối tượng thanh tra bao gồm: Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC), Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ này.

Ngoài mục tiêu trước mắt là hoàn tất việc thanh tra, để làm rõ những bất cập, hạn chế, sai phạm nếu có trong hoạt động kinh doanh vàng, giải pháp dài hơi mang tính căn cơ, ông Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN sẽ tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vàng hóa nền kinh tế; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...

Về “mũi tiến công” đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép vàng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Công điện số 01/CĐ-BTC yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành quy định áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, cửa hàng, địa điểm kinh doanh vàng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quản lý thị trường kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các vi phạm về thuế, hóa đơn; chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Bộ trưởng còn yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo cơ quan Hải quan các cấp chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường; đẩy mạnh kiểm tra, điều tra, tổ chức đấu tranh kịp thời ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên bộ, trên biển và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan, trong đó tập trung đấu tranh đối với các chuyên án buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng vàng, ngoại tệ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới.

Diễn biến “nóng” của thị trường vàng thể hiện qua liên tiếp các chỉ đạo được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra. Cụ, thể, theo Thông báo số 221/TB-VPCP, ngày 15/5/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo NHNN về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2024; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, tài khóa diễn ra vào chiều 16/5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về các nhiệm vụ, giải pháp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế, trong đó có giải pháp truyền thông phù hợp, tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm; yêu cầu các ngân hàng thương mại cùng với Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đồng hành cùng với NHNN về vấn đề này./.