Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ ngày 10/09/2015
Tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQVN
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Thông báo 68/TB-VPCP về kết luận Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về phối hợp giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trên cơ sở đề xuất của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để ký ban hành trong quý III/2015.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức khảo sát các cơ sở bảo trợ xã hội như chăm sóc người tàn tật, khuyết tật, mồ côi, trẻ em lang thang cơ nhỡ của các tôn giáo, đề xuất cơ chế, chính sách, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Các Bộ: Y tế, Lao động - Thương Binh và Xã hội chủ trì, khẩn trương phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục khảo sát, nghiên cứu các mô hình các trường, cơ sở dạy nghề, cơ sở chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong, tâm thần… của các tôn giáo, theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 68/TB-VPCP ngày 2/3/2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khi xây dựng Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, cần nghiên cứu nội dung về hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho phù hợp với Quyết định 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất xử lý các trường hợp tham gia cách mạng, đặc biệt đối tượng là thanh niên xung phong bị mất giấy tờ đến nay chưa được hưởng chính sách người có công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát việc triển khai thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, ngày 08/04/2013 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP đề xuất cơ chế, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ, phối hợp với Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuẩn bị dự thảo các nghị quyết liên tịch về hướng dẫn công tác hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; hướng dẫn công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và hướng dẫn Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo đúng qui định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 2 thành phố lớn
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Quyết định này quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, thẩm quyền của người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, cấp phường; nội dung thanh tra, hoạt động thanh tra, trách nhiệm quản lý hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp quận, cấp phường; sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, địa bàn và thời gian thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, cấp phường tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quy định, ở cấp quận giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho công chức, viên chức thuộc biên chế của các phòng: Y tế, Kinh tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Y tế, Đội Quản lý thị trường. Ở cấp phường giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cho viên chức thuộc biên chế của Trạm Y tế; công chức cấp phường phụ trách nông nghiệp, kinh tế.
Ngoài các công chức, viên chức trên, Chủ tịch UBND cấp quận căn cứ yêu cầu quản lý về an toàn thực phẩm của địa phương giao các công chức, viên chức thuộc biên chế của các đơn vị khác của quận, của phường quản lý về an toàn thực phẩm thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (nếu cần).
Người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, cấp phường phải am hiểu pháp luật, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra.
Chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường sẽ ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra.
Cuộc thanh tra chuyên ngành do Chủ tịch UBND cấp quận quyết định tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.
Còn cuộc thanh tra chuyên ngành do Chủ tịch UBND cấp phường quyết định tiến hành không quá 20 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 30 ngày.
Quyết định nêu rõ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn tại mỗi thành phố 5 đơn vị hành chính cấp quận; 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc các đơn vị hành chính cấp quận được lựa chọn để triển khai thí điểm.
Thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Kiểm tra thông tin "9.000 ha rừng đầu nguồn tan hoang"
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh, làm rõ vấn đề phản ánh trên báo Lao động qua bài viết "9.000 ha rừng đầu nguồn tan hoang vì doanh nghiệp tắc trách".
Trước đó, ngày 9/9/2015 báo Lao động có bài viết "9.000 ha rừng đầu nguồn tan hoang vì doanh nghiệp tắc trách", phản ánh hàng trăm ha rừng đầu nguồn gần thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã bị chặt phá, bao chiếm trái phép trong vài tháng gần đây, nâng tổng diện tích rừng do Cty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa quản lý bị “cạo trọc” lên tới 9.000ha. Tình hình nghiêm trọng đến mức, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông phải huy động cả Thanh tra Nhà nước, công an, kiểm lâm vào cuộc để điều tra, ngăn chặn và xử lý trách nhiệm của đơn vị chủ rừng.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh, làm rõ, có biện pháp xử lý theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 này.
Chuyển Trường Trung cấp kỹ thuật-nghiệp vụ Sông Hồng về Bộ Xây dựng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định chuyển Trường Trung cấp kỹ thuật-nghiệp vụ Sông Hồng thuộc Tổng công ty cổ phần Sông Hồng về trực thuộc Bộ Xây dựng và bổ sung vào danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng kiện toàn tổ chức và hoạt động của Trung cấp kỹ thuật-nghiệp vụ Sông Hồng theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nếu đủ điều kiện thì thực hiện Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; ngân sách Nhà nước không cấp kinh phí cho Trường.
Đối với nhiệm vụ đào tạo cho Nhà nước, thì Bộ Xây dựng thực hiện đặt hàng cho Trường Trung cấp kỹ thuật-nghiệp vụ Sông Hồng trong phạm vi dự toán chi thường xuyên của Bộ Xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hoàn thiện phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai hoàn thiện phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trước ngày 20/9/2015, gửi các Bộ, địa phương và cơ quan liên quan để chủ động triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, cập nhật trong thời gian tới (bản đồ ngập lụt do nước biển dâng, phân vùng bão,...), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện phương án ứng phó cụ thể của Bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời tổng hợp, hoàn thiện phương án ứng phó chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi xảy ra tình huống bão mạnh, siêu bão; báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/6/2016.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và công bố phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho dải ven biển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành hướng dẫn tàu thuyền tránh trú và neo đậu khi có bão, áp thấp nhiệt đới; hướng dẫn các địa phương xây dựng, cập nhật phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão; lập bản đồ ngập lụt do nước dâng tại Nghệ An, Quảng Ngãi và kế hoạch lập bản đồ ngập lụt do nước dâng tại các tỉnh ven biển còn lại, xây dựng định mức lập bản đồ. Đã xây dựng phương án chỉ đạo chung khi xảy ra bão mạnh, siêu bão.
Bộ Xây dựng đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật xây dựng phòng và giảm thiểu thiệt hại do bão cho nhà ở; hướng dẫn nhà an toàn theo các cấp bão.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng mạng thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai (trang bị hệ thống trạm thông tin mặt đất, thiết bị truyền hình hội nghị, điện thoại vệ tinh, xe thông tin chuyên dùng), xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo.
Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự chủ động ứng phó siêu bão.
28 địa phương ven biển đã hoàn thành xây dựng phương án ứng phó siêu bão (19 địa phương đã phê duyệt), tham gia ý kiến vào phương án chung.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nội dung chủ yếu trong phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão tập trung vào phân công nhiệm vụ; phương án sơ tán dân (xác định khu vực, số hộ, số người cần sơ tán, địa điểm phục vụ sơ tán, lực lượng, phương tiện phục vụ sơ tán); đảm bảo thông tin, an toàn tàu thuyền; phương án bảo vệ công trình phòng chống thiên tai và công trình trọng điểm; phương án đảm bảo an ninh trật tự, giao thông; phương án phối hợp chỉ đạo ứng phó, TKCN; phương án huy động nguồn lực ứng phó; phương án dự trữ vật tư, lương thực, nhu yếu phẩm.
Thái Bình cần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị tỉnh Thái Bình cần tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt, hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, lựa chọn phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với du lịch biển.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Thái Bình tăng cường hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các ngành lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế; nghiên cứu ban hành chính sách mới nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào làm ăn lâu dài. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững; chú trọng kiểm tra việc hoàn thành và duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới quan tâm đến môi trường, xử lý rác thải, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu kinh tế với mục tiêu chính là tái cơ cấu và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cùng với đó nâng cao tính tự chủ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Tỉnh Thái Bình cũng cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị, chuẩn bị tốt mọi điều kiện phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tiến tới Đại hội XII của Đảng.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh Thái Bình tăng 7,66%, trong đó công nghiệp tăng 11,56%, nông nghiệp tăng 2,25%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 17,7%; xuất khẩu tăng 11,5%; thu ngân sách nhà nước tăng 12,3%.
Tỉnh đã triển khai bài bản, tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân đã thực sự là chủ thể, quyết định sự thành công của phong trào xây dựng nông thôn mới (đến nay tỉnh đã có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 59 xã đạt 15 - 18 tiêu chí); đã huy động, sử dụng tốt nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia, trong đó vốn của người dân đóng góp đạt 6.660,3 tỷ đồng chiếm trên 40%; đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn (tỉnh có 143 cánh đồng mẫu với diện tích 6.072 ha) gắn với công nghiệp chế biến. Trên 800 trang trại chăn nuôi và nuôi cá lồng trên sông (trong đó có 69 trang trại quy mô lớn).
Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,5%, giải quyết việc làm tăng 7,5%; cải cách hành chính tiếp tục được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, tỉnh Thái Bình vẫn còn một số khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa.
Rà soát đối tượng HSSV hưởng chính sách nội trú
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, ước tính đầy đủ số đối tượng được hưởng chính sách nội trú theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát kinh phí thực hiện chính sách, báo cáo về số lượng và kinh phí thêm để thực hiện chính sách nội trú đối với học sinh tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc bán trú khi học cao đẳng, trung cấp; hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/11/2015.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã soạn và lấy ý kiến đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp.
Bộ này đề xuất chính sách đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm các đối tượng: người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Theo dự thảo, các đối tượng trên sẽ được miễn, giảm học phí, lệ phí tuyển sinh theo quy định hiện hành.
Dự thảo cũng đề xuất cấp học bổng chính sách theo thời gian học thực tế với các mức như sau: Mức 1.150.000 đồng/tháng đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người thuộc hộ nghèo. Mức 920.000 đồng/tháng đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người thuộc hộ cận nghèo; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; học sinh, sinh viên người dân tộc Kinh là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo...../.
Bình luận