Tóm tắt

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 kinh tế thế giới diễn biến bất thường, tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Trong điều kiện đó, điều hành chính sách tiền tệ đã được thực hiện chặt chẽ và linh hoạt, hoạt động ngân hàng chủ động ứng phó với các tình huống, đã góp phần quan trọng đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, nhưng cũng đang đặt ra một số vấn đề hạn chế cần giải quyết.

Từ khóa: điều hành, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế

Summary

In 2022 and the first months of 2023, the world economy saw abnormal developments, which have greatly affected the Vietnamese economy. In that context, the governance of monetary policy has been implemented closely and flexibly, and banking activities has proactively responded to the volatile situations, making an important contribution to achieving the socio-economic development goals in this period, however they also poses a number of issues that need to be resolved.

Keywords: governance, monetary policy, macroeconomics, economic growth

ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ TRONG NĂM 2022 VÀ CÁC THÁNG ĐẦU NĂM 2023

Kinh tế thế giới năm 2022 có quá nhiều biến động bất thường, theo đó, giá dầu thô, khí đốt; giá năng lượng tại châu Âu; giá lương thực và thức ăn chăn nuôi; giá nhiều loại nguyên liệu thô khác trên toàn thế giới tăng cao, đặc biệt tăng rất lớn tại các nền kinh tế lớn. Lạm phát toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ, các nước khu vực Euro Zone… tăng cao trong hàng chục năm qua. USD tăng giá và Euro, Bảng Anh, Yên Nhật, Nhân dân tệ mất giá mạnh. Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đứt gẫy. Chỉ số chứng khoán trên các thị trường tài chính toàn cầu sụt giảm mạnh. Từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và trên 100 ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất chủ đạo. Tất cả những diễn biến đó tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là vấn đề lãi suất, tỷ giá, tín dụng.

Ngân hàng trung ương của một loạt quốc gia tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát trong 30-50 năm qua. Tăng mạnh nhất và ảnh hưởng lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu đó là lãi suất của FED.

Mới đây nhất, ngày 22/3/2023, FED đã đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm), đồng thời cho biết chiến dịch tăng lãi suất có thể vẫn sẽ tiếp tục bất chấp nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây. Đáng chú ý, FED đã tăng lãi suất 9 lần liên tiếp kể từ tháng 03/2022. Động thái trên đã nâng mức lãi suất qua đêm của FED lên khoảng 4,75%- 5,00%. Các dự báo cập nhật cũng cho thấy, 10/18 nhà hoạch định chính sách của FED vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ tăng thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm nay (PV, 2023). Quyết định tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng cũng kiềm chế sức mua của người tiêu dùng, dẫn tới cầu nội địa và cầu quốc tế giảm.

Với bối cảnh kinh tế thế giới nói trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, cụ thể như sau:

NHNN tăng lãi suất trong điều hành chính sách tiền tệ

Trong các năm 2020-2021 cũng như năm 2022, Chính phủ nhiều lần chỉ đạo NHNN Việt Nam có biện pháp giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm chi phí vốn vay. Song thực tế lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) đối với khách hàng hầu như không giảm. Trong khi đó, do diễn biến điều hành của ngân hàng trung ương nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, với làn sóng tăng lãi suất, lo ngại lạm phát, nên từ cuối quý III/2022 và đầu quý IV/2022, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh tăng lãi suất điều hành liên tiếp trong tháng 9 và 10/2022. Cụ thể:

- Lần thứ nhất, có hiệu lực từ ngày 23/9/2022, lãi suất tái cấp vốn từ 4% tăng lên 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% tăng lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 5% lên là 6,0%/năm.

- Lần thứ hai, thực hiện từ ngày 24/10/2022. Theo đó, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/ năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/ năm; lãi suất cho vay qua đêm từ 6,0%/năm lên 7,0%/ năm. Lãi suất tối đa tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, lãi suất tiền gửi tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất cho vay của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.

Trước và sau các đợt điều chỉnh nói trên của NHNN, lãi suất huy động vốn của các NHTM đã tăng lên. Đến giữa tháng 11/2022, lãi suất tiền gửi cao nhất của NHTM đã lên tới 9,5%-10%/năm. Lãi suất huy động vốn tăng làm cho lãi suất cho vay cũng tăng, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Các quyết định tăng lãi suất của NHNN được giải thích là để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh lãi suất của hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới tăng và USD lên giá mạnh so với các ngoại tệ chủ chốt khác.

Quyết định của NHNN điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá và can thiệp trên thị trường ngoại tệ

Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của FED và các ngân hàng trung ương trên thế giới, ngày 17/10/2022, NHNN đã quyết định tăng biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép.

Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa VNĐ và USD được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%. Bên cạnh đó, trong tháng 10/2022, NHNN đã hai lần tăng giá bán USD/ VND, với tổng mức tăng 945 đồng từ 23.925 đồng lên 24.870 đồng vào các ngày 17/10/2022 và 24/10/2022.

Việc điều chỉnh nói trên là do, USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do FED liên tục tăng lãi suất với cường độ cao và do sức ép từ cán cân vãng lai. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD, như: Yên Nhật mất giá khoảng 40%, Euro và bảng Anh mất giá khoảng 30%, Nhân dân tệ cũng mất giá khoảng 8% (Minh Phương, 2022). Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn, trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu (vốn đầu tư gián tiếp giảm).

Trên thực tế, trong những năm qua, có thời điểm thị trường ngoại hối biến động, NHNN đã phải can thiệp với số lượng lớn ngoại tệ nhưng sau đó đã quay trở lại mua ngoại tệ. Ước tính, NHNN đã bán ra khoảng 22 tỷ USD vào năm 2022 từ quỹ dự trữ ngoại hối, tương đương 21% tổng dự trữ vào năm 2021. Đến cuối tháng 11/2022, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước tính 85,7 tỷ USD, tương đương dưới mức 1/3 của Thái Lan, đã giảm tỷ lệ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, tuy nhiên vẫn duy trì trong ngưỡng an toàn (ACBS, 2022). Mặc dù thị trường chịu áp lực và biến động mạnh, nhưng đó là bối cảnh chung của tất cả các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Điều quan trọng là nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn rất tốt. Ngày 28/3/2023, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đã khẳng định, xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “tích cực” (Huy Thắng, 2023).

Trong 2 tháng đầu năm 2023, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ lớn lên tới 3,5 tỷ USD, khiến lượng dự trữ ngoại hối quốc gia nhanh chóng được bổ sung đáng kể, đến hết tháng 2/2023 tăng lên mức 92,43 tỷ USD (Huy Tùng, 2023). Trước đó, trong tháng 12/2022, NHNN tiếp tục bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Như vậy, trong thời gian qua, NHNN can thiệp 2 chiều, có mua và bán ngoại tệ.

Điều hành tín dụng đảm bảo tăng trưởng bền vững nền kinh tế

Năm 2022, NHNN đề ra định hướng tăng trưởng tín dụng là 14%, tương đương các năm gần đây. Tuy nhiên, ngay từ cuối tháng 6/2022, nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, đông đảo dư luận đã đề nghị NHNN tăng hạn mức tín dụng, không nên cứng nhắc ở mức đó, mà cần phải căn cứ vào nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam được kiểm soát, thấp hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Song NHNN không điều chỉnh với lý do ổn định vĩ mô.

Cho đến ngày 5/12/2022, NHNN mới quyết định nâng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5%-2% cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng, tương đương tăng thêm 240.000 tỷ đồng cho nền kinh tế trong thời gian hơn 20 ngày còn lại của năm.

Kết quả, tính đến hết năm 2022, dư nợ tín dụng và đầu tư đối với toàn nền kinh tế của hệ thống ngân hàng đạt trên 11,958 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mục tiêu đề ra đã điều chỉnh đầu tháng 12/2022 là 15,5%-16% (NHNN, 2023).

Cũng theo NHNN, tính đến hết năm 2022, số dư vốn huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng chỉ tăng khoảng 5,99% so với đầu năm 2022, tức là chỉ bằng gần 1/3 so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, cũng gây ra một số lo ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế. Trong khi đó, tốc độ tăng huy động vốn chỉ bằng 1/3 mức tăng trưởng tín dụng. Đây là trường hợp hiếm khi xảy ra nhiều năm qua của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các NHTM đang tăng lãi suất thu hút tiền gửi. Lãi suất tiền gửi nội tệ của nhiều NHTM cổ phần lên tới mức cao nhất trong 5 năm gần đây để tăng cường huy động vốn, gây sức ép lớn tăng lãi suất cho vay.

Số liệu gần đây của NHNN cho thấy, tính đến ngày 24/2/2023, dư nợ tín dụng của toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 0,77% so với cuối năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 2,52% của cùng kỳ năm 2022; trong khi đó huy động vốn cũng chỉ tăng 0,05% (Hoàng Lan, 2023). Diễn biến này cho thấy, những dấu hiệu rất đáng quan tâm đối với hoạt động ngân hàng năm 2023.

Theo chủ trương của Chính phủ, dòng vốn tín dụng tiếp tục được hướng vào 5 lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, như: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản sạch…, nên có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Với sự bình tĩnh, chủ động trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách của NHNN, kết thúc năm 2022, chính sách tiền tệ đã có những đóng góp quan trọng, góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (2023), chính sách tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,15%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (8,02%); tín dụng ước tăng khoảng 14,5%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định (VND mất giá 3,5%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, là mức biến động thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực), thanh khoản hệ thống cơ bản được đảm bảo... Đặc biệt, ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN.

KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP TRONG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, thì khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay cơ bản đến giữa năm 2023, nên áp lực tăng lạm phát vẫn gia tăng với Việt Nam. Khác với các đợt trước đây lạm phát xuất phát từ nội tại nền kinh tế, đợt này lạm phát đến từ bên ngoài (mà Việt Nam có độ mở 200%), nên khó có thể kiểm soát một cách chủ động (Đỗ Thị Thủy, 2023).

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của thế giới đang chững lại và có thể giảm, đã có dấu hiệu của đợt suy thoái kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta.

Các động lực tăng trưởng kinh tế của năm 2023 giảm dần. Việt Nam mới chỉ là thị trường cận biên, chưa phải là thị trường mới nổi, nên nếu ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất cơ bản, thì khó tránh khỏi dòng vốn sẽ rút khỏi các nước đang phát triển như nước ta. Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản nước ta đang có xu hướng tăng cao, trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản. Với bối cảnh này, nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới cần thực hiện theo hướng sau:

Một là, NHNN cần chủ động bám sát và nắm chắc tình hình để đưa ra các giải pháp, công cụ điều hành phù hợp với liều lượng, thời điểm hợp lý. Sự phù hợp ở đây không chỉ là với xu thế của thế giới mà còn phù hợp với thực tiễn và đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Chính sách tiền tệ cũng cần được điều hành trong mối quan hệ phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong tổng thể các giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, để kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như đảm bảo an sinh xã hội, nhưng phải đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phục hồi nền kinh tế sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chống suy thoái kinh tế toàn cầu.

Hai là, NHNN cần có biện pháp giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế. NHNN Việt Nam cần công bố giảm các loại lãi suất điều hành về mức trước tháng 9/2022 và thấp hơn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm phí của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC). Bên cạnh đó, NHNN cần điều hành ổn định tỷ giá, tiếp tục can thiệp 2 chiều trên thị trường ngoại hối.

Ba là, trong năm 2023, NHNN cần bỏ hạn mức tín dụng đối với các NHTM nhà nước và NHTM nhà nước đã cổ phần hóa, các NHTM có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định, đến năm 2024 bỏ hoàn toàn công cụ có tính chất hành chính này.

NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như: đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.

Bốn là, để chủ động ứng phó trước các diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, các tổ chức tín dụng cần rà soát, đánh giá một cách thận trọng hơn để chủ động có các giải pháp cải thiện, đảm bảo an toàn, vững chắc hệ thống.

Năm là, khi nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục hội nhập sâu rộng, với những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới hiện nay tác động đến kinh tế và thị trường tiền tệ Việt Nam, nên Chính phủ, NHNN cần kiên trì định hướng điều hành ổn định tỷ giá, chống đô la hóa nền kinh tế, điều hành tỷ giá hai chiều, tiếp tục tăng cường quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia./.

ThS. DƯƠNG VĂN BÔN, ThS. LÊ MINH HOÀNG LONG

Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo Số 10 - tháng 4/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ánh Tuyết (2023), Cuộc chơi trái phiếu doanh nghiệp khó trông chờ ở một giải pháp tình thế, truy cập từ https://vneconomy.vn/cuoc-choi-trai-phieu-doanh-nghiep-kho-trong-cho-o-mot-giai-phap-tinh-the.htm.

2. BSC (2023), Fed nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/fed-nang-lai-suat-25-diem-co-ban-25540.html

3. Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) (2022), Báo cáo triển vọng thị trường tháng 9/2022.

4. Đỗ Thị Thủy (2023), Chính sách tiền tệ với kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, truy cập từ https://thitruongtaichinhtiente.vn/chinh-sach-tien-te-voi-kiem-soat-lam-phat-on-dinh-kinh-te-vi-mo-o-viet-nam-44049.html.

5. Huy Thắng (2023), Fitch Ratings duy trì xếp hạng tín nhiệm Việt Nam mức triển vọng ‘tích cực’, truy cập từ https://baochinhphu.vn/fitch-ratings-duy-tri-xep-hang-tin-nhiem-viet-nam-muc-trien-vong-tich-cuc-102220329085822683.htm.

6. Huy Tùng (2023), Tin ngân hàng ngày 11/3: 2 tháng đầu năm, NHNN mua vào 3,5 tỷ USD ngoại tệ, truy cập từ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-113-2-thang-dau-nam-nhnn-mua-vao-35-ty-usd-ngoai-te-680162.html.

7. Hải Lý (2023), Nợ xấu và giá bất động sản, truy cập từ https://vnexpress.net/no-xau-va-gia-bat-dong-san-4579160.html.

8. Hoàng Lan (2023), Vì sao tín dụng tăng trưởng chậm?, truy cập từ https://vneconomy.vn/vi-sao-tin-dung-tang-truong-cham.htm.

9. Minh Phương (2022), Ngân hàng nới biên độ điều chỉnh tỷ giá: Cân bằng cung - cầu thị trường, truy cập từ https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/ngan-hang-noi-bien-do-dieu-chinh-ty-gia-can-bang-cung-cau-thi-truong-622176.html.

10. NHNN (2020-2023), Một số thông tin trong các báo cáo chuyên đề, bản cứng, ban hành tháng 1/2020, tháng 1/2021, tháng 1/2022 và tháng 1-3/2023.

11. NHNN (2023), Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, ngày 3/1/2023.

12. NHNN (2023), Báo cáo của NHNN tại Hội nghị tín dụng bất động sản, tổ chức vào ngày 08/02/2023.

13. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng (2023), Chính sách tiền tệ: Ứng phó linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ngày 03/01/2023.

14. PV (2023), Fed tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp, truy cập từ https://vtv.vn/kinh-te/fed-tang-lai-suat-lan-thu-9-lien-tiep-20230323062416392.htm.