Chính phủ đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là trong công tác xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách để thực hiện các dự án, tiểu dự án, Nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và Quy chế làm việc của Chính phủ, chính quyền địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang |
Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan là chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản các chương trình mục tiêu quốc gia chủ động, tích cực phối hợp với Bộ trưởng các Bộ, cơ quan, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc để xây dựng, ban hành và rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn; hoàn thành đầy đủ các văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thống nhất về nội dung trong quý I/2023.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia) khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chủ quản Chương trình mục tiêu quốc gia và cơ quan liên quan triển khai một số nhiệm vụ sau:
- Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (Ban Chỉ đạo Trung ương); hoàn thành trước ngày 10/2/2023.
- Xây dựng Kế hoạch và chuẩn bị tài liệu, dự thảo báo cáo, bài phát biểu phục vụ Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Trưởng Đoàn kiểm tra, khảo sát thực tế tình hình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại 3 Vùng: Trung du và Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trong thời gian từ nay đến ngày 20/2/2023; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6/2/2023.
- Chuẩn bị tài liệu, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương trực tuyến với các địa phương vào cuối tháng 2/2023, trong đó tập trung đề xuất cơ quan chủ trì, nhiệm vụ cụ thể và thời hạn hoàn thành các giải pháp để hoàn thiện khung chính sách và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Khẩn trương xây dựng Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương, trình Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 20/2/2023 để báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương tại Phiên họp thứ 3 vào cuối tháng 2/2023; trong đó lưu ý xây dựng Kế hoạch cụ thể để kiểm tra, giám sát, theo dõi định kỳ, đột xuất tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Ban Chỉ đạo Trung ương và các Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước đến ngày 30/1, đã giải ngân được 13.730,922 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương (khoảng 57% kế hoạch), còn 8/52 địa phương giải ngân dưới 20% hoặc chưa giải ngân vốn gồm: Hưng Yên (0%), An Giang (8%), Bạc Liêu (0%), Hà Tĩnh (0%), Bình Thuận (0%), Hòa Bình (0%), Sơn La (0%), Gia Lai (0%). |
- Theo dõi chung, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thành các nhiệm vụ được giao liên quan tới triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, định kỳ hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành và đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19/4/2022 của Chính phủ; hoàn thành trong quý I/2023.
Bộ trưởng các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc khẩn trương chỉ đạo xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hoàn thành trước ngày 15/2/2023.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẩn trương chỉ đạo rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc quản lý vận hành công trình, quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý trước ngày 15/2/2023.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước đến ngày 30/1, đã giải ngân được 13.730,922 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương (khoảng 57% kế hoạch). Đến hết tháng 12/2022 đã giải ngân khoảng 92,9% kế hoạch vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.
Về phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao 48.355,812 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương năm 2023 (bao gồm: 24.216,812 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; 24.119 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp) cho các bộ, địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, đạt 97,6% tổng kế hoạch vốn.
Đối với 1.208,188 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi kế hoạch vốn trung hạn còn lại được giao; Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án phân bổ.
Đến hết ngày 30/01, có 44/53 địa phương đã giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia./.
Bình luận