Chính phủ thống nhất với sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu”; hoàn thiện khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, giải quyết triệt để các bất cập của Luật hiện hành; quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn vốn, tài sản nhà nước, nhưng đồng thời bảo đảm phân cấp mạnh, rõ trách nhiệm, tạo thuận lợi cho các chủ thể thực hiện thuận lợi, thông suốt; đồng thời có công cụ giám sát, kiểm tra.

Chính phủ thống nhất với sự cần thiết, quan điểm xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Việc sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, giúp giảm tiêu cực trong đấu thầu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước, nguồn lực từ đất đai. Ảnh: Tiến Tân

Chính phủ cơ bản tán thành nội dung dự án Luật, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện một số nội dung.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc ban hành và thực hiện Luật Đấu thầu cùng các luật khác có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.

Một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện như: Quy định về chỉ định thầu và giao cho người có thẩm quyền quyết định; quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt khi gói thầu xuất hiện các yếu tố đặc thù, riêng biệt; chưa rõ các tiêu chí, nguyên tắc, thời điểm xác định tính độc lập về pháp lý, tài chính giữa các chủ thể tham gia đấu thầu nhằm bảo đảm công bằng trong đấu thầu…

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu cũng phát sinh một số vướng mắc, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật này. Theo đó, quá trình triển khai thi hành Luật đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật này quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Một số luật liên quan đã sửa đổi hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu.

Ngoài ra, Luật cũng chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích sản xuất hàng hóa trong nước thay thế cho hàng hóa nhập khẩu; quy định về quản lý nhà nước với hoạt động đấu thầu và thi hành pháp luật trong hoạt động này còn hạn chế.

Mặt khác, hiện Việt Nam đã ký kết, tham gia 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có 3 hiệp định có nội dung về cam kết mở cửa thị trường mua sắm công. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp thiết.

Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung theo các nhóm quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc Luật Đấu thầu; nhóm quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch; nhóm quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện quy định về đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh.../.