Chính sách cho ngành thủy sản đang không phát triển kịp tiến trình hội nhập
Chính sách còn nhiều bất cập
Theo khảo sát của Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn I về đánh giá chính sách tài chính khuyến khích phát triển thủy sản. Kết quả cho thấy, có 41% số người phỏng vấn đánh giá không được thụ hưởng từ chính sách tài chính, cao hơn được thụ hưởng chỉ 40,2%. Nhất là với doanh nghiệp và người dân, không được thụ hưởng 40,4% so với được thụ hưởng chỉ 22,8%; còn lại không có ý kiến.
Chính sách phát triển thủy sản của Việt Nam còn nhiều bất cập |
Với chính sách trợ cấp khuyến khích phát triển thủy sản, chỉ 5,1% đánh giá địa phương/cơ sở mình được thụ hưởng; 23,9% đánh giá không được thụ hưởng; còn 70,9% không có ý kiến. Với chính sách miễn giảm thuế, 20,5% đánh giá được thụ hưởng; 3,4% không được thụ hưởng và 76,1% không có ý kiến. Còn chính sách bảo hiểm khuyến khích phát triển thủy sản, chỉ 12% được thụ hưởng, 16,2% không được thụ hưởng và 71,8% không có ý kiến.
Ngay như chính sách tín dụng, đáp ứng một nhu cầu bức thiết mà cũng chỉ 25,6% đánh giá được thụ hưởng; 9,4% không được thụ hưởng và 65% không có ý kiến. Ở đây, người dân không kêu về lãi suất mà kêu về khả năng, điều kiện tiếp cận vốn quá phức tạp, khó khăn. Nhất là với người nuôi tôm ao đất, nhu cầu vốn cho một ao 400-500 triệu đồng, chỉ được vay khoảng 10%.
Đối với chính sách đầu tư khuyến khích phát triển thủy sản đang được triển khai, chỉ có 12% đánh giá địa phương/cơ sở mình được thụ hưởng từ chính sách đầu tư khuyến khích phát triển thủy sản; còn 17,9% không được thụ hưởng và 70,1% không có ý kiến. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp và ngư dân được thụ hưởng chính sách rất thấp, 5,3%.
Mặc dù còn nhiều bất cập trong chính sách phát triển thủy sản, tuy nhiên, theo Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong 30 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu của thủy sản từ 830,5 nghìn tấn và 0,102 tỷ USD ở năm 1986, tăng lên 6.560 nghìn tấn và 6,573 tỷ USD ở 2015. Đặc biệt trong 5 năm qua, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn nhưng thủy sản nước ta vẫn là ngành hiếm hoi tăng trưởng cao. Tỷ lệ đánh giá thủy sản phát triển tốt lên là 63,2%; trong đó, 68,4% doanh nghiệp và người dân đánh giá tốt lên.
Những kết quả trên cho thấy, trong chính sách thủy sản hiện nay còn nhiều dư địa lớn cho thay đổi để thúc đẩy thủy sản phát triển. Song, điều này cũng thể hiện, chính sách đang gây ra những lãng phí, không tạo động lực để ngành này phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Hơn nữa, hệ thống chính sách không phát triển kịp tiến trình hội nhập chung với thế giới, các khái niệm vẫn chưa thống nhất với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại và thực hiện mục tiêu đề ra, theo Tổng cục Thủy sản, cần triển khai đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực của ngành thủy sản. Riêng về quy hoạch, thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới quy hoạch ở Trung ương và địa phương. Tập trung vào các quy hoạch đã được phê duyệt như: nghiên cứu, sản xuất cung ứng giống, nuôi và chế biến cá tra, phát triển cá nước lạnh, nuôi tôm nước lợ đồng bằng sông Cửu Long; nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung... Xây dựng quy trình quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch.
Bên cạnh đó, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước về thủy sản từ Trung ương tới địa phương. Trong khai thác thủy sản, tổ chức lại công tác quản lý tàu cá; xây dựng mô hình sản xuất tổ, đội, hợp tác xã. Thành lập đưa vào quản lý các khu bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái, sản hô, cỏ biển, rừng ngập mặn. Trong nuôi trồng thủy sản, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, đồng thời tổ chức các hộ sản xuất nhỏ lẻ theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm đẩy mạnh hoạt động cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm. Về chế biến thủy sản, các cơ sở chế biến cần đạt các tiêu chuẩn về môi trường; cơ sở chế biến mới được tập trung tại các cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu nhằm giảm thiểu các chi phí sản xuất; khuyến khích ưu đãi việc đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng.
Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng, cần định kỳ điều tra nguồn lợi, nghiên cứu áp dụng công nghệ bảo quản trên tàu cùng với nghiên cứu các mô hình tổ chức khai thác kết hợp dịch vụ trên biển, áp dụng công nghệ viễn thám. Bên cạnh đó, nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nuôi chủ lực tăng trưởng nhanh sạch bệnh; nghiên cứu dinh dưỡng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y thủy sản với giá thành hợp lý. Nghiên cứu quy trình nuôi trồng an toàn sinh học, công nghệ nuôi ít sử dụng nước, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng quan điểm với Tổng cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho rằng, cần thực hiện tốt quy hoạch, triển khai kế hoạch mùa vụ và quản lý vùng nuôi, tăng cường công tác quan trắc môi trường và phòng chống dịch bệnh. Cơ cấu lại đối tượng nuôi, mùa vụ sản xuất, áp dụng phương thức, hình thức nuôi phù hợp. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường. Tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong việc điều tiết nước mặn, ngọt đảm bảo sản xuất.
Bình luận