Lãng phí nhiều khi còn nặng nề hơn cả tham nhũng

“Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XIII vừa qua đã đề cập sâu đậm đến công tác xây dựng Đảng, có nhiều vấn đề mới hoặc nhấn mạnh hơn so với các Nghị quyết Trung ương 4 trước đây. Trong đó, Trung ương xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị. Chúng ta không chỉ "phòng", "chống", mà còn phải tích cực tấn công, cương quyết phát hiện và xử lý các sai phạm...”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, khi vừa tiếp xúc với cử tri Thành phố Hải Phòng trước Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, theo Văn phòng Quốc hội.

Chống lãng phí, Quốc hội sẽ giám sát đến nơi, đến chốn…
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trung ương sẽ ban hành mới Quy định về những điều đảng viên không được làm theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn. Ảnh: Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tinh thần là công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ, đảng viên chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, phải được thực hiện cao hơn một mức nữa…

Ghi nhận các kiến nghị của cử tri về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Trung ương nhấn mạnh chống tham nhũng phải gắn với chống tiêu cực, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ phải đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chống chủ nghĩa cá nhân, không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân, bởi suy cho cùng đây là căn nguyên của mọi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống...

Liên quan đến tình trạng lãng phí, ông Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đang triển khai giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, mua sắm công, chi tiêu ngân sách, quy hoạch treo… Quốc hội sẽ làm đến nơi, đến chốn, chỉ rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong vấn đề này, bởi hệ quả của lãng phí nhiều khi còn nặng nề hơn cả tham nhũng. Quốc hội đã huy động Kiểm toán Nhà nước vào cuộc. Đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các tỉnh cũng sẽ tiến hành giám sát để chỉ rõ lãng phí ở đâu, chứ không thể để hoang phí nguồn lực của đất nước như vừa qua. Vấn đề nào vướng về pháp lý, thì Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền phải tập trung tháo gỡ, còn sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh.

Sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế hậu đại dịch

Chống lãng phí, Quốc hội sẽ giám sát đến nơi, đến chốn…
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận kiến nghị của cử tri về cần có thêm các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch. Ảnh: Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tuần tới ông sẽ trực tiếp làm việc với các bộ, cơ quan liên quan của Quốc hội để bàn cụ thể cần tiếp tục có các giải pháp nào cho người dân, người lao động; xem xét thiết kế gói chính sách tổng thể vừa hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội, vừa kích thích nền kinh tế phục hồi.

Nhất trí với đề nghị của cử tri huyện Tiên Lãng về cần phải có chiến lược tổng thể ứng phó với đại dịch, thích ứng an toàn với dịch và phục hồi kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chiến lược tổng thể này phải đồng bộ, bài bản, nhất quán từ Trung ương đến địa phương, nhịp nhàng hơn, khoa học hơn trên cơ sở các dữ liệu khoa học, nhất là dữ liệu về dịch tễ; đồng thời phải bảo đảm tính nhất quán trong tổ chức thực hiện, tránh bị động, lúng túng. Trung ương cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch phải dự báo được tình hình, có các kịch bản, phương án để chủ động đưa ra giải pháp theo phương châm “đi trước” một bước.

“Cùng với có chiến lược, kế hoạch tổng thể, bài bản, khoa học, khách quan, đồng bộ, chỉ đạo thống nhất, dọc ngang thông suốt, tới đây sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế hậu đại dịch. Kế hoạch này không chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế, mà còn có các vấn đề xã hội, y tế...”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ghi nhận kiến nghị của cử tri về cần có thêm các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tuần tới ông sẽ trực tiếp làm việc với các bộ, cơ quan liên quan của Quốc hội để bàn cụ thể cần tiếp tục có các giải pháp nào cho người dân, người lao động; xem xét thiết kế gói chính sách tổng thể vừa hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội, vừa kích thích nền kinh tế phục hồi. Quốc hội không ngồi chờ, mà chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.../.