Chung sức xây dựng thành công các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh
Toàn cảnh KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
PV: Được biết, ngày 25/8 này đánh dấu mốc kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh. Ông có thể giới thiệu đôi nét về quá trình hoạt động và phát triển của Ban Quản lý trong 25 năm qua?
Trưởng ban Nguyễn Văn Phúc: Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh (Ban Quản lý) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tại Quyết định số 152/1998/QĐ-TTCP ngày 25/8/1998.
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Ban Quản lý luôn được bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi hoạt động, củng cố bộ máy tổ chức và phát triển, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức. Hiện nay Ban Quản lý có 8 phòng chuyên môn và tương đương, 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tổng số 86 cán bộ, công chức, viên chức. Các tổ chức đảng, đoàn thể Ban Quản lý hoạt động theo đúng Điều lệ của tổ chức và các quy định có liên quan; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm đạt trong sạch, vững mạnh, góp phần vào thành tích chung của cơ quan. Hiện Đảng bộ Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh có 78 đảng viên, sinh hoạt đảng tại 6 chi bộ trực thuộc (bao gồm 68 đảng viên công tác tại Ban Quản lý và 10 đảng viên công tác tại Công đoàn các KCN Bắc Ninh); trong đó Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh được tín nhiệm bầu là Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh |
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã quán triệt và phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ quan tích cực học tập các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng; học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nghiêm túc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm mọi thành viên trong cơ quan, đơn vị luôn thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có đủ trình độ lý luận để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề hàng năm.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn Tỉnh, những năm qua tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu nỗ lực, cùng nhau sát cánh vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN thông qua các mặt hoạt động công tác chuyên môn.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng luôn quan tâm đến tổ chức phát động và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua trong toàn cơ quan và đã lan tỏa sâu rộng đến các doanh nghiệp trong KCN. Trong 25 năm qua, công tác thi đua khen thưởng của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã đạt được những kết quả tích cực, được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương và khen thưởng. Đã hình thành các phong trào thi đua sôi nổi trong các KCN, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và các KCN trên địa bàn nói chung ngày càng phát triển.
Chặng đường 25 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý không ngừng phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, đổi mới phong cách làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong các KCN để đưa các KCN tỉnh Bắc Ninh ngày một phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, vươn lên vị trí xứng đáng top đầu trong hệ thống KCN, KKT của cả nước.
Nhà máy FDI trong KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
PV: Xin ông cho biết cụ thể hơn trong chặng đường 25 năm, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh như thế nào?
Song hành cùng sự phát triển lớn mạnh của tổ chức Ban Quản lý, hệ thống các KCN của tỉnh Bắc Ninh đã có bước phát triển vượt bậc. Quá trình 25 năm, Ban Quản lý đồng hành cùng với sự phát triển của các KCN trên địa bàn Tỉnh được thể hiện qua một số kết quả nổi bật sau:
Một là, công tác quản lý quy hoạch xây dựng trong các KCN được thực hiện theo đúng trình tự, quy định và đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Tháng 12/2000, KCN Tiên Sơn là KCN tập trung đầu tiên của Tỉnh được khởi công xây dựng. Đến nay, Bắc Ninh có 16 KCN tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển với tổng diện tích 6.397,68 ha; có 12/16 KCN đã đi vào hoạt động; 15 KCN đã được thành lập với diện tích 5.899,22 ha; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch đạt 58,86%.
Toàn cảnh KCN Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh |
Trong nửa đầu nhiệm kỳ này, Ban Quản lý đã tham gia ý kiến về Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; đang thực hiện xây dựng đề án quy hoạch các KCN tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến báo cáo UBND Tỉnh sau khi quy hoạch Tỉnh được phê duyệt. Hàng năm, Ban Quản lý tiến hành cấp chứng chỉ quy hoạch, tham gia góp ý kiến thiết kế cơ sở, cấp và điều chỉnh giấy phép xây dựng... cho các dự án. Thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thi công theo giấy phép xây dựng. Phối hợp kiểm tra chất lượng công trình xây dựng trong các KCN. Chú trọng đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng KCN nâng cấp, duy tu sửa chữa các hạng mục hạ tầng có biểu hiện xuống cấp, trồng bổ sung cây xanh bóng mát, dọn dẹp vệ sinh vỉa hè và kênh tiêu trong các KCN, tạo cảnh quan luôn xanh, sạch đẹp, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu, tiếp cận đầu tư.
Công nhân Công ty Gold Sun làm việc trong KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
Trật tự xây dựng trong các KCN ngày một đi vào nề nếp. Việc quy hoạch và xây dựng các KCN Bắc Ninh hợp lý kết hợp với công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết một cách chặt chẽ, đúng bài bản, góp phần quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư vào các KCN.
Với việc thiết lập mô hình KCN, đô thị đã góp phần hình thành các khu đô thị mới gắn với phát triển cụm công nghiệp, làng nghề và kiến tạo bộ mặt nông thôn mới. Tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật KCN với hạ tầng xã hội (hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa, các dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm...), đảm bảo cuộc sống của người lao động, ổn định an sinh xã hội, góp phần tạo lập và phân bố không gian kinh tế, tạo sự phát triển hài hoà giữa các khu vực trong Tỉnh, là cơ sở để Bắc Ninh hội nhập và phát triển một cách bền vững.
Hai là, các KCN thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), là tiền đề quan trọng giúp Bắc Ninh giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Những năm đầu xây dựng KCN, thu hút đầu tư vào các KCN chủ yếu là những dự án quy mô nhỏ, dự án trong nước, tập trung chủ yếu vào các ngành: chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng cao cấp. Riêng lĩnh vực công nghiệp điện tử chỉ có 2 dự án, trong đó Công ty Canon chiếm 14% tổng số vốn đầu tư vào các KCN Bắc Ninh (130 triệu USD/896 triệu USD). Giai đoạn này suất đầu tư chỉ là 1-2 triệu USD/ha và khoảng 3 triệu USD/dự án.
Thực hiện chỉ đạo của UBND Tỉnh và các bộ, ngành Trung ương, Ban Quản lý đã nỗ lực phát huy cao vai trò, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu cho UBND Tỉnh thực hiện tốt công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN Bắc Ninh và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, Ban đã tập trung thu hút các dự án đầu tư theo hướng có chọn lọc, lựa chọn các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng nhiều lao động, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Chú trọng công tác tiếp cận các thị trường lớn. Đổi mới nội dung, hình thức, hướng đến chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến đầu tư.
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, các KCN Bắc Ninh thu hút được nhiều dự án FDI. Số lượng và chất lượng các dự án đầu tư trong các KCN Tỉnh, nhất là dự án FDI tăng mạnh. Từ năm 2008 đến nay, cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi mạnh, hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn điện tử - viễn thông tại Bắc Ninh. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các dự án của Samsung là dự án lớn, có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Công nhân Công ty Samsung Việt Nam làm việc trong KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Lũy kế đến hết tháng 6/2023, các KCN Bắc Ninh đã thu hút 1.869 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 24,469 tỷ USD, trong đó có 1.284 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,145 tỷ USD; 585 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,324 tỷ USD.
Về cơ cấu vùng lãnh thổ đầu tư trong KCN, hiện nay có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN Bắc Ninh; trong đó Hàn Quốc là quốc gia có số dự án và vốn đầu tư nhiều nhất (595 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 13,8 tỷ USD, chiếm khoảng 64% tổng vốn đầu tư FDI tại các KCN); tiếp theo là Nhật Bản (79 dự án, vốn 1,34 tỷ USD); sau đó là Đài Loan và các quốc gia khác. |
Như vậy, tỷ trọng vốn FDI ngày càng chiếm phần lớn trong thu hút đầu tư vào các KCN, chất lượng các dự án ngày nâng cao. Hầu hết các dự án FDI thu hút vào các KCN đều thuộc lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ cho các ngành này. Trong đó, có các dự án của các tập đoàn lớn, có thương hiệu nổi tiếng trong khu vực và thế giới như: Canon, Samsung Electronics, Samsung Display, Hồng Hải Foxconn, ABB, Amkor, Goertek…
Các dự án FDI đều sử dụng máy móc, thiết bị thế hệ mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất các sản phẩm sạch, không phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Vốn đầu tư cho máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất (bao gồm cả chuyển giao công nghệ) của các dự án FDI trong giai đoạn này chiếm trên 60% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu tại các KCN Bắc Ninh.
Kết quả thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh Bắc Ninh trong 25 năm qua là minh chứng sống động khẳng định môi trường đầu tư thông thoáng, hiện đại “Trải thảm đỏ đón nhà đầu tư” của tỉnh Bắc Ninh; xây dựng được hình ảnh đặc trưng của mỗi KCN, kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh khác, tạo sức mạnh lan tỏa, hình thành KCN chuyên ngành và ngành công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI.
Năm 2022, Bắc Ninh đứng thứ 4 của cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI và quý I/2023, Bắc Ninh là địa phương đứng thứ 3 cả nước về quy mô thu hút vốn FDI. Đây là tiền đề quan trọng giúp Tỉnh giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian sớm nhất.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn (thứ 3 bên trái sang) kiểm tra tiến độ xây dựng nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại KCN Yên Phong 2-C, tỉnh Bắc Ninh |
Ba là, các doanh nghiệp KCN sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tỉnh
Các KCN tỉnh Bắc Ninh hiện có 1.210 dự án đi vào hoạt động, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn, chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh. Giá trị xuất khẩu luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu toàn Tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp KCN ước các chỉ tiêu chủ yếu đạt được là: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 683.624 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 20,24 tỷ USD; giá trị nhập khẩu là 26,39 tỷ USD; nộp ngân sách đạt 6.582 tỷ đồng.
Sự phát triển của các KCN là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của Tỉnh; góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đưa nền kinh tế của Tỉnh tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Các KCN đã góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, cải thiện và nâng cao đời sống cho người lao động trên địa bàn. Sau 20 năm xây dựng và phát triển các KCN, hiện tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã thu hút 296.869 lao động, trong đó lao động địa phương là 84.366 người (28,4%); lao động nữ là 160.753 người (54,5%); lao động nước ngoài 7.297 người (2,64%). Thống kê các KCN cả nước cho thấy, hiện nay các KCN Bắc Ninh có số lượng người lao động luôn đứng thứ nhất ở miền Bắc.
Thu nhập bình quân chung của người lao động trong các KCN của tỉnh Bắc Ninh là 8,3 triệu đồng/người/tháng (trong đó, thu nhập bình quân của lao động gián tiếp: 9,589 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân của lao động trực tiếp là 8,75 triệu đồng/người/tháng).
Công nhân nhà máy Samsung Việt Nam làm việc trong KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý
Công tác cải cách hành chính luôn được Ban Quản lý quan tâm chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc ở các nội dung như: Cải cách thể chế, cải cách bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...; nhất là thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, giảm thiểu thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, cụ thể:
Triển khai thực hiện, duy trì, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 theo đúng kế hoạch. Niêm yết công khai 100% các quy trình thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ và của Tỉnh tại Trung tâm Hành chính công Tỉnh, cũng như trên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh và trên website của Ban Quản lý (iza.bacninh.gov.vn). Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính. Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính đã ban hành. Tiếp tục duy trì cung cấp các dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ đã đăng ký. Sau khi tiến hành rà soát và công bố 43 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban theo đúng các văn bản hướng dẫn, hiện tại tổng số dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của Ban là 19 thủ tục hành chính, chiếm 44%/tổng số thủ tục hành chính, trong đó mức độ 3 là 13 thủ tục hành chính (chiếm 30%); mức độ 4 là 6 thủ tục hành chính (chiếm 14%). Số thủ tục hành chính thực hiện “5 tại chỗ” là 10/26 thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ, chiếm tỷ lệ 38,46%. 100% tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công của Tỉnh, đảm bảo không có hồ sơ chậm muộn, phải viết thư xin lỗi doanh nghiệp.
Thường xuyên tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp… về quy định, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý (thông qua các hình thức như: phản ánh trực tiếp, bằng văn bản, email, điện thoại, zalo…).
Thực hiện tốt việc nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg, ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ứng dụng triệt để và hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tin học hóa tối đa các hoạt động trong quy trình thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức được cập nhật, đào tạo thường xuyên và thực hiện thành thạo các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính của Trung tâm Hành chính công tỉnh và của Cục Đầu tư nước ngoài, Hệ thống quản lý văn bản điều hành của Tỉnh; vận hành Cổng thông tin điện tử thành phần của Ban trên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh và web của cơ quan, các đơn vị trực thuộc. Thực hiện các giải pháp nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số hài lòng của doanh nghiệp; cải thiện các chỉ số PCI, PAPI... Mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của công chức của Ban tại Trung tâm Hành chính công Tỉnh đạt kết quả cao.
Ban Quản lý cũng là một trong các đơn vị tiên phong trong các sở, ngành của Tỉnh xây dựng và vận hành website (năm 2001), ứng dụng phần mềm quản lý văn bản e-office trong quá trình hoạt động (năm 2008). Từ năm 2016, chuyển sang vận hành phần mềm quản lý văn bản và điều hành chung của Tỉnh, vận hành Cổng thông tin điện tử thành phần của Ban trên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh. Triển khai xây dựng và thực hiện đề án công nghệ thông tin (Quản lý dữ liệu GIS về KCN) trên nền dữ liệu chung toàn Tỉnh. Thực hiện các đề tài khoa học liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp KCN Bắc Ninh và các đề tài có tính ứng dụng cao trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Bắc Ninh là tỉnh đi đầu trong áp dụng việc đánh giá, xếp loại và công bố chỉ số DCI cấp tỉnh (chỉ số năng lực cạnh tranh áp dụng cho sở, ban, ngành thuộc tỉnh) vào năm 2016. Từ đó đến nay, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh luôn duy trì thứ hạng cao trên bảng xếp hạng. Ban cũng luôn được đánh giá cao về chỉ số cải cách hành chính cấp sở, ngành và luôn xếp thứ hạng cao trong hoạt động tại Trung tâm Hành chính công của Tỉnh trong số các sở, ban, ngành của Tỉnh. Điều này góp phần vào việc từng bước thực hiện thành công mục tiêu của Tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử và đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Nhà máy FDI đầu tư trong KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh |
Năm là, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của pháp luật trong các lĩnh vực hoạt động khác
Thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của đơn vị; phát huy tính sáng tạo, chủ động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Công tác tài chính đảm bảo tiết kiệm, công khai, minh bạch, đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành. Xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các KCN; duy trì, phát triển mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị hữu quan trong và ngoài Tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của Ban. Thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác như: Duy trì nội vụ cơ quan; công tác tổng hợp; công tác hành chính và quản trị văn phòng; công tác thông tin và quản trị website, công tác văn thư- lưu trữ...
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua hàng năm. Tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện… do địa phương tổ chức. Thực hiện đúng quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục về bình xét, đề nghị các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Trong quá trình hoạt động, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã hai lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; liên tục các năm được tặng Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND Tỉnh. Đặc biệt, tập thể Ban đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Đồng thời, nhiều đơn vị trực thuộc và nhiều cá nhân cán bộ, công chức, viên chức cơ quan được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương và khen thưởng.
Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý đã phát huy cao hiệu quả hoạt động, tăng cường triển khai hiệu quả các hoạt động dịch vụ trong và ngoài KCN. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ KCN được thành lập từ năm 2001, sau này đổi tên thành Trung tâm Hỗ trợ đầu tư và phát triển KCN. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm từng bước ổn định cơ cấu tổ chức và bộ máy, cung cấp đa dạng các dịch vụ trong và ngoài KCN. Đồng thời, từ năm 2014, Chủ tịch UBND Tỉnh đã ký Quyết định phê duyệt 6 đề án phát triển hoạt động dịch vụ trong các KCN tập trung trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh được giao làm cơ quan thường trực Ban chỉ đạo. Từ đó đến nay, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan bước đầu triển khai hiệu quả các đề án nêu trên.
Đường nội bộ trong KCN VSIP, tỉnh Bắc Ninh |
PV: Từ thực tiễn hoạt động, theo ông, những nhân tố cơ bản nào đảm bảo cho các KCN của Tỉnh phát triển mạnh mẽ và hiệu quả?
Trưởng ban Nguyễn Văn Phúc: Trải qua chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh, chúng tôi xác định những nhân tố cơ bản là tiền đề then chốt đảm bảo cho các KCN của Tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững đó là:
Vận dụng đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh; sự đoàn kết thống nhất của các cấp, các ngành, của toàn thể nhân dân trong Tỉnh.
Quy hoạch luôn đi trước một bước. Theo đó, Ban đã xây dựng đề án quy hoạch các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Các KCN được quy hoạch hoàn chỉnh và đồng bộ đủ đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn có thương hiệu toàn cầu; chuẩn bị đủ quỹ đất sạch để đón nhận đầu tư; lựa chọn những nhà đầu tư hạ tầng KCN có kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao; góp phần ổn định quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, phân bố lại không gian kinh tế trên địa bàn.
Xây dựng tốt môi trường đầu tư, gồm cả môi trường về chính sách và môi trường về hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư như: ngân hàng, logistic, khai thuế, hải quan, thông tin liên lạc…
Xây dựng tốt Chương trình, Kế hoạch xúc tiến đầu tư. Thực hiện xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thường xuyên đổi mới công tác xúc tiến đầu tư (chuyển từ đơn lẻ sang hình thức xúc tiến đầu tư theo chuỗi các dự án; xây dựng mục tiêu các ngành nghề, lĩnh vực, dự án cần xúc tiến đầu tư; xác định lĩnh vực mũi nhọn để thực hiện xúc tiến đầu tư...). Xây dựng mối quan hệ thống nhất giữa Ban Quản lý, các công ty hạ tầng, các đơn vị đại diện thương mại của Việt Nam tại các nước và các đơn vị tư vấn đầu tư trong thực hiện xúc tiến đầu tư.
Tăng cường công tác quản lý sau đầu tư; nỗ lực đồng hành cùng các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong các KCN của Tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, để giúp dự án được triển khai nhanh và đúng theo tiến độ đã đăng ký. Đồng thời, mạnh tay chấm dứt hoạt động đối với các dự án không có khả năng triển khai hoặc triển khai chậm so với đăng ký, nhằm sử dụng tiết kiệm đất đai, làm sạch môi trường đầu tư trong KCN.
Trong quá trình cấp và theo dõi hoạt động của các dự án, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; duy trì chế độ cung cấp các thông tin liên quan giữa các ngành bằng nhiều hình thức (qua văn bản, trao đổi trực tiếp, điện thoại, email...). Do đó, các dự án đầu tư vào các KCN được triển khai theo đúng tiến độ đăng ký; nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả đã tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất...
Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh đảm bảo về số lượng và chất lượng cung cấp cho các nhà đầu tư. Việc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong KCN đã được áp dụng trong nhiều năm qua. Sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan đối với hoạt động của doanh nghiệp KCN đã giảm thiểu các khó khăn, tranh chấp tại KCN.
Thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ trong các KCN.
Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời tiết kiệm thời gian cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
Triển khai thực hiện nghiêm túc và kịp thời các phong trào thi đua do các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bắc Ninh tổ chức, phát động. Triển khai sâu rộng phong trào thi đua tới các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh Nguyễn Văn Phúc phát biểu chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh tại Hội nghị ngành KCN, KKT - tháng 7/2023 |
PV: Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển bền vững các KCN của Tỉnh, Ban Quản lý cần triển khai những nhiệm vụ và giải pháp hữu hiệu nào trong thời gian tới, thưa ông?
Trưởng ban Nguyễn Văn Phúc: Để xây dựng và phát triển các KCN trong bối cảnh kinh tế, chính trị trên thế giới còn nhiều khó khăn và bất ổn, tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước nói chung và các KCN nói riêng là một nhiệm vụ tương đối khó khăn đối với Ban Quản lý trong giai đoạn hiện nay. Song với những kinh nghiệm và những dấu ấn thành công trong công tác quản lý nhà nước về KCN suốt 25 năm qua, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh quyết tâm tiếp tục phấn đấu nỗ lực xây dựng và phát triển các KCN của Tỉnh đạt được những tầm cao mới, những mốc son mới và trở thành trụ cột kinh tế vững chắc của tỉnh Bắc Ninh.
Ban Quản lý đã đề ra những giải pháp chủ yếu, trọng tâm vào 3 lĩnh vực then chốt là: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; lĩnh vực kinh tế-xã hội; lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại, cụ thể:
Lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; công tác xây dựng Đảng về tổ chức; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; công tác dân vận của Đảng; công tác nội chính, cải cách tư pháp; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
Lĩnh vực kinh tế - xã hội: Giám sát chặt chẽ, kịp thời tham mưu cho UBND Tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn Tỉnh; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các dự án đang triển khai còn vướng mắc và những dự án mới được thành lập, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư theo đúng kế hoạch và có quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án lớn; xây dựng các công trình dự án trọng điểm, có tính chất liên kết phát triển vùng; tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng trong các khu công nghiệp; quản lý việc sử dụng hiệu quả diện tích đất đã được quy hoạch phát triển các KCN.
Xây dựng và thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, đổi mới phương thức xúc tiến, thu hút đầu tư theo đặc điểm riêng của từng KCN, tập trung vào các dự án công nghệ cao, công nghiệp sạch, các dự án của các tập đoàn kinh tế, tài chính lớn trên thế giới và trong khu vực: Tích cực sáng tạo, linh hoạt trong hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, chủ động từ mở cửa sang gõ đúng cửa, đúng trọng tâm, tăng trưởng cả chất và lượng, thu hút được những dự án lớn có tính chất lan tỏa. Kiên định thực hiện tiêu chí: "hai ít; ba cao; năm sẵn sàng và một không". (Hai ít là ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất; Ba cao là suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao; Năm sẵn sàng là: sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch; một không là không ô nhiễm môi trường).
Thực hiện phương án xử lý đối với các khu liền kề, khu phát triển và Cụm CN Tân Hồng – Hoàn Sơn: (i) Tập trung xem xét, giải quyết kịp thời những vướng mắc, kiến nghị, nhất là vướng mắc về ưu đãi đầu tư của các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại 3 khu vực này theo đúng thẩm quyền như quy định của pháp luật, nhằm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trở lại bình thường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; (ii) Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm thẩm định hồ sơ, phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm cơ sở sáp nhập các dự án đầu tư tại 3 khu vực này vào KCN theo quy hoạch đã được duyệt.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Duy trì tốt hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công Tỉnh, hoạt động của Văn phòng đại diện Ban quản lý tại các KCN. Thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành và thực thi công vụ. Duy trì và thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015.
Tăng cường công tác quản lý môi trường, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về môi trường (100% KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung).
Tăng cường công tác quản lý nhà nước sau đầu tư. Tập trung hỗ trợ các dự án kinh doanh hạ tầng các KCN trong công tác đầu tư, xây dựng và bồi thường giải phóng mặt bằng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp KCN trong quá trình triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự báo tốt nhu cầu sử dụng lao động. Kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong các KCN thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động. Duy trì hoạt động hiệu quả của tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đường dây nóng của cơ quan, đơn vị... góp phần duy trì ổn định và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Đôn đốc các doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở và đổi mới hoạt động của các công đoàn cơ sở.
Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác pháp chế. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại cơ quan, đơn vị và tại các KCN. Thực hiện công tác tuyên truyền và thực hiện các quy định về an toàn giao thông.
Thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ công nghệ thông tin năm 2023 (xây dựng “Hệ thống thông tin trong các KCN”, thực hiện trong 2 năm 2023-2024).
Lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại: Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đảm bảo giữ bí mật nhà nước, bảo vệ tài sản nhà nước, giữ vững chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại cơ quan, đơn vị.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Toàn cảnh KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh |
Bình luận