Chung tay thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng xanh, vì lợi ích dài hạn
Chống biến đổi khí hậu: Doanh nghiệp nên quan tâm ngay từ bây giờ
Chủ tịch Dragon Capital, ông Dominic Scriven trao vinh danh cho PAN - doanh nghiệp TOP 5 báo cáo phát triển bền vững tốt nhất 2021 |
Chia sẻ trong khuôn khổ Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2021, ông Dominic Scriven cho biết, năm 2020, Dragon Capital đã thuê tư vấn đánh giá về rủi ro biến đổi khí hậu với các quỹ đang quản lý, kết quả cho thấy từ năm 2020 đến 2030, dự báo rủi ro về biến đổi khí hậu tăng 5 lần lên danh mục đầu tư của Công ty!
Dragon Capital là công ty quản lý quỹ lâu đời trên thị trường vốn Việt Nam, hiện đang quản lý khối tài sản trị giá gần 7 tỷ USD, cung cấp các sản phẩm quỹ đầu tư đa dạng nhất thị trường. Theo đó, để kiểm soát rủi ro, Chủ tịch Dragon Capital cho biết, Công ty sẽ thoái vốn khoản đầu tư có rủi ro lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, các công ty có lượng phát thải khí nhà kính cao.
Tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra các cam kết rất mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu với giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Nhận định về diễn biến này, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, Chính phủ Việt Nam là khá quyết liệt. “Tôi mong rằng, nhận thức ở cấp Chính phủ về việc chống biến đổi khí hậu sẽ lan tỏa xuống từng doanh nghiệp, bởi đây là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp”, ông nói.
Trước thực tế các quy định về đầu tư bền vững đang dần đi vào luật pháp ở các nước và các nhà đầu tư nước ngoài chịu ảnh hưởng trong hoạt động đầu tư ở Việt Nam, ông Dominic Scriven khuyến nghị, HĐQT của các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu quan tâm vấn đề quản trị rủi ro của biến đổi khí hậu. Thông thường, có 2 loại rủi ro chính: Một là rủi ro vật chất, như bão, lũ, nhiệt độ nóng lên, hạn hán ảnh hưởng đến nhà máy, hoạt động sản xuất - kinh doanh, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cả các năm sau; hai là rủi ro pháp lý - trong trường hợp nhà nước đánh thuế trên lượng phát thải carbon. Hiện ở nhiều nước, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán phải công bố thông tin hàng năm đáp ứng câu hỏi này.
Theo ông Dominic Scriven, trên thế giới, các công ty lớn đều đã có cam kết hành động để chống biến đổi khí hậu, chẳng hạn đưa lượng phát thải carbon về bằng 0, không chỉ cho thời gian tới mà cho suốt cả thời gian hoạt động của họ từ trước đến nay. Không có quy định nào bắt buộc họ làm như thế, nhưng sức ép từ nhân viên, khách hàng, cổ đông, báo chí và xã hội nói chung ngày càng lớn.
“Việt Nam chắc chắn không phải nước đi sau trong hành động chống biến đổi khí hậu vì Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nên mọi thứ sẽ thay đổi, sức ép đến rất nhanh và doanh nghiệp nên quan tâm ngay từ bây giờ”, ông Dominic nói.
Tại Vinamilk, các vấn đề ESG được tích hợp, xem xét dọc chuỗi giá trị và bao trùm phạm vi địa lý |
1.800 doanh nghiệp đại chúng bắt đầu báo cáo về phát thải nhà kính
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, cũng là nước đã tham gia công ước quốc tế về vấn đề này, nên việc thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà quản lý. Tại Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã đưa nội dung báo cáo về phát thải khí nhà kính (tổng phát thải khí nhà kính và các sáng kiến/biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính) trong mẫu lập báo cáo thường niên áp dụng cho công ty đại chúng. Hiện Việt Nam có khoảng 1.800 công ty đại chúng, sẽ phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 96 này.
Nhà máy sản xuất của Công ty Everpia - doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững tiến bộ vượt trội năm 2021 |
Chia sẻ về Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm 2021, bà Trần Anh Đào, phụ trách Ban điều hành Sở GDCK TP. HCM cho biết, lần đầu tiên, Ban Tổ chức đã đưa nội dung báo cáo về phát thải khí nhà kính vào bộ tiêu chí chấm Báo cáo thường niên theo hình thức điểm thưởng. Đây là nội dung nhằm khuyến khích các công ty niêm yết đi đầu trong thực hiện cam kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp niêm yết ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó lan tỏa hiệu ứng tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng theo bà Anh Đào, Ban Tổ chức mong muốn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp niêm yết thông điệp về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất thể hiện ở việc trình bày trên báo cáo thường niên, cùng chung tay thực hiện, tạo nên những thành tựu lớn, góp phần thay đổi môi trường sống đang chịu nhiều ảnh hưởng. Thông điệp trên thể hiện vai trò tiên phong của doanh nghiệp niêm yết, hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn liền với bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm 2021 đã vinh danh 5 doanh nghiệp trong hạng mục có Báo cáo phát triển bền vững tốt nhất, đó là Công ty Sữa Việt Nam; Công ty Sợi Thế Kỷ; Công ty Vicostone; Công ty cổ phần Tập đoàn PAN; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Cùng với đó, Công ty Everpia được vinh danh có tiến bộ vượt trội trong hạng mục báo cáo phát triển bền vững năm 2021.
Điểm nổi trội của Vinamilk (VNM) là sự gắn kết chiến lược phát triển bền vững với chiến lược chung của Công ty, với các rủi ro phát triển bền vững được nhận diện cụ thể. Các vấn đề ESG được tích hợp, xem xét dọc chuỗi giá trị và bao trùm phạm vi địa lý. Trong mọi hoạt động tương tác ra công chúng, Công ty liên tục truyền tải thông điệp “Yêu thiên nhiên”, “Hành trình tăng trưởng xanh”, “Organic”, đồng thời chia sẻ thông tin về mô hình kinh tế tuần hoàn, được áp dụng theo từng khâu của chuỗi giá trị. Theo đó, VNM được vinh danh cao nhất trong xếp hạng các báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp năm qua.
Ở quy mô vốn hóa vừa, CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cũng được vinh danh thứ hạng cao khi thể hiện được sự gắn kết từ định hướng chiến lược đến các chỉ tiêu, theo dõi, so sánh, báo cáo và đảm bảo tính chính xác trong cách thức đánh giá phát triển bền vững. STK cũng giải thích rõ khái niệm “kinh tế tuần hoàn” được áp dụng tại STK như thế nào và mô tả các hoạt động phát triển bền vững được thể hiện thế nào xuyên suốt chuỗi giá trị của mình, một điểm không phải báo cáo nào cũng làm được.
CTCP Tập đoàn PAN được vinh danh TOP 5, khi tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội và thành công trong việc xây dựng một Bộ chỉ số phát triển bền vững, gồm 18 chỉ số với phạm vi bao trùm hầu hết các lĩnh vực hoạt động trong chuỗi giá trị của mình. Theo các chuyên gia trong ngành, đây cũng là thực tiễn tốt trong việc đo lường và phản ánh tác động của doanh nghiệp đến Con Người và Trái Đất và cũng là cơ sở quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện, những tác động cụ thể và là cơ sở để cải tiến qua từng giai đoạn.
Bên cạnh bộ chỉ số phát triển bền vững, PAN đã thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử nội bộ nhằm định ra các hoạt động và các chỉ dẫn ứng xử kèm theo Bộ Nguyên tắc hành động nhằm đảm bảo các hoạt động của các công ty thành viên và bên liên quan phù hợp với định hướng chung và cam kết của Tập đoàn…
Chung tay thúc đẩy tăng trưởng xanh, vì lợi ích dài hạn
Hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp”, dự kiến tổ chức vào tháng 9/2022 |
Theo TS. Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends, chống biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu trong gói chính sách phát triển bền vững tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các nước phát triển. Chính phủ Mỹ, EU và Anh hiện đang trong quá trình soạn thảo các quy định, theo đó, hàng hóa nông sản nhập khẩu vào các thị trường này trong tương lai phải đảm bảo trong quá trình sản xuất không làm tổn hại đến môi trường như không gây mất rừng, không ảnh hưởng tới nguồn đa dạng sinh học... Dự kiến, các quy định mới này sẽ có hiệu lực vào năm 2023.
Các mặt hàng của Việt Nam như cà phê, cao su, đồ gỗ... xuất vào những thị trường này không chỉ cần đáp ứng đầy đủ cam kết trong các hiệp định, mà còn phải tuân thủ các yêu cầu mới. Đây là một thách thức rất lớn cho nhiều công ty, đặc biệt là các công ty có quy mô nhỏ với các chuỗi cung ứng phức tạp, lệ thuộc vào mạng lưới tư thương trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào.
Tuân thủ các quy định của thị trường xuất khẩu, bao gồm các quy định về môi trường và xã hội, là yêu cầu bắt buộc đối với các công ty tham gia xuất khẩu. Điều này đòi hỏi các công ty hiểu rõ yêu cầu của thị trường, hiểu rõ chuỗi cung ứng hiện tại của mình, thay đổi và điều chỉnh chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng với toàn bộ yêu cầu thị trường.
Cũng liên quan đến thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm đến tăng trưởng xanh, tháng 9/2022, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp”. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp cùng trao đổi quan điểm, kết quả nghiên cứu, kiến thức cùng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Các bài nghiên cứu, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về xây dựng mô hình tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm… sẽ được giới thiệu trong Kỷ yếu Hội thảo, cũng như trên ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế và Dự báo. Ban Tổ chức Hội thảo cho biết, thời hạn nhận bài tham gia của các bên liên quan là trước ngày 20/08/2022.
Bình luận