Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội: Sẽ cân đối nguồn lực hợp lý nhất!
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xây dựng cân đối nguồn lực hợp lý nhất. Ảnh: VGP

Thứ trưởng cho biết, trong quá trình xây dựng Chương trình phục hồi phát triển KTXH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất khẩn trương và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là tham vấn các ý kiến của chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, lao động xã hội… cả trong và ngoài nước, nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu trình dự thảo Chương trình đến cấp có thẩm quyền.

Nội dung cơ bản của Chương trình phục hồi là đề xuất 5 nhóm giải pháp, trên cơ sở tham khảo các bài học kinh nghiệm của quốc tế, các bài học kinh nghiệm trong quá khứ, đặc biệt là thời kỳ suy thoái kinh tế giai đoạn 2009-2011, trên cơ sở đó đề ra các quan điểm, đặc biệt là 2 quan điểm quan trọng và cốt lõi là kết hợp cả phục hồi và phát triển. Do vậy các giải pháp đưa ra cũng kết hợp giữa ngắn hạn và căn cơ trong dài hạn.

Nhóm giải pháp thứ nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế-xã hội được bình thường. Đây là giải pháp căn cơ, điều kiện cần để thực hiện các giải pháp khác.

Nhóm giải pháp thứ hai liên quan đến an sinh xã hội, đây là vấn đề thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, phát triển hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đặc biệt là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhóm giải pháp thứ ba liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 thời gian qua để có cơ hội phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cũng như có các nguồn lực cần thiết để phục vụ cho chặng đường dài sắp tới.

Nhóm giải pháp thứ tư mang tính dài hơi, liên quan đến thúc đẩy đầu tư công, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, đầu tư công trung hạn, có đề xuất các điểm nhấn trong việc thúc đẩy đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Nhóm giải pháp thứ năm mang tính chất quản lý, điều hành, đặc biệt hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro cũng như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Về nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có liên quan đến sử dụng nguồn lực ngân sách như Bộ Y tế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác để xây dựng cân đối nguồn lực hợp lý nhất. Chương trình đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền quyết định.

Trước đó, chiều 24/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Chương trình phải có phạm vi đủ rộng, quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tinh thần là đánh giá, dự báo tình hình phải đúng, sát thực tế, khách quan, trung thực, phải dựa trên số liệu thống kê có độ tin cậy cao. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần tập trung trọng tâm, trọng điểm vào một số vấn đề về: những nhiệm vụ giải pháp về y tế, nhất là nâng cao năng lực y tế nói chung, trong đó đặc biệt quan tâm y tế dự phòng, y tế cơ sở, vaccine và các biện pháp điều trị; các vấn đề về an sinh xã hội, trong đó quan tâm đến khôi phục thị trường lao động và giảm nghèo bền vững; chương trình hỗ trợ, phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã; chương trình phát triển hạ tầng chiến lược; ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối cung cầu, quản lý rủi ro; tăng cường năng lực quản trị quốc gia, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phòng, chống tiêu cực tham những; tính toán nguồn lực, điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định chính sách vĩ mô và các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát…/.