Mức độ của lợi ích nhóm đến đâu thì cần có căn cứ để khẳng định

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, hôm nay (ngày 21/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, công tác xây dựng pháp luật liên quan đến trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành và địa phương. Ngày 27/6/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Với trách nhiệm là Bộ quản lý ngành trong xây dựng thể chế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thời gian qua, có tình trạng lợi ích nhóm, lợi cục bộ trong xây dựng pháp luật hay không? Đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết đã dự kiến tham mưu cho Chính phủ triển khai Quy định số 178-QĐ/TW như thế nào, để giúp kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật có hiệu quả?

Có biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản pháp luật
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ quán triệt rất kỹ về công tác xây dựng pháp luật, nhận diện rõ những dấu hiệu của lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật

Trả lời nội dung chất vấn trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản pháp luật qua các vụ án tham nhũng kinh tế, kết luận của các vụ việc có vi phạm do cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra công bố, tuy nhiên mức độ của lợi ích nhóm đến đâu, thì cần có căn cứ để khẳng định.

Vừa rồi Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 178-QĐ/TW quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Trong số các quy định mà Bộ Chính trị ban hành trong thời gian vừa qua liên quan đến các lĩnh vực khác nhau: kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật…, nhưng quy định để kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực xây dựng pháp luật là khó hơn cả. Xuất phát từ đặc thù trong công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế, đây là một công trình tập thể, kinh qua các giai đoạn khác nhau. Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ quán triệt rất kỹ về công tác xây dựng pháp luật, nhận diện rõ những dấu hiệu của lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, Bộ tiếp tục hiện thực hóa vấn đề này trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ đề nghị sửa đổi, bổ sung sắp tới.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra văn bản, ông Lê Thành Long cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các bộ, ngành có nhiệm vụ thường xuyên phải tự kiểm tra các văn bản do cơ quan mình ban hành. Bộ Tư pháp cũng thực hiện như các bộ, ngành khác, đồng thời giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các văn bản vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đề xuất giải pháp xử lý. Nội dung kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung vào thẩm quyền ban hành, tính hợp pháp, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản

Qua số liệu có được, Phó Thủ tướng cho biết, công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành chưa được thực hiện tốt. Nguyên nhân là do các cơ quan chưa chủ động trong thực hiện, công tác giám sát, kiểm tra còn hạn chế. Sắp tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hy vọng sẽ thiết kế một cách cụ thể hơn, chi tiết hóa các hành vi để rõ hơn nội dung về thực hiện chức năng, chức trách của Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan đến công tác ban hành văn bản, kiểm tra, sau đó mới dẫn chiếu sang pháp luật về cán bộ, công chức, cần tính toán thêm để thiết kế các chế tài về hành chính tương đương để khi phát hiện có thể xử lý hiệu quả...

Làm rõ nguyên nhân chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), hiện nay, một số luật ban hành đã có hiệu lực, nhưng văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật chưa được ban hành làm ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật. Vì thế, đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp cho biết nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm?

Có biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản pháp luật

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn về nguyên nhân chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Trả lời chất vấn về vấn đề trên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tổng số các văn bản Chính phủ và các bộ cần xây dựng và ban hành là 261 văn bản quy định chi tiết. Đối với 128 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực, đến thời điểm này ban hành được 106 văn bản, còn nợ 22 văn bản; so với những năm trước, tiến độ ban hành văn bản tốt hơn.

Phó Thủ tướng cũng nêu nguyên nhân của việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, có những văn bản nội dung khó, mặc dù đã được bàn thảo nhiều lần nhưng chưa có giải pháp. Một trong những giải pháp đặt ra là sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ theo hướng quy định sát sao hơn và đôn đốc thực hiện tốt hơn cơ quan trình và Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ; tăng cường các cuộc làm việc trực tiếp để đôn đốc các cấp, các ngành tích cực soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Pháp lệnh về chi phí tố tụng hiện nay có một số quy định chưa rõ về cách thức chi, xử lý các nguồn chi

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chi phí giám định, Phó Thủ tướng cho biết, trong số các nội dung về giám định mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lần chất vấn trước, nội dung về chi phí giám định có ít tiến triển nhất. Các vụ việc tồn đọng trong giám định đã giảm. Trong việc ban hành thể chế, số lượng các bộ, ngành ban hành hướng dẫn, quy định liên quan đến công tác giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý của mình đã tăng lên.

Về án hành chính, theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, số lượng tăng, tính từ trước đến nay có trên 1.700 bản án hành chính. Trong đó, trách nhiệm của Chính phủ và Bộ Tư pháp chỉ là theo dõi bản án đi vào tòa án nào; sau khi có bản án, việc tổ chức thi hành ra sao. Một số tỉnh, thành có án hành chính tồn đọng cao như: Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Nội. Một trong những giải pháp thời gian tới là tăng cường kiểm tra, phối hợp với cơ quan tố tụng tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp mới khi sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, các vấn đề liên quan đến chi phí giám định thực hiện theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg, ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Thời gian qua, Bộ Tư pháp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá, dự kiến trình một văn bản mới. Trong quá trình triển khai, cần thực hiện Nghị quyết số 27 về cải cách tiền lương, trong đó có lượng hóa tất cả các khoản chi và phụ cấp, kể cả các khoản chi đặc thù, nên tiến độ triển khai đã chậm lại. Ý kiến của các bộ, ngành trong Chính phủ tương đối thống nhất về vấn đề này.

Bên cạnh đó, pháp lệnh về chi phí tố tụng hiện nay có một số quy định chưa rõ về cách thức chi, xử lý các nguồn chi, hoạt động chi. Hiện nay, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Tòa án nhân dân tối cao đang trình Pháp lệnh về chi phí tố tụng, trong đó có xử lý một phần vấn đề giám định tư pháp. Chính phủ đã có đóng góp ý kiến, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đẩy nhanh quá trình hoàn thiện văn bản này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Cùng với việc xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương, vấn đề này cũng sẽ được tháo gỡ và dần cải thiện./.