Thu NSNN có xu hướng giảm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo sơ kết 3 năm Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan đã huy động các nguồn lực đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư công, tăng cường giải ngân các nguồn vốn...

Cùng với đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan đã thực hiện các biện pháp thiết thực, nhằm tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực giá, cơ bản kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% theo mục tiêu. Hoàn thiện chính sách về quản lý thị trường dịch vụ tài chính, góp phần ổn định xã hội, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách…

Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước tiếp tục gặp thách thức
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thu NSNN có xu hướng giảm, dự báo các năm còn lại của giai đoạn phụ thuộc vào việc xử lý các hạn chế nội tại, sự phục hồi của nền kinh tế…

Ông Phớc cho biết, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN bình quân khả năng không đạt kế hoạch 85-86%; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở mức rất thấp... Cơ cấu lại chi NSNN tiếp tục gặp thách thức, áp lực tăng chi lớn. Hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng NSNN còn bất cập. Giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm không đạt kế hoạch…

Về dự kiến khả năng thực hiện 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, các chỉ tiêu cụ thể về thu, chi và cân đối NSNN vẫn đang theo tiến độ kế hoạch tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; một số chỉ tiêu khả năng khó đạt theo mục tiêu kế hoạch, gồm: tỷ trọng thu nội địa bình quân trong tổng thu NSNN; chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngoài nước và chi đầu tư phát triển từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Trong tổ chức thực hiện các năm 2024-2025, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan để tiếp tục thực hiện, phấn đấu cao nhất các chỉ tiêu trên, cũng như một số chỉ tiêu khác như giảm tỷ lệ nợ đọng thuế trong tổng thu NSNN, giảm số lượng và giảm chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều hành chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả

Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế. Rà soát, tổng kết thực hiện Luật NSNN. Nghiên cứu xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan đến đầu tư, ngân sách..., để xử lý vướng mắc giữa các luật. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp chính sách về thu NSNN; chính sách về đất đai…

Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước tiếp tục gặp thách thức
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc huy động nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài ngày càng khó khăn, giải ngân đạt thấp so với dự toán

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại chi NSNN. Điều hành chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Rà soát lại hệ thống quy định về tỷ lệ chi NSNN đối với một số lĩnh vực như khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo và dạy nghề... phù hợp với thực tiễn quản lý, yêu cầu phát triển của đất nước. Tiếp tục triển khai thực chất việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị; rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bảo đảm công khai, gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thị trường dịch vụ tài chính, để nâng cao tính minh bạch, bền vững. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Ông Phớc cho biết, thời gian qua, công tác quản lý nợ công phát sinh một số khó khăn, hạn chế đã được Chính phủ nêu trong Báo cáo như: quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ trong nước chưa phát triển, điều kiện vay ngày càng thắt chặt hơn trong khi áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển lớn...

“Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về tăng cường quản lý ngân sách, nợ công; chủ động triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ để khắc phục các tồn tại đã nêu…”, ông Phớc nói./.