Ngành Du lịch năm 2017 với sự phát triển ấn tượng

Nhìn lại chặng đường 3 năm qua, nếu như năm 2015 là năm vượt khó, năm 2016 vươn lên mạnh mẽ, đạt mốc 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thì năm 2017 là năm bứt phá trên một nền tảng và ngưỡng phát triển mới. Năm 2017, du lịch Việt Nam đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% so với năm 2016; phục vụ 74 triệu lượt khách nội địa, tăng 19% so với năm 2016; tổng thu từ du lịch đạt 515.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2016. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 vượt qua 2 kỷ lục năm 2016, đạt 2 kỷ lục mới: tổng số khách nhiều nhất và mức tăng tuyệt đối trong năm nhiều nhất (3 triệu lượt).

Càng ấn tượng hơn khi tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 có thể đạt mức cao nhất trong khu vực và trong nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng du lịch cao hàng đầu thế giới, khi dự báo Indonesia tăng 20%, Campuchia tăng 15%, Philippines tăng 12%, Myanmar tăng 10%, Thái Lan tăng 8%, Singapore tăng 7%. Mức tăng giá trị tuyệt đối 3 triệu lượt khách cũng là mức tăng tuyệt đối cao nhất trong các nước ASEAN năm 2017.

Mặc dù mới triển khai thực hiện, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo ra xung lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành Du lịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan liên tục có các chỉ đạo thúc đẩy phát triển du lịch, từ chính sách thị thực nhập cảnh, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch và các định hướng hỗ trợ khác.

Tư tưởng của Nghị quyết 08-NQ/TW đã được lan tỏa xuống các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức nghề nghiệp và từng bước đến với từng cộng đồng, người dân. Có thể nói, chưa bao giờ nhận thức về phát triển du lịch lại đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao như đến thời điểm hiện nay. Theo tinh thần của Nghị quyết, Luật Du lịch năm 2017 đã được Quốc hội phê chuẩn, là cơ sở pháp lý quan trọng cho ngành Du lịch phát triển trong tình hình mới.

Năm 2017, du lịch Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới, được quốc tế công nhận rộng rãi, thể hiện rõ ở những mặt sau:

Về đầu tư, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch: Năm 2017, có 90 cơ sở lưu trú từ 3-5 sao được công nhận (trong đó có 13 cơ sở lưu trú hạng 5 sao, 31 cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 46 cơ sở lưu trú hạng 3 sao). Hiện nay, cả nước có 25.600 cơ sở lưu trú du lịch với trên 508.000 buồng (tăng 12% tổng số cơ sở lưu trú và 11% tổng số buồng so với năm 2016), trong đó có 116 khách sạn 5 sao với gần 35.000 buồng, 260 khách sạn 4 sao với hơn 34.000 buồng, 488 khách sạn 3 sao với hơn 34.000 buồng.

Du lịch Việt Nam đón 13 triệu lượt khách quóc tế trong năm 2017

Điểm nổi bật là vai trò của các nhà đầu tư chiến lược trong nước, như: Sun Group, Vin Group, Mường Thanh Group, FLC, CEO Group, BIM Group và các nhà đầu tư lớn quốc tế tiếp tục được phát huy tại các địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch, như: Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Xu hướng đầu tư phát triển các điểm đến mới, như: Quảng Bình, Bình Định, Hà Giang… tiếp tục phát triển mạnh. Một số khu đô thị du lịch và khu du lịch quốc gia, như: Cửa Lò, Sa Pa đã được hình thành với cơ sở vật chất hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối đồng bộ.

Về hệ thống doanh nghiệp lữ hành và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch: Hiện nay, cả nước có hơn 1.800 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; hơn 20.200 hướng dẫn viên, trong đó gần 12.300 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, gần 8.000 hướng dẫn viên du lịch nội địa.

Đáng lưu ý, ngành Du lịch đã hình thành hệ thống các doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò chủ đạo trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong đó 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế hàng đầu Việt Nam đã đón 10% tổng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) đã trao tặng Vietravel Giải thưởng "Nhà điều hành tour du lịch trọn gói hàng đầu thế giới năm 2017".

Ngoài ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động kinh doanh du lịch. Các doanh nghiệp này phục vụ các nhóm khách du lịch khác nhau hoặc tham gia vào các khâu trong chuỗi sản phẩm du lịch. Du lịch dựa vào cộng đồng ngày càng phát triển, khuyến khích sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng từ du lịch.

Về phát triển sản phẩm du lịch: Cụ thể hóa các dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam, bao gồm: du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch thành phố, các sản phẩm du lịch cụ thể gắn với nhu cầu thị trường được hình thành ngày càng rõ nét, tiêu biểu là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch trải nghiệm, thụ hưởng các sản phẩm văn hóa đặc sắc Việt Nam; du lịch vui chơi, giải trí cao cấp, thông minh và du lịch khám phá sinh thái độc đáo.

Các địa phương có sự gắn kết chặt chẽ hơn. Sự hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm được đẩy mạnh. Năm Du lịch Quốc gia 2017 Lào Cai – Tây Bắc được tổ chức thành công thúc đẩy liên kết vùng, tạo điểm nhấn về sản phẩm du lịch trong năm 2017.

Một số thương hiệu mạnh tiếp tục được khẳng định ở quy mô quốc tế, tiêu biểu là Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort lần thứ 4 liên tiếp được trao Giải thưởng "Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới"; Khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay được trao Giải thưởng "Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới" do Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng. Việt Nam được bình chọn là “Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017”. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được Hiệp hội Phóng viên du lịch Thái Bình Dương (PATWA) bình chọn là “Điểm đến đang nổi đối với du lịch sang trọng”.

Về xúc tiến, quảng bá du lịch: Năm 2017, công tác xúc tiến quảng bá du lịch tiếp tục đi vào chiều sâu, chú trọng hiệu quả. Ngành Du lịch đã tổ chức thành công 02 hội chợ du lịch quốc tế là: VITM (Hà Nội) và ITE (TP. Hồ Chí Minh), đón nhiều đoàn doanh nghiệp và báo chí du lịch có uy tín đến Việt Nam, tiếp tục tham gia có hiệu quả các hội chợ du lịch quốc tế lớn, như: ITB Berlin (Đức), WTM (Anh), MITT (Nga), TRAVEX (Singapore), JATA (Nhật Bản), KOTFA (Hàn Quốc)… và tổ chức nhiều chương trình phát động thị trường tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng, như: Trung Quốc, Tây Âu, Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Mô hình hợp tác công - tư thông qua cơ chế Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã phát huy hiệu quả rõ rệt với các hoạt động cụ thể, như: nâng cao quy mô và chất lượng tham dự các hội chợ quốc tế lớn về du lịch, như: ITB Berlin (Đức), WTM (Anh); phát triển trang web vietnamtourism.vn và các hoạt động tư vấn chính sách du lịch. Công tác xúc tiến quảng bá có nhiều đổi mới, sáng tạo hơn, nhất là đối với hoạt động xúc tiến quảng bá trực tuyến và qua điện ảnh như tác động mạnh mẽ của bộ phim “Kong: Skull Island”.

Những vấn đề đặt ra đối với ngành Du lịch

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục, cụ thể như sau:

Một là, chưa có nhiều sản phẩm du lịch của Việt Nam thực sự nổi trội, khác biệt, mang đẳng cấp quốc tế. Những nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm điểm đến chưa thực sự có chiều sâu, tính sáng tạo chưa cao nên chưa thực sự tạo được thương hiệu điểm đến quốc tế. Một số thương hiệu điểm đến đã định hình, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Đà Nẵng… mới chủ yếu là hình ảnh điểm đến mới nổi, cần có thêm thời gian và sự hỗ trợ phù hợp để trở thành thương hiệu hàng đầu đối với lựa chọn của khách du lịch quốc tế.

Hai là, về thị trường, du lịch Việt Nam còn chủ yếu phục vụ khách du lịch đại chúng, chưa thực sự định hướng thị trường du lịch dựa trên nhu cầu của khách, trong khi ngành Du lịch đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất, cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng dịch vụ đã được nâng lên một bước, có khả năng đáp ứng nhu cầu cao cấp, đặc thù của khách du lịch. Công tác xúc tiến, quảng bá còn chưa thực sự chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao.

Ba là, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Năm 2016, ngành Du lịch tạo ra khoảng 900.000 việc làm trực tiếp, trong tổng số hơn 2,5 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, số lượng này chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là đối với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và lao động nghề trực tiếp. Chất lượng nhân lực du lịch còn hạn chế kể cả đối với lao động nghề thực tiếp, quản lý doanh nghiệp và quản lý nhà nước về du lịch. Cơ chế quản lý nguồn nhân lực du lịch chưa đồng bộ.

Bốn là, đầu tư hạ tầng du lịch còn hạn chế, nên chưa tạo thêm được nhiều khu du lịch tầm cỡ quốc gia; chưa tạo ra cơ chế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia phát huy các tiềm năng phát triển du lịch, như: các di tích, bảo tàng, thư viện, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Cơ chế quản lý các di tích hiện còn theo cơ chế thu phí, chưa được chuyển đổi sang cơ chế giá dịch vụ, nên không tạo được sản phẩm hấp dẫn, bám sát nhu cầu thị trường, đồng thời kích thích tái đầu tư cho di tích.

Năm là, công tác quản lý nhà nước về du lịch còn bất cập, cả về hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, công tác quản lý điểm đến, phối hợp xúc tiếp quảng bá, tiêu chuẩn hóa dịch vụ du lịch, quản lý môi trường du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch. Chính vì vậy, còn nhiều bất cập trong hoạt động kinh doanh và phát triển sản phẩm, điểm đến du lịch trong thời gian qua.

Sáu là, ngoài các “điểm nghẽn” nội tại trong ngành Du lịch, một số “điểm nghẽn” liên quan đến các ngành khác hạn chế sự phát triển ngành Du lịch, cụ thể là:

- Chính sách thị thực nhập cảnh còn hạn chế so với các điểm đến cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Du lịch toàn cầu năm 2017 đã đánh giá Việt Nam xếp hạng 116 về Yêu cầu thị thực nhập cảnh, thấp nhất trong các nước ASEAN được xếp hạng đánh giá (Philippines hạng 41, Malaysia hạng 25, Thái Lan hạng 21, Lào hạng 18, Singapore hạng 16, Campuchia hạng 5, Indonesia hạng 2).

- Về hàng không, hạ tầng sân bay của Việt Nam đang có xu hướng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu khách du lịch tăng cao, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đã không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chưa có nhiều hãng hàng không được phép khai thác thị trường trong nước, nên môi trường cạnh tranh hạn chế, chưa thực sự tạo thuận lợi cho du lịch trong nước.

Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Du lịch toàn cầu 2017, du lịch Việt Nam xếp hạng 67 trên 136 nền kinh tế, sau Singapore (hạng 13), Malaysia (hạng 26), Thái Lan (hạng 34), Indonesia (hạng 42); xếp trên Philippines (hạng 79), Lào (hạng 94), Campuchia (hạng 101). Việt Nam còn xếp hạng thấp về mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), mức độ yêu cầu thị thực nhập cảnh (hạng 116), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113); chi tiêu chính phủ cho ngành Du lịch (hạng 114); mức độ toàn diện của các dữ liệu liên quan đến du lịch (hạng 116) và chiến lược thương hiệu quốc gia (hạng 107).

Yêu cầu cơ cấu lại ngành Du lịch trong tình hình mới

Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch là “cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”, yêu cầu xây dựng Đề án và triển khai thực hiện ngay từ năm 2018. Để thực hiện thành công nhiệm vụ nói trên, theo đó, các nhóm giải pháp cụ thể bao gồm:

Thứ nhất, về nguồn lực, trên cơ sở khu vực động lực và địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, Nhà nước tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch. Quan trọng hơn, cần đổi mới cơ chế để “cởi bỏ” các “nút thắt”, phát huy các nguồn lực xã hội và các nguồn lực nhà nước đang nắm giữ, không phát huy hiệu quả, như: các di tích, bảo tàng, thư viện, nhà khách…; xây dựng lộ trình chuyển đổi từ cơ chế phí sang cơ chế giá dịch vụ của doanh nghiệp đối với các di tích do Nhà nước đang quản lý.

Một trong những yêu cầu quan trọng của Đề án cơ cấu lại là phải xác định được khu vực động lực và địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, tránh đầu tư dàn trải, thiếu điểm nhấn nổi trội. Đồng thời, cơ chế liên kết, phối hợp, điều phối sự phát triển giữa các địa phương cần phải được tính đến để có thể phát triển đồng bộ, hiệu quả, tránh manh mún, cục bộ.

Thứ hai, về sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch theo định hướng thị trường và dựa trên thế mạnh của du lịch Việt Nam với yêu cầu chất lượng tầm cỡ quốc tế, có giá trị gia tăng cao, đem lại lợi ích kinh tế lớn. Trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch hạn chế tối đa việc khai thác và xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên và khai thác các sản phẩm dưới dạng “thô”, ít đem lại các giá trị về kinh tế, không phát huy được các giá trị tài nguyên.

Thứ ba, về thị trường khách du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch, một mặt tiếp tục duy trì và phát triển nguồn khách ổn định từ các thị trường Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Úc, đồng thời, chú trọng thu hút khách du lịch từ các thị trường có tiềm năng lớn, như: Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác. Trong hoạt động xúc tiến, chú trọng khai thác các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp gắn với các nhu cầu nghỉ dưỡng biển cao cấp; trải nghiệm, thụ hưởng các sản phẩm văn hóa đặc sắc Việt Nam; vui chơi, giải trí cao cấp, thông minh và khám phá sinh thái độc đáo.

Thứ tư, về phát triển doanh nghiệp, tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đóng góp vào quá trình cơ cấu lại ngành Du lịch, nhất là các doanh nghiệp thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến, trực tiếp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ phát triển, cung cấp các dịch vụ đặc thù hoặc tham gia vào các khâu cụ thể trong chuỗi cung ứng du lịch. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng để hỗ trợ người dân tham gia và hưởng lợi từ du lịch.

Thứ năm, về phát triển nguồn nhân lực, bên cạnh việc kiện toàn và phát huy vai trò của các cơ sở đào tạo chính quy của Nhà nước, cần thúc đẩy sự tham gia vào công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch của các doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, cần hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN; thành lập Hội đồng Nghề du lịch Quốc gia và Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch.

Thứ sáu, về quản lý nhà nước về du lịch, nhanh chóng đưa các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch năm 2017 vào cuộc sống. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về du lịch và các lĩnh vực liên quan. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch. Nghiên cứu xác định mô hình, hệ thống tổ chức, quản lý ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kiểm soát chất lượng dịch vụ hệ thống khách sạn, các doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên và các cơ sở dịch vụ du lịch./.