Cơ chế “xin – cho” trong lĩnh vực xây dựng vẫn đang được níu kéo
Đó là thực trạng mà doanh nghiệp ngành xây dựng đang phải đối mặt được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Hội nghị lắng nghe vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản, ngày 29/03/2018.
Vẫn còn nhiều “sân sau”, ưu ái, thân quen
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá cao việc cải thiện điều kiện kinh doanh tại Bộ Xây dựng. Theo đó, rất nhiều quy định vướng mắc của thực tiễn đã được Bộ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và sửa đổi, bãi bỏ kịp thời, như: bãi bỏ quy định bán nhà phải qua sàn giao dịch bất động sản; miễn giấy phép xây dựng đối với một số công trình nhỏ hoặc đã có quy hoạch chi tiết; mở rộng quyền cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai; cho phép người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại Việt Nam…
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh rằng, lĩnh vực này vẫn còn nhiều quy định, chính sách, việc thực thi của các cán bộ nhà nước chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp; nhiều vấn đề tồn tại từ lâu, nhưng vẫn chưa được giải quyết, như: chưa có hành lang pháp lý cho condotel; chưa thể chế hoá quy định bảo lãnh thanh toán trong hợp đồng xây dựng; tình trạng quy hoạch treo, điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện vẫn diễn ra.
Bên cạnh đó, còn thiếu tính liên thông thủ tục hành chính với các lĩnh vực khác như đất đai, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; áp dụng đơn giá định mức chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các công trình không sử dụng vốn nhà nước; giấy phép xây dựng và thủ tục cấp, điều chỉnh còn phức tạp…
|
Những vướng mắc về thủ tục hành chính khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn |
Dẫn kết quả khảo sát hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh mà VCCI tiến hành hàng năm (PCI), ông Lộc cho biết, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp phải có mối quan hệ với chính quyền để thuận tiện trong kinh doanh của ngành xây dựng cũng được nhiều doanh nghiệp phản ánh.
“Có đến 74% doanh nghiệp xây dựng phải có quan hệ với cán bộ để tiếp cận thông tin. Tình trạng cán bộ nhà nước ưu ái các doanh nghiệp nhà nước, ưu ái các doanh nghiệp thân quen trong ngành xây dựng ở mức tương đối cao. Các doanh nghiệp xây dựng là những doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cao nhất so với các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng cũng tỏ ra lo ngại vì thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng còn quá phức tạp, rườm rà... như làm khó nhà đầu tư.
“Sự chồng chéo của pháp luật có thể nói là rào cản lớn nhất trong cải tiến thủ tục của công tác đầu tư xây dựng. Tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người nói với tôi rằng họ như lạc vào mê hồn trận khi có khoảng một chục luật đang chi phối hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng thiếu nhất quán, chồng chéo nhau”, ông Hiệp chia sẻ.
Ông Hiệp lấy ví dụ, để thẩm định 1 dự án đầu tư xây dựng chắc chắn phải làm việc với Bộ Xây dựng, nhưng nếu có đất đai thì lại phải làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, với Bộ Công an về phòng cháy chữa cháy, chưa kể chiều cao tĩnh không phải qua Bộ Quốc phòng.
“Như vậy, chủ đầu tư phải làm việc với 4 nơi một cách độc lập, việc này tương tự như việc phải xin đến tận 4 chiếc giấy phép con vậy”, ông Hiệp than thở.
Không dừng lại ở đó, việc có cả "rừng" các thủ tục, giấy phép con đã sinh ra tư duy “xin – cho” dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngại “đầu tư” vào lĩnh vực xây dựng.
Về vấn đề này, TS. Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, trên thực tế, cơ chế “xin – cho” trong lĩnh vực xây dựng vẫn đang được níu kéo. Đặc biệt chính là việc ban hành thông tư phần nhiều do các cục, vụ soạn thảo và họ vẫn thường hay "cài" các điều kiện buộc các chủ thể liên quan phải đến "xin" để họ "cho”.
Lấy ví dụ về việc gây khó khăn trong khâu đấu thầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trở ngại trong đấu thầu không phải do thiếu luật mà vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện đấu thầu. Các chủ đầu tư gây khó khăn cho các nhà thầu: bằng nhiều lý do không bán hồ sơ mời thầu, các doanh nghiệp đến trực tiếp nhưng không gặp được cán bộ phụ trách đăng ký đấu thầu… Trong quá trình mời thầu, chủ đầu tư và tư vấn đấu thầu có thể “ưu ái người nhà”, thậm chí còn thay đổi, điều chỉnh cơ cấu các tiêu chí đánh giá sao cho có lợi nhất cho nhà thầu quen biết.
“Với lý do mất quá nhiều thời gian để hoàn thành các bước trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư, không ít địa phương đã đề nghị cho phép chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ của dự án. Việc chỉ định thầu không còn là cá biệt và xen lẫn một số động cơ không lành mạnh đã giảm hiệu quả đầu tư và môi trường cạnh tranh không lành mạnh”, PGS,TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được lắng nghe
Sau khi lắng nghe các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khoá 14, Thủ tướng Chính phủ luôn có chỉ đạo nhất quán và liên tục là hãy lắng nghe ý kiến xã hội nhất là cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thành tốt việc xây dựng thể chế và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, điều hành chỉ đạo kinh tế xã hội tốt hơn. Vì thế trong ngành xây dựng, Bộ Xây dựng cũng luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để có những điều chỉnh, kịp thời, phù hợp.
Bộ trưởng Hà thẳng thắn thừa nhận rằng, các vấn đề liên quan đến xây dựng hiện nay đang còn "một rừng vướng mắc". Tuy nhiên, thực tế có việc người quản lý thường muốn "ôm" tất, còn người bị quản lý thì không muốn bị quản lý. Do vậy, việc xử lý các vấn đề của lĩnh vực xây dựng là một yêu cầu khó, cần phải cẩn trọng. Bởi nếu xử lý không tốt sẽ gây hậu quả đến tài sản, tính mạng, đời sống của người dân.
Đối với những vướng mắc, kiến nghị về thể chế, Bộ trưởng Hà cho biết sẽ tiếp cận và tháo gỡ theo trình tự đầu tư cơ bản, từ chủ trương, thẩm định đến phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, thi công, nghiệm thu… Vướng ở đâu gỡ "mạch lạc" đến đó.
Đề cập tới các văn bản dưới luật, Bộ trưởng Hà cho hay Bộ Xây dựng luôn lưu ý những điểm không đúng, không phù hợp với luật để cho điều chỉnh. "Đúng là chỉ cần một từ, một chữ là có thể làm thay đổi luật", bộ trưởng Hà nhìn nhận.
Theo đó, Bộ trưởng Hà cho rằng muốn tiếp tục lắng nghe những ý kiến từ thực tiễn, những bức xúc cần phải xử lý.
“Đối thoại cũng không chỉ dừng ở đây mà còn tiếp tục ở một số hội nghị nữa, chúng tôi sẽ làm thường xuyên liên tục và muốn nghe các vị nói thẳng nói thật nói hết, cả ý kiến gay gắt cũng muốn lắng nghe”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thông tin, hiện nay Bộ Xây dựng đang dự thảo một luật sửa 4 luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị.
Đồng thời, Bộ cũng đang triển khai hai đề án liên quan tới quy chuẩn, tiêu chuẩn và sửa đổi đơn giá, chi phí xây dựng. “Đây là hai đề án rất quan trọng, quyết định hiệu quả đầu tư, tạo sự minh bạch trong đầu tư xây dựng cơ bản, và chống tham nhũng”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh./.
Bình luận