Giám sát Thanh tra Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn làm việc với Thanh tra Chính phủ trong sáng nay (ngày 5/4) về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, theo Văn phòng Quốc hội.
“Đây là phiên họp đầu tiên của Đoàn giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm việc với Thanh tra Chính phủ về công tác này. Tuy nhiên, đây là lần thứ 2 của các Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021...”, ông Phương cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cuộc làm việc này nhằm triển khai giám sát trực tiếp đối với Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Quốc hội |
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả thanh tra thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021
Nhìn nhận đây là chuyên đề giám sát khó và có phạm vi rất rộng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cuộc làm việc cần bám vào kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9 vừa qua. |
Theo đó, đây là Đoàn giám sát tối cao ở tầm vĩ mô kể cả về chính trị, về quản lý đất nước, quản lý xã hội của cơ quan cấp chiến lược, nên ông Phương đề nghị cần đánh giá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, kiến nghị những vấn đề ở tầm vĩ mô về chính sách pháp luật, đồng thời cần chỉ ra những lĩnh vực và địa phương cụ thể, tìm ra cách làm sáng tạo để khuyến khích, thúc đẩy, nhưng cũng cần chỉ ra được những hạn chế, bất cập để kiến nghị, đôn đốc, tháo gỡ trong tổ chức thực hiện.
“Đề nghị cuộc làm việc bám vào Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật có liên quan trên 5 nội dung trọng tâm theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 4 trọng điểm đột phá. 5 nội dung trọng tâm là quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng tài nguyên, trong đó đất đai là một trọng điểm. 4 trọng điểm đột phá gồm: vấn đề đầu tư công; mua sắm, chi tiêu công; cổ phần hóa như thanh lý tài sản, chuyển đổi mục đích sử dụng; lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên….”, ông Phương lưu ý./.
Bình luận