Còn thiếu quy định về quản lý an toàn đập thủy điện
Thủy điện Hòa Bình xả lũ
Bộ Công Thương vừa thông tin chính thức về việc phát triển thủy điện tại Việt Nam. Đến năm 2018, cả nước có 818 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 23.182MW. Trong đó, 385 dự án thủy điện đã đưa vào khai thác, sử dụng với tổng công suất lắp đặt 18.564MW; đang xây dựng 143 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 1.848MW và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 2.770MW.
Xét chung trong hệ thống điện quốc gia năm 2017, các dự án thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 42,87% về điện năng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng.
Bộ Công Thương nêu rõ, trong số 385 công trình thủy điện đang vận hành có 40 công trình không có hồ chứa hoặc sử dụng chung nước của hồ thủy lợi để phát điện. Công tác vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập tại 345 công trình thủy điện còn lại thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và UBND các tỉnh.
Trước kia, việc vận hành hồ chứa trong một số trường hợp không tuân thủ đúng quy trình vận hành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sự phối hợp giữa các chủ đập và giữa chủ đập với các cơ quan chức năng của địa phương chưa chặt chẽ nên có một số trường hợp xả lũ gây bức xúc dư luận và nhân dân vùng hạ du.
Tuy nhiên đến nay, công tác vận hành hồ chứa dần đi vào nề nếp. Điển hình là trong các đợt lũ lớn năm 2016, 2017, các hồ chứa thủy điện đã phối hợp vận hành theo đúng quy trình vận hành liên hồ, đóng quan trọng trong việc cắt/giảm/làm chậm lũ, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.
Dù vậy, Bộ Công Thương cũng khẳng định, hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện. Cụ thể, về mặt kỹ thuật, các yêu cầu liên quan đến vận hành hồ chứa, quản lý an toàn đập thủy điện tương tự như đối với hồ chứa thủy lợi.
Vụ vỡ đập thủy điện mới đây tại Lào là lời cảnh báo cho các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng về những vấn đề liên quan đến an toàn hồ, đập thủy điện. |
Tuy nhiên, Luật Thủy lợi hiện hành không có quy định về vận hành và quản lý an toàn đập thủy điện, tạo ra khoảng trống trong công tác vận hành hồ, quản lý an toàn đập các hồ thủy điện.
Bên cạnh đó, một số quy định hiện chưa rõ ràng hoặc chưa có quy định chi tiết thi hành như các quy định về: Xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai; xác định vùng hạ du, bản đồ ngập lụt theo quy định của pháp luật về thủy lợi...
Đáng chú ý, về hành lang thoát lũ, theo Bộ Công Thương, hiện chưa có quy định về xác định và quản lý hành lang thoát lũ nên nhiều hộ dân đã xây nhà, công trình và sản xuất nông nghiệp trong hành lang thoát lũ, có những công trình xả lũ chỉ đáp ứng khoảng 30%-50% lưu lượng xả thiết kế nên đã gây mất an toàn cho vùng hạ du (Đa Nhim, Hòa Bình…).
Để việc vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy điện, thời gian tới Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể và sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập bảo đảm đầy đủ, chi tiết, khả thi…. Trước mắt, khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP.
Tại các địa phương, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh rà soát vùng hạ du các hồ chứa thủy điện và có giải pháp thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương để bảo đảm an toàn khi các hồ chứa xả lũ; tăng cường năng lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương để tăng hiệu quả trong phối hợp vận hành các công trình thủy điện./.
Bình luận