Tại hội thảo “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị”, Học viện Chính sách và Phát triển công bố Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) 2021. Theo đó, Đà Nẵng và Hải Phòng là 2 địa phương dẫn đầu.

Báo cáo việc thực hiện mục tiêu SDG ở cấp địa phương, TS. Phạm Mỹ Hằng Phương, đại diện Nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, PSDI được nhóm nghiên cứu xây dựng nhằm lý giải nguyên nhân tại sao trên cùng một lãnh thổ Việt Nam, một số tỉnh/thành lại vượt trội hơn những tỉnh/thành khác về tốc độ và chất lượng phát triển bền vững.

Công bố chỉ số PSDI 2021: Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước
TS. Phạm Mỹ Hằng Phương, đại diện Nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, kết quả trung bình của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (PSDI) đạt 51,38 điểm trên thang điểm 100

PSDI được xây dựng với một số đặc điểm quan trọng tạo điều kiện để các tỉnh/thành có thể dễ dàng áp dụng các biện pháp, nhằm cải thiện chỉ tiêu thành phần trong đo lường phát triển bền vững tại địa phương.

Tiếp nối những kết quả đạt được từ năm 2021 (PSDI 2020), năm 2022, PSDI 2021 tiếp tục được thực hiện với quá trình nghiên cứu, đánh giá dựa trên 14 chỉ số thành phần.

TS. Phạm Mỹ Hằng Phương cho biết, kết quả trung bình của 63 tỉnh/thành phố trên cả nước trong thực hiện PSDI đạt 51,38 điểm trên thang điểm 100.

“Kết quả này cho thấy, các địa phương cần tiếp tục cần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Phát triển bền vững của Việt Nam”, TS. Phạm Mỹ Hằng Phương khuyến nghị.

Trong đó, nhóm tỉnh thành được đánh giá thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm 13 địa phương với sự góp mặt của nhiều tỉnh và thành phố lớn, trong đó có 3 tỉnh thăng hạng vượt bậc so với năm 2020 (Hưng Yên, Hà Nam và Bình Dương) vươn lên vị trí đứng đầu.

Theo công bố, Đà Nẵng tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PSDI năm 2021 với điểm trung bình 65,28 điểm. Trong số 14 mục tiêu phát triển bền vững của bộ chỉ số PSDI, Đà Nẵng dẫn đầu ở một số hạng mục cụ thể như: PSDI 5 - Bình đẳng giới, PSDI 6 - Nước sạch và vệ sinh, PSDI 11 - Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm. Các mục tiêu còn lại đa phần đạt thứ hạng cao, với 3 mục tiêu nằm trong top 10 tỉnh dẫn đầu và 3 mục tiêu nằm trong top 20.

Tuy nhiên, một số mục tiêu của Đà Nẵng cần được cải thiện trong tương lai, ví dụ như PSDI 9 - Bất bình đẳng (xếp thứ 42), PSDI 13 - Hòa bình, công lý và thể chế (xếp thứ 37), hay PSDI 11 - Tài nguyên và môi trường trên đất liền (xếp thứ 31).

Công bố chỉ số PSDI 2021: Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước
Nguồn: Học viện Chính sách và Phát triển

Ngoài ra, nếu xét theo vùng, PSDI có sự chênh lệch nhất định. Kết quả xếp hạng PSDI theo vùng cho thấy có sự phân nhóm rõ nét giữa 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước.

Xếp thứ nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng với 60,59 điểm. Vùng Đồng bằng sông Hồng thể hiện ưu thế vượt trội trong việc thực hiện các mục tiêu xóa nghèo, đ444ảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý bền vững tài nguyên nước, việc làm và tăng trưởng kinh tế, giảm bất bình đẳng xã hội, xây dựng đô thị và cộng đồng bền vững.

Bên cạnh đó, vùng Đồng bằng sông Hồng cho thấy sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa bao trùm, bền vững và phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhóm thứ hai bao gồm vùng Đông Nam Bộ với 54,79 điểm, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 53,05 điểm. Đặc điểm chung của hai vùng là kết quả tích cực trong việc thực hiện mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới và giảm bất bình đẳng xã hội, xây dựng đô thị và cộng đồng bền vững, tiêu thụ và sản xuất bền vững. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của vùng được đánh giá là chậm hơn đáng kể so với các vùng còn lại trên cả nước, đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Nhóm thứ ba bao gồm các vùng dưới mức điểm trung bình: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 49,42 điểm; vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 45,74 điểm; vùng Tây Nguyên với 43,27 điểm.

Đứng cuối bảng xếp hạng chủ yếu là các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long với đặc điểm chung là những hạn chế trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Để đánh giá chỉ số, nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu thống kê từ các nguồn tin cậy, được xác thực bởi các tổ chức chính phủ như: Niên giám thống kê của các tỉnh/thành, của các ngành; dữ liệu của Tổng cục Thống kê, của các Bộ kết hợp với những dữ liệu tin cậy khác, dễ dàng so sánh giữa các địa phương khác nhau để tính toán PSDI giữa các địa phương theo thang điểm 100. Chỉ số PSDI năm 2021 bao gồm 14 chỉ số thành phần phản ánh 17 SDGs của quốc gia. Mỗi chỉ số thành phần bao gồm các chỉ tiêu và các chỉ tiêu thành phần phản ánh những khía cạnh quan trọng khác nhau về phát triển bền vững. Dưới mỗi chỉ số thành phần là các chỉ tiêu được lựa chọn đại diện cho từng mục tiêu thành phần SDGs, một số chỉ tiêu trong đó bao gồm chỉ tiêu thành phần.

14 mục tiêu phát triển bền vững cấp tỉnh năm 2021 với 96 chỉ tiêu thành phần tại Việt Nam bao gồm: (1) Chỉ số thành phần PSDI 1: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi (SDG 1); 2) Chỉ số thành phần PSDI2: Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững (SDG 2); (3) Chỉ số thành phần PSDI 3: Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi (SDG 3); (4) Chỉ số thành phần PSDI 4: Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người (SDG 4); (5) Chỉ số thành phần PSDI 5: Đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái (SDG5); (6) Chỉ số thành phần PSDI6: Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người (SDG 6): (7) Chỉ số thành phần PSDI 7: Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người (SDG 8): (8) Chỉ số thành phần PSDI 8: Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới (SDG 9); (9) Chỉ số thành phần PSDI 9: Giảm bất bình đẳng trong xã hội (SDG 10); (10) Chỉ số thành phần PSDI 10: Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng (SDG 11): (11) Chỉ số thành phần PSDI 11: Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững (SDG 12).; (12) Chỉ số thành phần PSDI 12: Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất (SDG 15); (13) Chỉ số thành phần PSDI 13: Thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng, bình đẳng vì phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp (SDG 16): (14) Chỉ số thành phần PSDI 14: Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững (SDG 17)./.