Điều kiện kinh doanh được cắt giảm thực chất

“Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, năm 2020 vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH). Về tổng thể giai đoạn 5 năm 2016-2020 đã đạt những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật…”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, khi trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 trước Quốc hội hôm nay (ngày 22/7), theo Văn phòng Quốc hội.

Công tác điều hành của Chính phủ quyết liệt, năng động, sâu sát
Quốc hội nghe kết quả thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020. Ảnh: QH

Báo cáo thẩm tra còn nêu, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm thực chất. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 20 bậc, năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng 10 bậc…

Ông Thanh cho biết thêm, giai đoạn 2016-2020 kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn; các cân đối lớn được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát. Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,78%/năm. Năm 2020 Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế dương. Xây dựng thể chế, hệ thống pháp luật và cơ chế điều hành ngày càng đồng bộ, hoàn thiện và bao quát hơn. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt một số kết quả tích cực.

“Năng suất lao động tăng bình quân đạt 5,89%/năm, cao hơn mức 4,3% của giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu đề ra 5%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp đã có sự tiến bộ rõ rệt, tăng 45,72% trong giai đoạn 2016-2020 so với mức bình quân 32,84% của giai đoạn 2011-2015...”, ông Thanh cho hay.

Cần thúc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

Chính phủ cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; thực hiện 3 đột phá chiến lược; hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi...

Liên quan đến Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, cơ quan thẩm tra cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, nhưng cần quy định cụ thể thời hạn, lộ trình thực hiện để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng như: Các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém; xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, các dự án đầu tư hạ tầng thuộc ngành giao thông, đường sắt đô thị…

Cùng với đó là khắc phục triệt để việc nợ đọng văn bản; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Cắt giảm mạnh chi thường xuyên… Cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, thị trường bất động sản, quản lý tài chính cho các đô thị lớn; cơ chế kiểm soát vốn và quản trị doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng hiệu quả tài chính công, tài sản công. Hoàn thiện chính sách thương mại, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do…

Công tác điều hành của Chính phủ quyết liệt, năng động, sâu sát
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chính phủ cần lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp. Ảnh: QH

“Xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu phát sinh từ các dự án BOT, BT giao thông. Xây dựng khung chính sách, pháp luật hướng tới chính phủ số; đưa vào khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao...”, ”, ông Thanh nêu.

Cùng với tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh triển khai chiến lược vắc-xin, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cần cụ thể hóa quy định pháp luật về bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Cơ quan thẩm tra còn lưu ý Chính phủ tập trung đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc các cơ quan hành chính nhà nước, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng.../.