Đoàn Thị Thanh Vân

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Lê Quốc Hồng Thi

Trường Đại học Sài Gòn

Lưu Quang Vinh

Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Du lịch và khách sạn là ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng là ngành có nhiều tác động đến môi trường sinh thái. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra mạnh mẽ, đồng thời với quá trình đô thị hóa tại TP. Hồ Chí Minh, hiện chuyển đổi xanh trong ngành khách sạn và du lịch sẽ góp phần giảm tiêu thụ tài nguyên, ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Bài viết phân tích thực trạng chuyển đổi xanh ở các doanh nghiệp du lịch và khách sạn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp để giúp các doanh nghiệp này tham gia vào cuộc cách mạng xanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, du lịch, khách sạn, TP. Hồ Chí Minh

Summary

Tourism and hotels are high economic efficiency industries but at the same time also have various impacts on the ecological environment. In the context that climate change has taken place strongly, with the urbanization process in Ho Chi Minh City, green transition in the hotel and tourism industries will contribute to reducing resource consumption, reducing environmental pollution, and promoting sustainable economic development. This article analyzes the status of green transition in tourism and hotel businesses in Ho Chi Minh City. On that basis, proposes some solutions to help these businesses participate in the green revolution, contributing to the sustainable development of the country in the current period.

Keywords: climate change, green transition, tourism, hotel, Ho Chi Minh City

ĐẶT VẤN ĐỀ

TP. Hồ Chí Minh là một trong những đô thị lớn của Việt Nam. Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, năm 2023, Thành phố có hơn 8,9 triệu dân, với tổng diện tích 2.061 km², nên mật độ dân số trung bình của Thành phố cao, rơi vào khoảng là 4.292 người/km², quy mô dân số tăng trung bình 2,93%/năm. Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa và sự phát triển nóng của các ngành kinh tế dẫn đến vùng có mức độ phơi nhiễm, cũng như các yếu tố rủi ro khí hậu tại TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ cao hơn tại các địa phương khác.

Trong thời gian gần đây, BĐKH ngày càng có những diễn biến phức tạp tại Thành phố với những biểu hiện, như: nhiệt độ tăng lên, thủy chiều dâng cao và ảnh hưởng trên diện rộng. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái và ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, khí thải và ô nhiễm không khí với nồng độ chì có nơi tăng 1,25 lần so với ngưỡng trung bình. Tất cả những khó khăn trên đã và đang tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế trong đó có hoạt động du lịch, khách sạn của TP. Hồ Chí Minh. Do đó, việc thực hiện các chuyển đổi xanh trong ngành du lịch, khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch và khách sạn, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của cộng đồng địa phương.

Nghiên cứu này được thực hiện để đánh thực trạng chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch và khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra. Dựa trên những phát hiện của nghiên cứu này, tác giả đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp và các bên liên quan từ đó tạo ra một môi trường du lịch hấp dẫn và bền vững, góp phần định vị TP. Hồ Chí Minh là điểm đến du lịch xanh tới du khách trong và ngoài nước.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Chuyển đổi xanh và tầm quan trọng của chuyển đổi xanh trong hoạt động du lịch và khách sạn

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành khách sạn và du lịch đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng GDP của một quốc gia hoặc khu vực. Tuy nhiên, đây cũng là ngành có tác động rất nhiều tới môi trường, các nguồn tài nguyên có nguy cơ bị phá hủy hoặc thậm chí bị mất. Do đó, việc bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường trong phát triển khách sạn và du lịch đã trở thành một vấn đề nan giải. Chính trong bối cảnh đó mà khái niệm “chuyển đổi xanh” đã ra đời.

Theo tác giả Hjalager (1997) “Chuyển đổi xanh đề cập tới vấn đề tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường thông qua đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới quản lý, tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững”.

Theo Phạm Lê Thảo (2023), Chuyển đổi xanh “là một trong những nội dung quan trọng của phát triển kinh tế bền vững tại nhiều quốc gia. Mục tiêu của chuyển đổi xanh là đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung khi đang dần hướng đến các mục tiêu chuyển đổi xanh”.

Theo Nguyễn Văn Phước (2023), chuyển đổi xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh hướng đến ba mục tiêu. “Đầu tiên là phát triển kinh tế, tức cần tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính. Thứ hai là bảo vệ môi trường, tức giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn. Thứ ba là mục tiêu xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm sự mất công bằng trong xã hội”.

Trong hoạt động kinh doanh du lịch, khách sạn đổi mới chuyển đổi xanh được thực hiện trong các điểm, khu du lịch trong các lĩnh vực, như: lưu trú, ăn uống, vận tải, tham quan, mua sắm, giải trí. Các công nghệ xanh này được áp dụng trong các quy trình khách sạn và du lịch nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên; sử dụng năng lượng sạch; công nghệ kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải du lịch; công nghệ 3S trong bảo vệ tài nguyên môi trường. Với sự mở rộng của nền kinh tế kỹ thuật số, việc tăng cường “Internet + Bền vững + Du lịch, khách sạn” để thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao và nhấn mạnh rằng đổi mới công nghệ xanh có thể tạo điều kiện cho sự thay đổi mô hình trong đổi mới, thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững và có trách nhiệm.

Biến đổi khí hậu và thích ứng với BĐKH

IPCC (2007) cho rằng, “BĐKH đề cập đến sự thay đổi về trạng thái của hệ thống khí hậu, có thể được nhận biết qua sự biến đổi về trung bình và sự biến động của các thuộc tính của nó, được duy trì trong một thời gian đủ dài, điển hình là hàng thập kỷ hoặc dài hơn”.

Luật bảo vệ môi trường (2020) “BĐKH có thể là do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc các tác động bên ngoài, hoặc do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển hay trong khai thác sử dụng đất”.

Theo Đặng Thị Hoa và cộng sự (2015): “Thích ứng với BĐKH Là tất cả những phản ứng đối với BĐKH nhằm làm giảm tính dễ bị tổn thương. Cây cối, động vật, và con người không thể tồn tại một cách đơn giản như trước khi có BĐKH, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi các hành vi của mình để thích ứng và giảm thiểu các rủi ro từ những thay đổi đó”.

Luật Bảo vệ môi trường (2020) quy định: “Thích ứng với BĐKH là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH và tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại”.

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng các tư liệu từ quá trình nghiên cứu thực địa của tác giả về vấn đề chuyển đổi xanh và BĐKH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Kết hợp với các kỹ thuật như phỏng vấn, quay video chụp ảnh và thảo luận các đối tượng nghiên cứu để tìm hiểu thêm thực trạng của vấn đề nghiên cứu.

Bên cạnh đó, bài viết cũng sử dụng nguồn tài liệu, số liệu của các chuyên gia và các công trình nghiên cứu liên quan về chuyển đổi xanh và BĐKH, để làm cơ sở để đánh giá và đưa ra giải pháp cho vấn đề nghiên cứu.

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI XANH TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG DU LỊCH, KHÁCH SẠN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

TP. Hồ Chí Minh được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn của cả nước, có nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên phong phú, đa dạng cho phát triển du lịch nên hàng năm thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghỉ dưỡng, nhất là là đối tượng khách MICE - là những khách có trình độ và khả năng chi trả nên họ có nhu cầu cao về các trải nghiệm du lịch xanh. Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh, năm 2023, ngành du lịch Thành phố đã đón hơn 30 triệu lượt khách trong và ngoài nước; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 89.456 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 8.929 tỷ đồng, tăng 68,3% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu về du lịch của TP. Hồ Chí Minh từ năm 2021 đến 2023 được thể hiện qua Bảng.

Bảng: Các chỉ tiêu về du lịch TP. Hồ Chí Minh từ năm 2021 đến năm 2023

Năm

Doanh thu du lịch

(Tỷ đồng)

Lượt khách quốc tế (Triệu lượt)

Lượt khách nội địa (Triệu lượt)

2021

35.600

0

9,35

2022

120.000

3,5

18

2023

160.00

5,0

30

Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh

Trong quá trình phát triển, ngành du lịch và khách sạn của Thành phố áp dụng đã nhiều giải pháp, chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, cũng như tích cực đào tạo nguồn nhân lực trẻ, có khả năng trình độ chuyên môn cao. Đặc biệt là sự ứng dụng các công nghệ xanh trong các hoạt động phát triển các sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá xây dựng thương hiệu, sử dụng các năng lượng tái tạo và công nghệ sạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. “TP. Hồ Chí Minh cũng đã ra gia nhập Tổ chức C40, là tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, hay thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường và kêu gọi toàn dân cùng chung tay thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH” [5]. Đối với những dự án du lịch, khách sạn có khả năng đóng góp nhiều trong việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm ảnh hưởng của BĐKH đều được các sở, ban ngành tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn. Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án metro số 1, 2; các dự án giải quyết ngập do triều cường. Với các hoạt động trên đã và đang góp phần chuyển đổi xanh cho tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch và khách sạn trên địa bàn Thành phố đạt được kết quả nhất định trong bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH đang diễn biến phức tạp trên quy mô toàn Thành phố.

Có thể nói, sự phát triển của ngành du lịch, khách sạn mang lại nhiều tác động tích cực tới đời sống, kinh tế - xã hội của Thành phố, tuy nhiên đây cũng là ngành mang lại nhiều tác động tiêu cực tới môi trường sống. Lượng rác thải, nước thải của ngành du lịch, khách sạn mang đến cho Thành phố còn rất nhiều, chưa được xử lý theo đúng quy trình; các vật dụng không thân thiện với môi trường như đồ nhựa, hay những nguyên vật liệu không tái chế được còn được sử dụng rất nhiều trong các khách sạn, các điểm khu du lịch; các nhân viên trong các doanh nghiệp khách sạn, du lịch chưa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong quá trình làm việc; các doanh nghiệp chưa thực hiện được việc xây dựng được các sản phẩm, dịch vụ xanh thân thiện với môi trường... Tất cả những khó khăn và thách thức đó đang gây áp lực chung đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sống của Thành phố. Do đó, việc chuyển đổi xanh trong ngành khách sạn và du lịch tại TP. Hồ Chí Minh là rất quan trọng nhằm thúc đẩy ngành kinh tế du lịch, khách sạn phát triển bền vững. Tuy nhiên, trên quy mô toàn Thành phố quá trình chuyển đổi xanh còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, nguyên nhân chủ yếu do:

Một là, về nguồn lực tài chính, để có thể chuyển đổi xanh được trong hoạt động du lịch và khách sạn cần phải có nguồn kinh phí đủ lớn để đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, trên quy mô toàn Thành phố, chỉ có một số doanh nghiệp lớn có khả năng đầu tư công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ với nguồn kinh phí còn khá hạn hẹp, việc đầu tư các các công nghệ sẽ làm cho các doanh nghiệp du lịch và khách sạn tăng chi phí hoạt động, trong khi lợi ích mà doanh nghiệp nhận được là trong dài hạn nên khiến cho nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng tới chuyển đổi xanh.

Hai là, sự tăng trưởng nóng của ngành du lịch khách sạn trong một thời gian ngắn đã tác động mạnh mẽ tới môi trường, gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm nguồn nước, không khí và tiếng ồn. Việc tăng lượng khách du lịch đến với TP. Hồ Chí Minh đồng nghĩa với việc tăng lượng khí thải carbon dẫn đến tăng lượng khí nhà kính, góp phần làm BĐKH, nhất là tại các điểm khu du lịch tập trung đông du khách. Đứng trước bài toán kinh tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng đầu tư các khoản chi phí để xử lý lượng chất thải, nước thải theo đúng quy trình, khiến cho rác thải đã nhiều nay còn nhiều hơn.

Bà là, năng lực kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề của người lao động trong các doanh nghiệp khách sạn và du lịch là một trong những trở ngại lớn cho việc áp dụng công nghệ và quy trình xanh. Phần lớn lao động ở các doanh nghiệp chưa có đủ trình độ để triển khai các công nghệ và quy trình xanh, trong khi các hoạt động đào tạo về chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp còn khá hạn chế. Các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã thực hiện chuyển đổi xanh, nhưng sự chia sẻ, hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ còn khá hạn chế. Đây cũng chính là một trong những rào cản làm cho quá trình chuyển đổi xanh trong các doanh nghiệp du lịch và khách sạn trên địa bàn Thành phố còn khá chậm.

Bốn là, về mặt nhận thức của các bên liên quan. Có tới 70% doanh nghiệp nói chung chưa được trang bị đủ kiến thức, thiếu những am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp. Nhiều các doanh nghiệp chưa ý thức được tính cấp thiết trong việc chuyển đổi mô hình theo hướng xanh nên chưa thể giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa lợi nhuận và tăng trưởng xanh, lợi ích của cá nhân và trách nhiệm xã hội, từ đó dẫn tới thiếu động lực để chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, nhận thức của khách hàng về chuyển đổi xanh cũng là một hạn chế. Việc tiêu dùng các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, đồ tái chế được chỉ tập trung ở phân khúc khách hàng là những người có trình độ học vấn, thu nhập tốt bên cạnh đó thì một bộ phận khách hàng có thu nhập bình dân vẫn chưa có sự quan tâm nhất định tới các sản phẩm thân thiện với môi trường và họ cũng không sẵn lòng chi trả các chi phí cao cho các sản phẩm xanh. Bởi vì, chi phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm thân thiện với môi trường thường cao hơn từ 20%-40% so với loại hàng hóa tiêu dùng cùng loại [9].

Ngoài ra, xét về năng lực quản lý điểm đến và hệ thống các cơ sở lưu trú còn nhiều bấp cập, dẫn tới việc chưa làm rõ được trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xử lý rác thải. Những hạn chế trên đòi hỏi sự thay đổi trong quan điểm và phương pháp phát triển du lịch xanh ở TP. Hồ Chí Minh.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ CHUYỂN ĐỔI XANH CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH, KHÁCH SẠN THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Trên thực tế, bảo vệ môi trường là yêu cầu cơ bản của ngành khách sạn và du lịch, và chuyển đổi xanh là phương tiện quan trọng giúp ngành du lịch và khách sạn đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, hoạt động du lịch và khách sạn của TP. Hồ Chí Minh đã đạt được bước phát triển cả về lượng khách và doanh thu trong cả thị trường quốc tế lẫn nội địa. Song, chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này đã gây ra những áp lực tới môi trường, cảnh quan, văn hóa, nhất là tại những nơi có hoạt động du lịch phát triển “nóng” (Chính và Hoàng, 2009). BĐKH buộc TP. Hồ Chí Minh phải liên tục thay đổi và thích ứng với nhiều rủi ro thiên tai khác nhau, nhằm giảm thiểu bất lợi trong đời sống sinh hoạt thường ngày và sinh kế. Dựa trên các rào cản, tác giả khuyến nghị một số giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường nhận thức của doanh nghiệp du lich, khách sạn và các bên liên quan về chuyển đổi xanh thông qua công tác phổ biến, tuyên truyền tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để giúp các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh đến môi trường. Việc này không chỉ giúp giảm lượng khí thải carbon, mà còn giảm chi phí hoạt động trong dài hạn, góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu đểm đếm. Để giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia được vào công cuộc chuyển đổi xanh, thì gợi ý đưa ra là các doanh nghiệp không nhất thiết phải đầu tư, tập trung nguồn vốn vào đầu tư các trang thiết bị hiện đại mà có thể bắt đầu bằng những biện pháp đơn giản, như: tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình nghiệm vụ thông qua việc sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, tăng cường nhận thức của nhân viên về việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng, nguyên liệu tại nơi làm việc. Từ đó, dần hình thành được ý thức bảo vệ môi trường trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ của nhân viên. Công tác tuyên truyền cần tập trung cả vào đối tượng khách hàng về ý nghĩa của tiêu dùng xanh đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, đồng thời cần có các chính sách về giá với các sản phẩm, dịch vụ xanh nhằm đẩy mạnh thói quen tiêu dùng với các sản phẩm này trong giai đoạn khởi đầu.

Thứ hai, đẩy mạnh tín dụng xanh cho các doanh nghiệp du lịch và khách sạn. Các ngân hàng cần xây dựng và triển khai các cơ chế phù hợp để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn trong thời gian tới. Đồng thời, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và khách sạn các công cụ tài chính, như: tín dụng xanh và trái phiếu xanh, để hỗ trợ trong công cuộc chuyển đổi xanh.

Thứ ba, hỗ trợ về kỹ thuật và đào tạo để nâng cao trình độ cho người lao động trong xây dựng các mô hình xanh tại các doanh nghiệp. Thực hiện kết nối với các trường đại học để họ có thể tận dụng được những sáng kiến công nghệ. Các tập đoàn khách sạn, du lịch lớn trên địa bàn Thành phố cần đi đầu trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ các thêm các doanh nghiệp nhỏ trong hoạt động đào tạo chuyên môn, như: phương pháp quản lý, thực hành các kỹ thuật xanh.

Thứ tư, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về chuyển đổi xanh, nhằm đảm bảo tính thống nhất là thực thi trong quá trình triển khai. Đơn cử như để giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn kinh phí trong quá trình chuyển đổi xanh, Nhà nước có thể hỗ trợ giảm thuế, hỗ trợ lãi xuất cho các dự án du lịch, khách sạn chuyển đổi xanh. Đồng thời, tăng cường quản lý nước và rác thải là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch bền vững và có trách nhiệm môi trường.

Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin và trải nghiệm du lịch thông minh trong quá trình chuyển đổi xanh trong các hoạt động:

Hệ thống đặt phòng trực tuyến: Các doanh nghiệp khách sạn và du lịch có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và giảm thiểu rác thải ra môi trường thông qua các ứng dụng di động và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, sẽ góp phần tăng cường tương tác với khách hàng và tối ưu hóa hoạt động quản lý và vận hành.

Giao thông và vận tải xanh: Khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, xe đạp điện, xe buýt, tàu hỏa và các phương tiện giao thông xanh khác là một cách hiệu quả để giảm lượng khí thải từ phương tiện di chuyển trong ngành du lịch. Bằng cách này, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra trải nghiệm du lịch bền vững và thân thiện với môi trường.

Trong công tác quảng bá tiếp thị: Ứng dụng chuyển đổi số để giảm thiểu rác thải ra môi trường. Các hoạt động này có thể thực hiện trên các nền tảng xã hội để vừa tiết kiệm chi phí, nguyên liệu vừa có thể tiếp cận với khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

- Ở tầm vĩ mô, Chính phủ nên thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng mạng thế hệ mới, tích hợp cơ sở hạ tầng hội tụ và cơ sở hạ tầng thiết bị đầu cuối thông minh để cung cấp một loại hình bảo đảm cơ sở hạ tầng mới cho sự phát triển của ngành khách sạn và du lịch. Doanh nghiệp cần tích cực thúc đẩy ứng dụng 5G, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, thực tế tăng cường, chuỗi khối và các thành tựu công nghệ thông tin mang tính cách mạng khác trong hoạt động đổi mới xanh.

Khách du lịch ngày nay không chỉ đơn thuần là những người muốn khám phá vẻ đẹp của một địa điểm du lịch mà còn là những người có nhận thức sâu sắc về tác động của họ đối với môi trường. Họ ưu tiên lựa chọn những trải nghiệm du lịch có trách nhiệm với môi trường, tham gia vào các hoạt động giáo dục và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch cam kết bảo vệ môi trường. Một số du khách cũng tìm kiếm những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và văn hóa địa phương, thay vì các hoạt động du lịch tiêu tốn năng lượng. Điều này không chỉ giúp du khách kết nối mạnh mẽ hơn với tự nhiên mà còn đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa địa phương. Do đó, các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nên tham gia vào các chương trình chứng nhận và tuân thủ các tiêu chuẩn du lịch xanh, như: Travellife, EarthCheck, Green Globe... Đây là một bước quan trọng giúp các doanh nghiệp du lịch, khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh chứng minh cam kết của họ đối với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Điều này giúp tạo ra lòng tin từ phía khách hàng và cộng đồng, đồng thời nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp.

KẾT LUẬN

Thực hiện chuyển đổi xanh trong du lịch không phải là một công việc dễ làm và càng không thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững là một chiến lược dài hạn cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Trong bối cảnh du lịch xanh được xem là ưu tiên hàng đầu, các doanh nghiệp du lịch và khách sạn trên địa bàn thành phố cần phải quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp từ đó mới có thể đảm bảo phát triển du lịch bền vững, thích ứng với điều kiện BĐKH đang diễn ra vô cùng phức tạp trên quy mô toàn Thành phố trong giai đoạn hiện nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2023), Niên giám Thống kê năm 2023, Nxb Thống kê.

2. Chính, P. M., Hoàng, V. Q. (2009), Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá, Nxb Chính trị Quốc gia.

3. Đặng Thị Hoa, Quyền Đình Hà (2015), Cơ sở lý luận và thực tiễn về thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp của người dân ven biển, Tạp chí Khoa học và Công nghệ lâm nghiệp, số 1.

4. Hjalager, A.-M (1997), Innovation patterns in sustainable tourism: An analytical typology, Tour. Manag, 18, 35-41.

5. IPCC (2007), Climate change in 2007, Synthesis Report, IPCC.

6. Nguyễn Châu (2022), TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy nhiều dự án ứng phó BĐKH, truy cập từ https://plo.vn/tphcm-thuc-day-nhieu-du-an-ung-pho-bien-doi-khi-hau-post683259.html.

7. Nguyễn Văn Phước (2023), Ba mục tiêu khi chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, truy cập từ https://vnexpress.net/ba-muc-tieu-khi-chuyen-doi-sang-nen-kinh-te-xanh-4661539.html#:

8. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2021-2023), Số liệu thống kê du lịch từ năm 2021 đến năm 2023.

9. Phan Thị Lệ Thúy (2023), Tiêu dùng xanh tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và phải pháp, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 7.

10. Phạm Lê Thảo (2023), Chuyển đổi xanh trong xây dựng sản phẩm du lịch và quản lý điểm đến, Diễn đàn Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững, Tổng cục du lịch Việt Nam.

11. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường, số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020.

Ngày nhận bài: 11/6/2024; Ngày phản biện: 16/6/2024; Ngày duyệt đăng: 24/6/2024