Công tác phân vùng là tiền đề quan trọng cho việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia
Quang cảnh hội thảo |
Các quy hoạch vùng được lập ra cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 là căn cứ pháp lý để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất trong hoạt động quy hoạch. Để Luật Quy hoạch đi vào cuộc sống, các hoạt động liên quan đã và đang được triển khai, như: Xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch...
“Theo Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch của chúng tôi gồm 3 loại quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Trong đó, Quy hoạch vùng có vị trí vai trò quan trọng, là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nói.
Đánh giá về công tác phân vùng trong thời gian qua, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho rằng, công tác phân vùng trong giai đoạn vừa qua đóng vai trò hết sức quan trọng, là công cụ không thể thiếu trong công tác quản lý nhà nước. Với mỗi thời kỳ, công tác phân vùng nhằm thực hiện mục đích nhất định của đất nước. Vì vậy, khó có thể có một sự phân vùng khách quan “tuyệt đối và vĩnh viễn”. Phương án phân vùng hiện nay của nước ta thành 6 vùng kinh tế - xã hội cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên đã bộc lộ nhiều hạn chế trước bối cảnh mới trong nước, quốc tế và khu vực.
Luật Quy hoạch năm 2017 được ban hành với nhiều nội dung mang tính cải cách, đổi mới quan trọng, hướng đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó xây dựng quy hoạch tích hợp, đa ngành phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường; chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh không gian trong quản lý phát triển, đặc biệt là tính liên kết về không gian phát triển. Mặt khác, các quy hoạch vùng được lập trước đây chỉ còn hiệu lực đến năm 2020.
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh (phải) và Lãnh đạo Viện Chiến lược phát triển chủ trị hội thảo |
“Trước bối cảnh mới đó, yêu cầu đặt ra cấp thiết phải nghiên cứu phân vùng lại. Công tác phân vùng là tiền đề quan trọng để chuẩn bị cho việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch vùng. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu phân vùng cho phù hợp với Bối cảnh mới”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết.
3 phương án phân vùng được đề xuất cho giai đoạn 2021-2030
Theo dự thảo Báo cáo nghiên cứu phân vùng phục vụ triển khai thực hiện Luật Quy hoạch giai đoạn 2021-2030 do Viện Chiến lược phát triển chủ trì thực hiện, có 3 phương án phân vùng được đề xuất cho giai đoạn 2021-2030 gồm:
Phương án 1, gồm 6 vùng như hiện nay là: (1) Vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh; (2) Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh; (3). Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh; (4). Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh; (5) Vùng Đồng Nam Bộ gồm 6 tỉnh; (6) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh;
Phương án 2, gồm 7 vùng là: (1) Vùng Đông Bắc gồm 7 tỉnh; (2) Vùng Tây Bắc gồm 7 tỉnh; (3) Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh/thành phố; (4) Vùng Bắc Trung bộ gồm 5 tỉnh; (5) Vùng Nam Trung bộ (Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) gồm 11 tỉnh/thành phố; (6) Vùng Đông Nam bộ gồm 9 tỉnh, thành phố; (7) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố;
Phương án 3, gồm 6 vùng mới (hình thành lại 3 vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ) là: (1) Vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 các tỉnh; (2) Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố; (3) Vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh; (4) Vùng Nam Trung Bộ (Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên) gồm 11 tỉnh, thành phố; (5) Vùng Đông Nam Bộ gồm 9 tỉnh, thành phố; (6) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố.
Theo đại Viện Chiến lược phát triển, trong 3 phương án trên, thì phương án 2 được đề xuất lựa chọn cho giai đoạn 2021-2030.
“Đây là phương án mang tính đổi mới. Phương án này đã tính đến các yếu tố thị trường trong việc phân vùng, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư, khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài. Đồng thời, phương án này hướng tới tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy liên kết nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập một cách hiệu quả. Quy mô vùng vừa phải, khoảng cách giữa các địa phương trong vùng không quá lớn, thuận lợi cho việc hợp tác, quản lý phát triển”, đại diện đơn vị chủ trì Báo cáo cho biết.
Liên quan đến đề xuất của Viện Chiến lược phát triển về phương án phân vùng lựa chọn, TS. Trần Ngọc Ngoạn, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cơ bản đồng ý, song ông cũng cho rằng, cần trao đổi với một số địa phương trong các vùng đã xếp.
“Đưa tỉnh Lâm Đồng về vùng Đông Nam Bộ là hợp lý, vì Lâm Đồng có mối quan hệ về kinh tế - xã hội rất khăng khít với TP. Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ. Đồng thời, có rất ít mối quan hệ về mặt kinh tế - xã hội với các tỉnh Tây Nguyên còn lại. Hoặc, đưa các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận về vùng Đông Nam Bộ vì các tỉnh này có hướng phát triển với TP. Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ nhiều hơn là hướng ra TP. Đà Nẵng. Trong khi đó, Bắc Miền Trung, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị có hướng phát triển về phía Thừa Thiên Huế nhiêu hơn là về phía TP. Vinh. Vậy nên chăng đưa Thừa Thiên Huế vào vùng Bắc Trung Bộ sẽ hợp lý hơn vì Thừa Thiên Huế sẽ tạo ra động lực phát triển rất chậm là Quảng Bình và Quảng Trị; và Thừa Thiên Huế cũng gắt rất ít với Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên”, TS Ngoạn cho biết.
Đồng tình với quan điểm của TS. Trần Ngọc Ngoạn, ông Hoàng Ngọc Phong, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược cho rằng, cần nghiên cứu ký hơn về vùng Nam Trung Bộ với việc gộp các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
“Nên đưa Thừa Thiên Huế về vùng Bắc Trung Bộ, vì lịch sử xã hội các tỉnh này đã liên kết với nhau từ xa xưa, tạo nên những nét tương đồng vê tính cách, tập quán, thói quen trong sản xuất, kinh doanh. Dải miền núi, đồng bằng và ven biển của Vùng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về mặt phát sinh và lãnh thổ, gắn bó với nhau như những bộ phận của một tổng thể tự nhiên”, ông Phong nói./.
Bình luận