So với tháng 12/2013, CPI tháng 6/2014 mới chỉ tăng 1,38%, còn cách xa mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% của cả năm. Đây cũng là thời điểm chỉ số giá tăng thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Tuy nhiên, so với các tháng trước, chỉ số giá đang nhích dần lên.

Mức tăng trên khớp với dự đoán đưa ra hồi đầu tháng của cả Bộ Công Thương và Bộ Tài chính khi cả 2 bộ dự đoán CPI sẽ tăng nhẹ khi nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình có thể tăng do bước vào mùa thi, mùa du lịch, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có thể tăng do TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh từ đầu tháng 6 và vấn đề Biển Đông có thể ảnh hưởng đến tỷ giá và nguồn hàng nhập khẩu.

Trong tháng 6, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá tiêu dùng cao nhất trong tổng số 11 nhóm hàng được xác định để tính CPI cả nước với mức tăng 0,74%, trong đó, dịch vụ y tế tăng 0,87%.

Tiếp đó, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, diện, nước và chất đốt có mức tăng 0,61%. Nguyên nhân chính là do tháng 6, thời tiết nắng nóng vẫn kéo dài trên cả nước nên nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao.

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng 0,28%, trong đó lương thực tiếp tục giảm 0,43%, thực phẩm tăng 0,54% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,15% so với tháng trước.

Ngược lại, nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục đóng vai trò bình ổn giá thị trường và là nhóm duy nhất có chỉ số giá tiêu dùng giảm với mức 0,13% so với tháng trước.

Hai mặt hàng đặc biệt không được xếp vào rổ tính chỉ số giá tiêu dùng là vàng và đô la Mỹ có xu hướng trái chiếu nhau. Trong khi chỉ số giá vàng giảm 0,12%, thì chỉ số đô la Mỹ tăng 0,49% so với tháng trước./.