CPI năm 2013: Chỉ tăng 6,04%
Báo cáo số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2013 tại cuộc họp báo sáng nay (23/12/2013), bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với cùng kỳ tháng 12/2012.
Đây là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm có CPI cao nhất là 2008, tăng 19,89%. Các năm 2007 tăng 12,63% và năm 2011 tăng 18,13%. Trong 2 năm 2012 và 2013 với các biện pháp kiềm chế, tốc độ lạm phát đã được “hãm phanh”.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,21% của năm 2012.
Trong năm nay, CPI tăng cao vào quý I và quý III với mức tăng bình quân tháng là 0,8%; quý II và quý IV, CPI tương đối ổn định và tăng ở mức thấp với mức tăng bình quân tháng là 0,4%.
Nhìn chung, lạm phát trong năm nay chủ yếu do tác động của các hàng hóa, dịch vụ công như: điện, xăng dầu, giá gas, giáo dục và y tế.
Cụ thể: Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có chỉ số giá tháng 12/2013 so với tháng trước tăng cao nhất với mức tăng 2,31%, nguyên nhân do việc điều chỉnh giá gas hồi đầu tháng. Một số nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm bao gồm nhóm giao thông giảm 0,23%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
“Chỉ số giá tiêu dùng năm nay tăng chủ yếu do giá một số mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh theo kế hoạch và theo cơ chế thị trường”, Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp giải thích.
Theo đó, trong năm có 17 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm cho CPI của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 18,97% so với tháng 12 năm trước, đóng góp vào chỉ số chung cả nước gần 1,1%.
Ngoài ra, việc các địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí cũng đã làm CPI nhóm giáo dục tăng 11,71%, đóng góp vào chỉ số chung cả nước tăng khoảng gần 0,7%.
Giá xăng dầu sau nhiều đợt điều chỉnh tăng/giảm nhưng cả năm vẫn tăng mạnh 2,18%, góp vào CPI chung cả nước mức tăng 0,08%; giá điện điều chỉnh tăng 10%, đóng góp vào CPI chung khoảng 0,25%.
Bên cạnh đó, giá gas cả năm tăng gần 5%, đóng góp vào CPI cả nước với mức tăng 0,08%. Một số nguyên nhân khác còn có do nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của dân cư và tiêu dùng cho sản xuất tăng vào dịp cuối năm; ảnh hưởng của thiên tai, mưa bão và do mức cầu trong dân yếu.
Trước đó, Cục Thống kê Hà Nội cũng đã công bố CPI tháng 12/2013 tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 7,04% so với tháng 12 năm trước. Bình quân, CPI năm 2013 đã tăng 6,37% so với năm 2012.
Bên cạnh đó, Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, CPI tháng 12/2013 tăng 0,39% so tháng trước và tăng 5,2% so với tháng 12 năm trước. Như vậy, bình quân năm 2013 giá đã tăng 3,67% so với bình quân năm 2012. /.
Bình luận