Cử nhân thất nghiệp: Phải chăng thời trọng bằng cấp đã qua?
40% sinh viên thất nghiệp sau 3 tháng ra trường
Đó là con số được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết tại phiên giải trình của Chính phủ với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vào cuối tháng 4/2015.
Con số này phản ánh một thực tế hiện nay của thị trường lao động Việt Nam là sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, mặc dù có bằng cấp đầy đủ.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp tuyển dụng có khuynh hướng tiếp nhận những người có thể lam được việc ngay. Họ không muốn biến doanh nghiệp thành nơi thực tập của sinh viên mới ra trường, hoặc không muốn bỏ ra chi phí đào tạo lại. Vì vậy, họ thường từ chối ngay cả với những sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi của trường đại học danh tiếng.
Theo thống kê năm 2015 của Trung tâm Đào tạo Công nghệ Thông tin và Truyền thông, hiện có khoảng 160.000 cử nhân thất nghiệp (chiếm 63%), còn lại 37% cử nhân được tuyển dụng không đáp ứng được yêu cầu công việc và nhiều doanh nghiệp phải thực hiện đào tạo lại.
Bên cạnh việc thiếu kinh nghiệm làm việc thì không ít bạn trẻ đánh mất cơ hội lập nghiệp do thiếu kỹ năng mềm. Nhiều sinh viên không nhận thức đúng, đủ về vấn đề này. Hầu hết rất bị động, hiểu mơ hồ về kỹ năng mềm, vai trò của kỹ năng mềm đối với công việc của mình. Điều này khiến cho kỹ năng mềm của sinh viên hiện nay còn yếu.
Mặc dù, trong vài năm gần đây, nhiều cơ sở đào tạo đã được mở ra với mục đích nâng cao kỹ năng mềm cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ đào tạo được một lượng nhỏ sinh viên mỗi năm. Chính vì vậy mà trong hàng ngàn sinh viên ra trường mỗi năm, chỉ có số ít người đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Không hiếm trường hợp sinh viên đạt kết quả học tập rất tốt, nhưng khi phỏng vấn xin việc gặp nhiều khó khăn. Kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, đặt vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp tiếng Anh… vẫn là điểm yếu của các bạn.
Hệ quả là, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2015, cứ 4 lao động thất nghiệp có 1 người đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên, nghĩa là gần 1 triệu lao động thất nghiệp có khoảng 250.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học và sau đại học chưa tìm được việc làm.
Riêng ở TP. Hồ Chí Minh, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho biết, mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên tốt nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh không kiếm được việc làm. Có khoảng 60% cử nhân, kỹ sư các trường đại học chấp nhận những công việc trái ngành hoặc thấp hơn trình độ đào tạo, trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu.
Sau khi khảo sát tại các doanh nghiệp, số liệu của trung tâm chúng tôi cho thấy hằng năm thị trường cần nhiều nhất lao động ở trình độ trung cấp, khoảng 21,52%. Trong khi đó cao đẳng cần 11,21%, đại học cần 12,31% và trên đại học chỉ cần 0,5%.
Có thể thấy, giữa công tác đào tạo và nhu cầu, vị trí việc làm của xã hội ở Việt Nam đang có sự “vênh” nhau không hề nhỏ.
Cần thay đổi như thế nào?
Tại Ngày hội tuyển sinh hướng nghiệp năm 2015 được tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vào giữa tháng 3/2015, Tổng giám đốc Công ty CleverAds (một trong những công ty quảng cáo trực tuyến hàng đầu Việt Nam) Nguyễn Khánh Trình chia sẻ xu hướng chính của nhiều doanh nghiệp trong tuyển dụng hiện nay là hướng tới thực chất hơn là bằng cấp. Ví dụ như, đối với nhân viên thiết kế đồ họa - nội thất, nhà tuyển dụng thường chú trọng tới khả năng ứng viên làm được gì với những ý tưởng, khả năng sáng tạo trên một diện tích xây dựng hơn là nhìn vào bằng cấp hoặc học ở đâu.
“Gốc của vấn đề là năng lực sẽ được đánh giá từ khả năng thực tế và kết quả làm việc của bạn trẻ, chứ không phải dựa trên việc họ học và tốt nghiệp từ trường nào” – ông Trình khẳng định.
Đồng quan điểm về tuyển dụng thực chất, ông Trần Minh Hiếu - Giám đốc điều hành Công ty nội thất AGS (Hà Nội) cũng cho rằng, các doanh nghiệp sẽ chú trọng tuyển dụng những bạn trẻ năng động sáng tạo làm được việc, không cần bằng cấp.
“Chúng tôi sẵn sàng trả mức lương tháng khởi điểm từ 500-1.000 USD/người cho những ứng viên có năng lực và làm việc hiệu quả. Mặc dù ứng viên đó có thể có có tấm bằng trung cấp, cao đẳng hay nghề tương đương”, ông Trần Minh Hiếu nói.
Có thể thấy, với xu thế ngày càng chú trọng năng lực hơn bằng cấp hiện nay, các cơ sở đào tạo cũng như sinh viên cần chủ động hơn trong việc liên kết với thị trường. Theo đó, sinh viên, cần bỏ tâm lý sính bằng cấp, bởi chính điều này phần nào hạn chế năng lực làm việc của chính họ. Chỉ khi hiểu rõ bản thân và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp hiện nay, lựa chọn cơ sở đào tạo tiên tiến, tự trau dồi kinh nghiệm, sinh viên mới có thể vững vàng khởi nghiệp và tự tin thể hiện mình.
Nói về vai trò gắn kết quan trọng của các cơ sở đào tạo, tại phiên giải trình của Chính phủ với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vào cuối tháng 4/2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, thực tế cũng có một số cơ sở đại học có sự gắn kết rất tốt với thị trường, doanh nghiệp. Ví dụ, Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) đã có hợp tác với trên 700 doanh nghiệp, trong đó có 36 đơn vị rất hiệu quả nên tỷ lệ sinh viên có việc làm là 96%. Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tỷ lệ việc làm qua các năm là 90%-96%. Ngoài ra, còn có các trường đại học: Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Công nghệ TP. Hồ Chí Minh...
“Các trường đều có một cách làm chung là mạnh dạn thay đổi chương trình trên cơ sở sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bỏ chương trình khung. Theo đó, các trường mời doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia vào hội đồng xây dựng - thẩm định chương trình đào tạo. Từ đó, mạnh dạn cắt bỏ những nội dung kiến thức không cần thiết, lạc hậu, bổ sung các chương trình - nội dung cần thiết cho thị trường lao động” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề xuất./.
Bình luận