Toàn cảnh buổi Hội thảo

TS. Phạm Hoàng Mai cho biết, Dự thảo Khuôn khổ lập kế hoạch Quốc gia của GGGI tại Việt Nam sẽ giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc gia và quốc tế, đồng thời duy trì bền vững và tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa ở Việt Nam.

Điều này hoàn toàn phù hợp với kế hoạch tăng trưởng xanh của cả nước và của các địa phương. Khung hợp tác này rất quan trọng giúp Việt Nam xây dựng chính sách và phân bổ nguồn lực, đạt được mục tiêu theo hướng bền vững. Hiện nay, đã có 30/63 tỉnh, thành phố đang xây dựng kế hoạch theo hướng tăng trưởng xanh.

Quy trình Khuôn khổ lập kế hoạch quốc gia, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Thiết lập ưu tiên bao gồm: phân tích tình huống, phác thảo mục tiêu, phân tích điểm mạnh, điểm yếu để hình thành nên chiến lược.

Giai đoạn 2: Lập trình kết quả, bao gồm: thiết lập các kết quả; phân tích rủi ro; kế hoạch thực hiện; Giám sát đánh giá.

3 mục tiêu chính mà nội dung Dự thảo đưa ra đó là:

- Tăng trưởng xanh cần phải được lồng ghép vào các chiến lược hoạch định kinh tế xã hội để đảm bảo phát triển kinh tế song song với bảo vệ toàn vẹn môi trường;

- Các đô thị tăng trưởng nhanh của Việt Nam cần đáp ứng các nhu cầu của người dân bằng cách khuyến khích sản xuất và tiêu thụ bền vững đối với các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

- Cần có các nguồn tài chính công và tư dành cho phát triển hạ tầng năng lượng, giao thông và công nghiệp thân thiện với môi trường.

Đại diện Quốc gia Viện Tăng trưởng xanh tại Việt Nam, ông Adam Ward cho biết Dự thảo được xây dựng từ chính những chương trình mà GGGI hiện đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực đô thị và cấp thoát nước, cũng như các hướng dẫn đầu tư để tiến tới thực hiện tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Nội dung của Dự thảo là kết quả của rất nhiều vòng tham vấn tích cực với các bộ ngành, cơ quan, các nhà tài trợ và các đối tác phát triển chuyên về tăng trưởng xanh trong suốt cả năm 2015.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo, trong đó nhấn mạnh các vấn đề như làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn huy động cho tăng trưởng xanh; xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi nỗ lực của các bộ, ngành, như: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường... Đồng thời, bản Dự thảo cần đề cập đến vấn đề rác thải đô thị, xử lý rác thải để thành điện, vấn đề sức khỏe người dân ở đô thị...

Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Phạm Hoàng Mai nhấn mạnh, trong thời gian tới xu hướng và khung hợp tác của GGGI với Việt Nam về tăng trưởng xanh cần có sự đóng góp của tất cả các bộ ngành, quan trọng hơn có cả doanh nghiệp. Những ý kiến đóng góp của các bộ, địa phương, doanh nghiệp sẽ giúp GGGI hoàn thiện Khuôn khổ lập Kế hoạch Quốc gia giai đoạn 2016-2020./.