Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài
Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Quảng trường Gwanghwamun, trung tâm Thủ đô Seoul/Ảnh: Mạnh Hùng |
Mục tiêu của Chương trình nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp do Bộ Chính trị đề ra, giao đầu mối chủ trì và các cơ quan phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.
Nghị quyết giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc sau:
- Tuyên truyền, quán triệt Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới;
- Tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với người Việt Nam ở nước ngoài;
- Xây dựng các biện pháp đồng bộ, củng cố, hỗ trợ các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài;
- Triển khai các biện pháp tổng thể hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn, có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại;
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, triển khai đồng bộ chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài;
- Khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
- Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc;
- Đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác thông tin đối ngoại đối với người Việt Nam ở nước ngoài;
- Tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp và kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường nguồn lực thực hiện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Nghị quyết số 169/NQ-CP phân công Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng và triển khai Đề án tiếp tục đẩy mạnh vận động người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt trong các tổ chức quần chúng ở ngoài nước, củng cố hoạt động của các hội hiện có, khuyến khích việc thành lập các hình thức hội đoàn mới. Xem xét, tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài tại địa bàn khó khăn ổn định cuộc sống; xây dựng và triển khai Đề án tăng cường thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới...
Bộ Công an chủ trì xây dựng cơ chế phối hợp để xử lý triệt để, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật nước sở tại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước giai đoạn 2021-2026.
Bộ Công Thương đẩy mạnh phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm (đặc biệt là sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia và Chương trình Thương hiệu Quốc gia) và phát triển các kênh phân phối, xuất khẩu hàng Việt Nam ở nước ngoài.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động nghiên cứu, xây dựng các lĩnh vực ưu tiên thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài và kế hoạch triển khai cụ thể nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng kênh trao đổi, hợp tác giữa kiều bào với địa phương.
Bộ Nội vụ giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng. Hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài gìn giữ, trùng tu và thành lập các cơ sở tôn giáo ở sở tại. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng số lượng học bổng cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước học tập./.
Bình luận