Đã đến lúc cần thay đổi tư duy về doanh nghiệp nhà nước
Hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước còn thấp
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, CIEM được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động nghiên cứu để tham gia phục vụ chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch 2021-2025. Mục tiêu và yêu cầu của nghiên cứu này là tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện vai trò của kinh tế nhà nước, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2020 một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan, khoa học và kiến nghị các quan điểm, mục tiêu và giải pháp cho giai đoạn 2021-2030 gắn với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM chủ trì buổi hội thảo.
Trình bày những kết quả nghiên cứu “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2020 và đề xuất phương hướng giải pháp cho giai đoạn 2021-2030”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho biết, mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm xác định vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước; chủ yếu thông qua cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn.
Ông Phạm Đức Trung cho biết, đến năm 2010, quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, doanh nghiệp nhà nước giữ tỷ trọng cao trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam về nguồn lực, chi phối nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa thoái vốn cho thấy, giai đoạn 2011-2020 ước tính sẽ đạt mục tiêu chuyển doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp đa sở hữu thông qua cổ phần hóa khoảng 750 doanh nghiệp nhà nước. Riêng trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2019, đã nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trên 177 nghìn tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn. Đồng thời, cơ quan chức năng đã chuyển 185 nghìn tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp về ngân sách nhà nước, đạt 74% kế hoạch giao theo Nghị quyết của Quốc hội cho giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển; tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, hiệu suất sinh lời đạt mức khá so với mức bình quân doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước thua lỗ có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Trung mục tiêu thu hút đầu tư xã hội lại khó đạt mục tiêu. Kết quả IPO giai đoạn 2011-2016 cho thấy, Nhà nước vẫn nắm tới 81,1% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, trong khi mục tiêu đề ra là 65%. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, như: hiệu quả đầu tư vốn nhà nước thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác; Tỷ trọng GDP, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm mới và thị phần ở hầu hết các ngành ngày càng giảm, đặc biệt, ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao, như: thương mại, công nghệ chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng, lượng thực, thực phẩm; Các vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển, định hướng, điều tiết nền kinh tế chưa được thể hiện rõ hoặc chưa thực hiện được.
Ngoài ra, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Thể hiện ở tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra và nguồn lực đầu vào làm giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung. Do đó, chỉ số quay vòng vốn của doanh nghiệp nhà nước thấp nhất trong 3 loại hình doanh nghiệp theo sở hữu.
Cần định vị vai trò của doanh nghiệp nhà nước
Bình luận về vấn đề này, PGS, TS. Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế cho rằng, để nhìn nhận một cách rõ nhất về vai trò, hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước, trước hết cần đánh giá từ hiệu quả của khu vực này với nền kinh tế. Với tư cách là thành phần kinh tế chủ đạo, kinh tế nhà nước đã làm gì, đem lại những gì cho nền kinh tế. 10 năm qua nền kinh tế có tăng trưởng, nhưng cấu trúc, mô hình tăng trưởng cũng như cơ chế phân bổ nguồn lực hầu như không thay đổi nhiều. Mặc dù khu vực kinh tế nhà nước được đánh giá tốt lên, nhưng phải theo chuẩn mực phát triển, phải đảm bảo cho Việt Nam cạnh tranh hơn, cho khu vực tư nhân tốt hơn.
Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, khái niệm cổ phần hóa đã được sử dụng quá lâu, nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa dù chỉ vài phần trăm cũng được coi là đã cổ phần hóa, trong khi việc cổ phần hóa như vậy không làm thay đổi cách phân bổ nguồn lực, thay đổi quản trị của doanh nghiệp như mục tiêu đặt ra, do đó không phát triển được thị trường.
Vì vậy, “sắp tới có thể chuyển sang khái niệm tư nhân hóa, với khái niệm này, thì quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mới có thể thực sự thay đổi nền tảng, thay đổi cấu trúc quản trị, tạo sự cạnh tranh trên thị trường”, PGS. TS Trần Đình Thiên đề xuất.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, doanh nghiệp nhà nước phải định vị vai trò của họ, đừng khóa cho họ vai trò thúc đẩy, dẫn dắt. Hay coi doanh nghiệp nhà nước có vai trò ổn định kinh tế vĩ mô là chưa hợp lý. Khi doanh nghiệp nhà nước được dùng làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, thì đương nhiên sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhà nước sẽ không tuân theo cơ chế của thị trường. Khi giá cả có xu hướng lên, thì doanh nghiệp nhà nước sẽ phải kìm giá, còn khi giá cả xuống, thì lại phải đẩy giá lên. Như vậy, sẽ làm cho thị trường trở nên méo mó hơn.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi tư duy về doanh nghiệp nhà nước, nếu cứ loanh quanh luẩn quẩn không đổi mới được dứt khoát, thì sẽ không bao giờ thay đổi được.
Đầu tiên, buộc những doanh nghiệp này phải hoạt động theo thị trường, đối mặt với cạnh tranh. Tức là, doanh nghiệp nhà nước được quyền tự chủ kinh doanh trong phạm vi, mục đích mà chủ sở hữu đặt ra, chứ không nên hành chính hóa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.
Thứ hai, cần giao cho doanh nghiệp nhiệm vụ cụ thể. Hãy giao cho doanh nghiệp nhà nước những nhiệm vụ đủ cao để chỉ người tài mới làm được. Đừng giao những nhiệm vụ đủ thấp để ai cũng có thể hoàn thành.
Thứ ba, về quản trị, với cách quản lý như hiện nay, thì không bao giờ có những nguyên tắc thay đổi, không bao giờ có được nếu chúng ta không thay đổi. Từ thực hiện quyền chủ sở hữu đến cách thức quản trị, quản lý nếu không thay đổi sẽ không bao giờ có được./.
Bình luận