Đà Nẵng quyết liệt thu hồi các dự án “đắp chiếu” trên địa bàn
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành quyết định triển khai Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn. Theo đó, Đà Nẵng tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thu hồi đối với các dự án đầu tư quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép. Đồng thời cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; không để phát sinh thêm và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; Nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án để phấn đấu tiết kiệm từ 10%-15% tổng mức đầu tư.
Thực tế tại Đà Nẵng đang có hàng loạt các dự án đắp chiếu trong thời gian dài. Đặc biệt một số dự án lớn thuộc các vị trí được xem là ‘đất vàng’ nhưng cũng chậm tiến độ hoặc nằm ‘bất động’.
Đà Nẵng đang có hàng loạt các dự án đắp chiếu trong thời gian dài
Một số công trình được xem là “đại dự án” đắp chiếu trong thời gian dài phải sang nhượng, đổi chủ để hồi sinh. Việc “thay tên đổi họ” các dự án với sự vào cuộc của các chủ đầu tư lớn được xem là hi vọng hồi sinh của nhiều dự án bất động sản ở Đà Nẵng trong thời gian tới.
Trước đó, TP. Đà Nẵng cũng đã yêu cầu dừng việc thi công và thu hồi giấy phép các công trình sát sân bay Nước Mặn. Việc xây dựng tại đây vốn được dư luận rất quan tâm trong suốt năm 2015.
Cũng theo Quyết định này, Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng, xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí; tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia; không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, không khả thi; ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả, cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lắp, kém hiệu quả.
Thực hiện mua sắm tập trung đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục mua sắm tập trung được cấp có thẩm quyền công bố; trang bị phương tiện vận tải, trang thiết bị theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định; tổ chức rà soát, sếp xếp và xử lý số xe ô tô hiện có của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đảm bảo hạn chế tối đa việc mua sắm mới.
Tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; đăng ký và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý (từ 5% trở lên), phấn đấu thực hiện tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, chi chiết khấu thanh toán, chi phí năng lượng.
Các cơ quan đơn vị xây dựng quy chế sử dụng điện năng, nước sinh hoạt; nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc sử dụng điện năng, nước sinh hoạt.
Phấn đấu thực hiện chỉ tiêu tinh giản 1,5% so với số biên chế được giao. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định./.
Bình luận