Đại dịch Covid-19 khiến cho nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều khó khăn
Sáng ngày 28/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Báo cáo Nghèo đa chiều Việt Nam 2021 - thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững theo mọi chiều cạnh và mọi nơi ở Việt Nam.
Báo cáo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF/VASS).
Với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách. Tuy nhiên, tình trạng nghèo tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số và dân cư các vùng ven biển, hải đảo là một thách thức đối với Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều khó khăn.
Lễ công bố Báo cáo Nghèo đa chiều Việt Nam 2021. |
Báo cáo Nghèo đa chiều Việt Nam 2021 cho thấy, trong thập kỷ qua, thành tựu nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào. Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Hơn nữa, trong khi 1/10 người nghèo về thu nhập trong năm 2014, nhưng một nửa trong số họ đã thoát nghèo bền vững trong thời kỳ trước đại dịch.
Nhìn chung, Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo đa chiều nhờ tăng việc làm năng suất cao; Cải thiện các dịch vụ xã hội; và Mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội.
Song, mặc dù có những tiến bộ đáng kể về tổng thể, nhưng tính dễ bị thương và tình trạng bất bình đẳng vẫn đang là những thách thức đáng kể. Tình trạng nghèo về thu nhập thoáng qua đã tăng lên đáng kể trong đại dịch Covid-19, đặc biệt đối với người di cư và nhóm dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nghèo đói giảm trên diện rộng, nhưng vẫn còn cao ở một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, tỷ lệ nghèo đa chiều của dân tộc H’Mông vẫn ở mức cao 45,1% vào năm 2020, mặc dù đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2012-2020. Ngoài ra, có tới 1/5 người Khmer, Dao và các đồng bào dân tộc thiểu số khác thuộc diện nghèo đa chiều trong năm 2020.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy, chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực giáo dục đang gia tăng, nhưng bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ và thiết bị vẫn là một thách thức. Sự phân chia kỹ thuật số càng sâu hơn trong thời kỳ Covid-19. Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đã được cải thiện, nhưng vẫn còn chênh lệch, đặc biệt là giữa y tế tuyến trên và y tế cơ sở. Về bảo trợ xã hội, các chương trình hỗ trợ tiền mặt có phạm vi bao phủ hạn chế và lợi ích thấp. Người di cư không được nhận trợ cấp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ hộ nghèo là do biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua. |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, có nhiều nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua. Còn nguyên nhân chủ quan cũng có thể là do chúng ta thay đổi tiêu chí do các cam kết với quốc tế hoặc do quyết tâm thay đổi tiêu chí thì tỷ lệ hộ nghèo cũng tăng lên. Điều này xuất phát từ mong muốn được đưa đời sống của bà con nâng cao hơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh hy vọng, Báo cáo Nghèo đa chiều Việt Nam 2021, sẽ chỉ ra được những tồn tại căn bản, các nguyên nhân chính của nghèo đa chiều vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Việt Nam, từ đó đề xuất các phương hướng, biện pháp, công cụ hữu hiệu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh vùng vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện thành công Đề án Tổng thể và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, chính sách dân tộc khác.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đánh giá, Báo cáo cung cấp những phân tích chi tiết về việc làm năng suất, dịch vụ xã hội và an sinh xã hội cho mọi người và đây được coi như giải pháp hữu hiệu để duy trì thành tựu giảm nghèo đa chiều và đổi mới hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, khuyến nghị duy trì tốc độ giảm nghèo nhanh ở mọi khía cạnh và mọi nơi trong đó có các giải pháp hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới.
Khuyến nghị chính cho nỗ lực tăng tốc giảm nghèo ở mọi khía cạnh, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP, bà Kanni Wignaraja cho rằng, các nỗ lực đầu tư và chính sách là cần thiết để khuyến khích và cải thiện việc làm năng suất cao; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng và nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu vùng xa. Đồng thời, mở rộng bảo trợ xã hội, không phải là tạm thời để ứng phó với các cuộc khủng hoảng, mà như một hệ thống thường trực linh hoạt và mở rộng hơn; mở rộng việc sử dụng số hóa trong việc thực hiện, trong kinh tế tri thức, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và mở rộng quy mô đối với các thí điểm thành công vì và do các cộng đồng dân tộc thực hiện./.
Bình luận