Đại học Công nghiệp Hà Nội thành công với mô hình đào tạo Đại học - Doanh nghiệp: Chìa khóa phát triển nhân lực thời kỳ 4.0
PGS.TS. Trần Đức Quý, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội |
PV: Thưa PGS.TS. Trần Đức Quý, hiệu quả của việc thực hiện mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được thể hiện cụ thể ở những mặt nào?
PGS.TS. Trần Đức Quý: Nhận thức rõ được vai trò của việc gắn kết doanh nghiệp trong quá trình đào tạo của Nhà trường, ngay từ năm 2014, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thành lập Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp, với sự đầu tư về con người, cơ sở vật chất, để hình thành một bộ máy chuyên nghiệp, với mục tiêu hướng đến nền kinh tế tri thức, đồng thời cũng là chìa khóa thực hiện mô hình đại học định hướng ứng dụng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự hợp tác sâu rộng đã giúp cho Nhà trường nắm bắt nhu cầu ngành nghề của doanh nghiệp; phản hồi của doanh nghiệp về năng lực sinh viên, về chương trình đào tạo để cải tiến chương trình đào tạo và mở ngành, nghề phù hợp.
Hợp tác doanh nghiệp đã giúp 100% sinh viên của Trường được thực tập tại doanh nghiệp. Sinh viên được tham gia trực tiếp vào chu trình sản xuất, kinh doanh, được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, nâng cao kiến thức kỹ năng, rèn luyện ý thức tác phong công nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm trong các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; ĐHCNHN phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các chương trình tuyển dụng nhân sự.
Hàng năm, nhà trường tổ chức hàng chục hội thảo tuyển dụng cho hàng nghìn sinh viên. Ngày hội việc làm Đại học Công nghiệp Hà Nội năm 2022 với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, mang đến 8.500 cơ hội việc làm cho sinh viên.
Ngày hội việc làm Đại học Công nghiệp Hà Nội năm 2022 có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, mang đến 8.500 cơ hội việc làm cho sinh viên |
PV: Thưa PGS, để có được những kết quả đó, nhà trường đã thực hiện việc gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo cụ thể như thế nào?
PGS.TS. Trần Đức Quý: Khi xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường mời các chuyên gia, nhà quản trị doanh nghiệp và các doanh nhân giỏi tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, nắm bắt yêu cầu rất cấp thiết của DN, đặc biệt là các DN công nghiệp phụ trợ trong giai đoạn ứng dụng cuộc CMCN lần thứ tư.
Nhà trường cũng thường xuyên mời các nhà quản trị giỏi về để nói chuyện với sinh viên, đặc biệt là doanh nhân, cựu sinh viên nhà trường, bởi đây là những tấm gương thành đạt đáng để noi theo, vừa thể hiện sự gắn kết giữa các thế hệ sinh viên, vừa để các em sinh viên có động lực đoàn kết, cố gắng và có định hướng sớm hơn cho công việc trong tương lai.
Hoạt động hợp tác doanh nghiệp còn là cầu nối đưa sinh viên đi học tập, làm việc tại nước ngoài. Công ty LETCO - doanh nghiệp trực thuộc trường đã thực hiện tốt vai trò khép kín quá trình đào tạo, mỗi năm đưa trên 3.000 lao động đi học tập, làm việc tại nước ngoài, tập trung vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Lễ bàn giao thiết bị Phòng thực hành SMC Automation trị giá hơn 2 tỷ đồng giữa Công ty TNHH SMC Corporation Việt Nam và Đại học Công nghiệp Hà Nội |
PV: Hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Nhà trường đã có những bước đi như thế nào để tận dụng tối đa sự hợp tác của Doanh nghiệp trong việc tạo cơ sở vật chất để phục vụ quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?
PGS.TS. Trần Đức Quý: Với phương châm, hợp tác với doanh nghiệp để đôi bên cùng có lợi, Nhà trường cũng mong muốn, kêu gọi hợp tác của DN ủng hộ nhà trường trong việc tạo cơ sở vật chất để phục vụ quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, DN sẽ lựa chọn được người quản trị, kỹ sư, cử nhân giỏi để về làm cán bộ nòng cốt phát triển doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và Nhà trường chia sẻ với nhau các kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đây là vấn đề đòi hỏi phải có sự gắn kết sâu, giữa các nhà giáo, cán bộ viên chức giữa các trường, các DN. Đây là một thị trường mà chúng tôi dự đoán trong thời gian tới nhu cầu rất lớn, các DN cũng rất cần các nhà khoa học trong nhà trường, có những đề xuất, những giải pháp công nghệ mới để ứng dụng vào DN và ngược lại cũng giúp cho các nhà khoa học của Trường có cơ hội tìm kiếm được sự đầu tư về vốn, khoa học công nghệ cũng như cơ sở vật chất, giúp nhà khoa học có điều kiện sáng chế ra cái mới, nghiên cứu mới để hai bên cùng phát triển.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Trần Đức Quý.
Bình luận