Đắk Lắk phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2018 từ 7,8%-8%
GRDP năm 2017 tăng trưởng 7,52%
Theo Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, tổng sản phẩm xã hội năm 2017 (GRDP - theo giá so sánh 2010) đạt 47.761 tỷ đồng, đạt 99,69% kế hoạch, tăng trưởng kinh tế 7,52%, trong đó: Ngành nông, lâm, thủy sản đạt 19.468 tỷ đồng, bằng 98,92% kế hoạch, tăng 4,25% so với thực hiện năm 2016.
Ngành công nghiệp - xây dựng đạt 7.998 tỷ đồng, bằng 106,43% KH, tăng 10,06% so với thực hiện năm 2016. Ngành dịch vụ đạt 19.240 tỷ đồng, bằng 99,28% kế hoạch, tăng 9,97% so với thực hiện năm 2016.
Riêng thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) đạt 1.055 tỷ đồng, bằng 79,03% kế hoạch, tăng 7,22% so với thực hiện năm 2016.
Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản đạt 42,51%; công nghiệp, xây dựng đạt 16,01%; dịch vụ đạt 39,29%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) đạt 2,19%.
GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 38,46 triệu đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 22.729 tỷ đồng, đạt 100,22% kế hoạch, tăng 33,63% so với thực hiện năm 2016.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thực hiện 65.083 tỷ đồng, đạt 110,69% kế hoạch, tăng 12,42% so với thực hiện năm 2016. Tổng kim ngạch xuất khẩu thực hiện 575 triệu USD, đạt 100,9% kế hoạch, tăng 4,55% so với thực hiện 2016. Tổng kim ngạch nhập khẩu thực hiện 38 triệu USD, đạt 316,7% kế hoạch, tăng 95,9% so với thực hiện 2016.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.145,506 tỷ đồng, đạt 114,3% so với dự toán HĐND Tỉnh giao, đạt 127,8% dự toán Trung ương giao, tăng 21,9% so với thực hiện năm 2016.
Đắk Lắk có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017
Năm 2017, toàn Tỉnh có trên 6.889 doanh nghiệp hoạt động, đạt 96,3% kế hoạch, tăng 10,47% so với năm 2016. Các cấp, các ngành và đoàn thể đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Với sự nỗ lực đóng góp của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn, hoạt động xây dựng nông thôn mới đang được triển khai thực hiện khá tốt.
Năm 2017, Đắk Lắk có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 20 xã có Quyết định công nhận), đạt tỷ lệ 20%, đạt kế hoạch đề ra. Toàn Tỉnh đạt 1.854 tiêu chí/2.888 tiêu chí, bằng 64,2%, tăng 50 tiêu chí so với cuối năm 2016; bình quân đạt 12,19 tiêu chí/xã, tăng 0,32 tiêu chí so với cuối năm 2016.
Bên cạnh đó, chỉ số PCI của tỉnh Đắk Lắk (năm 2016) đạt 58,62 điểm, xếp hạng 28/63 tỉnh thành, được xếp trong nhóm có chất lượng điều hành kinh tế Khá và xếp vị trí thứ 2 so với khu vực Tây Nguyên (sau tỉnh Lâm Đồng). Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư đã có bước đổi mới; ngoài việc tổ chức các hội nghị, biên tập tài liệu xúc tiến đầu tư, quảng bá trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và của Sở Kế hoạch và Đầu tư,... Trong năm, đã tổ chức các Đoàn công tác của tỉnh để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tại một số nước, như: Nhật
Năm 2017, toàn Tỉnh có 80 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 4.000 tỷ đồng; so với năm 2016, số lượng dự án tăng 25%, vốn đăng ký tăng 2,46 lần .
Trong năm, một số dự án lớn sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách đã hoàn thành đi vào hoạt động góp phần làm tăng nguồn vốn huy động toàn xã hội.
Đắk Lắk đã tiếp đón, cung cấp thông tin cho hơn 220 nhà đầu tư về môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và khả năng đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đã phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức tốt Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4; ký kết biên bản ghi nhớ, trao Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận đầu tư, Biên bản ghi nhớ cho 06 dự án, Hiện nay, các dự án này đang tiếp tục được triển khai. Nhìn chung, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều khởi sắc so với năm 2016, số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư nhiều hơn.
Định kỳ vào thứ 5 hàng tuần, UBND Tỉnh tổ chức họp để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Trong năm, đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cho 33 dự án đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: thủ tục hành chính còn bất cập; sự phối hợp giữa các Sở, ngành và địa phương liên quan chưa chặt chẽ dẫn đến chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư; chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, nên dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư; danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh chưa sát với thực tế, thiếu thông tin nhất là về hiện trạng địa điểm kêu gọi đầu tư.
Trong năm 2017, Tỉnh tiếp nhận 02 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 49,4 triệu USD, đưa tổng số dự án trên địa bàn lên 12 dự án do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với tổng vốn đăng ký 172,048 triệu USD (tăng 44,7% so với năm 2016), hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, môi trường…Tuy nhiên, trên thực tế có 02 dự án không còn triển khai thực hiện do nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu đầu tư. Ngoài 02 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong năm 2017 còn có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án thuộc lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, chế biến sản phẩm nông nghiệp, sân tập golf...
Trên địa bàn Tỉnh hiện có 19 dự án, chương trình ODA đã và đang được triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 5.883 tỷ đồng; trong đó, vốn ODA là 4.718 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại đã có 04 chương trình, dự án hoàn thành; 13 dự án, chương trình đang triển khai thực hiện, 01 dự án ký hiệp định vào tháng 5/2017.
Bên cạnh đó, quản lý hoạt động của các tổ chức NGO trên địa bàn Tỉnh cơ bản thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở danh mục 131 dự án kêu gọi viện trợ NGO giai đoạn 2017-2018 được UBND Tỉnh phê duyệt, năm 2017, Tỉnh đã tiến hành phê duyệt tiếp nhận 11 khoản viện trợ (trong đó có 09 khoản viện trợ phi dự án và 02 dự án hỗ trợ kỹ thuật) với tổng giá trị đăng ký 2.528.625 USD từ 09 tổ chức PCPNN (trong đó 01 khoản viện trợ bằng hiện vật). Hiện Tỉnh đang triển khai thực hiện 21 khoản viện trợ (18 nhà tài trợ) với tổng giá trị cam kết hơn 3.995.073 USD.
UBND Tỉnh đã đồng ý chủ trương lập đề xuất dự án đối với 05 dự án theo hình thức PPP. Tuy nhiên, do Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi, điều chỉnh Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để làm rõ một số điểm chưa rõ ràng, còn bất cập. Vì vậy, UBND Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành rà soát lại danh mục, xác định dự án đủ cơ sở thực hiện theo hình thức PPP phù hợp với quy định của pháp luật và điều chỉnh hình thức thực hiện các dự án không thuộc hình thức PPP.
Tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2018
Năm 2018, Đắk Lắk đặt ra các chỉ tiêu về GRDP (theo giá so sánh 2010) đạt 51.480 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế từ 7,8 - 8% so với thực hiện năm 2017.
Cơ cấu kinh tế (giá hiện hành): Nông - lâm - thủy sản đạt 41,5%; Công nghiệp - xây dựng đạt 16,1%; Dịch vụ đạt 40,2%; Thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) đạt 2,2%.
GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 41 triệu đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 27.720 tỷ đồng, bằng 35,1% tổng sản phẩm xã hội.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 68.020 tỷ đồng, tăng 4,51% so với thực hiện năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu 600 triệu USD, tăng 4,35% so thực hiện 2017. Tổng kim ngạch nhập khẩu 40 triệu USD, tăng 5,3% so thực hiện 2017. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.000 tỷ đồng, bằng 97,17% so với thực hiện năm 2017.
Phát triển doanh nghiệp, đến hết năm 2018, toàn Tỉnh có 8.050 doanh nghiệp hoạt động, tăng 16,85% so với thực hiện năm 2017.
Để đạt được các mục tiêu nói trên, Tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp dài hạn, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm hướng tới tăng trưởng cao và bền vững, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Đắk Lắk và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ. Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, chấp hành pháp luật. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công.
Tập trung nguồn lực đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách và đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách để từng bước xây dựng các công trình trọng điểm có tác dụng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn Tỉnh.
Trong đó, về nông, lâm, thủy sản, Tỉnh sẽ tập trung triển khai Kế hoạch của UBND Tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó tập trung đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, ứng dụng công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường.
Tập trung thực hiện chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; tăng cường áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn Tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả, bền vững. Tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà băng - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học), đẩy mạnh mô hình chăn nuôi trang trại, quy mô lớn; Kiểm soát dịch bệnh, tăng cường dịch vụ thú y, chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng. Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào; theo dõi chặt chẽvà thông báo diễn biến thời tiết cho người dân để chủ động trong sản xuất.
Về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Tỉnh sẽ tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế.
Thực hiện hoàn thành các đề án, quy hoạch, bổ sung các dự án điện năng lượng mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030. Hoàn thành dự án cấp điện 35 thôn buôn từ lưới điện quốc gia, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu số thôn buôn và số hộ được sử dụng điện.
Tăng cường hỗ trợ triển khai nhanh chóng thủ tục đầu tư, đôn đốc thực hiện đầu tư và hoàn thành đưa vào hoạt động một số dự án sản xuất, chế biến; đồng thời, tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư, đảm bảo thủ tục đầu tư các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời và các dự án sản xuất công nghiệp khác; kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư các dự án sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là Khu công nghiệp Phú Xuân, Cư M’gar; kiên quyết xử lý các dự án chậm đầu tư, đầu tư dở dang và ngừng sản xuất trong các cụm công nghiệp.
Về phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp lại, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 612/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 của UBND Tỉnh.
Đổi mới và thực hiện có hiệu quả Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp.
Tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích và tạo điều kiện thành lập mới hợp tác xã gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tập trung củng cố, hỗ trợ, tổ chức lại hoạt động của các hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã đã thành lập để tồn tại và phát triển.
Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng, dễ dàng trong các thủ tục để thúc đẩy, hỗ trợ các hộ kinh doanh đăng ký hoạt động theo hình thức doanh nghiệp. Hướng dẫn và hỗ trợ về nghiệp vụ sổ sách kế toán và kê khai thuế liên quan đến doanh nghiệp khi các chủ hộ kinh doanh chuyển sang lựa chọn đăng ký hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.
Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, năng lực quản trị kinh doanh và kế toán cho chủ doanh nghiệp và đội ngũ quản lý của doanh nghiệp. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và thực hiện hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp. Triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2019./.
Bình luận