Dương Hương Lam

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên

Email: duonghuonglam@tnut.edu.vn

Tóm tắt

Kiểm soát nội bộ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện công lập. Tuy nhiên, tại tỉnh Thái Nguyên, nhiều bệnh viện vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện kiểm soát nội bộ, dẫn đến những hạn chế trong quản lý và vận hành. Bài viết khái quát thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Từ đó, nghiên cứu và hoàn thiện công tác này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Từ khóa: kiểm soát nội bộ, bệnh viện công lập, tỉnh Thái Nguyên

Summary

Internal control is crucial in managing, effectively using resources, and improving service quality at public hospitals. However, in Thai Nguyen Province, many hospitals still face difficulties implementing internal control, leading to limitations in management and operation. This article summarizes the current situation of the internal control system at public hospitals in Thai Nguyen Province. From there, research and improve this work to improve operational efficiency and health care quality for people.

Keywords: internal control, public hospital, Thai Nguyen Province

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, hệ thống y tế công lập tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã có những bước tiến đáng kể về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ y tế và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần được cải thiện, đặc biệt là công tác kiểm soát nội bộ tại các bệnh viện công lập. Việc thiếu sót trong kiểm soát nội bộ có thể dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực, thiếu minh bạch trong quản lý tài chính, cũng như tạo điều kiện cho các sai phạm xảy ra. Kiểm soát nội bộ là một công cụ quan trọng giúp các bệnh viện công lập quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bệnh viện chưa thực hiện tốt công tác này, dẫn đến những hạn chế trong quá trình vận hành. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và hoàn thiện kiểm soát nội bộ tại các bệnh viện công lập tỉnh Thái Nguyên là cần thiết, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống y tế và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ TẠI CÁC BỆNH VIỆN CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

Đến hết năm 2023, Thái nguyên có 21 cơ sở y tế công lập cấp tỉnh và huyện (1 bệnh viện cấp trung ương, 11 bệnh viện cấp tỉnh, 6 trung tâm y tế cấp huyện và 3 bệnh viện cấp huyện – Phụ lục 1), 177 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 5 bệnh viện ngoài công lập, trên 450 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế, 125 phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền… Số lượng bác sĩ đáp ứng tỷ lệ 17 bác sĩ/10.000 dân. Trong đó ngành chú trọng vào nâng cao chất lượng y tế cơ sở gắn với bổ sung nhu cầu nhân lực thực tế. Hiện nay, tỷ lệ trạm y tế tuyến xã có bác sĩ làm việc đạt gần 88%; trên 95% thôn, xóm, tổ dân phố có nhân viên y tế thôn bản... (Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, 2024).

Theo nghiên cứu của tác giả, hiện nay, hoạt động kiểm soát nội bộ tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được đánh giá đại diện tại các bệnh viện: Bệnh viện tuyến trung ương: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; Bệnh viện tuyến tỉnh: Các bệnh viện đa khoa như Bệnh viện A, Bệnh viện Gang thép; Bệnh viện chuyên khoa: Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Nguyên; Bệnh viện tuyến huyện: Trung tâm y tế Thành phố Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa Phú Bình, Bệnh viện đa khoa Võ Nhai. Cụ thể như sau:

Môi trường kiểm soát

Cơ cấu tổ chức: Phần lớn các bệnh viện công lập tại Thái Nguyên tổ chức hệ thống quản lý dựa trên quy định của Bộ Y tế và các hướng dẫn quản lý tài chính công. Các vị trí lãnh đạo như Giám đốc, Phó Giám đốc và các trưởng khoa, phòng đều chịu trách nhiệm cụ thể về từng lĩnh vực hoạt động, nhưng mức độ phối hợp còn chưa đồng đều giữa các khoa, phòng. Tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cơ cấu tổ chức được thiết lập đầy đủ với các phòng ban chức năng (Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phòng Tài chính kế toán, Phòng Quản lý chất lượng) theo chuẩn của Bộ Y tế​. Tuy nhiên, tại các bệnh viện cấp huyện như Bệnh viện đa khoa Phú Bình, hay các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Y học cổ truyền nguồn nhân lực và sự phân công trách nhiệm còn hạn chế, dẫn đến việc kiểm soát nội bộ chưa thực sự hiệu quả.

Nhận thức và cam kết của lãnh đạo: Lãnh đạo các bệnh viện thường tập trung vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, sự chú trọng đến kiểm soát nội bộ trong các khâu tài chính, mua sắm, quản lý tài sản công còn hạn chế, dẫn đến những bất cập trong giám sát. Lãnh đạo các bệnh viện như Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A đã cam kết mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và áp dụng công nghệ số để quản lý​. Tuy nhiên, tại một số đơn vị cấp huyện, sự quan tâm đến hệ thống kiểm soát tài chính và quản lý rủi ro chưa được chú trọng đúng mức.

Quy định, chính sách nội bộ: Các bệnh viện đã xây dựng các quy trình cơ bản như quy trình quản lý chi tiêu, mua sắm thiết bị, thuốc men, nhưng việc thực thi còn phụ thuộc nhiều vào ý chí của lãnh đạo. Các bệnh viện lớn thường có quy trình quản lý rõ ràng, đặc biệt là trong mua sắm thiết bị y tế, nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu đồng bộ ở các đơn vị nhỏ hơn, như: Trung tâm Y tế Thành phố Thái Nguyên hoặc Bệnh viện Gang Thép. Ở các bệnh viện này các quy định này chưa đồng bộ và thiếu các công cụ hỗ trợ kiểm tra chéo để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Văn hóa tổ chức: Văn hóa tổ chức của nhiều bệnh viện công lập vẫn còn mang tính hành chính, thiếu sự năng động; đặc biệt, ở các bệnh viện nhỏ, môi trường làm việc còn nặng tính hành chính và thiếu năng động trong xử lý các vấn đề kiểm soát nội bộ. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, đặc biệt trong các lĩnh vực như xử lý khiếu nại, rủi ro tài chính hoặc sai sót trong điều hành.

Nhân sự và đào tạo: Nguồn nhân lực làm công tác kiểm soát nội bộ thường kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản. Điều này dẫn đến những hạn chế trong việc phát hiện và xử lý các rủi ro quản lý. Một số bệnh viện, như Bệnh viện Phục hồi chức năng, gặp khó khăn trong việc đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên sâu cho công tác kiểm soát nội bộ. Các nhân viên thường kiêm nhiệm nhiều vị trí, dẫn đến hiệu quả kiểm tra, giám sát không cao.

Quy trình đánh giá rủi ro

Quy trình đánh giá rủi ro tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhìn chung đã được triển khai theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tuy nhiên mức độ thực hiện và hiệu quả còn phụ thuộc vào từng đơn vị cụ thể.

Quy trình đánh giá tại các bệnh viện lớn

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Được trang bị đội ngũ nhân sự và hệ thống phần mềm hiện đại để hỗ trợ quản lý rủi ro, bệnh viện này đã thực hiện đánh giá rủi ro định kỳ. Các rủi ro chính được xác định bao gồm: Quá tải bệnh nhân dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ; Rủi ro tài chính liên quan đến việc thanh toán bảo hiểm y tế​; Sai sót y khoa trong các phẫu thuật phức tạp hoặc các dịch vụ kỹ thuật cao như chụp CT, MRI.

Quản lý sự cố y khoa: Bệnh viện ra Quyết định Ban chỉ đạo Thực hiện, quản lý hệ thống báo cáo sự cố y khoa; Xây dựng, phê duyệt và ban hành Quy trình, mẫu phiếu báo cáo sự cố y khoa; Tổ chức lớp Tập huấn Báo cáo sự cố y khoa. Tập hợp các báo cáo sự cố y khoa và tổ chức họp phân tích tìm ra nguyên nhân gốc sự cố y khoa; Thông báo cho các cán bộ y tế trong bệnh viện biết về các sự cố đã xảy ra.

Xây dựng các quy trình chuẩn để giảm thiểu rủi ro: Bệnh viện ra Quyết định Ban chỉ đạo Xây dựng các Quy trình chuẩn như: “Xây dựng và thực hiện quy trình chuẩn nhận diện đúng người bệnh”, “Xây dựng và thực hiện quy trình chuẩn cung cấp suất ăn bệnh lý cho người bệnh”,“ Quy trình khám bệnh”, Quy trình cấp thuốc”....

Bệnh viện A Thái Nguyên: Duy trì các quy trình kiểm tra và đánh giá rủi ro trong hoạt động điều trị nội trú và ngoại trú. Tuy nhiên, việc đánh giá chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu công cụ hiện đại để phân tích dữ liệu.

Quy trình đánh giá tại các bệnh viện tuyến dưới

Bệnh viện Đa khoa Phú Bình và Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên: Quy trình đánh giá rủi ro thường chỉ tập trung vào kiểm soát cơ bản như phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm trong bệnh viện. Việc đánh giá rủi ro tài chính hoặc chất lượng y khoa còn sơ sài, chủ yếu mang tính hình thức. Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên: Mặc dù có thực hiện các bước cơ bản trong quy trình đánh giá rủi ro, nhưng nhân lực thiếu kinh nghiệm trong kiểm soát nội bộ khiến việc thực hiện không đạt hiệu quả cao.

Phương pháp và công cụ: Các bệnh viện lớn thường sử dụng các công cụ công nghệ như phần mềm HIS (Hệ thống thông tin bệnh viện) để hỗ trợ quản lý rủi ro. Tuy nhiên, ở các cơ sở tuyến huyện, việc quản lý còn phụ thuộc vào báo cáo thủ công và kinh nghiệm của lãnh đạo.

Hoạt động kiểm soát

Phê duyệt và ủy quyền

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện A: Các quyết định liên quan đến mua sắm thiết bị, điều chuyển nhân sự hoặc sử dụng nguồn lực được phê duyệt qua các cấp quản lý và phải có hồ sơ minh chứng đầy đủ. Đặc biệt, các giao dịch tài chính đều cần sự đồng ý từ Ban Giám đốc và bộ phận tài chính​

Trung tâm Y tế Thành phố Thái Nguyên: Quy trình phê duyệt trực tuyến đang được áp dụng trong một số khâu để giảm thời gian xử lý và tăng tính minh bạch​.

Phân tách nhiệm vụ

Các bệnh viện như Đa khoa Gang Thép và Phú Bình đã áp dụng phân tách nhiệm vụ rõ ràng trong các khâu như: quản lý tài sản y tế, kế toán tài chính, và xử lý bệnh án. Điều này giúp hạn chế tối đa gian lận và sai sót​.

Quy trình ghi chép và báo cáo

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Hệ thống HIS (Hệ thống thông tin bệnh viện) được triển khai, đảm bảo hồ sơ y tế được ghi nhận đầy đủ, chính xác và dễ dàng truy xuất. Điều này giảm thiểu sai sót trong quá trình xử lý thông tin​. Hoàn thiện việc triển khai bệnh án điện tử (EMR) tại bệnh viện vào năm 2025.

Bệnh viện đa khoa Phú Bình đã sử dụng hệ thống bệnh án điện tử (EMR) để theo dõi bệnh nhân và lịch sử khám chữa bệnh.

Bệnh viện A: Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tinh gọn (LEAN) kết hợp hệ thống quản lý năng lực và chất lượng phòng xét nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 15189:2022. Bệnh viện sử dụng phần mềm (HIS), các phần mềm xét nghiệm (LIS), chẩn đoán hình ảnh (RIS-PACS) đảm bảo liên thông dữ liệu 2 chiều tốt, phòng máy chủ, hạ tầng tương đối rộng rãi, tất cả các cán bộ y tế có chức năng đều được cung cấp chữ kí số.

Bệnh viện Phục hồi chức năng và Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên vẫn duy trì ghi chép thủ công, gặp khó khăn trong việc chuẩn hóa và đồng bộ hóa dữ liệu.

Kiểm soát vật chất

Các biện pháp bảo vệ tài sản y tế được triển khai chặt chẽ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bao gồm hệ thống camera giám sát tại kho vật tư, kiểm kê định kỳ và phân quyền sử dụng tài sản​. Xây dựng, cải tạo sửa chữa Bệnh viện cần nghiên cứu bố trí khoa phòng khoa học, hợp lý, trước trong quá trình xây dựng có sự tham gia, giám sát của các đơn vị được sử dụng để đảm bảo công việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến chăm sóc, thăm nuôi được thuận tiện, viên chức các khoa, phòng, trung tâm thuận tiện trong quá trình giải quyết công việc có liên quan. Phương án thay thế nhanh các vật dụng hỏng hóc như bàn ghế, rèm mành, cửa che nắng ngay sau khi có đề nghị của đơn vị đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế bằng cách thực hiện 5S đối với tất cả các đơn vị và cán bộ, công chức Bệnh viện: Bệnh viện ra Quyết định Ban chỉ đạo thực hiện tiêu chuẩn 5S; gửi Thông báo triển khai thực hiện 5S toàn bệnh viện; Các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai 5S; Tổ chức ký cam kết thực hiện 5S giữa Lãnh đạo các đơn vị với cán bộ viên chức của đơn vị mình và giữa Giám đốc bệnh viện với Lãnh đạo các đơn vị; Các đơn vị thiết kế Slogan 5S và Ban quản lý dự án trung ương. in Slogan 5S cho tất cả các đơn vị treo tại đơn vị mình; Can thiệp 5S cho 7 khoa hệ nội ; Áp dụng bảng kiểm 5S +1 mới do Ban quản lý dự án trung ương xây dựng trong toàn BV bắt đầu từ tháng 7.2016; Đánh giá 5S hàng tháng; Tổ chức Hội thảo. Tổng kết, rút kinh nghiệm việc triển khai 5S theo quý, giữa năm, cuối năm và đề xuất khen thưởng (Bệnh viên Trung ương Thái Nguyên, 2024).

Các bệnh viện còn lại cả tuyến tỉnh và huyện chủ yếu tập trung bảo dưỡng định kỳ thiết bị y tế, đảm bảo chúng luôn sẵn sàng hoạt động​.

Kiểm tra độc lập

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra độc lập nhằm đánh giá hiệu quả của các hoạt động kiểm soát nội bộ, đặc biệt trong quản lý tài chính và chất lượng dịch vụ​.

Các bệnh viện tỉnh và huyện: Việc kiểm tra chủ yếu dựa vào các đoàn thanh tra nội bộ hoặc cấp trên nhưng hiệu quả chưa đồng bộ.

Thông tin và truyền thông

Hệ thống thông tin và truyền thông trong kiểm soát nội bộ tại các bệnh viện công lập đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch trong quản lý. Các nội dung chính được phân tích dưới đây:

Hệ thống quản lý thông tin hoạt động (Thu thập, xử lý và phân tích thông tin)

Với yêu cầu chuyển đổi số đặc biệt là dùng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều tích cực xây dựng hệ thống thông tin: hệ thống quản lý thông tin HIS được sử dụng ở hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, và PACS (Lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện C), bệnh án điện tử EMR (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Phú Bình) giúp thu thập dữ liệu tài chính, hồ sơ bệnh án, và báo cáo kiểm soát một cách đầy đủ và chính xác​.

Bệnh viện và Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên: Các báo cáo quản lý nội bộ và tài chính chủ yếu được thực hiện thủ công, với sự kiểm tra từ các bộ phận chức năng, đảm bảo tính toàn diện​. Dữ liệu từ các hệ thống quản lý được xử lý thông qua phần mềm để tạo ra các báo cáo phục vụ cho việc điều hành và ra quyết định. Điều này đảm bảo các thông tin đưa ra đều chính xác và kịp thời​. Tuy nhiên, do mới áp dụng nên một số nhóm nhân viên còn sử dụng chưa thành thạo, làm ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả công việc.

Truyền thông nội bộ

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A: Triển khai hệ thống quản lý thông tin nội bộ với sự tích hợp các kênh liên lạc, giúp truyền đạt nhanh chóng các chỉ đạo từ ban lãnh đạo xuống các bộ phận. Điều này hỗ trợ trong việc triển khai kịp thời các chính sách và hướng dẫn​.

Bệnh viện Phục hồi chức năng và một số bệnh viện tuyến huyện: Các thông tin nội bộ được chia sẻ chủ yếu qua các cuộc họp và thông báo giấy tờ truyền thống, chưa đồng bộ hóa với công nghệ thông tin.

Truyền thông bên ngoài

Đa số các bệnh viện đã xây dựng các kênh truyền thông với cộng đồng thông qua mạng xã hội, trang web chính thức, và các báo cáo định kỳ gửi cơ quan quản lý. Điều này tăng cường sự minh bạch và tạo mối liên kết tốt với các bên liên quan​. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện tuyến huyện và một số bệnh viện tỉnh vẫ truyền thông chủ yếu qua các báo cáo chính thức gửi lên cơ quan chức năng mà chưa có nhiều hoạt động tương tác trực tiếp với cộng đồng, các trang thông tin ít cập nhật mới.

Giám sát

Giám sát là một yếu tố quan trọng trong hệ thống kiểm soát nội bộ của các bệnh viện công lập, đảm bảo hoạt động của các bộ phận được kiểm tra và đánh giá một cách hiệu quả. Tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như Bệnh viện Đa khoa Trung ương, Bệnh viện A, Bệnh viện Gang Thép, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên, giám sát được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, bao gồm theo dõi và kiểm tra các hoạt động hàng ngày của các bộ phận, thực hiện kiểm tra định kỳ và bất ngờ để phát hiện sai sót và điểm yếu trong quy trình.

Cụ thể, các bệnh viện này đều áp dụng các công nghệ và hệ thống thông tin hiện đại để hỗ trợ giám sát và giảm thiểu sai sót. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, chẳng hạn, tham gia vào công tác giám sát tuyến dưới, triển khai các chương trình y tế và phòng chống thiên tai, đảm bảo mọi hoạt động tuân thủ quy định và đạt hiệu quả cao​

Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Nguyên cũng duy trì các cơ chế giám sát chặt chẽ, với sự tham gia của các chuyên gia và phần mềm quản lý giúp kiểm tra hiệu quả các dịch vụ y tế và hoạt động khám chữa bệnh​

Các hoạt động giám sát còn bao gồm việc đánh giá chất lượng dịch vụ y tế và báo cáo kết quả cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Nhờ vào việc kết hợp giữa giám sát thủ công và sử dụng công nghệ thông tin, các bệnh viện tại Thái Nguyên đảm bảo có những phản hồi kịp thời và điều chỉnh hiệu quả khi phát hiện vấn đề hoặc sai sót​.

Các báo cáo tự đánh giá giám sát việc thực hiện kiểm soat nội bộ của các bệnh viện được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế 6 tháng 1 lần.

Giám sát tại các bệnh viện công lập tỉnh Thái Nguyên đã có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt trong việc sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả giám sát và kiểm tra quy trình. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố cần cải thiện, đặc biệt là sự đồng bộ giữa các bộ phận và việc ứng dụng công nghệ thông tin đầy đủ hơn.

Đánh giá chung

Hệ thống kiểm soát nội bộ tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính và đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế. Nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A Thái Nguyên đã triển khai các biện pháp kiểm soát nội bộ theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ số và hệ thống quản lý chất lượng để cải thiện hoạt động kiểm soát.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện, đặc biệt là tại các bệnh viện tuyến huyện và các cơ sở chuyên khoa nhỏ. Cơ cấu tổ chức tại nhiều bệnh viện chưa thực sự đồng bộ, việc phân công trách nhiệm còn chồng chéo hoặc thiếu rõ ràng, dẫn đến hiệu quả kiểm soát chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức và cam kết của lãnh đạo bệnh viện về kiểm soát nội bộ chưa đồng nhất, nhiều đơn vị mới chỉ tập trung vào nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà chưa chú trọng đúng mức đến việc kiểm soát tài chính, quản lý rủi ro hay giám sát việc thực thi quy trình quản lý. Hệ thống đánh giá rủi ro tại các bệnh viện cũng chưa thực sự toàn diện, chủ yếu tập trung vào những yếu tố dễ nhận biết như quá tải bệnh nhân, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện mà chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ trong các khía cạnh tài chính, mua sắm vật tư hay quản lý tài sản công.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát nội bộ tuy đã được triển khai tại một số bệnh viện lớn nhưng ở các bệnh viện tuyến dưới vẫn còn nhiều hạn chế. Các hệ thống quản lý thông tin như HIS (Hệ thống thông tin bệnh viện) hay bệnh án điện tử (EMR) chưa được áp dụng đồng bộ, khiến việc lưu trữ, truy xuất dữ liệu và kiểm soát thông tin chưa thực sự hiệu quả. Hơn nữa, công tác giám sát nội bộ chưa được thực hiện thường xuyên, nhiều bệnh viện chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu từ cơ quan cấp trên, dẫn đến tình trạng kiểm soát chưa chặt chẽ, khó phát hiện kịp thời những sai sót hay gian lận trong quá trình quản lý. Một vấn đề đáng chú ý khác là nguồn nhân lực phục vụ cho công tác kiểm soát nội bộ còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, nhiều nhân viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, dẫn đến việc thực thi các biện pháp kiểm soát chưa đạt hiệu quả cao.

Nhìn chung, hệ thống kiểm soát nội bộ tại các bệnh viện công lập tỉnh Thái Nguyên đã có những cải tiến nhất định nhưng vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục. Việc hoàn thiện hệ thống này là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả quản lý, từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực và đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống y tế công lập trên địa bàn Tỉnh.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm hoàn thiện kiểm soát nội bộ tại các bệnh viện công lập tỉnh Thái Nguyên, cần triển khai một số giải pháp quan trọng. Trước tiên, các bệnh viện cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy trình, tiêu chuẩn kiểm soát nội bộ rõ ràng, minh bạch, phù hợp với đặc thù của ngành y tế. Đồng thời, cần đào tạo đội ngũ nhân viên quản lý có chuyên môn cao về kiểm soát nội bộ, đồng thời nâng cao nhận thức của toàn bộ cán bộ nhân viên bệnh viện về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định và quy trình nội bộ. Các công cụ kiểm soát như phần mềm quản lý bệnh viện và các hệ thống giám sát cần được đầu tư nâng cấp để theo dõi, kiểm tra và đảm bảo các quy trình được thực hiện một cách chính xác và hiệu quả. Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát độc lập và thường xuyên, từ đó kịp thời phát hiện các sai sót hoặc vấn đề phát sinh để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác kiểm toán nội bộ cũng là một yếu tố quan trọng, giúp đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng tài chính và các nguồn lực khác của bệnh viện./.

Tài liệu tham khảo

1. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (2024), Tài liệu về hệ thống kiểm soát nội bộ tại bệnh viện.

2. Bệnh viện A Thái Nguyên (2024), Báo cáo công tác kiểm soát nội bộ tại đơn vị.

3. Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên (2024), Số liệu thống kê về các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ngày nhận bài: 08/02/2025; Ngày phản biện: 15/2/2025; Ngày duyệt đăng: 13/3/2025


* Tác giả xin gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện nghiên cứu này.